Bí tích
Thánh Thể

Lm. Đỗ Xuân Quế O.P

 

Vào cuối năm 1989 tại Việt-Nam, cha Đỗ Xuân Quế O.P đưa cho tôi một xấp giấy nháp viết dở-dang về Bí-tích Thánh-Thể và nói thử tìm cách xem có thể in chui được không thì mới viết tiếp. Đồng thời tôi sẽ phải chịu trách-nhiệm trong việc đọc lại từng trang giấy nháp, sắp xếp bố-cục cho thành phần, chương, mục rành-mạch và nhất là lo tìm nơi in rồi phổ-biến; vì trước hết ngài còn bận làm việc trong Ủy-ban Phụng-tự để hoàn-tất cuốn Các Giờ Kinh Phụng-Vụ.
Đầu năm 1990, tập Bí-tích Thánh-Thể được góp mặt với những sách in chui khác, lặng-lẽ lưu-hành khắp nơi trong nước.
Đến nay, vì thấy rằng việc học-hỏi về những điều căn-bản trong Đạo là một nhu-cầu tâm-linh cấp-bách, nên kể từ số báo này, chúng tôi xin được giới-thiệu tập sách nhỏ này đến độc-giả Dân Chúa mỗi tháng và hoàn-toàn chịu trách-nhiệm về mặt bản-quyền của cuốn sách.
Phạm Minh-Tâm



Lời nói đầu
Thánh-Thể là Bí-tích được dùng nhiều nhất và có tầm quan-trọng lớn-lao đặc-biệt trong bảy Bí-tích Chúa Ki-tô đã lập. Cũng vì thế, từ bao đời nay, Hội-thánh vẫn dành cho Bí-tích này một lòng sùng-kính và một sự mến yêu tuyệt-đối.
Bí-tích này lại càng nổi bật từ sau công cuộc cải-tổ phụng-vụ của Công-đồng Va-ti-ca-nô II, một công-đồng hết sức chú-trọng đến địa-vị của Lời Chúa và Thánh-Thể trong đời sống Ki-tô hữu vì đó là hai bàn tiệc nuôi-dưỡng và cung-cấp sức thiêng cho khách lữ-hành trên đường dương-thế, đang dấn bước tiến về quê Trời.
Từ trước đến nay, các sách bàn về Thánh-Thể không thiếu, nhất là sách viết bằng La-ngữ và Anh, Pháp-ngữ. Nhưng sách viết bằng Việt-ngữ để bàn kỹ về vấn-đề này thực chưa có bao nhiêu. Vì thế, tập sách này muốn là một cố gắng bé nhỏ được góp phần vào một lãnh-vực đang còn nhiều khoảng-trống, với ba đề-mục thứ-tự bàn về:
Bí-tích Thánh-Thể trong Kinh-thánh.
Bí-tích Thánh-Thể trong đời sống và học-thuyết của Hội-thánh.
Những suy-tư thần-học về Bí-tích Thánh-Thể.

Người Công-giáo Việt-Nam xưa nay vẫn được tiếng là sùng đạo, nhất là siêng-năng xưng tội, rước lễ. Hàng Giáo-phẩm của chúng ta mỗi khi có dịp ra nước ngoài tiếp-xúc với các giám-mục đồng-liêu xem ra cũng lấy làm hãnh-diện về điểm này. Điều ấy thật là phải lẽ. Nhưng còn một điều cũng phải lẽ không kém là làm sao để việc hành-đạo không bị rơi vào tình-trạng vụ hình-thức một cách cứng-cỏi và hẹp-hòi. Muốn thực-hiện được như vậy thì bắt buộc chúng ta phải hiểu Đạo sâu-sắc hơn để nắm được phần tinh-tuý của Đạo rồi mới đem ra hành-xử trong cuộc sống.
Theo chiều-hướng này thì việc nghiên-cứu bí-tích Thánh-Thể cũng như các vấn-đề Đạo-học khác thật là cấp-thiết mà bất kỳ người tín-hữu nào cũng nên, cũng cần và có bổn-phận phải tìm hiểu như bổn-phận phải truy-tìm chân-lý vậy. Riêng với Bí-tích Thánh-Thể lại còn là sự gặp-gỡ thân-tình giữa Thiên-Chúa và con người, đồng thời cũng mở ra cho con người ngả đường hiệp-thông với tha-nhân nữa.

Phần thứ nhất
Bí-tích Thánh-Thể trong Kinh-thánh
Các chủ đề trong Cựu Ước
Giao-ước

Trong bữa Tiệc-ly, Đức Giê-su nói đến máu của Người, máu đổ ra để lập Giao-ước mới. Muốn hiểu ý của Người, chúng ta phải nhớ lại ý-nghĩa của giao-ước trong đạo Do-Thái.
Giao-ước tại núi Xi-nai là nền-tảng của đạo Do-Thái. Thiên-Chúa, sau khi đã cho ông Mô-sê biết danh Người là Đức Chúa và sau khi đã giải-thoát dân Do-Thái khỏi ách nô-lệ Ai-Cập, đã kêu mời họ lập với Người một giao-ước trong sa-mạc gần núi Xi-nai (Xh 19,24).
Trong miền Cận-đông thời cổ hay bị chiến-tranh tàn-phá nên ngoài các mối dây liên-hệ họ-hàng ra thì các thứ giao-ước là một bảo-đảm duy-nhất về tình tương-thân tương-trợ giữa người ta với nhau. Các nước chư-hầu cũng lập giao-ước với các vua mạnh thế hơn để được bảo-trợ và ngược lại họ cũng phải hứa giữ lòng trung-thành và tận-tâm phục-vụ vương-quốc lớn kia. Thiên-Chúa cũng đã dùng một hình-thức tương-tự như thế để bày-tỏ ý-định của Người ra cho đám dân Người đã chọn.
Trước hết, Thiên-Chúa đã bày-tỏ ý định lập một giao-ước với dân Do-Thái qua ông Mô-sê và cũng cho ông biết các điều-kiện. Nhưng điều-kiện đó là: dân Do-Thái phải tôn-thờ và phụng-sự Chúa là Chúa duy-nhất của họ, bằng cách tuân-giữ các điều răn của Người. Về phần Thiên-Chúa, Người sẽ nhận dân này là dân riêng, đồng thời sẽ che-chở, bao-bọc và thương yêu họ. Sau khi ông Mô-sê cho dân biết ý-định và điều-kiện của Thiên-Chúa thì họ đã hoan-hỉ đón nhận nên Thiên-Chúa đã truyền cho ông triệu-tập dân-chúng lại để long-trọng làm lễ giao-ước.
Theo phong-tục thời đó, nghi-lễ lập giao-ước được diễn ra như sau:
Người ta giết bò làm lễ-tế, ông Mô-sê lấy một nửa máu bò đổ lên bàn thờ, còn một nửa thì vảy lên dân-chúng và nói: ‘’Đây là máu giao-ước Đức Chúa đã thiết-lập với anh em, dựa theo những điều-khoản này...’’ (Xh 24, 8). Lập xong Giao-ước, các trưởng-lão ăn uống trên núi Thánh trước nhan Thiên-Chúa (Xh 24, 9-11).
Vậy Giao-ước giữa Đức Chúa và dân Do-Thái hệ tại lời cam-kết của Đức Chúa và của dân: Đức Chúa cam-kết bao-bọc, thương yêu, che-chở và đòi dân phải tuyệt-đối trung-thành; còn dân Do-Thái thì cam-kết giữ luật Giao-ước để trở thành dân thánh như chính Người là Đấng Thánh. Nhờ Giao-ước này, dân Do-Thái hiểu được ý-nghĩa về sự hiện-hữu của họ. Họ đã được giải-thoát khỏi những lo sợ về bất cứ thần thánh nào khi họ đã tìm được đá tảng vững chắc không thể lay-chuyển là chính Đức Chúa, nơi họ có thể nương thân.
Giao-ước này cũng tạo ra một mối giây liên-hệ mới giữa những người Do-Thái với nhau: từ nay chỉ những ai thuộc dân riêng của Thiên-Chúa mới được hưởng ơn tuyển-chọn. Từ chỗ kết-hợp với Thiên-Chúa, người ta đi tới chỗ hiệp-thông với tha-nhân là người cũng được hưởng ơn tuyển-chọn như mình.
Nhờ niềm tin vào Giao-ước, một giao-ước được đổi mới nhiều lần trong lịch-sử, mà dân Do-Thái đã thành một giống dân có đặc-tính đồng-nhất trong lịch-sử nhân-loại.

Các lễ-tế
Giao-ước tại núi Xi-nai cũng như các Giao-ước với ông Nô-e và ông Áp-ra-ham đều được đánh dấu bằng một lễ-tế. Việc dâng lễ-tế này mang một ý-nghĩa rất quan-trọng trong đạo Do-Thái, cũng như trong các tôn-giáo miền Cận-đông thời cổ.
Dâng lễ-tế bằng chiên bò và hoa trái cho các thần linh là một hiện-tượng tôn-giáo rất phổ-cập trên thế-giới và ý-nghĩa của hành-động này rất khác nhau, tuÿ theo quan-niệm riêng của mỗi tập-thể con người về tôn-giáo và cũng tuỳ-thuộc vào khung-cảnh của tôn-giáo mà lễ-tế đó được dâng-hiến.
Trong đạo Do-Thái, dâng lễ-vật không phải là để cung-cấp cho đủ những gì Thiên-Chúa cần, vì người Do-Thái biết rõ rằng Chúa-tể càn-khôn không cần đến lễ-tế của họ (Tv 50, 9-13). Dâng lễ-vật cũng không phải vì muốn làm nguôi cơn thịnh-nộ của Thiên-Chúa, một Thiên-Chúa ghen với hạnh-phúc của loài người, hoặc cũng không có mục-đích chiều theo ý-thích của vị Thiên-Chúa đó. Thiên-Chúa của Ít-ra-en là Thiên-Chúa tốt-lành, chính-trực, quý yêu sự sống, cho nên ý-nghĩa của việc dâng lễ-vật chính là dâng lên Thiên-Chúa một tặng-phẩm lấy trong những thứ quý nhất mà họ có để bày-tỏ lòng suy-tôn, thần-phục, tri-ân, cảm-tạ và nói lên nguyện-vọng của họ muốn phụng-sự Người, tuyệt-đối nhận Người làm chủ tất cả những gì họ có; đồng thời kêu xin đến lòng nhân-từ của Người để được sống trong vòng thân-mật với Người. Ngoài ra, dân Do-Thái ý-thức được họ là người có tội đã xúc-phạm đến Thiên-Chúa, nên họ cho rằng việc dâng lễ-tế là một cách-thế xin ơn tha-thứ và biểu-tỏ ý muốn sửa lại điều đã xúc-phạm.
Lễ-tế dâng kính Thiên-Chúa diễn ra bằng những nghi-thức tượng-trưng, làm cho lễ-vật dâng-hiến không còn mang giá-trị trần-tục mà chuyển sang phạm-vi thánh của Thiên-Chúa. Khi dùng chiên, bò làm lễ-vật thì không phải nhắm vào chiên, bò nhưng điều cốt-yếu là việc đụng chạm đến bàn thờ khi người ta rưới máu lên bàn thờ và đốt tất cả hay một phần của lễ-vật. Vì thế, ý-tưởng cho rằng tội của con người đáng phải chết thì đã được thay thế bằng cách chuyển sang lễ-vật dâng-hiến và lễ-vật bị thiêu để làm nguôi lòng Thiên-Chúa là một ý-tưởng hoàn-toàn xa-lạ với Kinh-thánh. Trong các nghi-thức sau này về con dê gánh tội (Lv 16,22) thấy hiện rõ ý-tưởng chuyển tội, nhưng con dê này bị nhiễm-uế rồi, không thể dâng lên Thiên-Chúa được nữa, nên nó bị đuổi vào sa-mạc. Trong tất cả các nghi-thức ấy, các thầy tư-tế đóng vai-trò trung-gian chính-thức, được quyền đặc-biệt lên bàn thờ để tế-lễ.
Người Do-Thái xác-tín rằng lễ-tế không phải chỉ là những nghi-thức thuần-tuý, mà ngược lại có công-hiệu riêng. Họ tin rằng Thiên-Chúa thưc-sự chấp-nhận các lễ-vật và ban ơn cho người dâng lễ. Tất nhiên công-hiệu này không diễn ra một cách máy-móc. Các ngôn-sứ thường-xuyên nhấn mạnh rằng một người hay một dân-tộc dâng lễ-tế mà chẳng lo sống trung-thành với Thiên-Chúa và tuân giữ luật của Người thì có dâng bao nhiêu lần cũng vô-ích, chẳng những thế còn làm cho Người nổi giận nữa. (Is 1, 11-14; Tv 51, 18-19). Công-hiệu-tính của lễ-tế dựa vào lòng trung-thành của Thiên-Chúa, Đấng đã muốn dùng lễ-tế làm nghi-thức lập giao-ước với dân; cho nên cũng vì thế mà phải lấy lòng trung-thành để dâng những lễ-tế này.
Dựa vào giá-trị duy-nhất của lễ hy-sinh trên thập-giá, Tân-ước quả-quyết rằng các lễ-tế trong Cựu-ước chỉ là hình-thức và tự chúng không thể bảo-đảm cho loài người ơn tha tội và sự sống đời đời trong vòng thân-tình với Thiên-Chúa. Những lễ-tế này chỉ hợp cho một dân còn đang sống trong vòng nô-lệ, chưa được làm con cái tự-do của Thiên-Chúa. Tất cả các hệ-thống phiền-toái về các lễ-tế của Cựu-ước cảm-động thật đó nhưng quá giới-hạn và lệ-thuộc vào những thói-tục của một nền văn-hoá quá riêng biệt, trong một hoàn-cảnh cũng riêng biệt và quá thiên về hình-thức bên ngoài nhưng nội-dung thiêng-liêng lại trống rỗng và đã bị Chúa Giê-su hủy-bỏ khi chính Người làm hiến-lễ bước vào cung-thánh vĩnh-cửu trên trời. Tuy nhiên, chính những lễ-tế này đã gợi ý cho tác-giả sách I-sa-i-a phần II và chính Chúa Giê-su diễn-tả hành-vi tối-thượng của Đấng Trung-gian duy-nhất.

III. BỮA ĂN THÔNG-CẢM
Hầàu hết các lễ-tế trong Đạo Cũ đều bao gồm một bữa ăn sau các nghi-thức tế-tự. Bữa ăn này đặc-biệt có tính cách tôn-giáo. Tiếp theo ngay sau khi đã vẩy máu các tế-vật lên bàn thờ và đốt một phần lễ-vật thì những người dâng lễ cùng ăn phần còn lại. Đây là lễ-tế bình-an hay lễ-tế thông-cảm (Lv 3) gọi là Zebah she lâmim. Trong những lễ-tế kiểu như thế này, lễ-tế chiên vượt qua là quan-trọng nhất vì trong đó khi tế-lễ, lễ-vật được chấp-nhận và trở thành sở-hữu của Chúa thì Người hoàn lại cho các người dâng lễ. Như vậy có thể nói là chính Chúa mời chúng ta dự tiệc của Người, nên việc ăn lễ-vật thánh-hiến sẽ tạo ra mối thông-cảm giữa Thiên-Chúa và người tham-dự, thành ra bữa tiệc thánh trong các tôn-giáo thường quan-trọng hơn cả việc tế-lễ chính vì ý-nghĩa của nó.
Ngay trong một bữa ăn bình-thường cũng có mang ý-nghĩa làà sự liên-lạc giữa con người với vũ-trụ chung quanh. Qua hình-thức bữa ăn, con người thấy rằng mình bị giới-hạn và thiếu-thốn và đã được nuôi sống nên cần phải dựa vào người khác . Trong bữa ăn, người ta chia-sẻ với nhau các thức ăn, cùng chuyện trò để hiểu biết nhau và mỗi người nhận ra trách-nhiệm phải duy-trì sự sống của mình và của người; từ đó phát-sinh mối thông-cảm và tình tương-thân tương-ái. Còn nếu là một bữa tiệc thánh thì ý-nghĩa lại càng sâu-sắc hơn.
Trong bữa tiệc thánh, mọi người xưng-tụng Chúa là nguồn mạch sự sống, là Đấng nuôi sống ta và liên-kết chúng ta. Vì thế, ‘’kẻ cùng chấm một đĩa với Chúa’’ trong bữa tiệc thánh mà lại phản-bội Nguời mới là một trọng tội
Nhưng cùng một lúc, bữa ăn cũng cho ta thấy tính-cách phù-phiếm, tạm-bợ của lương-thực dưỡng nuôi phần xác vì đời sống con người nếu chỉ được dưỡng nuôi bằng cơm bánh thì cũng không duy-trì được sự sống muôn đời. Bởi vậy cần phải có một thức ăn khác làm cho chúng ta được sống mãi.
Tuy nhiên, cho dù bữa ăn thường hay bữa tiệc thánh trong Cựu-ước cũng đều còn thiếu một hiệu-năng vĩnh-cửu. Hiệu-năng này chỉ có Bánh ban sự sống đời-đời do Đức Ki-tô mang lại mới kiện-toàn được và làm cho mối thông-cảm giữa con người với nhau đạt tới giá-trị vĩnh-cửu nơi Thiên-Chúa

IV. TƯỞNG-NIỆM
Dâng lễ-tế và cử-hành những bữa tiệc thánh là một phong-tục chung của các dân-tộc Cận-đông thời cổ. Phong-tục này lại còn thêm nét đặc-biệt nữa trong đạo Do-thái, vì các nghi-thức tế-tự có liên-hệ mật-thiết đến các hành-động của Chúa trong lịch-sử cứu-độ của họ. Chẳng hạn như khi ông Mô-sê dâng lễ tế bò là có liên-hệ đến mặc-khải của Chúa muốn lập một giao-ước với dân đã được Người cứu ra khỏi Ai-cập. Tất cả mọi lễ-tế khác dâng trong đền thờ theo nghi-thức của Mô-sê đều dựa trên giao-ước này và trên những hành-vi cứu-độ của Chúa đã được chuẩn-bị từ trước.
Trong các lễ-tế đó, nghi-thức chiên vượt qua chiếm địa-vị ưu-tiên (Xh 2, 1-51) vì nghi-thức này liên-hệ trực-tiếp đến biến-cố Chúa giải-thoát dân Do-thái khỏi cảnh nô-lệ Ai-cập. Lễ vượt qua đầu tiên cử-hành vào hôm trước ngày rời khỏi Ai-cập. Theo lệnh Chúa truyền, mỗi gia-đình phải tế-sát một con chiên, lấy máu bôi lên hai cánh cửa và ăn bánh không men với rau đắng. Đêm đó, Chúa bắt các con đầu lòng Ai-cập phải chết nhưng bỏ qua nhà các người Do-thái có bôi máu chiên. Vì thế, Pha-ra-ô phải để cho con cái Ít-ra-en ra đi.
Trong bài tường-thuật nghi-lễ này có một câu quan-trọng: “Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng-niệm, ngày đại-lễ mừng Đức Chúa. Qua mọi thế-hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này. Đó là quy-định cho đến muôn đời” (Xh 12,14)
Từ khi việc tế-tự được tập-trung ở đến thờ Giê-ru-sa-lem thì lễ Vượt-qua hàng năm đươc cử-hành vào ngày 14 tháng Ni-san (khoảng tháng Ba, tháng Tư dương-lịch) đã trở thành một đại-lễ hành-hương trên toàn-quốc. Người ta tế chiên trong đến thờ và vào buổi chiều, mỗi gia-đình họp nhau lại để long-trọng mừng lễ Vượt-qua theo nghi-thức như sau:
Gia-chủ đọc một lời kinh ngắn ca-tụng Chúa, rồi mọi người uống chén rượu đầu và ăn rau đắng nhúng trong một loại nước chấm mầu đỏ. Tiếp đến, người con út trong gia-đình đặt câu hỏi theo thông-lệ: “Nghi-thức này có ý-nghĩa gì?” (Xh 12,16). Gia-chủ nhắc lại các biến-cố lịch-sử đã qua để trả lời rằng con chiên là nhắc lại bữa ăn của cha ông lúc rời khỏi Ai-cập khi Chúa lướt qua nhà họ để đánh phạt những kẻ hà-hiếp họ và giải-thoát cho họ khỏi cảnh làm nô-lệ. Bành không men là nhắc lại những tấm bánh dự-trữ được làm vội vã lúc lên đường tiến vào Đất-hứa, đồng thời cũng gợi lại bánh man-na từ trời ban xuống khi bánh dự-trữ đã hết. Rau đắng nhắc lại những đau-khổ mà cha ông phải chịu trong sa-mạc. Nước chấm đỏ gợi lại những viên gạch đỏ phải sản-xuất khi còn ở Ai-cập.
Giải-thích những điều ấy xong thì hát Thánh-vịnh 113-114 và uống chén rượu thứ hai rồi bắt đầu bữa ăn chính. Gia-chủ cầm một miếng bánh, đọc lời kinh ngợi khen, bẻ bánh ra chia cho mọi người rồi ăn thịt chiên với các món ăn còn lại. Ăn xong thì đến ly rượu thứ ba gọi là ly rượu chúc-tụng. Gia-chủ và mọi người trong gia-đình cùng uống chén rượu này và hát Thánh-vịnh 115-118 để kết-thúc.
Bữa tiệc hiến-tế chiên vượt qua này mang tính-cách tưởng-niệm rõ-rệt, nhưng không phải là chỉ hướng về dĩ-vãng mà thôi. Thiên-Chúa ngày xưa đã cứu-vớt cha ông cũng chính là Thiên-Chúa đang hoạt-động bây giờ. Thành ra khi tưởng-niệm những biến-cố đã qua, người Do-thái bày-tỏ lòng trung-thành và niềm tri-ân của họ đối với Thiên-Chúa đã lập giao-ước với họ và cứu-vớt họ; đồng thời cũng xin Chúa nhớ lại lời cam-kết của Người đối với dân mà đến cứu giúpï. Bởi vậy, lễ tưởng-niệm của người Do-thái có hai mục-đích: chính họ nhớ lại những hành-vi cứu-độ ngày xưa của Chúa, đồng thời họ cũng xin Chúa nhớ đến lời đã hứa cũng như vì công-nghiệp của cha ông họ mà tỏ tình thương đôi với đàn con cháu.
Lời nguyện dâng lên Chúa để xin Người nhớ lại các lời hứa chiếm một phần quan-trọng trong đạo Do-thái (Xh 32,13; Dt 9,27; 2Sm 6,42; Tv 105, 8-42; 106,45; 111,5; 132,1; 2Mcb 1,2; Lc 1,72) và những lời xin Chúa đừng nhớ đến tội (Is 43,25; Br 3,5; Tv 25,7; 79,8; Is 64,9)
Nhưng ngoài mối liên-hệ với quá-khứ và hiện-tại, lễ tưởng-niệm của người Do-thái cũng có liên-hệ quan-trọng với tương-lai. Tất cả tư-tưởng đạo Do-thái đều hướng về vinh-quang của nước Thiên-Chúa trong thời Mê-si-a và cánh-chung. Các nghi-thức tưởng-niệm nhằm mục-đích làm cho triều-đại này mau tời và bảo-đảm vinh-hiển tương-lai cho những người tham-dự.
Tâm-trạng mong chờ này thật là mãnh-liệt trong thời-kỳ cử-hành lễ Vượt-Qua. Cuộc xuất-hành ngày trước bây giờ được nhắc lại chỉ là hình-ảnh tiên báo cho một cuộc xuất-hành mới vinh-hiển hơn nhiều (Gr 23, 7-8; Is 43, 16-20; 52,11-12). Người ta cũng chờ-đợi Đấng Mê-si-a đến bất-thình-lình trong đêm lễ Vượt-Qua. Người ta tin rằng chính Người sẽ tái-diễn cách lạ-lùng những phép-lạ đã xẩy ra trong cuộc xuất-hành, nhất la øphép lạ bánh man-na và Người sẽ thiết-lập nước Ít-ra-en vĩng-viễn trên toàn thế-giới.
Nghi-thức lễ tưởng-niệm của Do-thái chứa-đựng một năng-động mãnh-liệt với ba chiều-kích hiện-tại, quá-khứ và tương-lai. Ba chiều-kích ấy được liên-kết chặt-chẽ với nhau bởi lòng trung-thành không lay-chuyển được của Thiên-Chúa toàn-năng. Dựa vào sự xuất-hiện của Thiên-Chúa là Đấng hằng-hữu trong lịch-sử, lễ tưởng-niệm này nhắm tới giai-đoạn lịch-sử được hoàn-tất trong thời-gian vĩnh-cửu.
Tuy-nhiên, trong thời-kỳ Cựu-ước, lễ-nghi tưởng-niệm cũng có những nhược-điểm. Lời hứa, giao-ước và những hành-vi cứu-độ mà lễ-nghi đó gợi lại chỉ thu hẹp trong phạm-vi một dân-tộc và chỉ nhấn mạnh đến những ân-huệ tại-thế và vật-chất. Niềm hy-vọng đặt vào Đấng Mê-si-a mang mầu sắc cá-biệt, chính-trị và quốc-gia; nghĩa là Ít-ra-en phải thống-trị thế-giới và các dân-tộc khác phải phục-vụ họ.
Lễ tưởng niệm sẽ chỉ đạt tới những giá-trị thật của nó khi hành-vi cứu-độ gợi lên được ý-nghĩa của biến-cố độc-nhất “Thiên-Chúa hòa-giải với thế-gian” (2 Cr 5, 19) là mối hiệp-thông với Thiên-Chúa khiến mọi người đều được tới gần Chúa Cha nhờ trung-gian duy-nhất là Chúa Con hợp-nhất với Chúa Thánh-Thần, để “toàn thế-giới được biến thành dân của Thiên-Chúa, làm thành thân-thể của Chúa Ki-tô và đền thờ của Chúa Thánh-Thần” (L.G 17).

V. GIAO-ƯỚC MỚI

Khi Chúa lập giao-ước với dân là Người muốn muôn đời trung-thành và không hề lay-chuyển (Rm. 11, 29). Nhưng vì sự bất-trung của dân Ít-ra-en đã làm hỏng Giao-ước này. Trong thời-gian bị lưu-đầy, các ngôn-sứ ý-thức được rất rõ sự thất-bại đó nên đã làm những việc có tính-cách ngôn-sứ để nói cho dân biết thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ thế nào cũng bị phá hủy. Ngôn-sứ Giê-rê-mi-a đập vỡ một cái bình sành trước mắt mọi người và tuyên-bố: “Đây là lời chúa-tể thiên-binh. Ta sẽ đập vỡ dân này và thành này như người ta đập vỡ cái bình sành mà không ai hàn-gắn lại được nữa” (Gr 19, 10-11). Ngôn-sứ Ê-dê-ki-en cắt tóc mình đốt đi và nói lớn: “Đây là lời Đức Chúa. Này Giê-ru-sa-lem...ta sẽ loại bỏ nó không một chút xót-thương và sẽ không dung-tha nó. (Ed 5, 1-17). Những hành-vi này là những quyết-định cho số-phận của một dân-tộc khi đã được chọn mà bất-trung, bội-nghĩa.
Nhưng giữa cơn thảm-hoạ đó lại sáng lên một tia hy-vọng mới là dù cho loài người bất-trung, bội-nghĩa đến thế nào chăng nữa thì Thiên-Chúa vẫn không thể chối bỏ lòng trung-thành của Người được nên Người hứa sẽ lập một giao-ước mới, một giao-ước mà luật-lệ sẽ được ghi vào tâm-khảm, viết trong trái tim; Chúa sẽ tha-thứ tội-lỗi cho họ, sẽ đặt Thần-khí vào lòng họ và sẽ làm cho họ bước đi theo luật của Người. (Gr 31, 31-34; Ed 36, 23-32; 37, 23-38; Is 54, 7-10; 60, 19-22).
Đó chính là giao-ước mới và vĩnh-cửu mà Chúa Giê-su thiết-lập trong bữa Tiệc-ly, một giao-ước vượt lên trên mọi ràng-buộc và giời-hạn của một quốc-gia mà là trải rộng trên khắp cùng trái đât và đến mọi tâm-hồn.
VI. NGƯỜI TÔI TRUNG CỦA ĐỨC CHÚA
Trong phần thứ hai sách ngôn-sứ I-sai-a, cũng gọi là sách an-ủi Ít-ra-en, có đưa ra hình-ảnh lạ-lùng về Người-tôi-trung của ĐỨc Chúa. Bốn bài ca nói về Người-tôi-trung này là Is 42,1-9; 49,1-7; 50, 4-11; 52,13-15; 53,1-12 theo đó người này được Đức Chúa kêu gọi ngay từ lúc còn trong lòng mẹ (49, 1-5) và ban Thần-khí của Người cho ông (42,1). Người-tôi-trung này sẽ thiết-lập công-bình trên trái đất và các đảo xa-xăm sẽ chờ-đón lời ông giảng-dạy. Ông là người trong-trắng, khiêm-nhường, hiền-lành nhưng phải gánh chịu biết bao đau-khổ và chính ông sẽ hiến-dâng mạng sống làm lễ đền tội (53,1). Ông bị vùi-dập vì tội-lỗi chúng ta. Ông gánh lấy hình-phạt cho chúng ta được bình-an (53,4-6). Ông nâng-đỡ những người tội-lỗi (53,12) và chịu đau-khổ để làm cho muôn người được nên công-chính (53,11). Chúa chữa lành chúng ta một cách lạ-lùng (52,15) nhờ các thương-tích của ông và làm cho ông chiến-thắng vẻ-vang (53,12). Ông được Chúa chỉ-định làm giao-ước với dân và là ánh sáng của các dân-tộc (42, 6) và nhờ ông mà ơn cứu-độ của Chúa lan đến tận cùng trái đất (49, 6).
Danh-tính của Người-tôi-trung này là vấn-đề gây bàn-cãi. Nhưng có điều chắc-chắn là các Ki-tô hữu đầu tiên đã xác-tín rằng vị đó không là ai khác ngoài Đức Giê-su (Mt 3,16-17; 8,17; 26,63; 27, 38-60; Lc. 4,17-37; 24,25-26; Ga. 1,32-34; 8,12; Cv. 3,13; 8,32-33; 1Pr. 2, 22-25). Người ta đã dựa vào chính con người của Đức Giê-su để tin như vậy, cũng như trong bữa Tiệc-ly, Đức Giê-su đã tự nhận sứ-mạng là Người-tôi-trung của Đức Chúa, là lễ-vật hy-sinh. Như vậy, chính Người cụ-thể-hoá Giao-ước mới và trở thành điểm gặp-gỡ giữa Thiên-Chúa với loài người và ngược lại
VII. SỰ HIỆN-DIỆN CỦA CHÚA
Thiên-Chúa trong Cựu-ước là vị Thiên-Chúa đến gặp-gỡ loài người và các tổ-phụ vừa cảm thấy gần-gũi Người lại vừa rất kính sợ Người (St 28,10-22) qua hai đặc-tính căn-bản về sự hiện-diện của Chúa trong Ít-ra-en là siêu-việt và nội-tại.
Ông Mô-sê cũng cảm thấy Chúa hiện-diện một cách sống-động như lời Chúa hứa với ông “Ta sẽ ở với ngươi” (Xh. 3,12). Lều Hội-ngộ trong sa-mạc và đền thờ Giê-ru-sa-lem sau này là nơi Chúa hiện-diện qua một dấu hiệu vừa biểu-lộ nét siêu-việt, vừa có vẻ gần-gũi là đám mây đen che lều và đền thờ. Dân Ít-ra-en hãnh-diện vì có một vị Chúa thân-thiết với dòng sinh-mệnh họ như vậy (Dnl 4,7) với hòm bia và đền thờ là nơi hằng ngự của vị Chúa này (Xh 29,45-46; Lv 26,11-12). Nhưng Ít-ra-en không được dùng hình-ảnh để cụ-thể-hoá sự hiện-diện này cũng như không được biến sự hiện-diện đó thành sở-hữu “Trời là ngai Ta, đất là bệ dưới chân Ta. Các ngươi còn tính xây cho Ta ngôi nhà nào nũa” (Is 66,1-2). Cũng vậy, khi Đa-vít tính xây nhà cho Đức Chúa thì Người đã từ-chối qua miệng ngôn-sứ Na-than: “Ngươi sẽ xây nhà cho Ta ư? Đức Chúa sẽ làm cho ngươi một ngôi nhà” (2Sm 7,5-11). Vậy không phải người ta có thể bắt Chúa nhốt vào một căn nhà khi Chúa là Đấng toàn-năng đã hứa sẽ cho Đa-vít một dòng-dõi và Người sẽ là Cha của dòng-dõi đó ( 2Sm 7,14). Vì vậy sự hiện-diện của Chúa cũng phải là sự hiện-diện đặc-biệt “Đấng Tối-cao không ở trong những ngôi nhà do tay con người làm ra” (Cv 7,48). Chính vì ĐỨc Chúa muốn hiện-diện không phải như chúng ta nghĩ nên Kinh-thánh đã cho chúng ta biết sự hiện-diện của Chúa trong đến thờ như vừa có lại vừa không.
Đức Giê-su rất trọng-kính đền thờ, nhưng Người cũng muốn chúng ta hiểu rằng còn có một cái gì vượt quá sự tồn-tại giới-hạn của đền thờ. Khi Đức Giê-su đuổi bọn con buôn ra khỏi đền thờ là Người đã xoá bỏ và vuợt qua giới-hạn của biên-cương Do-thái: “Nhà của tôi phải được gọi là nhà cầu-nguyện cho mọi dân-tộc (Is 56,7; Mt 11,17); mọi dân-tộc sẽ đến đó để tế-lễ (Dc 14,16) và khi đó sẽ không còn bọn con buôn trong đền thờ nữa (Dc 14,21). Đền thờ Đức Giê-su nói đến ở đây không phải là đền thờ cũ do tay người phàm làm ra, mà là một đền thờ do chính Người xây-dựng lại trong ba ngày (Mc 14,51; Ga 2, 19-22). Đấy là chính thân xác Người đã chết và đã sống lại. Do bản-tính nhân-loại đã mặc lấy, Người sẽ ở với chúng ta cùng một thể khi Người vẫn ngự bên hữu Chúa Cha để nhờ Người mà chúng ta được đến cùng Chúa Cha (Dt 10,19-20) vì có Đấng Em-ma-nu-en (Thiên-Chúa ở cùng chúng ta) ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận-thế (Mt 28,20). Nơi đền thờ này, Đức Ki-tô - nhờ thần-khí của Người - sẽ quy-tụ các tín- hữu để cùng thành-lập một đền thờ thánh, một nơi Thiên-Chúa ngự đến cách đặc-biệt (Ep 2, 20-22; 1Pr 2,4-5).
A. CÁC BÀI TƯỜNG-THUẬT BỮA TIỆC-LY
I. BỐI-CẢNH CỦA BỮA TIỆC-LY
Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem lần cuối cùng để dự lễ Vượt-qua và lần nầy, Người công-bố Tin Mừng không chỉ bằng lời nói, bằng cử-chỉ qua cách hành-động mà còn bằng cả chính mạng sống của Người nữa. Trước đó, Tin Mừng của Người về Nước Thiên-Chúa, về tình yêu của Thiên-Chúa đối với loài người, về giá-trị tuyệt-đối của mỗi con người được Thiên-Chúa yêu thương vuợt lên trên những hình-thức lễ-nghi bên ngoài đã bị dân chúng và những người cầm quyền trong đạo cũng như ngoài đời của Ít-ra-en khước-từ và chối bỏ nên dù biết mình sẽ là nạn-nhân của việc công-bố Tin Mừng này, Đức Giê-su vẫn không lùi bước vì Người muốn đảm-nhận nhiệm-vụ Người-tôi-trung do Chúa cha giao cho. Đức Giê-su muốn biểu-lộ cách tuyệt-đối cho loài người thấy Thiên-Chúa là tình-yêu, là Đấng hy-sinh nộp mình để cứu-chuộc nhân-loại.
Vì biết rằng sắp đến giờ phải bỏ thế-gian để về cùng Chúa Cha, nên trước ngày đại-lễ, Đức Giê-su muốn cùng các môn-đệ từ-biệt trong một bữa ăn cuối cùng. Thánh Mác-cô (14,12) và Thánh Lu-ca dường như muốn cho thấy bữa ăn đó là một bữa ăn mừng lễ Vượt-qua có tính-cách nghi-thức. Nhưng Thánh Gio-an quả-quyết rằng người Do-thái đã mừng lễ Vượt-qua năm đó vào buổi chiều sau khi Đức Giê-su chịu chết (18-28), nghĩa là cái chết của Đức Giê-su trùng-hợp với lúc người ta tế chiên trong đền thờ. Tuy nhiên, nếu bỏ qua vấn-đề ngày tháng thì điều chắc-chắn vẫn là Bữa Tiệc-ly đã diễn ra trong bầu không-khí lẽ Vượt-qua. Có bốn bản văn nói đến khung-cảnh bữa tiệc trong đó Đức Giê-su đã có những lời nói vắn tắt và hai cử-chỉ làm các tông-đồ xúc-động: Mt 26,26-29; Mc 14,21-25; Lc 22,14-20; 1Cr 11, 23-25.

II. LAI-LỊCH CÁC BẢN VĂN
Lai-lịch của những bản văn trên đã được các nhà chú-giải xác-định, sau khi nghiên-cứu thật thật công-phu tỉ-mỉ. Dựa vào những chi-tiết liên-quan với nhau mà người ta chia ra thành hai nhóm: nhóm Phao-lô Lu-ca và nhóm Mác-cô Mát-thêu:
1 Cr, 23-25 và Lc 22, 19-20
Mc 14, 22-24 và Mt 26, 26-27
Bản văn cũ nhất là thư gửi giáo-đoàn Cô-rin-tô viết vào năm 57, gửi cho dân chúng Cô-rin-tô khi họ đã theo đạo từ năm 50, trong đó thánh Phao-lô nhắc lại giáo-huấn về bữa tiệc thánh ngày Chúa-nhật (11,20) và thánh-nhân quả-quyết đã được Chúa truyền cho những lời này. Đây không phải là mạc-khải riêng Đức Ki-tô dành cho thánh Phao-lô, nhưng là một truyền-thống đã lưu-hành trong Giáo-hội có từ thời Chúa Giê-su. Giọng văn không có vẻ gì là của thánh Phao-lô, song những nét tương-đồng với ba đoạn văn khác cho thấy đó là một bản văn lấy từ một bản văn phụng-vụ trong các cộng-đoàn Ki-tô hữu thời bấy giờ. Thánh Phao-lô đã được nghe nói đến bữa tiệc của Chúa khi trở lại Đa-mát vào khoảng năm 35 và chắc đã tranh-luận vời thánh Phê-rô khi lên Giê-ru-sa-lem vào năm 39. Hình-thức cụ-thể của bản văn Hy-lạp thánh-nhân trưng-dẫn có lẽ rút ra từ bản văn phụng-vụ của giáo-đoàn An-ti-ô-ki-a.Thánh Phao-lô biết ïrõ giáo-đoàn này vì chính họ đã đề-cử người đi truyền đạo.
Bản văn của thánh Lu-ca rất gần với bản văn của thánh Phao-lô nhưng xét theo văn-chương thì không phải là bản văn tuỳ-thuộc. Thánh Lu-ca là người gốc An-ti-ô-ki-a, lại là một nhân-chứng về lễ-nghi phụng-vụ trong bữa tiệc thánh cử-hành bằng tiếng Hy-lạp ở thành-phố này vào những ngày Chúa-nhật. Hai bản văn của thánh Phao-lô và Lu-ca có rất nhiều kiểu nói của ngôn-ngữ A-ram. Chẳng hạn như những chữ “trong máu tôi” là dịch từ chữ A-ram “bi dmi”, hoặc muốn đúng hơn thì phải dịch là “nhờ máu tôi”. Cho nên đây có thể là bản dịch từ bản văn bằng tiếng A-ram cổ thì đúng hơn.
Bản văn của thánh Mác-cô cũng giống bản của các thánh Phao-lô và Lu-ca ở ý chính, nhưng lại khác nhiều về chi-tiết như lời đọc khi cầm chén rượu. Nếu xét về văn-chương thì giữa hai bản văn của thánh Mác-cô và Lu-ca Phao-lô không có chút gì gọi là ảnh-hưởng lẫn nhau. Thánh Mác-cô giữ nhiều kiểu nói A-ram, trong khi thánh Phao-lô và Lu-ca lại bỏ đi. Ví dụ trong thánh Mác-cô là đọc lời chúc-tụng, còn trong thánh Lu-ca Phao-lô là tạ ơn. Ngoài ra thánh Mác-cô lại bỏ những chữ mà thánh Lu-ca Phao-lô giữ như khi Lu-ca Phao-lô nói là giao-ước trong máu tôi thì thánh Mác-cô lại là máu của tôi làm giao-ước.
Bản văn của thánh Mát-thêu thì dựa vào bản văn của thánh Mác-cô và thêm mấy chữ giải-thích. Sau đây có thể giản-lược những diễn-biến như sau:
Thời gian Diễn biến
Năm 30 Bữa Tiệc-ly
Năm 30-40 Bản văn bằng tiếng A-ram trong cộng-đoàn Giê-ru-sa-lem
Năm 43 Bản phụng-vụ bằng tiếng Hy-lạp ở Cô-rin-tô
Năm 50 Phao-lô giảng về bữa Tiệc-ly tại Cô-rin-tô
Năm 57 Viết thư Cô-rin-tô thứ nhất
Năm 70 Bản viết của thánh Mác-cô
Năm 80 Bản viết của thánh Lu-ca và Mát-thêu
Nhờ bốn bài tường-thuật này, trong đó đã ba bản là của các nhân-chứng độc-lập với nhóm các tông-đồ nên ta có thể từ đó lần trở lại những diễn-tiến nguyên-thủy của bữa Tiệc-ly mà các tông-đồ nhắc lại trong các cuộc “bẻ bánh” của cộng-đoàn Giê-ru-sa-lem. Bài tường-thuật tại đây ít ra cũng chứa đựng những yếu-tố chung trong cả bốn bài tường-thuật mà chúng ta có hiện nay. Hình-thức nguyên-thủy của bài tường-thuật này bằng tiếng A-ram đã được các tông-đồ và cộng-đoàn Giê-ru-sa-lem dùng nhiều lần trong các buổi họp có thể được ghi nhận như sau:Trong đêm bị nộp, Đức Giê-su cầm lấy bánh và sau khi đọc lời chúc tụng, Người bẻ ra, chia cho các môn-đệ và nói :anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy hiến-tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy”. Sau bữa ăn, Người cũng cầm lấy chén rượu làm như thế và nói “chén này là máu giao-ước của Thầy đổ ra để cứu-chuộc muôn người”
Những thay đổi khác nhau trong bốn bản văn này đối với chúng ta là một thứ ánh sáng giúp ta nhìn rõ hơn sự phong-phú chứa đựng trong cử-chỉ của Đức Giê-su.
III. Ý NGHĨA NGHI-THỨC TRONG BỮA TIỆC-LY
Bữa Tiệc-ly đã diễn ra như thế nào?
Đức Giê-su cùng với các môn-đệ vào bàn ăn. Khi bắt đầu bữa ăn chính, theo phong-tục của bữa tiệc Vượt-qua và các bữa ăn long-trọng, Người cầm một miếng bánh, đọc một kinh chúc-tụng tạ ơn (lời của bản kinh này nay không còn), rồi bẻ bánh nhưng không ăn mà trao cho các môn-đệ, kèm theo những lời không liên-quan gì đến việc được giải-thoát khỉi Ai-Cập: “Mời anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy hiến-tế vì anh em”. Sau đó, Đức Giê-su và các môn-đệ tiếp-tục bữa ăn cho đến khi xong bữa, Người cầm lấy chén rượu đỏ (chén thư ba), đọc một kinh chúc tụng tạ ơn nhưng không uống mà trao cho các môn-đệ và nói “Chén này là máu Giao-ước mới của Thầy đổ ra để cứu-chuộc muôn người”. Cuối cùng Người thêm vài câu nói về cuộc ra đi khỏi cõi đời này của Người và niềm hy-vọng về một đời sống mới cạnh Chúa Cha bên kia sự chết: “Thật, Thầy bảo anh em, Thầy sẽ không còn uống rượu nho này cho đến khi uống rượu mới trong Nước Thiên-Chúa” (Mc 14, 25). Vậy những cử-chỉ và lời nói này mang các ý-nghĩa như sau:
1. Đức Giê-su giữ sứ-mạng người tôi trung của Đức Chúa thực-hiện Giao-ước vĩnh-cửu
Cử-chỉ tượng-trưng của Đức Giê-su muốn nói lên rằng Người bằng lòng chịu chết để cứu-chuộc muôn người. Chữ “mình Thầy” theo nghĩa ngôn-ngữ Híp-ri ám-chỉ con người Đức Giê-su, con người có thể bị thương-tích và chịu chết. Chữ “bị nộp“ mang nghĩa thụ-động nhưng biểu-lộ niềm trọng-kính cho thấy chủ-động của hành-vi này là Chúa Cha đã “chẳng dung-tha Con Một mình mà lại trao nộp cho tất cả chúng ta” (Rm 8, 32) hoặc “Thiên-Chúa đã yêu thế-gian đến nỗi đã ban Con Một của mình” (Ga 3,16). Đức Giê-su đã tuyệt-đối tùng-phục Chúa Cha khi chấp-nhận hy-sinh để diễn lại thật hoàn-hảo tình yêu của Người đối với nhân-loại. Đức Giê-su chịu chết để cho loài người được hưởng nhờ qua công-nghiệp của mình (Is. 53,4-6 ; 10-11). Cử-chỉ trao bánh và rượu cho các môn-đệ để nói lên rằng chính Người sẽ là nguồn sống và sư hiệp-nhất giữa các ông.
Qua nghi-thức này, Đức Giê-su đã tỏ cho thấy Người bằng lòng nhận sứ-mạng Người Tôi Trung đau-khổ của Đức Chúa, chấp-nhận làm nạn-nhân, làm của lễ hy-sinh thay vì vẫn có thể từ chối không làm.
Tất cả những nét này còn nổi bật hơn trong nghi-thức về chén rượu khi Người nói “chén này là Giao-ước trong máu của Thầy”. Đây là Giao-ước mới đã từng được hứa qua miệng các ngôn-sứ Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en và I-sai-a. Giao-ước này bao gồm ơn của thần-khí đã hoàn-toàn được cụ-thể-hoá trong Người Tôi Trung của Đức Chúa. Khi đổ máu mình ra, Đức Ki-tô là hiện-thân của giao-ước. Chén rượu, hay đúng hơn là rượu trong chén, diễn-tả được hành-động hy-sinh mạng sống để cứu-chuộc các môn-đệ và muôn người. (Is 53, 11-22).
Cử-chỉ trao chén cũng như trao bánh nhấn mạnh đến sự-kiện lễ-tế này chính là lễ-tế của Đức Ki-tô để trở thành nguồn sống, thành mối dây hiệp-nhất và nguồn vui cho các môn-đệ. Người chấp-nhận hy-sinh mạng sống như hạt lúa miến phải chịu hư đi trong lòng đất thì mới sinh nhiều bông hạt (Ga 12, 24). Vậy Người chính là Giao-ước bình-an (Xh 37,26); là hệ-điểm quy-tụ tất cả nhân-loại trong một mối yêu-thương của Thiên-Chúa.
2. Đức Giê-su, lễ-phẩm của Giao-ước ( bản Mát-thêu - Mác-cô)
Bản văn của Phao-lô và Lu-ca dựa vào truyền-thống ngôn-sứ của Cựu-ước mà cao-điểm là người tôi trung của Đức Chúa; còn bản Mác-cô – Mát-thêu tuy vẫn nhắc lại truyền-thống này, nhưng lại bắt đầu từ điểm kết-thúc của truyền-thống tư-tế và các lễ-tế.
Những lời đọc khi nâng chén rượu trong bản Mác-cô hầu như đồng-nhất với những lời ông Mô-sê đọc khi làm lễ Giao-ước: “Đây là máu Giao-ước” (Xh 24, 8) và chỉ khác có một chữ nhưng lại là chữ quan-trọng của câu; đó là sở-hữu từ “của tôi” hay “của thầy”. Tuy của lễ lập-thành Giao-ước mới không còn là chiên, bò nữa mà là chính Đức Giê-su (Dt 9, 12-29; 10,29) nhưng chữ “Mình và Máu” làm cho chúng ta liên-tưởng đến hai phần của lễ-vật được hiến-tế khi trước là thịt đốt trên bàn thờ để chia ra cho những người dâng lễ và máu đổ ra trên bàn thờ; rồi bằng cử-chỉ và lời nói, Đức Giê-su tuyên-bố chính Người là của lễ lập-thành Giao-ước mới và là của lễ duy-nhất cho các môn-đệ được tham-dự vào Giao-ước này.
3. Đức Giê-su hiến mình làm của ăn và của uống
Mục-đích của Đức Giê-su trong bữa Tiệc-ly không phải chỉ là tuyên-bố một cách tượng-trưng rằng Người hoàn-toàn tuân-phục Chúa Cha; cũng không phải là để bày-tỏ một chân-lý trước mặt các môn-đệ mà còn là ban cho họ một món ăn và một thức uống. Cử-chỉ trao bánh, trao rượu cho các môn-đệ cùng với lời mời gọi tha-thiết “hãy cầm lấy mà ăn, hãy cầm lấy mà uống” cho thấy rõ ý định này. Trong bữa Tiệc-ly, Đức Giê-su tuyên-bố chính Người là Giao-ước mới, là của lễ duy-nhất để lập Giao-ước này, nhưng không phải chỉ cho mình Người mà là cho tất cả các môn-đệ tin vào danh Người. Đức Giê-su muốn cho họ tham-dự vào Giao-ước giải-thoát cũng bằng việc ăn lễ vật của giao-ước như trước kia người Do-thái được nhờ vào hiệu-quả của giao-ước cũ qua việc ăn thịt chiên bò đã dùng để tế lễ. Trong Giao-ước mới, Đức Giê-su vừa là giao-ước vừa là của tế-lễ nên Người đã phải dùng phương-thế mầu-nhiệm nhưng thực-tế là tự biến mình thành của ăn và của uống ngay trong bữa Tiệc-ly để nhờ vậy các môn-đệ mới được hưởng nhờ các ơn của Giao-ước mới khi được ăn lễ-phẩm hiến-tế. Vì vậy qua cử-chỉ và lời nói của Đức Giê-su ngay trong bữa Tiệc-ly, bánh và rượu đã trở thành thịt và máu để chia cho những người đồng bàn và như vậy các lời của Người phải có một sức mạnh lạ-lùng và hữu-hiệu mới thực-hiện được. Người Do-thái đã gán cho những lời nói một hiệu-năng lớn lao (xem St 27, 27 tt) và tuyệt-đối (St 1; Tv 33,6; Is 55,10-11) nếu đó đúng là Lời Chúa. Những lời của Đức Giê-su, con Thiên-Chúa, cũng có một hiệu-năng như vậy khi làm cho người đau được khỏi, người chết sống lại, sóng gió bão táp phải lặng yên (Mc 2, 5-12 ; 7,34-35 ; 9, 41-42; Lc 7, 14-15; Mt 8,3 và 21,29); nghĩa là nói làm sao sẽ xẩy ra đúng như vậy. Cho nên, khi Người nói bánh và rượu đã trở nên Mình và Máu Người thì hiệu-quả cũng không thay đổi.
Ngoài ra, để có thể biểu tỏ hữu-thể của mình dưới dạng thức ăn, Đức Giê-su cũng vẫn phải là một con người nào đó như Người đã mang lấy xác phàm trước kia. Của ăn là để cho người khác được nuôi sống chứ không để hiện-hữu cho chính mình và Đức Giê-su đã chuẩn-bị cả một đời người để nói những lời trao tặng trong bữa Tiệc-ly. Đức Giê-su đã đặt đời sống mình cho kẻ khác, đã không lo tìm kiếm chút gì cho chính mình mới có thể biến mình thành thức ăn nuôi sống kẻ khác được. Đức Giê-su chính là nơi gặp-gỡ trong liên-hệ Ba Ngôi Thiên-Chúa cũng như trong đời sống mỗi người chúng ta khi Người biến cái chết của chính mình thành một cuộc hiến-thân trọn vẹn cho loài người chúng ta để liên-kết chúng ta với Chúa Cha và giữa chúng ta với nhau. Trong Bí-tích Thánh-Thể, Đức Giê-su vừa là người mời ăn, vừa là của ăn vì chính Người cùng một thể là của lễ làm vừa lòng Chúa Cha và là thức ăn nuôi-dưỡng chúng ta
Những chất-liệu Đức Giê-su chọn để thánh-hiến lại không phải là chiên vượt qua mà là bánh và rượu, những thức ăn thông-dụng mà các dân-tộc miền Địa-trung-hải thường chia-sẻ với nhau trong những dịp thân-mật giữa bà con thân thuộc . Khi chọn bánh, rượu và bỏ một số yếu-tố trong nghi-thức Do-thái, Đức Giê-su cho thấy Người đã gắn liền với một gốc rễ sâu-xa và phổ-cập hơn của nhân-loại. Trong sách Sáng-thế (14, 18) có khuôn mặt kỳ-lạ của Men-ki-xê-đê, tư-tế thượng-phẩm của Thiên-Chúa mang bánh rượu đến và chúc-phúc cho ông Áp-ra-ham. Đức Giê-su lấy Thánh-vịnh 110 để áp-dụng cho chính mình (Mt 22, 44 ; 26,64) “Con là tư-tế đến muôn đời theo phẩm-hàm Men-ki-xê-đê”. Vậy Đức Giê-su dùng bánh rượu để tế lễ là Người muốn liên-kết với vai-trò của Men-ki-xê-đê, dù vai-trò tư-tế của Người trổi vượt hơn chức tư-tế của Giao-ước cũ.
Đối với người Do-thái thì việc Đức Giê-su mời các tông-đồ uống chén máu Người là một việc rất lạ-lùng chưa hế thấy khi phạm vào luật cấm của đạo cũ (St 9,4) không được uống máu vì theo lời Kinh-thánh giải-thích thì máu là nơi có sự sống và như vậy là độc-quyền của Thiên-Chúa. Đức Giê-su biết rõ lệnh cấm này nhưng Người chủ-ý vượt qua. Trong Giao-ước mới, chính nhờ cuộc vượt qua của Đức Giê-su về cùng Chúa Cha mà loài người được uống máu, tức là uống chính sự sống của Người để được sống đời đời.
Giao-ước mới được tập-trung vào Đức Giê-su vì chính Người vừa là giao-ước, là trung-gian của Giao-ước, là của lễ hoàn-thành giao-ước, là linh-mục cử-hành lễ-tế, là luật của Giao-ước và là sở-hữu cùng nguồn mạch Thần-khí . Chính vì vậy mà cách-thế hữu-hiệu nhất để cho các tín-hữu hội-nhập với Giao-ước này là bữa ăn do chính Đức Giê-su là thức ăn.
4. Cuộc tưởng-niệm của Giao-ước mới
Các cử-chỉ và lời nói của Đức Giê-su không phải chỉ nhắm vào các môn-đệ trong bữa Tiệc-ly vì nếu như vậy thì nghi-thức mới vẫn còn tính-cách tạm-bợ. Việc Đức Giê-su chịu chết và sống lại trùng-hợp với việc trao ban Thần-khí để khai-mạc Giao-ước mới. Nhưng Thần-khí chưa được trao ban ngay trong bữa Tiệc-ly và vì thế phải hiểu rằng các tông-đồ nhờ vào việc được thông-hiệp trong bữa Tiệc-ly mà được bảo-đảm để tham-dự vào chương-trình cứu-độ mới bằng cuộc vượt qua của Đức Giê-su. Như vậy là Người không chỉ nhắm vào các tông-đồ mà còn nhắm vào tất cả những ai tin vào Tin Mừøng sau này. Ý-nghĩa chính-yếu trong những lời Đức Giê-su đã nói nằm trong lệnh-truyền ở cuối câu là “anh em hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy”.
Trong bản của Mát-thêu- Mác-cô không có những lời như trên, nhưng chắc chắn khi được nghe thuật lại, các vị phải biết đến lệnh truyền ấy vì thời bấy giờ đâu đâu người ta cũng cử-hành bữa tiệc của Chúa cho nên nếu như chính Đức Giê-su không có lệnh truyền thì chắc chắn sẽ không một ai dám làm lại những củ-chỉ của chính Chúa như vậy. Bản văn của hai vị trưng-dẫn cho thấy rõ những nét của một bản văn dùng trong phụng-vụ mà trong đó những lời đọc khi làm phép bánh và rượu cùng song song với nhau.
Bữa Tiệc-ly diễn ra trong khung-cảnh lễ Vượt-qua là lễ hồi-tưởng Giao-ước cũ, nhưng sau khi Đức Giê-su đã lập Giao-ước mới thì nghi-thức tưởng-niệm cũ cũng được thay thế bằng nghi-thức diễn lại hy-lễ muôn-đời về Đấng Cứu-chuộc duy-nhất là Đức Giê-su đã chết và đã sống lại. Nghi-thức này là lời nguyện-cầu dâng lên Chúa Cha để xin Người nhớ mãi hành-vi cứu-chuộc của Đức Giê-su mà thu-nhận những ai giờ đây tham-dự nghi-thức tưởng-niệm Con Chúa đã chịu chết vì tội-lỗi loài người và đã sống lại để làm cho mọi người được nên công-chính. Đây chính là một bảo-chứng cho chúng ta được tham-dự bữa tiệc đời đời, trong đó Đức Giê-su sẽ uống rượu mới với chúng ta trong Nước của Cha Người.
Chữ “CHÚA” trở thành tên riêng của Đức Giê-su sau khi Người sống lại và nghi-thức tưởng-niệm có thêm tính-cách khải-hoàn được diễn ra vẫn với tên gọi cũ là “bữa tiệc của Chúa” hoặc cũng gọi là “lễ bẻ bánh” (Cv 2, 42-46 ; 20, 7-11) có ý để giữ bí-mật giữa các tín-hữu với nhau. Chữ này cũng diễn-tả cách mạnh-mẽ và khéo-léo về tinh-thần huynh-đệ, chia sẻ vì nghi-thức được diễn ra theo hình-thức một bữa ăn chung, chan-hoà niềm vui (Cv 2, 46). Các tín-hữu tin rằng Chúa Phục-sinh đang ở với họ, Người mời họ cùng ăn với Người và chính Người nuôi dưỡng họ, đổ tràn đầy Thần-khí trên họ, Người sẽ lại đến để đưa họ vào chốn vinh-quang với Người. Nền-tảng của tất cả mọi ơn này là cuộc vượt qua của Đức Ki-tô từ sự chết đến sự sống lại. Ba chiều-kích của cuộc tưởng-niệm này được diễn-tả một cách tài-tình trong câu nói của Thánh Phao-lô liền ngay sau bài tường-thuật bữa Tiệc-ly: “Mỗi lần anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan loan-truyền Chúa đã chịu chết cho tới khi Người trở lại” (1 Cr 11, 26).

CHƯƠNG III
GIÁO-LÝ CỦA THÁNH PHAO-LÔ VỀ BỮA TIỆC CỦA CHÚA

Do một sự tình cờ khi có những lạm-dụng trong Hội-thánh Cô-rin-tô liên-quan đến bữa tiệc của Chúa khi các tín-hữu đến hỏi thánh-nhân xem có được dự tiệc trong các đền thờ ngoại giáo hay không, cho nên ở chương 10 trong thư thứ nhất gửi tín-hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô đã chỉ-trích những lạm-dụng này; đồng thời trong chương 11, người cũng đề-cập đến một lạm-dụng khác là trong các bữa tiệc Thánh-Thể đã thiếu bầu không-khí huynh-đệ. Thánh-nhân đã không chỉ đưa ra những lời chỉ-dẫn thực-tế mà còn lý-giải đến những lý-do thần-học nữa. Nhờ vậy người ta mới có thể biết được quan-niệm của người về “Bữa tiệc của Chúa” như thế nào. Đây là một cách suy-luận vừa phù-hợp với truyền-thống và đồng thời cũng có tính-cách cá-nhân nữa.

A. Điều lạm-dụng thứ nhất
Có một số tín-hữu đi tham-dự các bữa tiệc cúng tế các thần-linh của người ngoài đạo tại những đền thờ của họ. Những tín-hữu này ỷ vào phép Rửa và quyền được tham-dự bàn tiệc thánh nên cho mình là những người sống theo thần-khí thì được phép làm mọi sự (1Cr 11,23).
Để làm sáng tỏ điều ngộ-nhận này, thánh Phao-lô đã dựa vào Cựu-ước để lý-giải về mối liên-hệ mật-thiết giữa các ân-huệ Chúa ban cho chúng ta qua các nghi-thức thánh-thiêng với đời sống thực-hành đức tin, đức ái, đức thờ-phượng và đức nhẫn-nhục ..v..v..Theo thánh-nhân, trong thời xuất-hành, dân Do-Thái đã nhận được những ơn đặc-biệt của Chúa và người đã kể ra những ơn này bằng từ-ngữ dùng trong Ki-tô giáo rằng mọi người “đã được chịu phép rửa trong đám mây và trong biển, nơi ông Mô-sê” . Điều này muốn nhắc đến cuộc vượt qua Biển Đỏ trong sách Xuất-hành khi “con cái Ít-ra-enđi vào giữa lòng biển ráo chân, nước sừng-sững như tường thành” (Xh 14,22); “Tất cả đều đã ăn một thức ăn thiêng-liêng” (Xh 16,4); “Tất cả đều đã uống cùng một thức uống thiêng-liêng” (Xh 17,6). Thánh Phao-lô còn thêm rằng tảng đá thiêng-liêng Khoreb ở Mê-ri-ba là “chính ĐứÙc Ki-tô”. Theo thánh Phao-lô, kể cả các ơn ích trong Giao-ước cũ, nếu có một giá-trị thật nào thì cũng đều bởi Đức Ki-tô mà ra. Nhưng dân Ít-ra-en tuy được những ơn như thế cũng vẫn quên bổn-phận phải sống trung-thành và thánh-thiện. Họ vẫn tiếp-tục say-sưa, dâm-đãng, kêu-ca, trách-móc và kết-quả là họ đã chết trong sa-mạc.
Nguyên-tắc dẫn-chứng như trên của thánh Phao-lô khi trình-bày các sự-kiện này đã được giải-thích rõ ràng rằng “những sự việc đó xẩy ra là để làm gương và được viết ra là để dạy dỗ chúng ta” (1Cr 10, 6-11). Nguyên-tắc này vừa diễn-tả sự khác-biệt, vừa cho thấy sự liên-tục giữa hai giao-ước vì các biến-cố trong Cựu-ước chỉ là hình ảnh, còn liên-tục là vì các biến-cố trong Cựu-ước tiên-báo những thực-tại của Tân-ước như phép Rửa, bữa Tiệc-ly để từ đó có thể rút ra những kết-luận về cách đối-xử của Chúa, của con người vẫn còn giá-trị cho chúng ta ngày nay. Thánh Phao-lô áp-dụng nguyên-tắc này vào vấn-đề đang tranh-luận như sau:
1. Dân Ít-ra-en đã nhận được những ơn của Chúa trong thời Xuất-hành. Đó là những mẫu tiên-báo các thực-tại tương-lai. Trong Tân-ước, các tín-hữu đã nhận được các ơn như phép Rửa, phép Thánh-Thể. Đó chính là những mẫu tiên-báo đã được thực-hiện.
2. Dân Do-Thái đã sống ngược lại với bổn-phận phải trung-thành và thánh-thiện để đối lại với các ơn họ đã nhận và họ đã chết. Trong Tân-ước cũng vậy, nếu người Ki-tô hữu sống trái với bổn-phận phải trung-thành và thánh-thiện vì những ơn đã nhận được thì họ càng đáng phải chết hơn nữa.
Trong trường-hợp thứ nhất, thì đó là một mẫu và một đối-mẫu hoàn-toàn do sáng-kiến của Thiên-Chúa. Trong trường-hợp thứ hai thì đó là một mẫu và đối-mẫu giả-định, hoàn-toàn tuỳ-thuộc nơi tự-do của con người để chọn lựa: nếu anh em làm như họ thì anh em cũng sẽ chết. Thánh Phao-lô đã trình-bày tư-tưởng như vậy để áp-dụng vào bữa tiệc của Chúa với những ý-nghĩa của nghi-thức này qua đoạn thư thứ nhất Cô-rin-tô 10, 16-17 như sau:

Khi ta nâng chén tạ ơn mà cảm-tạ Thiên-Chúa... đây chính là một kiểu nói của ngôn-ngữ Do-thái, ám-chỉ chén rượu trong bữa tiệc của Chúa cử-hành vào ngày Chúa-nhật, có đọc lời chúc-tụng và tưởng-niệm những biến-cố trong bữa Tiệc-ly mà ngày nay chúng ta gọi là “dâng Mình Máu Thánh Chúa”.
...há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô? Chữ dự phần ở đây có nghĩa là tham-dự, thông-cảm, hiệp-thông, cùng sở-hữu. Các Ki-tô hữu uống chén rượu là cùng tham-dự Máu Chúa Ki-tô.
Và khi ta cùng bẻ bánh thánh.. . động-từ “bẻ” được dùng trong các bài tường-thuật bữa Tiệc-ly và danh-từ “bánh” cũng cùng một gốc để chỉ bữa tiệc của Chúa.
...đó chẳng phải là dự phần vào Thân-thể Người sao? Đây chính là việc các Ki-tô hữu rước lễ ngày Chúa-nhật là cùng nhau chịu Mình Thánh Chúa Ki-tô.
Bởi vì chỉ có một tấm bánh...đây là tấm bánh duy-nhất mà mọi Ki-tô hữu cùng ăn, là thân-thể duy-nhất của Chúa Ki-tô phục-sinh dưới hình bánh sau khi truyền-phép.
...Và tất cả chúng ta chia-sẻ cùng một bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân-thể... Lời này xác-nhận rõ-ràng hiệu-quả lạ-lùng sau khi tín-hữu lãnh-nhận Mình Thánh Chúa Ki-tô, tức là cùng ăn một tấm bánh duy-nhất, mọi người trở nên một thân-thể trong Đức Ki-tô. Chúa Ki-tô phục-sinh kết-hợp với Giáo-hội và vì thế chính Người sẽ sống trong chúng ta, làm cho chúng ta sống bằng chính sự sống của Người. Thánh Phao-lô nhấn mạnh đến tình đoàn-kết giữa các Ki-tô hữu trong thân-thể duy-nhất của Đức Ki-tô, để có lý-do và bằng-chứng biện-bạch chống lại những thứ tự-do mà nhiều người tự cho là mình được ơn thiêng ban cho để muốn làm gì thì làm. Dựa vào những nguyên-tắc này, thánh Phao-lô đã giải-quyết vấn-đề trong các bữa tiện thánh (1 Cr 10, 18-21 ). Người muốn minh-chứng rằng tham-dự những bữa tiệc ngoài tinh-thần hiệp-nhất như thế là có tội và không phù-hợp với những nhu-cầu tâm-linh của một Ki-tô hữu khi dự tiệc của Chúa. Thánh Phao-lô còn dựa vào một sự-kiện trong Cựu-ước để dẫn-chứng thêm qua các câu như sau:
Câu 18: Anh em hãy coi Ít-ra-en xét theo huyết-thống. Những ai ăn tế-phẩm há chẳng phải là những kẻ được chia lộc bàn thờ sao? Chữ “bàn thờ”ø ở đây theo phong-tục Do-Thái có lẽ là một kiểu nói kính-cẩn để gọi Chúa; thành ra theo thánh-nhân thì việc ăn tế-phẩm trong Cựu-ước tạo ra một mối thông-cảm với Thiên-Chúa.
Với tư-cách là một người Do-Thái chính-thống, thánh-nhân coi tất cả các thần ngoại-giáo thể-hiện qua ngẫu-tượng là không có và việc ăn tế-phẩm đã dâng cúng cho một vị thần nào đó, ví-dụ thần Zeus chẳng hạn, chưa hẳn đã tạo ra được mối thông-cảm với thần ấy. Thánh-nhân đặt ra một số câu hỏi như sau:
Câu 19: Thề nghĩa là gì? Thịt cúng là gì? Ngẫu-tượng là gì? Câu trả lời ở đây chắc-chắn là “không”, nghĩa là chẳng là gì cả. Vì vậy, thánh Phao-lô đã cho phép mua thịt, kể cả thịt cúng, mà không phải áy-náy gì vì nếu ngẫu-tượng đã chẳng là gì cả thì nó cũng chẳng làm được gì. Dù vậy, đằng sau việc kính thờ ngẫu-tượng, thánh Phao-lô vẫn thấy có việc làm của ma quỷ, bởi vì người ta chỉ được thờ một Chúa chân-thật, duy-nhất mà sao lại đi thờ tượng những thần giả bằng gỗ, bằng đá thì thánh-nhân cho đó là một trọng tội, do ma quỷ xúi giục. Người tiếp-tục trích-dẫn thêm sách Đệ-nhị-luật để giải-thích.
Câu 20: tuy-nhiên các thức cúng là cúng cho ma quỷ chứ không phải cho Thiên-Chúa, mà tôi không muốn anh em hiệp-thông với ma quỷ. Rồi người kết-luận là không thể vừa thờ-kính Chúa lại vừa cúng-tế quỷ thần được.
Câu 21: Anh em không thể vừa uống chén của Chúa vừa uống chén của ma quỷ được; anh em không thể vừa ăn ở bàn tiệc của Chúa, vừa ăn ở bàn tiệc của ma quỷ được.

B. Lạm-dụng thứ hai
Tín-hữu Cô-rin-tô đã phạm nhiều sai trái trực-tiếp liên-hệ đến việc cử-hành bữa tiệc của Chúa. Đó là mỗi chiều Chúa-nhật, các tín-hữu này hội-họp nhau tại nhà của một người để cử-hành bữa tiệc của Chúa. Người ta góp tiền lại để ăn uống say-sưa với nhau, rồi khi những tín-hữu trong đám nô-lệ vì phải làm việc nhiều nên đến trễ thì mọi sự đã xong, đành phải nhịn đói mà tham-dự lễ chung với những người đã ăn uống no say.
Thánh Phao-lô rất bất-bình trước cách lạm-dụng như vậy nên đã nhắc lại cho họ ý-nghĩa về bữa tiệc của Chúa, nhấn mạnh đến lệnh truyền của Người là phải làm việc này để nhớ đến Người. Như vậy không phải là bất cứ bữa ăn nào người ta ăn chung với nhau cũng được gọi là bữa tiệc của Chúa, song phải là bữa tiệc được cử-hành theo ý Chúa trước khi Người chịu chết. Có vậy thì khi ăn tiệc này mới là dự vào phần Thân-thể và Máu của Người. Thánh-nhân đã đúc-kết bài tường-thuật khi Chúa lập Bí-tích Thánh-Thể như sau: “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần anh em ăn bánh và uống chén này là anh em loan-truyền Chúa đã chịu chết” (1 cr 11, 26). Vì thế, bất cứ ai ăn bánh hay uống chén của Chúa cách bất-xứng thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình rồi hãy ăn bánh và uống chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân-biệt được Thân-thể Chúa là ăn và uống án phạt mình. Trong cộng-đoàn Cô-rin-tô lúc bấy giờ có những người ốm đau bệnh tật và những người mới chết. Thánh Phao-lô cho đó như là một hình phạt của Chúa dành cho những kẻ rước Mình và Máu Thánh một cách bất-xứng, nhưng thánh-nhân lại suy-luận rằng đây chưa phải là hình phạt dứt-khoát mà mới chỉ là hình phạt có tính-cách thức-tỉnh để kêu mời họ thay đổi cách sống hầu xứng đáng hơn khi tham-dự bàn tiệc của Chúa.
Vậy tư-tưởng của thánh Phao-lô khi giảng-dạy cho cộng-đoàn Cô-rin-tô về Bí-tích Thánh-Thể có thể bao gồm trong ý-niệm rằng cái chết và sự sống lại của Đức Ki-tô là nguồn mạch ơn cứu-độ và đức tin vào Chúa Ki-tô làm cho chúng ta được nên công-chính. Chúng ta phải kết-hợp với thân-thể Đức Ki-tô phục-sinh trong cùng một Thánh-Thần để Đức Ki-tô sống trong chúng ta và chúng ta trở nên thân-thể của Người. Tiếp đến, chúng ta phải sống đức ái, vì không có đức ái chúng ta chẳng là gì cả. Cuối cùng chúng ta sống chính là để hướng về một thời viễn-lai hoàn-tất.

CHƯƠNG IV
BÁNH BAN SỰ SỐNG TRONG TIN MỪNG THEO THÁNH GIO-AN

Muốn hiểu giáo-lý về bánh ban sự sống trong Tin Mừng theo thánh Gio-an, thiết-tưởng cần phải nêu lên những nét đại-cương trong thần-học của thánh-nhân.
1. Trước hết, thánh Gio-an chủ-trương rằng “chân-lý” là sự hợp-nhất có từ đời đời giữa Chúa Cha và Chúa Con, trong hữu-thể và trong tình yêu được biểu-lộ của hai ngôi. Chân-lý này là một sự hiệp-thông. Ngôi Lời đã hiện-hữu chính là Người Con độc nhất trong cung lòng Chúa Cha, là một hữu-thể yêu thương. Chân-lý này được mạc-khải cho thế-gian theo ý Chúa Cha là Đấng đã vì yêu thương loài người mà sai Con Một của mình xuống thế để loài người nhờ Người Con này mà được cứu rỗi và được sống đời đời. Đức Giê-su đã tự mạc-khải về Chúa Cha qua chân-lý Người là Đấng không tự mình mà có, không tự mình mà sống, không tự mình mà đến cũng như không tự mình mà nói nhưng tất cả đều bởi Thiên Chúa Cha. Không ai đã thấy Thiên-Chúa bao giờ; chỉ có Con Một là Thiên-Chúa vàlà Đấng hằng ở bên lòng Chúa Cha, chính Người mới tỏ cho chúng ta biết Thiên-Chúa. (Ga 1, 18)
2. Mỗi lời nói, mỗi hành-vi và tất cả con người nhập-thể của Đức Giê-su là một mạc-khải về sự hiệp-thông hành-động sâu-sắc giữa Chúa Cha và Chúa Con. Sự hiệp-thông này đạt tới cao-điểm khi Đức Giê-su chịu chết và sống lại vì chính Đức Chúa Cha để cho Đức Giê-su phải chết rồiø cho Người sống lại. Sự hiệp-thông tình yêu này diễn ra ở độ cao nhất khi Đức Giê-su bỏ trần-gian mà về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Con yêu Chúa Cha và khi hy-sinh mạng sống mình vì yêu các môn-đệ thì tình yêu của Người cũng trùng-hợp với tình yêu của Chúa Cha đối vớøi họ. Đây là mầu-nhiệm cao cả về ơn cứu-độ màø Chúa Cha muốn cho loài người cùng tham-dự vào mầu-nhiệm hợp-nhất này khi Người cũng yêu những ai tin vào Đức Giê-su để tình Cha đã yêu thương con ở trong họ và Con cũng ở trong họ nữa (Ga 17, 26).
3. Chúa Con với tư-cách là người được Chúa cha yêu thương ở trong các tín-hữu cũng giống như sứ-mệnh của Chúa Thánh-Thần là ngôi-vị hợp-nhất liên-kết Chúa Cha vớiø Chúa Con. Nhờ sự hiện-diện của Chúa Thánh-Thần, đời sống nội-tại của Chúa Cha và Chúa Con trở thành đời sống nội-tại của chúng ta. Cũng như hơi thở của Chúa Giê-su Phục-sinh, Chúa Thánh-Thần làm cho chúng ta hiệp-thông với Chúa Ki-tô và hiệp-thông với Chúa Cha trong Chúa Ki-tô.
Nền thần-học thánh Gio-an đi ngược lại với chủ-trương của nhiều nhóm đối-nghịch, như:
- Nhóm thế-tục tìm cách làm cho mình được vẻ-vang và sống theo các dục-vọng của mình.
- Nhóm nghi-thức muốn làm nhiều lễ-nghi, giữ nhiều luật-lệ, hành-hương nhiều nơi thánh để được ơn cứu-độ.
- Nhóm thiêng-liêng chạy trốn vật-chất để tìm những sự hiểu biết bí-nhiệm và những kinh-nghiệm xuất-thần.
Thánh Gio-an phi-bác nhóm thế-tục bằng cách nêu ra sự đối chọi giữa các nguyên-lý mâu-thuẫn nội-tại như tinh-thần và xác thịt, giữa cao thấp, giữa cái tồn-tại và cái mau qua, giữa ánh sáng và tối tăm, giữa chân-lý và giả-dối. Thành ra nếu không được mạc-khải cho tin nhận và yêu mến Thiên-Chúa cũng như yêu mến tha-nhân thì con người sinh ra bởi xác thịt sẽ hoàn-toàn bị hư hỏng.
Với nhóm nghi-thức, thánh-nhân đưa ra luận-cứ rằng Đức Ki-tô là nguồn mạch ân-sủng và chân-lý nên con người phải lấy đức tin mà đón nhận, lấy đức ái mà sống. Bên cạnh nguồn ân sủng này thì luật Mô-sê cũng như các nghi-thức khác đều mong-manh và không đáng kể.
Còn về nhóm thiêng-liêng, thánh-nhân nhấn mạnh đến nguyên-lý Ngôi Lời Thiên-Chúa đã sáng-tạo vạn-vật; Người đã nhập-thể, đã chịu thương-khó và đã phục-sinh. Bằng những sự-kiện này, chúng ta được kết-hợp với Thiên-Chúa không phải nhờ vào những kiến-thức bí-nhiệm, nhưng chính là nhờ đức ái.
Vậy khi chúng ta ăn thịt và uống máu Người là chúng ta đã được sống nhờ vào ơn cứu-độ của Con Thiên-Chúa đã xuống thế làm người và hiến mình làm của ăn và của uống cho chúng ta.
4. Thánh Gio-an đã trình-bày bài diễn-từ về bánh ban sự sống được rao giảng ở Ga-li-lê vào khoảng lễ vượt qua thứ hai trong cuộc đời truyền đạo công-khai của Chúa Giê-su. Đây không phải là bài mô-tả bữa Tiệc-ly vì thánh-nhân không nói gì đến việc lập Bí-tích Thánh-Thể. Nhưng các nhà chú-giải đồng ý cho rằng trong nội-dung đoạn IV câu 51 đến 58 là đưa về Bí-tích Thánh-Thể vì có nhiều kiểu nói rất phù-hợp với cung-cách bữa tiệc của Chúa như chính là thịt tôi đây, để cho thế-gian được sống tương-đương với thư 1Cr 11, 24 của thánh Phao-lô đây là mình Thầy hiến-tế vì anh em. Trong Gio-an đoạn 6 câu 54 Ai ăn thịt và uống máu tôi tương-đương với Mát-thêu đoạn 26 câu 26: Mời anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy...Mời tất cả anh em uống chén này vì đây là máu Thầy; hoặc trong Gio-an đoạn 6 câu 58 nói Đây là bánh... tương-đương với thư thứ nhất Cô-rin-tô đoạn 11 câu 23 là Chúa Giê-su cầm lấy bánh...Vào Thế-kỷ thứ nhất, các tín-hữu cử-hành bữa tiệc của Chúa vào mỗi Chúa-nhật và khi đọc những lời này họ không thể lầm-lẫn được về ý-nghĩa của các câu văn. Thành ra đây chắc-chắn phải là lời giải-thích về nghi-thức ngày Chúa-nhật là một nghi-thức quá quen thuộc đối với họ.

Về phần thứ nhất của bài diễn-từ (Ga, 26-50), nhiều nhà chú-giải coi đó như một bài nói về sự cần thiết của đức tin, tuy dùng hình ảnh bánh trong Lời Chúa nhưng không có liên-hệ chặt chẽ gì với Bí-tích Thánh-Thể. Một vài nhà chú-giải khác thì lại cho rằng đây là một đoạn của một tác-giả khác mới thêm vào sau này vì có những ý tưởng khác với tác-giả của Tin Mừng VI. Tuy nhiên giả-thuyết này không đúng vì chương VI trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an là một chương duy-nhất có bố-cục rất chặt chẽ. Hai phép lạ nói đến ở phần đầu của bài diễn-từ đã nhắm rất rõ vào nội-dung của phần thứ hai để chứng tỏ rằng với những cử-chỉ đặc-biệt trong bữa Tiệc-ly như cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn và chia cho các môn-đệ, Đức Ki-tô đã ban cho muôn người một của ăn lạ-lùng. Cũng như khi Người đi trên mặt nước là để chứng tỏ rằng chính thân-xác Người cũng không hề bị lệ-thuộc vào các luật tự-nhiên và khi Người xuất-hiện bên cạnh các tông-đồ thì Người làm cho các ông thấy vững vàng như xuống đất liền vì đấy là tượng-trưng cho sự sống đời đời (Ga 6, 19-21).
Nếu khai-triển toàn bài diễn-từ sẽ thấy đây là lời diễn-nghĩa Thánh-vịnh 78, 24 đã được trích-dẫn trong Ga 6, 31: “Người đã cho họ ăn bánh bởi trời…”; từ câu 32 đến câu 46 là để giải-thích phần thứ nhất về bánh bởi trời và câu 47-48 là giải-thích phấn thứ hai là Người đã cho họ ăn; rồi câu 58 gom cả hai ý thành một kết-luận “Đây là bánh bởi trời, ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời”.
Ngoài ra, toàn bài diễn-từ rõ-ràng vẫn nhắm đến lời mời “ăn thịt và uống máu” và “chính là thịt tôi đây để cho thế-gian được sống” cho nên toàn-bộ chương VI phải được đọc theo cách nhìn nhất-quán, nếu không sẽ dễ bị ngộ-nhận về quan-niệm thuần thiêng-liêng của thánh Gio-an qua cách nói cụ-thể và diễn-đạt các hiện-tượng vật-chất. Một ví-dụ khác như câu ‘một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn người, tức thì máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34) chẳng hạn.
3. Đức Giê-su có đọc diễn-từ này tại Ca-phác-na-um không?
Cậu hỏi này lại liên-hệ đến một vấn-đề khác nữa. Tin-mừng theo thánh Gio-an có một đặc-tính riêng vì không chỉ là những bài tường-thuật thuần-túy, mà là kết-quả của một sự suy-nghĩ lâu dài, dựa trên hồi-ức về những lời giảng dạy của Chúa với sự linh-hướng của Chúa Thánh-Thần làm bảo-chứng cho sự hiện-diện đích-thực của Đấng Phục-sinh. Rất có thể hình-thức văn-thể của diễn-từ về bánh hằng-sống là do sự sắp xếp lại của thánh Gio-an, nhưng ý chính vẫn là do thánh-nhân đã thu góp các lời giảng dạy của Đức Giê-su ở nhiều nơi mà thành một bài có hệ-thống mạch-lạc, với hai mục-đích:
a. Minh-chứng rằng Đức Giê-su đến trần-gian này như người mạc-khải duy-nhất về Thiên-Chúa và bản-thân Người là nguồn mạch duy-nhất ban sự sống, là ngưòi duy-nhất có những lời khuyên để ai tin vào Người thì được sống muôn đời nhưnglại bị người đời khinh-khi, ruồng bỏ.
b. Muốn giải-thích cho người Ki-tô hữu hiểu được nghĩa sâu-xa về bữa tiệc của Chúa và sự quan-trọng của Bí-tích Thánh-Thể trong mầu-nhiệm cứu-độ.
4. Những ý-tưởng chính và bố-cục của Chương VI
Chương này mở đầu bằng một bài tường-thuật phép lạ và hai phép lạ được nhắc đến cũng là hai phép lạ đều có trong Tin Mừng nhất-lãm. Tuy nhiên, thánh Gio-an đã dùng lối thuật riêng để nói về hai phép lạ này.
Trong phép lạ bánh hoá nhiều, chỉ mình thánh Gio-an viết: “Bấy giờ đã gần đến lễ Vượt qua”... (6, 4). Chi tiết này nối liền bài tường-thuật với lễ Vượt qua năm sau là lễ Vượt qua đưa Đức Giê-su đến việc lập Bí-tích Thánh-Thể. Lại cũng chỉ mình thánh Gio-an ghi việc Đức Giê-su ra lệnh cho các tông-đồ thu lượm các mẩu bánh còn lại “kẻo phí đi” (6,12). Những lời này cho thấy rằng bánh do Đức Giê-su làm ra thì có thể giữ lại, khác với man-na xưa kia không để qua ngày sau được (Xh 16, 20). Còn về phép lạ đi trên mặt nước thì chữ Ego eimi – thầy đây vang lên như một lời mạc-khải về thánh-danh có hiệu năng nếu hiện-diện ở đâu thì cứu sống con người ở đó.
Trong bài diễn-từ, trừ một đoạn dẫn nhập (26-31) và đoạn kết-luận ((58), năm đoạn còn lại (32-57) nhằm trình bày về năm chủ-đề được nhắc đi nhắc lại, gồm có:
-Chúa Cha
-Đức Giê-su
-Bánh Đức Giê-su ban
-Điều-kiện phải có để được nhận bánh này
-Kết-quả do cuộc gặp gỡ với Đức Giê-su
5. Nội-dung của bài diễn-từ
a.Đoạn dẫn nhập (26-31)
đưa vào năm ý chính:
-Chúa Cha đã ghi dấu ấn lên Đức Ki-tô và đã sai Người đi.
-Đức Giê-su ban của ăn
-Của ăn này tồn-tại
-Điều kiện cần có là phải tin vào Đức Giê-su
-Hiệu-quả nơi của ăn này mang lại là sự sống đời đời
b. Đoạn trình bày 1 (32-33): Đức Giê-su giải-nghĩa bánh thật từ trời mang xuống, không phải của ông Mô-sê cho mà là của Cha Người ban cho. Đấy chính là của Thiên-Chúa từ trời ban xuống cho thế-gian, nhưng không chỉ cho dân Do-thái mà thôi dù dân này đã được hưởng lời hứa của Đấng Mê-si-a.
c. Đoạn trình bày 2 (35-40): Đức Giê-su tự mạc-khải “Tôi là bánh ban sự sống” có nghĩa chính Người là bánh. Đây là danh thánh dựa trên sự hiệp-thông về hữu-thể giữa Chúa Cha và Chúa Con. Đối với chúng ta, Chúa Giê-su là bánh ban sự sống bởi vì Người là Đấng tự-hữu. Đàng sau câu nói xác-quyết này, ta thấy giáo-thuyết của sách Châm-ngôn ( 9, 1-6) và sách Huấn-ca (24,3 và 17,21) về sự khôn ngoan của Thiên-Chúa. Ngoài ra cũng có giáo-thuyết của sách Đệ-nhị-luật (8,3) về lời của Thiên-Chúa làm cho người ta sống. Đức Giê-su là sự khôn-ngoan và là lời của Thiên-Chúa hiện thân. Vậy muốn lãnh bánh này thì phải đến với Đức Giê-su nghĩa al2 tin vào Người. Chính Chúa Cha ban nhân-loại cho Đức Giê-su và muốn cho họ được sống đời đời nghĩa là tham-dự vào sự hiệp-nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con.
Câu “những ai tin vào Đức Giê-su thì sẽ không phải đói, phải khát” có ý nhắc lại sách ngôn-sứ I-sai-a nói về bữa tiệc Mê-si-a. Chữ “khát” không có trong bản văn vì ở đây nói về bánh, nhưng là để chuẩn-bị cho họ sống lại trong ngày sau hết.
d. Đoạn trình bày 3 (43-47), vì người Do-thái không tin về nguồn-gốc thiên-giới của Chúa Giê-su qua xuất-xứ khiêm-hạ trong cuộc đời cho nên họ không tin nhận đạo của Ngôi Lời nhập-thể. Nhưng Đức Giê-su đã trả lời họ bằng lời xác-quyết
-Chính Chúa Cha, Đấng đã sai Người, lôi kéo người ta, dạy cho người ta đến với Đức Giê-su
-Đức Giê-su đã thấy Chúa Cha vì Người từ Thiên-Chúa mà đến
-Người ta phải tin vào Người
-Ai tin sẽ được sống đời đời vì Đức Giê-su sẽ cho họ sống lại.
e. Đoạn trình bày 4 (48-52). Đức Giê-su lập lại chính Người là bánh ban sự sống và là bánh hằng sống vì Người là Đấng duy-nhất có sự sống thật và là nguồn mạch duy-nhất của sự sống thật. Nhưng quan-trọng nhất là khi Người xác-quyết thêm rằng “Bánh tôi sẽ ban chính là thịt tôi để cho thế gian được sống” và Người chỉ ban chính mình làm của ăn cho con người khi đã bị treo trên thánh-giá vì chính lúc đó Người đã ở bean cạnh Chúa Cha. Thành ra bổn-phận của loài người đối với Đức Giê-su còn phải chu-toàn thêm nữa là ăn bánh hằng sống này chứ không phải chỉ tin vào Người mà thôi.
f. Đoạn trình bày 5 (53-57): Đức Giê-su giải-thích hai chữ ăn và uống trong câu 6 và nhấn mạnh chín lần là phải ăn thịt và uống máu Người vì hữu-thể của Người hợp nhất với Chúa Cha là chân-lý tối-hậu, là nguồn mạch duy-nhất ban sự sống đời đời. Chữ “trô-gôn” trong nguyên-ngữ của câu 54 và những câu tiếp theo có nghĩa là nhai có ý nhấn mạnh đây là hành-động ăn thực sự để dẫn đến hiệu-quả của việc ăn này trong câu 56-57. Đây là hai câu mang ý chính của bài diễn-từ : “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì người ấy ở trong tôi và tôi ở trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai tôi và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào thì kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.”
Vậy rước lễ là ăn thịt và uống máu Đức Ki-tô để nhờ đó người rước lễ được kết-hiệp với Người. Đó là sự hiện-diện đích-thực của Chúa Giê-su Phục-sinh trong chúng ta và nhờ vậy mà chúng ta được hiệp-nhất với Người; được liên-kết với Chúa Cha là nguồn mạch hằng sống phát-sinh muôn loài. Chúa Con sống bởi Chúa Cha và chính Người sai Chúa Con xuống trần gian. Chữ “dia” trong nguyên-ngữ có nghĩa là “nhờ” hay “vì” và ở đây phải giữ cả hai nghĩa vì thánh Gio-an hay dùng những những kiểu nói hai nghĩa. Chữ “ăn” trong câu “ai ăn thịt tôi” không có nghĩa là nuốt các phần thân thể của một xác chết, nhưng là lãnh-nhận thân thể mầu-nhiệm của Đức Ki-tô Phục-sinh, sống động và như vậy ai ăn thịt Chúa thì cũng được sống nhờ Đức Ki-tô, vì Đức Ki-tô và cho Đức Ki-tô, nghĩa là tham-dự vào sự sống đời đời là sự hợp-nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con.
g. Đoạn kết-luận (6, 38) nhắc lại những chủ-để chính của bài diễn-từ:
• Đây là bánh từ trời xuống
• Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời
Cũng như trong các đoạn khác, sau lời tường-thuật về mặc-khải của Đức Giê-su, đoạn VI này là lời tường-thuật về phản-ứng của cử-tọa. Phản-ứng đó, trong một số trường-hợp, là phản-ứng của đức tin (4,42) nhưng cũng có những trường-hợp là thái-độ vô-tín (8, 59) và trong một số trường-hợp khác thì lại là cả hai (9, 34-38). Trong chương VI cũng có hai câu trả lời là câu của những người không tin, trong đó có cả những môn-đệ (6,60-66) và câu của những người tin, điển-hình là Phê-rô đại-diện cho nhóm Mười Hai (6, 68-69).
Đức Giê-su thêm vào mỗi câu trả lời nối kết mạc-khải của Người với các biến-cố sẽ xẩy ra vào cuộc vượt qua thứ ba của Người, nghĩa là khi Người bị trao nộp, Người sẽ lên cùng Cha Người và sẽ gửi Thần-khí xuống. Lời thứ nhất là Điều đó anh em lấy làm chướng, không chấp-nhận được ư ? Thế khi anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao? Thần-khí mới làm cho sống chứ huyết-nhục chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần-khí và là sự sống” (6, 61-63).
Sau khi đã lấy cả đời sống và cái chết của mình để hoàn-thành mạc-khải về sự hợp-nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con, Chúa Con trở về cùng Chúa Cha theo nhân-tính, nhưng rồi lại đến một lần nữa trong cách-thế vô hình làm nguồn mạch ban thần-khí. Khi tiếp-nhận lời chứng của thần-khí, các tín-hữu hiểu rằng Đức Giê-su là nguồn mạch duy-nhất phát ra con sông có nước ban sự sống; là cây nho duy-nhất khiến cho các nhánh được sống và là chân-lý duy-nhất trở thành đường đi và sự sống cho chúng ta. Không có lời chứng của Thần-khí thì con người phàm của chúng ta đã không thể hiểu gì mà lại còn bị vấp phạm hơn nữa khi nghe loan báo Đức Giê-su sẽ sống lại. Chính thân xác của Đức Giê-su, nếu ở trong tình-trạng nhân-tính hoàn-toàn, cũng không thể làm cho chúng ta được sống. Chỉ chính khi nhờ vào cái chết và sự sống lại mà thân xác của Đức Ki-tô (nghĩa là nhân-tính cụ-thể của Người) trở thành Thần-khí ban sự sống (1Cr 15,45). Hội-thánh tin vào Đức Ki-tô là Chúa của mình ở trên trời và cử-hành nghi-thức sống động bữa tiệc của Chúa chính là nhờ sức mạnh của Đức Ki-tô Phục-sinh trong thần-khí và nhờ thần-khí của Người. Đó là những tư-tưởng ẩn-tàng sau những lời Đức Giê-su nói ở trên. Những tư-tưởng ấy không hề làm cho các lời quả-quyết trong bài diễn-từ giảm tính xác-tín. Điều này thật rõ khi có các môn-đệ rút lui vì cho đấy là những lời chướng tai. Ngược lại, tông-đồ Phê-rô được Chúa Cha soi sáng lại mạnh-mẽ nhân-danh nhóm Mười Hai để tuyên-xưng đức tin. Trong câu trả lời, Đức Giê-su cũng báo trước một cách kín đáo sự phản-bội của ông Giu-đa và sự phản-bội này diễn ra ngay trong bữa Tiệc-ly là lúc thân xác Đức Giê-su bị trao nộp để cho thế-gian được sống. Đây cũng lại là một ngụ-ý nữa nối kết bài diễn-từ về bánh ban sự sống với bữa tiệc-ly.
Các bài tường-thuật trong chương 13 và 17 về chính bữa Tiệc-ly tuy không nhắc tới việc thành-lập Bí-tích Thánh-Thể, nhưng phải coi đó như những chỉ dẫn về cách-thế phải cử-hành Bí-tích Thánh-Thể, theo nghĩa:
• Các người tham-dự tiệc Thánh-Thể là đã được Chúa Giê-su thanh-tẩy thì phải hợp-nhất với nhau trong tinh-thần phục-vụ và đức khiêm-nhường.
• Đức Giê-su hiến mình làm lễ-tế Chúa Cha thì cũng kết-hiệp họ vào với lễ-tế của Người, họ ở trong Người như ngành nho gắn liền với thân nho và tham-dự đời sống của Người để mong được nhiều hiệu-quả của đức ái. Đức Ki-tô và Thánh-Thần sẽ ở trong họ, họ sẽ được kết-hợp mỗi ngày một mật-thiết hơn với Chúa Cha và Chúa Con, họ sẽ được bình-an và vui vẻ.
Vậy có thể kết-luận rằng học-thuyết về Bí-tích Thánh-Thể của thánh Gio-an cũng chính là học-thuyết chúng ta đã rút ra được từ các bài tường-thuật về việc thành-lập Bí-tích Thánh-Thể nhưng có khác là ở đây được đào sâu một cách cặn-kẽ theo cái nhìn thần-học có tính-cách trực-giác của thánh Gio-an. Bữa tiệc của Chúa là cách-thế để sự kết-hiệp mật-thiết giữa Chúa Cha và Chúa Con sẽ ở trong chúng ta nhờ Chúa Thánh-Thần và cũng là để khi Chúa Con đã xuống thế làm người, đã chịu chết và sống lại cũng sẽ ở trong chúng ta luôn mãi. Sự kết-hợp này hoàn-chỉnh và vượt xa những hình ảnh của Cựu-ước khi nhờ sự kết-hợp này mà chúng ta được sống đời đời, được hy-vọng sống lại trong Chúa Con.
Muốn cử-hành mầu-nhiệm này cho xứng-đáng thì phải tuyệt-đối thâm-tín vào Đức Giê-su là Con Thiên-Chúa với một đức tin phó-thác hoàn-toàn và nhận Đức Giê-su là nguồn mạch duy-nhất và là quy-tắc hướng dẫn đời sống chúng ta. Bởi thế, một khi chúng ta đã được sống bởi Chúa Cha, nhờ Đức Ki-tô thì chúng ta cũng sẽ phải sống cho Chúa Cha, cho Đức Ki-tô và cho hết mọi người mà Chúa Cha và Đức Ki-tô yêu mến.
PHẦN THỨ HAI
BÍ-TÍCH THÁNH-THỂ TRONG ĐỜI SỐNG VÀ GIÁO-THUYẾT CỦA HỘI-THÁNH

Ngay từ trước khi Tân-ước được viết thành văn thì Hội-thánh đã cử-hành bữa tiệc của Chúa vì hồi đó đã có một nền Phụng-vụ Thánh-Thể ngày Chúa-nhật và tuy có khác nhau về chi-tiết, nhưng vẫn đồng-nhất trong cấu-trúc cơ-bản trước khi Tân-ước được ấn-định thành Thư-qui. Từ những thế-kỷ đầu, Hội-thánh đã có một quan-niệm về Bí-Tích Thánh-Thể được khắp nơi chấp-nhận để thực-hành trong việc phụng-tự và trong đời sống Ki-tô hữu. Hiện nay Hội-Thánh vẫn còn giữ được những bản văn phụng-vụ cũ, những tài-liệu khảo-cổ, những bản văn của các Giáo-phụ để làm bằng chứng cho việc diễn-giải và những quan-niệm này đã đứng vững trong suốt thời Thượng-cổ. Đây chính là một truyền-thống đã chuyển sang thực-hành và đi vào đời sống đức tin của toàn thể Giáo-hội.

BÍ-TÍCH THÁNH-THỂ THỜI CÁC GIÁO-PHỤ
Việc cùng nhau cử-hành bữa tiệc của Chúa trong ngày Chúa-nhật đã là điểm chính-yếu trong đời sống của Hội-thánh ngay từ buổi đầu. Hội-thánh được hiểu như đại gia-đình của những người con Thiên-Chúa, những người tin vào Đức Giê-su và khi cùng họp nhau chung quanh bàn tiệc của Chúa chính là để hiệp-thông với Người và hợp-nhất với nhau trong Chúa Thánh-Thần.
Ban đầu, bữa tiệc của Chúa được cử-hành vào chiều Chúa-nhật và thường được kèm theo một bữa ăn chung nhưng sau đó lại được tách ra khỏi bữa ăn chung này để cử-hành riêng vào buổi sáng Chúa-nhật. Lúc trời vừa sáng tinh sương tức là trước khi bắt đầu một ngày sống, các Ki-tô hữu trong thành họp nhau tại một nhà nào đó, họ cùng nhau đọc các bài từ sách Cựu-ước và thư của các Tông-đồ trước khi cử-hành bữa tiệc thánh. Trong bữa tiệc này, vị giám-mục của thành-phố đọc kinh nguyện dâng lên Chúa Cha và lời tường-thuật bữa Tiệc-ly để truyền phép bánh và rượu. Các linh-mục vây quanh cùng làm những nghi-thức cử-hành nhưng không đọc các lời kinh khi có giám-mục chủ-sự. Họ chỉ cử-hành riêng một mình trong những trường-hợp đặc-biệt như khi giám-mục vắng mặt hoặc cử-hành âm-thầm trong nhà tù. Các thầy sáu giúp lễ và tín-hữu tham-gia bằng lời tung-hô để hợp ý với lời cầu nguyện, như A-men chẳng hạn. Đọc kinh xong, mọi người tham-dự cùng rước mình và máu Chúa Ki-tô.
Niềm xác-tín về bánh và rượu sau khi được truyền phép thực sự trở nên Mình và Máu Chúa Ki-tô đã có từ xưa trong Hội-thánh. Người ta mong đợi rước Mình và Máu để được nhận chính hiệu-quả nên một với Người, được nhận vào làm dân Thiên Chúa và được Chúa Ki-tô dẫn vào cuộc sống muôn đời. Vì vậy những ai đã bỏ đạo hoặc phạm những tội nặng như giết người, ngoại tình... thì không được rước lễ vì không xứng đáng mang danh Ki-tô hữu. Người nào bị khai-trừ như vậy sẽ như đang gặp đại-họa, phải có một thời gian sám-hối lâu dài mới được nhìn nhận lại theo sự phán-quyết của giám-mục. Khi một Ki-tô hữu đã được nhận cho tham-dự thánh-lễ tại một nhà thờ rồi thì nếu đi xa sẽ được giám-mục cấp cho một giấy rước lễ mới được tham-dự ở địa-phương khác. Như vậy, việc cử-hành Thánh-lễ là một mối giây cụ-thể không những chỉ liên-kết các tín-hữu tại cùng một địa-phương mà còn là dây liên-kết các Hội-thánh địa-phương với nhau thành một thân-thể duy-nhất trong Chúa Ki-tô. Đây là hiệu-năng thứ nhất của bữa tiệc của Chúa trong sinh-hoạt của Hội-thánh.
Hiệu-năng thứ hai là tạ ơn. Tạ ơn là tiếng thông-dụng nhất để nói đến Thánh-lễ và người ta cũng dùng tiếng này để chỉ về Mình và Máu Chúa vì Đức Giê-su đã tạ ơn trong bữa Tiệc-ly thì Ki-tô hữu cũng phải tạ ơn về hồng-ân cứu-độ Thiên-Chúa ban cho qua cái chết và sự sống lại của Đức Ki-tô cùng với Chúa Thánh-Thần làm bảo-chứng cho cuộc sống đời đời.
Hiệu-năng thứ ba là tưởng-niệm. Trong thư thứ nhất gửi tín-hữu Cô-rin-tô (11, 26), thánh Phao-lô đã hướng-dẫn rằng khi cử-hành tiệc Thánh-Thể là tín-hữu công-bố Chúa đã chịu chết và sống lại, đồng thời nhắc lại những hành-vi cứu-độ khác của Thiên-Chúa. Trong những thế-kỷ đầu, bản kinh chưa được ấn-định tỉ-mỉ thì mỗi vị giám-mục có thể tự soạn ra theo lược-đồ chung.
Hiệu-năng thứ tư đã bao-hàm trong ba hiệu-năng trước là vai trò cốt yếu của những lời kinh nguyện. Bằng kinh nguyện, tín-hữu kêu cầu Chúa, xin Người ban Thánh-Thần cho gia-đình của Người là Hội-thánh đang tập-trung quanh bàn tiệc Thánh-Thể. Trong nhiều nền phụng-vụ, ngoài bài tường-thuật với lời lẽ của Đức Giê-su, người ta cũng đọc một kinh nguyện để xin Chúa sai Thánh-Thần làm cho bánh và rượu trở nên Mình và Máu Đức Ki-tô.
Hiệu-năng thứ năm nằm trong từ-ngữ hiến-tế áp-dụng cho nghi-thức Thánh-Thể vì việc cử-hành bữa tiệc của Chúa được gọi là hy-lễ hay hiến-tế. Mình và Máu Đức Ki-tô được gọi là tế-phẩm Hội-thánh dâng lên, bàn tiệc thì gọi là bàn thờ vì nghi-tiết cử-hành Thánh-Thể do vị Thượng-tế theo phẩm-hàm Men-ki-xê-đê thành-lập được coi như lời tiên-báo của ngôn-sứ Ma-la-khi đã thực-hiện “Để từ Đông sang Tây có một hiến-lễ tinh-tuyền dâng kính Danh Ta (Ml 1, 11- 14). Tuy từ-ngữ hiến-tế được dùng trong phép Thánh-Thể nhưng vẫn có sự phân-biệt nghi-tiết này với lễ tế bằng máu chiên, bò của người Do-thái xưa hoặc của dân ngoại. Lễ Tạ-ơn hay Thánh-lễ là một lễ tế không đổ máu (từ-ngữ này là của A-tê-na-go-rát dùng vào khoảng năm 180) vừa thần-bí lại vừa hợp lý khi tất cả đều tập-trung vào Chúa Ki-tô Phục-sinh, hằng sống và chiến-thắng tử-thần.
Hội-thánh thời Thượng-cổ không có tranh-luận gì về phép Thánh-Thể vì các yếu-tố trong Thánh-lễ vẫn còn giữ được sự hài-hòa với những điều nguyên-thủy như Tân-ước diễn-tả. Một lý-do nữa để không có tranh-luận là sự phổ-biến rất âm-thầm và giới-hạn. Người ta không nói về mầu-nhiệm này với người ngoài đạo và ngay cả người dự-tòng cũng chỉ được nghe hướng-dẫn về nghi-thức này sau khi đã chịu phép rửa và rước lễ lần đầu. Lại nữa, hoc-thuyết về sự hiện-diện của Chúa trong Phép Thánh-Thể cũng được mọi người chấp-nhận, vì thế các Giáo-phụ cũng không thấy cần phải trình-bày thêm nhiều chi-tiết. Phải đến cuối thời Thượng-cổ và đầu thời Trung-cổ mới có các cuộc tranh cãi và các bè rối nổi lên.
Với các Giáo-phụ, vì quan-niệm khác nhau của các vị trong Ki-tô học và nhân-hình-học mà có những cách đề-cập khác nhua về mầu-nhiệm Chúa Ki-tô hiện-diện thực sự trong Bí-tích Thánh-Thể. Tuy nhiên, đàng sau tất cả những lời giải-thích, người ta đã nhận thấy ảnh-hưởng chung của triết-thuyết Platon thời đó, nghĩa là không có sự đối nghịch nào giữa biểu-tượng và thực-tại. Theo Platon, thực-tại là thế -giới tư-tưởng với các hiện-tượng khả-giác tham-dự vào. Đối với các Giáo-phụ, thực-tại này không phải là thế-giới tĩnh của các tư-tưởng tự-tại mà là Thiên-Chúa hằng sống trong mầu-nhiệm của Người mà đỉnh cao là Đức Ki-tô Phục-sinh. Do quyền-năng của lời truyền phép và nhờ tác-động của Chúa Thánh-Thần, chính Đức Ki-tô Phục-sinh ngự trong bánh và rượu được truyền phép và tự biểu-lộ qua các hình ảnh để chúng ta được tiếp-xúc với chính thực-tại ban sức sống. Các Giáo-phụ không cần đến cách phân-biệt bản-thể với phụ-thể của Aristote, mà chỉ theo học-thuyết của Platon để lý-giải vững-vàng về cách-thế hiện-diện của Chúa trong Bí-tích; đồng thời cũng không tách biệt sự hiện-diện ra khỏi những thực-tại khác như thánh Âu-tinh nói “Thiên-Chúa ở cùng ta trong Tin Mừng, trong Hội-thánh, trong các tín-hữu. Nhờ hiệp-thông trong Bí-tích Thánh-Thể, chúng ta trở thành nhiệm-thể của Đức Ki-tô.
I. BÍ-TÍCH THÁNH-THỂ LÀ TRUNG-TÂM HIỆP-NHẤT CỦA HỘI-THÁNH
1. Thánh I-nha-xi-ô (Ignace)
Thánh-nhân là giám-mục cai-quản địa-phận An-ti-ô-ki-a và tử-đạo ở Rô-ma vào năm 110. Thánh I-nha-xi-ô là nhân-chứng kỳ-cựu nhất đã trình-bày rõ-ràng về việc cử-hành bữa tiệc của Chúa trong Hội-thánh thời bấy giờ. Thánh-nhân thấy mình như được kêu gọi để làm tông-đồ, bênh-vực cho sự hiệp-nhất của Hội-thánh khi đó đang có nguy-cơ bị phân-hóa vì những chủ-trương riêng-rẽ của các phái Ngộ-đạo. Thánh I-nha-xi-ô xác-tín rằng sự hiệp-nhất với Thiên-Chúa, đích điểm cao nhất trong các khát-vọng của đời mình, chỉ có thể đạt được nhờ Mầu-nhiệm Nhập-thể và cuộc thọ-hình của Đức Ki-tô, Đấng hiệp-nhất chúng ta lại với Người bằng mối dây liên-kết cụ-thể trong cộng-đồng Ki-tô hữu khi quy-tụ chung quanh bàn thờ duy-nhất là nơi cử-hành Bí-tích Thánh-Thể. Nghi-thức Thánh-Thể do giám-mục hay đại-diện của giám-mục cử-hành, có các linh-mục, phó-tế và toàn thể Hội-thánh vây quanh trong tinh-thần tuân-phục, thuận-hòa chính là mầu-nhiệm thể-hiện sự hiệp-nhất vô-hình và sinh-động với Thiên-Chúa.
Sách Didachè (giảng-huấn), có lẽ viết ở Xy-ri-a vào cuối thế-kỷ thứ nhất ghi lại nhiều kinh tạ-ơn được dùng trong bữa tiệc của Ki-tô hữu, song có thể vì hoàn-cảnh giới-hạn thời đó nên tác-giả không mô-tả chính việc cử-hành ra sao, mà lại thường dùng những kiểu nói làm cho người ta liên-tưởng đến Bí-tích Thánh-Thể như “Bánh liên-kết các hạt được bẻ ra”, “của ăn và thức uống thiêng-liêng ban sự sống đời đời”, “hiến-lễ do ngôn-sứ Ma-la-khi tiên-báo” và “Ma-ra-na-tha, A-men”.

2. Thánh Giút-ti-nô (Justin)
Thánh-nhân là một giáo-dân nên đã nói về nghi-thức cử-hành ngày Chúa-nhật không chút e-dè. Chính vì các Ki-tô hữu cứ cố gắng giữ bí-mật về vấn-đề này nên trong giới lương-dân thời đó đã có những điều xuyên-tạc để phỉ-báng Bí-tích Thánh-Thể. Thánh Giút-ti-nô viết cuốn "Biện giáo" gửi cho vị hoàng-đế lúc bấy giờ, mô-tả các nghi-thức Thánh-Thể đúng như nghi-thức cử-hành ở Rô-ma bằng tiếng Hy-lạp vào giữa thế-kỷ thứ II. Vị chủ-tọa cộng-đoàn mà thánh Giút-ti-nô quen gọi là giám-mục, đọc kinh tạ ơn, làm phép bánh rượu; những người tham-dự thưa "A-men" đồng hiệp ý và trao hôn bình-an rồi lãnh bánh rượu vừa được truyền phép do các phó-tế phụ giúp vị chủ-tọa phân-phát cho những người hiện-diện và đem cho những người vắng mặt.
Thánh Giút-ti-nô cũng giải-thích ba điều-kiện cần phải có để được rước lễ là có lòng tin, đã chịu phép Rửa và sống theo giáo-huấn của Đức Ki-tô. Ngoài ra, thánh-nhân còn cắt nghĩa về bánh và rượu đã được truyền phép bằng câu giải-thích thần-học về đức tin dựa trên mầu-nhiệm nhập-thể và hữu-hiệu-tính của Lời Chúa như sau: "Đức Giê-su Ki-tô nhập-thể mang xác phàm là nhờ sức mạnh của Ngôi Lời. Cũng tương-tự như thế, bánh và rượu đặt trên bàn thờ trỉ nên Mình và Máu Chúa Giê-su là nhờ Lời của Người".
Lối so-sánh này được trường-phái An-ti-ô-ki-a dùng cũng tương-tư phần nào với mầu-nhiệm Chúa Ki-tô thực-sự hiện-diện trong phép Thánh-Thể đã cho thấy mối liên-hệ chặt chẽ trong tư-tưởng của các giáo-phụ về thực-tại tính của Chúa Ki-tô giữa bánh và rượu đã được truyền phép.

3. Cuốn sách "Truyền-thống tông-đồ" của Hi-pô-lít (Hypolitte)
Sách được viết vào đầu thế-kỷ thứ III với nội-dung gồm những truyền-thống cũ, một bản kinh nguyện tạ ơn được dùng trong những thế-kỷ đầu với ý nghĩa dâng lên Chúa Cha lời tạ ơn, tưởng-niệm, hiến-dâng và xin Chúa Thánh-Thần ngự xuống.
Cả ba tác-giả I-nha-xi-ô, Giút-ti-nô và Hi-pô-lít đều cho thấy là trong những thế-kỷ đầu, Hội-thánh địa-phương chính là gia-đình con cái Thiên-Chúa hội-họp chung quanh bàn tiệc thánh để hiệp-thông với Đức Ki-tô, thể-hiện sự hiệp-nhất và đón nhận sự sống nơi Người.

II. NHỮNG SUY-LUẬN THẦN-HỌC TỔNG-HỢP CỔ NHẤT
Hai nhà thần-học của thế-kỷ thứ II và thứ III là I-rê-nê (Irénée) và Xíp-ri-a-nô (Cyprianus) đã có những tổng-hợp bổ-túc về Bí-tích Thánh-Thể.
Thánh I-rê-nê, giám-mục Lyon, là vị kế-thừa và đại-diện tiêu-biểu nhất của nền thần-học Tiểu Á. Thánh nhân đã dựa trên ý tưởng hiến-dâng của giao-ước mới là Mình và Máu Chúa Ki-tô để đưa ra một tổng-hợp là bánh và rượu sau khi được lời truyền phép của Chúa Ki-tô sẽ cho chúng ta sự sống thật.
Thánh Xíp-ri-a-nô, giám-mục Carthage và tử-đạo bên Phi-châu, có một tổng-hợp khác dựa trên ý tưởng trình-bày tượng-trưng cuộc thọ hình của Đức Ki-tô qua nghi-thức linh-mục cử-hành. Chính cuộc thọ hình này cũng là hy-lễ của chúng ta dâng với Mình và Máu Người hiện-diện dưới hình bánh và hình rượu.
Trong các suy-luận thần-học tổng-hợp, thánh I-rê-nê hoàn-toàn tập-trung vào Đức Ki-tô Phục-sinh. Người là hình ảnh duy-nhất đích-thực của Thiên Chúa hằng sống; là Đấng mà con người thụ-tạo phải hướng về; là Đấng quy-tụ vạn-vật để dẫn đến cùng Chúa Cha hầu ban cho chúng ta sự sống. Lễ dâng hiến của giao-ước mới bắt đầu bằng bánh, rượu và những thứ vật chất này trở thành Mình và Máu Chúa Ki-tô do Lời của Người. Điều này chứng-tỏ Người thực là Lời Thiên Chúa dùng để tạo thành vũ-trụ. Bí-tích Mình và Máu Chúa Ki-tô minh-chứng Người có xác thật và đã chịu khổ hình thật chứ không phải chỉ là một sự xuất-hiện phi vật-chất và đã thoát ra ngoài cõi sống này trước khi chịu khổ hình. Cuối cùng, sự kiện chúng ta được nuôi dưỡng bằng thịt và máu Chúa Ki-tô Phục-sinh chứng-tỏ thân xác chúng ta được hy-vọng chắc chắn sẽ sống lại. Với cách suy-luận này, giáo-thuyết về Bí-tích Thánh-Thể đã trở thành một trong những tín-điều căn-bản bị các nhóm ngộ-đạo, nhị-nguyên công-kích và phủ-nhận.
Cũng như thánh Giút-ti-nô, thánh I-rê-nê giải-thích lý-do khiến bành và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Ki-tô chính là hiệu-quả của Lời Chúa. Mình và Máu được cấu-tạo bởi hai yếu-tố, một thuộc địa-giới và một thuộc thiên-giới. Nhưng hai yếu-tố này không phải là hai thành-phần của một tập-hợp là Bí-tích Thánh-Thể mà là quá-trình phát-sinh ra bí-tích đó khi bánh và rượu thuộc địa-giới nhận đuọc lời kêu cầu của Chúa Ki-tô thuộc thiên-giới thì trở thành Mình và Máu Chúa.
Thánh Xíp-ri-a-nô chỉ nói về Bí-tích Thánh-Thể qua mấy lời viết trong thư gửi cho một người tên là Xê-xi-li-ô để đả-phá một thói tục trái lệ là khi cử-hành nghi-thức Thánh-Thể thì dùng nước thay cho ruợu mà có thể là do ảnh-hưởng từ một vài phong-trào khổ-hạnh mà ra. Người ta đã căn-cứ vào các lý lẽ dùng để thuyết-phục Xê-xi-li-ô mà biết được thánh Xíp-ri-a-nô chủ-trương rằng Bí-tích Thánh-Thể liên-hệ chặt chẽ với cuộc thương-khó của Đức Ki-tô dù người vẫn không quên mầu-nhiệm Phục-sinh khi giải-thích rằng sở dĩ các Ki-tô hữu cử-hành nghi-thức vào buổi sáng bởi vì họ họp mừng cuộc Phục-sinh của Chúa. Tuy nhiên, cuộc thương-khó của Chúa vẫn là điểm nổi bật trong cách lý-giải của thánh-nhân qua những cách nói như:
Máu được tượng-trưng bằng rượu trong chén "là máu cứu chuộc của Chúa Ki-tô làm cho chúng ta được sống". hoặc sự hy-sinh của chúng ta phải "đáp ứng cuộc thương-khó của Đức Ki-tô, Đấng gánh tội chúng ta".
Hy-lễ chúng ta dâng là cuộc thương-khó của Chúa vì Người đã "hiến chính mình làm hy-lễ"."Linh-mục thay mặt Đức Ki-tô", làm lại những điều Đức Ki-tô đã làm trong bữa Tiệc-ly vì Người là Đấng Thượng-tế theo phẩm-hàm Men-ki-xê-đê, đã dâng bánh và rượu tức là Mình và Máu Người.
Ý-tưởng của thánh Xíp-ri-a-nô không những nói về sự hiện-diện của Mình và Máu Chúa Ki-tô mà còn có cả sự hiện-diện của cuộc Thương-khó theo cách lý-luận của học-thuyết Platon về một thực-tại có tham-dự trong hình ảnh được diễn-tả. Thánh-nhân lại còn thêm ý tưởng về sự hiện-diện của cộng-đồng dân thánh được Chúa Ki-tô cưu mang, cứu chuộc và được kết-hợp với Người nhờ đức Tin và đức Mến qua hình ảnh giọt nước hòa với rượu trong chén thánh. Thành ra việc rước Mình và Máu Chúa là cần thiết cho các Ki-tô hữu để có sức chống lại những cơn cám-dỗ, có can-đảm chịu chết vì đạo trong hoàn-cảnh bị ngược đãi, bị bắt bớ. Vì vậy, mỗi khi xẩy ra một đợt cấm cách thì lại có lễ hòa-giải để nhận lại những người mà vì yếu đuối nên trong cơn bắt bớ đã chối đạo, nay có lòng sám-hối muốn trở lại với cộng-đoàn. Điếu này chứng tỏ thánh Xíp-ri-a-nô xác-quyết rằng vì việc rước Mình và Máu Chúa Ki-tô đem lại cho Ki-tô hữu sự sống đời đời nên nếu không được rước lễ tức là bị tách-biệt, một sự tách-biệt làm cho mất linh-hồn.
Tóm lại, hai quan-điểm thần-học về phép Thánh-Thể của thánh Xíp-ri-a-nô và thánh I-rê-nê tuy có khác nhau về cách lý-luận nhưng vẫn là những suy-luận chính đáng trong cùng một Đức-tin, cùng một Hội-thánh của Đức Ki-tô. Thánh I-rê-nê trình-bày mầu-nhiệm Thánh-Thể bằng cách nhấn mạnh đến tín-điều tạo-dựng, nhập-thể; đến việc hiến dâng của Giao-ước mới; đến thực-tại Mình và Máu Chúa Ki-tô là của ăn nuôi dưỡng chúng ta; đến niềm hy-vọng được sống lại nhờ của ăn đó. Đây chính là mẫu thần-học Hy-lạp mà thánh Xi-ri-lô thành Alexandrie sau này là người tiêu-biểu cuối cùng. Thánh Xíp-ri-a-nô lại nhấn mạnh đến cuộc thọ-hình ban ơn cứu chuộc của Đức Ki-tô. Sự kết-hợp với Đức Ki-tô trên Thánh-giá trong mầu-nhiệm chén thánh, trong Đức-tin và Đức Mến cho thấy kiểu thần-học la-tinh và Phi-châu về phép Thánh-Thể mà sau này thánh Âu-tinh (Augustine) là người đại-diện tiêu-biểu nhất.
Hai nền thần-học này hợp lại thành những suy-luận thần-học tổng-hợp phong-phú về Bí-tích Thánh-Thể.

III. HỌC-THUYẾT VỀ BÍ-TÍCH THÁNH-THỂ TRONG CÁC BÀI HUẤN-GIÁO VÀ GIẢNG-DỤ

Qua cơn bắt đạo, số người xin chịu phép Rửa tăng lên nhanh chóng nên Hội-thánh phải tổ-chức dạy đạo cho các người dự-tòng một cách hệ-thống hơn. Giai-đoạn giảng dạy cuối cùng vào Mùa Chay và chú trọng nhiều vào kinh Tin-kính và kinh Lạy Cha. Nghi lễ rửa tội được cử-hành long-trọng trong đêm Phục-sinh. Các tân-tòng được dự lễ và rước lễ lần đầu, mặc áo trắng trong suốt tuần Bát nhật Phục-sinh và đến nhà thờ mỗi ngày để nghe vị giám-mục giảng về phép Rửa-Tội và phép Mình Thánh Chúa cùng với những người đã vào đạo trước họ. Trong lúc giảng, cửa nhà thờ khóa chặt và được canh gác cẩn-thận, không cho những người chưa chịu phép Rửa vào nghe vì họ còn là người ngoài đạo; nhất là muốn giữ kín những điều liên quan đến Bí-tích Thánh-Thể. Trong nhật-ký du-hành kể lại cuộc thăm viếng Đất Thánh vào thế-kỷ thứ IV, bà Ét-tê-ri đã cho biết ở Giê-ru-sa-lem, người ta có thể nghe thấy từ xa tiếng reo vui của những người đang nghe giảng bằng tiếng Hy-lạp và tiếng Xi-ri dù cửa nhà thờ đóng kín. Một số ít những bài huấn-giáo này hiện nay vẫn còn giữ được gồm các bài của thánh Xi-ri-lô (Cyrille) thành Giê-ru-sa-lem, thánh Am-ro-si-ô (Ambrosios) thành Mi-lan, thánh Tê-ô-đo (Théodore) thành Móp-xu-ét , thánh Gio-an Kim-khẩu và mấy bài cho trẻ con của thánh Âu-tinh (Augustino).

Qua những bản văn đó người ta thấy có một sự đồng nhất sâu xa đủ chứng tỏ học-thuyết chung của Hội-Thánh liên quan đến Bí-tích Thánh-Thể trong hai thế-kỷ V và VI.

Các bài huấn-giáo đó nhấn mạnh đến tính cách hiện-thực của Mình và Máu Chúa Ki-tô trong Bí-tích Thánh-Thể. Chính Đức Giê-su bảo-đảm với chúng ta rằng bánh và rượu quả thực là Mình và Máu Người, dù giác-quan chỉ thấy rằng đó là của ăn và thức uống thông thường. Nhờ tin vào lời của Chúa Ki-tô mà chúng ta hoàn toàn chắc chắn được lãnh nhận Mình và Máu Người. Theo các giáo-phụ này, lý do chính làm cho có sự hiện-diện đó là lời hữu-hiệu toàn năng của Chúa Ki-tô đọc trong kinh Tạ ơn và nhờ tác-động của Chúa Thánh-Thần. Khi rước lễ, ta trở nên người mang Chúa Ki-tô và tham-dự thần-tính của Người như thánh Am-ro-si-ô viết: “Đức Giê-su Chúa chúng ta vừa mang thần-tính, vừa mặc xác-thể. Bạn rước Thánh-Thể của Người thì bạn cũng tham-dự thần tính của Người nhờ của ăn đó”. Hoặc như thánh Âu-tinh nói “anh em hãy rước Mình Thánh Chúa là mối dây ràng buộc anh em”. Thánh Xi-ri-lô thành Giê-ru-sa-lem giải-thích “khi cử hành hy-lễ mới này là chúng ta dâng lên Thiên-Chúa con của Người là Đức Ki-tô chịu hiến-tế vì tội lỗi chúng ta. Đó là một hy-lễ không đổ máu. Linh-mục tế-lễ là đại-diện Chúa Ki-tô”.

Thánh Tê-ô-đo thành Móp-xu-ét cũng viết: “Đó hẳn là một lễ-tế, nhưng không phải một lễ tế mới, cũng không phải là lễ tế riêng của linh-mục mà là cuộc tưởng-niệm lễ-tế đích-thực xưa kia, một cuộc biểu-dương những thực-tại trên trời”.

Thánh Âu-tinh cho đó là một lễ-tế thuần-khiết và giản tiện mà lễ vật là Mình và Máu của linh-mục tức Chúa Ki-tô.

Thánh Ê-phơ-rem (Ephrême) nhà thần-học chính của Hội-thánh bên đông Xi-ri, đã trình-bày bằng tiếng Xi-ri về đức tin vào mầu-nhiệm Thánh-Thể của các Hội-thánh bên đó. Thánh nhân đã nhấn mạnh đến sự-kiện Chúa Giê-su hiện-diện đích-thực trong Thánh-Thể và khuyên chúng ta tin-tưởng tuyệt-đối cùng dâng lời ca-tụng Ngừi là chiên lễ Vượt-qua của muôn dân, là thân thể sống động và tế-phẩm tinh-tuyền.

Thánh Gio-an Kim khẩu, người đại-diện có uy-tín nhất của trường-phái thần học An-ti-ô-ki-a và cũng là nhà giảng-thuyết rất được ưa chuộng của Hội-thánh Hy-lạp, đã được tặng danh-hiệu “tiến-sĩ Thánh-Thể”, thường sốt sắng đế cập đến Bí-tích Thánh-Thể trong các bài giảng-dụ. Thánh nhân đã thẳng thắn khuyên mọi người tuyệt đối tin vào lời của Chúa Ki-tô, Đấng đã ban chính thịt và máu mình cho chúng ta. Khi linh-mục đọc lời của Chúa Ki-tô lúc truyền phép thì chính Chúa Ki-tô dùng ơn và sức mạnh của Thiên-Chúa mà hành-động và biến đổi tế-phẩm thánh Mình và Máu Người. Đó cũng chính là thân thể đã bị đóng đinh trên thập-tự nhưng đã chiến thắng sự chết. Thánh Gio-an Kim khẩu cho đó là một ơn rất lạ-lùng, ơn được tiếp-xúc, đụng chạm tới Chúa Giê-su và đón rước Người vào linh-hồn ta. Đó là bằng chứng về tình yêu nồng nhiệt của Thiên Chúa đối với chúng ta. Thánh nhân còn thêm rằng thay vì dâng lễ-tế bằng chiên, dê, bò thì theo lệnh của Chúa Ki-tô chúng ta dâng chính Người làm lễ-tế không đổ máu. Chúng ta vẫn dâng cũng một của lễ, cũng một Con Chiên, cũng một thân thể và cũng một lễ tế vô giá. Thánh lễ là việc tưởng-niệm lễ-tế độc nhất của Chúa Ki-tô.

Trong các bài giảng của thánh Gio-an Kim khẩu, lần đầu tiên thấy nói đến hiện-tượng đáng lo ngại là tuy các tín-hữu có dự lễ nhưng càng ngày càng ít người rước lễ. Đây là hiện-tượng khá phổ-cập bên Hội-thánh Đông-phương; còn bên Hội-thánh Tây-phương thì thánh Am-ro-si-ô quả-quyết là vào thời ấy, việc rước lễ rất thịnh hành mỗi khi tham-dự Thánh-lễ. Sự khác biệt này cũng dễ suy-đoán nếu so-sánh quan-niệm của thánh Gio-an Kim khẩu và thánh Am-ro-si-ô đối với phép Thánh-Thể.

Thánh Am-rô-si-ô dùng lời lẽ của người hiền-thê trong sách Diễm tình ca để nói lên niềm vui của tâm-hồn khi được Chúa Ki-tô là vị lang-quân mời lên rước lễ. Còn thánh Gio-an Kim khẩu và các tín-hữu Đông-phương thời đó lại quan-niệm Bí-tích Thánh-Thể là mầu-nhiệm đáng sợ, đòi hỏi phải sửa soạn kỹ và có lòng rất trong sạch mới nên tiến tới bàn thánh. Sở dĩ có sự khác biệt này một phần là do những cuộc tranh-luận chống lại bè rối A-ri-ô thời ấy đang hoạt-động mạnh õ ở Đông-phương hơn Tây-phương và đi đến hậu-quả là các Ki-tô hữu chỉ chú-trọng đến thần-tính và siêu-việt-tính của Chúa Giê-su; còn nhân-tính và nội-tại-tính của Người lại mờ nhạt. Thêm vào đó, từ khi Ki-tô giáo trở thành quốc-giáo của đế-quốc Rô-ma thì người có đạo chỉ lo tự-đắc với vẻ bên ngoài, chỉ cốt sao cho có hình-thức đẹp mắt mà không lo phần tâm-đức. Hai quan-niệm trái ngược như vậy đã ảnh-hưởng đến phương-cách cửû-hành Bí-tích Thánh-Thể, làm cho hiệu năng rước lễ ban đầu bị suy-giảm ở Đông-phương, rồi sau lan sang đến Tây-phương và kéo dài trong nhiều thế-kỷ đầu tiên tạo nên những hậu-quả tai-hại sau này về học-thuyết cũng như cách thực-hành Bí-tích Thánh-Thể; chẳng hạn như quan-niệm không cần biết và tôn-trọng qui-luật ấn-định trong nghi-thức mặc dù lễ-qui cũng là phần quan-trọng để làm tôn thêm giá-trị bên trong.

IV. SUY-LUẬN THẦN-HỌC VỀ MẦU-NHIỆM THÁNH-THỂ

A. Trường-phái A-lê-xan-ri-a (Alexandrie)
Trường-phái thần-học này có những trực-giác đáng lưu ý về mầu-nhiệm Thánh-Thể qua các chủ-đề thần-học sau đây:
- Sự duy-nhất và đồng bản-tính trong Ba Ngôi Thiên-Chúa
- Độc nhất tính của Chúa Ki-tô, con Thiên-Chúa xuống thế làm người, vừa là Chúa thật mà cũng vừa là người
thật.
- Con người được thần-hóa: thần-khí được Chúa Ki-tô ban cho loài người kết-hợp với linh-hồn ta để được thông
phần thực sự vào bản tính Thiên-Chúa.

Các tác-giả của trường phái này gồm có

< 1.O-ri-giên : (Origene) cho Thánh-Thể là mầu-nhiệm hướng về Chúa, mầu-nhiệm đưa con người lên hội-nhập vào tiến-trình của Đức Ki-tô hướng về Chúa Cha

< 2. Thánh Hi-la-ri-ô: (Hilarius) là giám-mục Poitier, bạn của thánh A-ta-na-si-ô (Athanasius), trong tác-phẩm về Thiên-Chúa Ba Ngôi có một đoạn ngắn trình-bày rất xuất-sắc về vai-trò của Bí-tích Thánh-Thể trong mầu-nhiệm cứu-độ. Thánh-nhân giải thích rằng bản tính Chúa Cha và Chúa Con kết-hợp với nhau và trong mầu nhiệm nhập-thể, thần tính và nhân tính cũng được kết-hợp. Tuy nhiên sự kết-hợp bản tính này không hề có nghĩa là pha trộn phần thần thiêng với phần nhân-loại nơi Đức Ki-tô, nhưng là một kết-hợp thực sự nhằm tới hữu-thể.
Cuối cùng là có sự kết-hợp bản tính giữa Đức Ki-tô và người lãnh nhận Mình và Máu Người trong Bí-tích Thánh-Thể.
Bản tính nhân loại của Đức Ki-tô nhập-thể là bản tính con người chúng ta. Ở đây thánh Hi-la-ri-ô trình bày theo kiểu Platon, nghĩa là bản tính con người thực sự là một nên ai cũng đều tham-dự vào cùng bản tính ấy; nhưng thánh nhân có thay đổi một chút là khi mặc lấy bản-tính nhân-loại, Đức Ki-tô chỉ mặc lấy bản tính của những ai rước Mình và Máu Người mà thôi. Đồng thời với bản-tính Thiên-Chúa, Đức Ki-tô cũng thực sự kết hợp với Chúa Cha và vì Chúa Cha là nguồn mạch sự sống cho nên nhờ sự kết-hợp với Đức Ki-tô mà chúng ta được ban cho sự sống thật.
Ngày nay chúng ta ít quen thuộc với những suy-nghiệm như thế, nhưng nếu muốn trình bày việc rước lễ theo quan-điểm thần-học thì không nên bỏ qua trực-giác sâu-xa này.

3. Thánh Ghê-go-ri-ô (Gregorius) thành Nít-xơ (Nice)Thánh nhân là người rất ngưỡng mộ O-ri-giên và trong cùng một hướng suy nghĩ đó đã đặc biệt nhấn mạnh đến sự cần thiết phải năng rước lễ để giải-thoát thân xác chúng ta khỏi mầm mống của tội lỗi. Bằng cách này, chúng ta để thân xác vinh-hiển của Chúa Ki-tô – Đấng đã đánh bại sự chết – sống thay cho thân xác phải chết của chúng ta bởi vì Thánh-Thể chắc chắn là thân xác thật của chính Chúa Ki-tô. Thánh Ghê-go-ri-ô giải thích bằng cách so-sánh rằng khi Chúa Ki-tô ăn bánh, bánh sẽ trở thành máu và thịt nhờ việc tiêu-hóa; nay nhờ sức mạnh của lời truyền phép, bánh đổi bản-tính và trở thành Mình Chúa Ki-tô. Thánh Ghê-go-ri-ô cũng suy nghĩ về việc Đức Ki-tô lập lễ-tế trong bữa Tiệc-ly là vì Người muốn cho chúng ta thấy căn-nguyên sự cứu-độ không phải do ác ý của thù-địch; cũng không phải do sự cần thiết mà ác ý kia áp-đặt nhưng là do ý muốn của Người. Điều này có nghĩa là trước khi bị đóng đinh trên thập-tự, Đức Ki-tô muốn hiến thân làm tế-phẩm một cách mầu nhiệm.

4. Thánh Xi-ri-lô (Cyrille) thành A-lê-xan-ri-a (Alexandrie). Thánh-nhân là một nhà thần-học lớn cuối cùng của trường-phái A-lê-xan-ri-a đã tập-trung sự suy-nghĩ vào sự sống thật : “Thịt của Đức Ki-tô là thịt của chính Ngôi Lời, mà Ngôi Lời theo bản tính là sự sống. Chính Ngôi Lời đã làm cho xác Người sống lại và ban cho xác ấy sức mạnh hồi-sinh. Ơn cứu-độ chúng ta hệ tại việc đón nhận sự sống thật khi chúng ta kết-hợp với Đức Ki-tô là chính sự sống và sự sống này đã ban cho chúng ta qua việc rước lễ để chúng ta nhờ đó mà được bảo-đảm sẽ sống lại ngày sau. Nhờ vào sự đoàn-kết với nhau mà chúng ta trở nên một Hội-thánh là thân xác của của Chúa và chính Chúa là mối dây liên-kết ràng buộc chúng ta. Người cũng là nguồn mạch liên-lỉ phát sinh thần-khí nên nhờ rước Mình và Máu Người mà linh-hồn chúng ta được ban ơn sự sống nhờ Chúa Thánh-Thần.

B. Thánh Âu-tinh (Augustin)
Thánh Âu-tinh là người có lòng mến yêu Bí-tích Thánh-Thể nồng-nhiệt qua cách nói "Ôi Bí-tích sinh lòng đạo-đức! Ôi dấu hiệu hiệp-nhất! Ôi mối dây bác-ái!"
1. Bí-tích sinh lòng đạo-đức, Bí-tích tình yêu: đây là tất cả thần-học của thánh Âu-tinh về lễ-tế đích thực. Theo thánh-nhân, mọi việc chúng ta làm để kết-hợp với Thiên-Chúa là lễ-tế đích thực. Bằng sự kết-hợp thánh-thiện, chúng ta quy-hướng về Thiên-Chúa là sự thiện tối-thượng và nguồn mạch duy-nhất của hạnh-phúc. Đó là sự gắn bó của lòng ta với Thiên-Chúa nhờ đức ái. Linh-hồn được tình yêu nung nấu trở nên giống Thiên-Chúa tình yêu. Đó là lễ-tế vô hình nhưng đích thực. Thiên-Chúa đòi chính lễ-tế này không phải để Người được lợi nhưng là để mưu ích cho chúng ta. Tất cả mọi lễ-tế hữu-hình theo nghi-thức đều có lý-do hiện-hữu xét theo phương-diện bí-tích, nghĩa là những dấu hiệu thánh thiêng diễn-tả lễ-tế vô-hình và đích-thực.
Thánh Âu-tinh biết rõ người ta không thể yêu mến Chúa cho phải nếu không được Chúa Ki-tô ban ơn. Vì thế, để loài người có thể trở nên lễ-tế đích thực, trước hết Đức Ki-tô đã phải trở nên tế-phẩm ân-tình. Đó là điều Người đã thực-hiện khi hiến mình trong cuộc thọ hình với tư-cách là người và là thượng-tế. Lễ-tế này đặt ra để cho Hội-thánh tham-dự. Chính vì thế Đức Ki-tô đã dâng lên Chúa Cha qua nơi bản thân mình tất cả nhân-loại được cứu-chuộc như một lễ-tế phổ-cập. Cuộc thọ-hình của đức Ki-tô là "Bí-tích hữu-hình" của lễ-tế tìn-yêu vô-hình của Người. Đối với Ki-tô hữu, chỉ có một lễ-tế duy-nhất là tất cả trở nên một thân thể trong Người bằng cách tham-dự vào thần-khí và tình yêu của Người. Việc tham-dự vào lễ-tế của Đức Ki-tô cũng có tính-cách Bí-tích, nghĩa là có dấu hiệu thánh thiêng: đó là Bí-tích bàn thờ qua việc cử-hành Thánh-Thể. Lễ-tế hữu-hình này được Chúa Ki-tô và Hội-thánh dâng lên mỗi ngày cũng chính là Chúa Ki-tô dâng vì Thánh-Thể là Mình và Máu Người; nhưng đồng thời cũng là Hội-thánh dâng vì Hội-thánh ràng buộc với Chúa Ki-tô và tham-dự đức ái của Người trong Thánh-Thần và Hội-thánh nên một với Chúa Ki-tô. Như thế, việc cử-hành Thánh-Thể là khoảng thời-gian cho Hội-thánh học biết công việc chính yếy của mình là trở thành một lễ-tế duy-nhất, phổ-cập và đích thực là một thân thể duy-nhất trong Chúa Ki-tô cách hoàn-hảo hơn.
2. Dấu hiệu hợp-nhất, biểu-tượng kết-hợp. Những lời này cho thấy hai chiều-kích trong thần-học của thánh Âu-tinh về Bí-tích Thánh-Thể theo phạm-trù biểu-tượng, nhưng không phải là một biểu-tượng đã bị gạn lọc đi, bị lấy hết thực-tại-tính. Bởi vì khi đọc lời truyền phép thì bánh và rượu trở nên chính Mình và Máu Chúa Ki-tô, nhờ vậy mà chúng ta có thể đến với Người. Ở đây, thánh Âu-tinh cũng suy-luận theo kiểu Platon, nghĩa là những thực-tại siêu-khả-giác cũng được thông-phần và hiện-diện một cách nào đó trong các hình-ảnh khả-giác. Đối với thánhÂâu-tinh, đây là cách-thế duy-nhất để hiểu sự hiện-diện đích thực của Chúa Ki-tô khi một người coi nhân-tính của Chúa Ki-tô phục-sinh định-vị ở trên cao trong khoảng không gian trên trời mà chưa biết đến lối giải-thích về việc Chúa hiện-diện trong bí-tích Thánh-Thể chỉ do việc biến-đổi bản-thể bánh thành bản-thể Mình Chúa Ki-tô. Sư hiện-diện này được thánh-nhân dùng nhiều kiểu khác nhau để diễn-tả:
- Trên bàn thờ, tế-phẩm thánh được phân chia để phá hủy án phạt của chúng ta.
- Trong bữa Tiệc-ly, Đức Ki-tô mang lấy chính mình trong tay.
- Khi rước lễ, chúng ta không chỉ nhận lấy một cái gì đó, mà là một ai đó.
Vậy bánh được truyền phép là Mình Chúa Ki-tô, rượu được truyền phép là Máu Chúa Ki-tô đổ ra để chuộc tội. Chúng ta phải nhìn ra ở trong bánh là thân thể đã bị đóng đinh trên thập-giá và trong chén thánh là máu đã chảy ra từ cạnh sườn Người.

Nhưng khi thánh Âu-tinh nói về sự hiện-diện của Mình Chúa Ki-tô trong phép Thánh-Thể thì tư-tưởng của người chuyển ngay sang Hội-thánh mà chính nhờ Bí-tích Thánh-Thể đã trở thành Mình Chúa Ki-tô. Bí-tích Thánh-Thể là biểu-tượng hợp-nhất. Hiệu-quả của việc Chúa Ki-tô hiện-diện trong Bí-tích Thánh-Thể là làm cho những người rước lễ trở nên Mình Chúa Ki-tô, nghĩa là họ tiếp-nhận thứ nào thì trở nên như thế. Tư-tưởng này của thánh Âu-tinh không có ý giảm thiểu tính-cách thực-tế của Mình Chúa Ki-tô trong Bí-tích Thánh-Thể và điều này đã được thánh Lê-ô Giáo-hoàng, một môn-đệ của thánh Âu-tinh, khẳng-định như Công-đồng Va-ti-ca-nô đã trưng-dẫn như sau:” Việc tham-dự vào Mình và Máu Chúa Ki-tô biến đổi chúng ta trong cái mà chúng ta lãnh-nhận. Mục-đích đạt đến khi cử-hành Bí-tích Thánh-Thể là vĩnh-viễn lập nên một Đức Ki-tô toàn-diện cả đầu lẫn thân, hoàn-toàn hợp nhất trong cùng một Thánh-Thần, trong cùng một thái-độ hiến-tế, trong cùng một đức ái. Như vậy nếu chính là Hội-thánh làm ra Thánh-Thể khi cử-hành bí-tích thì cũng chính là Thánh-Thể làm ra Hội-thánh. Thánh-Thể là “Bí-tích cậy trông”, nhờ đó hội-thánh được hình-thành, được quy-tụ trên mặt đất để cuối cùng trở nên “một Đức Ki-tô yêu mến chính mình” của thần-thánh trên trời trong vinh-quang, nơi chúng ta sẽ được nghỉ ngơi, chiêm ngưỡng, yêu mến và ca tụng không ngừng.
3. “Mối dây bác-ái ràng buộc”. Thánh-Thể là lễ-tế bình-an, lễ-tế yêu thương dạy chúng ta biết yêu mến Chúa Ki-tô. Những người tội-lỗi không ở trong tình-trạng xứng hợp mà ăn Thịt và uống Máu Người thì không được ích gì cả. Bí-tích Thánh-Thể chỉ đạt mục-đích khi người rước lễ hướng đời sống mình theo gương Chúa Ki-tô mà vâng lời và yêu mến. Mình và Máu Chúa Ki-tô trở nên sự sống cho mỗi người nếu ai nấy đều ăn và uống các thiêng-liêng thực sự bánh và rượu hữu hình trong bí-tích. Việc rước lễ thiêng-liêng là sự sống trong thần-khí của Đức Ki-tô, là tham-dự lễ-tế phổ-cập của Hội-thánh được vị Thợng-tế của mình cứu chuộc.
Nền thần-học về Bí-tích Thánh-Thể của thánh Âu-tinh dù có những giới-hạn cũng vẫn mang tính chất phong-phú và tốt đẹp. Quan-niệm định-vị Đức Ki-tô Phục-sinh với tư-cách là người có một không-gian hiện-hữu thực sự và việc nhấn mạnh đến tính cách tượng trưng của sự hiện-diện đích-thực trong Bí-tích Thánh-Thể đã gây ra những khó khăn trong thời Trung-cổ vì từ-ngữ thánh Âu-tinh dùng theo lối biểu-tượng của Platon tuy hiện-thực nhưng khó thích hợp. Tuy nhiên phải nhìn nhận rằng lối giải thích này giúp cho chúng ta dễ hiểu thêm về Bí-tích Thánh-Thể trên nền-tảng thần-học; đồng thời cũng trở thành nền-tảng cho tất cả mọi suy-luận thần-học sau này về Bí-tích Thánh-Thể.

CHƯƠNG II
BÍ-TÍCH THÁNH-THỂ THỜI TRUNG CỔ
I. NHỮNG THAY ĐỔI CHUNG QUANH VIỆC THAM-DỰ THÁNH LỄ
Bước vào thời Trung-cổ, Giáo-hội phải hội-nhập với hoàn-cảnh hoàn toàn mới lạ. Sau khi đế-quốc Rô-ma sụp đổ, bên tây-phương chỉ có mình Giáo-hội là một trong các lập-chế của thời Thượng-cổ còn tồn tại và chính là cơ-cấu khuôn mẫu cho các dân tộc mới khai-sinh từ sau các cuộc xâm-lăng của các bộ lạc dựa theo để tổ-chức đời sống. Đây là thời-kỳ nẩy sinh ra Ki-tô giới, một xã-hội thuần-nhất theo lối phong-kiến.
Trong cách tổ-chức đời sống của những dân-tộc này, Thánh-lễ ngày Chúa-nhật ở các họ đạo là một yếu-tố quan-trọng. Ở thế-kỷ VI, lần đầu tiên có những công-đồng riêng từng miền quyết-định buộc giáo-dân phải dự lễ ngày Chúa nhật. Luật này được coi như luật của Giáo-hội và ai không giữ là có tội nặng. Sau đó lại có thêm cả luật cấm không được làm việc nặng nhọc ngày Chúa nhật. Những luật này được chính-quyền phê-chuẩn và còn thêm việc nếu ai không tuân giữ sẽ phải phạt. Khi đi rước lễ đúng ra là một đặc ân được dự-tiệc thánh trong gia-đình Chúa thì thời này lại là luật buộc nặng nề; thành ra ngày Chúa nhật như bị đồng hóa với ngày Sa-bát của người Do-thái. Mọi người đều đi lễ, nhưng rất ít người rước lễ. Ngay cả những bổn đạo sốt sắng cũng chỉ rước lễ nhiều lắm là ba lần trong một năm. Nhiều người khác thì năm chừng mười họa mới rước lễ một lần, đến nỗi Công-đồng La-tran IV phải buộc lòng bắt rước lễ ít là một lần trong năm vào dịp lễ Phục-sinh (Dz. 437). NGòai ra là rước lễ khi gặp nguy-tử như của ăn đàng vì chẳng ai muốn vượt qua đoạn đường nguy-hiểm về bên kia thế-giới mà không rước Mình Chúa Ki-tô.
Thánh-lễ ngày Chúa-nhật cử-hành bằng tiếng La-tinh, dân chúng không hiểu; bàn thờ lại đặt ở xa mãi trên cung thánh; chủ-tế đọc thầm một mình, chẳng mấy khi có một bài giảng nghe được v..v..làm cho giáo-dân tham-dự khó hiệp-thông và Phụng-vụ Thánh-Thể trở thành giới-hạn riêng của giáo-sĩ, không đúng với tinh-thần chính là cử-hành cho giáo-dân được lợi ích vì họ đến tham-dự như khách bàng-quan.
Từ thế-kỷ VII, các linh-mục bên tây-phương bắt đầu làm lễ riêng. Cuối thời Thượng-cổ, Ki-tô giáo lan rộng về miền quê và số bổ-đạo ở thành-thị cũng tăng nên cá linh-mục phải đảm-nhiệm nhiều hơn các công việc mà ngày trước chỉ dành cho giám-mục như cử-hành tiệc Thánh-Thể cho một cộng-đoàn, ban phép tha tội, giảng dạy theo mục-vụ và các giám-mục lại trở thành các vị quản-nhiệm những vùng đất đai rộng lớn gọi là địa-phận. Trong suốt thời Thượng-cổ, mỗi nhà thờ chỉ cử-hành một Thánh-lễ duy-nhất trong ngày với các linh-mục trong địa-phận cùng tham-dự theo đúng nghi-thức phụng-vụ đồng-tế. Nhưng từ thế-kỷ thứ VII trở đi, các linh-mục đều muốn làm lễ riêng bởi một lý-do quan trọng là quan-niệm thiên về Ki-tô học hơn Thánh-thần học trong chức linh-mục. Đây là một đặc-điểm của Giáo-hội la-tinh thời Trung-cổ, theo đó các linh-mục được coi như người đại-diện Chúa Ki-tô với đầy đủ quyền-hành mà ít coi đó như một ơn do Chúa Thánh-Thần là hồn sống của Giáo-hội ban cho. Vì vậy, linh-mục được truyền chức cốt yếu là cho cộng-đoàn được bảo-đảm việc cử-hành Thánh-lễ trong Giáo-hội, vì chỉ Giáo-hội mới là chủ-thể có đầy đủ tư-cách.
Trong hai thế-kỷ VIII và IX, bắt đầu có thói quen dùng bánh khôn gmen và thói quen này mỗi ngày một phổ cập thya vì dùng bánh thông-thường như ở thời Thượng-cổ và cũng lại đổi rượu đỏ thành rượu trắng. Sự thay đổi này có thể vì muốn tỏ lòng trọng kính Chúa ngự trong Bí-tích Thánh-Thể hơn nên muốn tránh những mẩu bánh vương vãi và những chấm rượu đỏ sẽ dễ trông thấy nếu lỡ bị rơi rớt. Cũng thời kỳ này, Mình Thánh được đặt vào miệng người rước lễ thay vì đặt vào tay như trước đó. Những thya đổi này đã đánh dấu sự khác biệt giữa linh-mục và giáo-dân cũng như sự cách biệt giữa giáo-dân với bàn thánh. Một thay đổi khác nũa là chỉ linh-mục mới được rước Máu Thánh mà không nói rõ lý-do nhưng chắc chắn đấy không phải là do luật-lệ của Gíao-hội mà có thể là do chính giáo-dân kiêng không rước Máu Thánh vì muốn tỏ lòng cung kính, sợ bị rơi rớt. Nhiều công-đồng miền đã chỉ-trích thói quen này và nhấn mạnh phải rước lễ dưới cả hai hình bánh và rượu. Cũng có thể thể bởi lý-do là trong khoảng thời-gian mấy thế-kỷ liền mà giáo-dân không chịu Máu Thánh Chúa là đúng vào thời-gian Âu-châu hay bị bệnh dịch lan tràn nên người ta sợ uống chung một chén. Thói quen này dù ban đầu do giáo-dân vì kiêng, vì sợ hoặc để tỏ lòng kính trọng hay sao đó không rõ, nhưng sau vài thế-kỷ lại đã trở thành luật đối với giáo-dân để công nhận việc chịu lấy Máu Thánh là đặc ân của hàng giáo-sĩ.
Giáo-hội Hy-lạp bên Đông-phương không có những thay đổi này. Việc đồng tế vẫn bắt buộc, vẫn dùng bánh có men và rượu đỏ, giao-dân rước lễ cả hai hình bánh và rượu nhưng lại du-nhập cách rước lễ bằng miệng; linh-mục cầm thìa múc bánh thánh đã thả trong chén rượu rồi đưa vào miệng người rước lễ.

II. NHỮNG CUỘC TRANH-LUẬN ĐẦU TIÊN
Những cuộc tranh-luận đầu tiên về Bí-tích Thánh-Thể diễn ra vào thời Trung-cổ. Trong các bản văn của các giáo-phụ thì những bản của thánh Am-rô-si-ô nhấn mạnh đến việc bánh thánh đổi thành Mình Chúa Ki-tô là Đấng sinh làm con Đức Mẹ đã chịu chết và sống lại. Còn những bản văn của thánh Âu-tinh lại quan-niệm Chúa hiện-diện trong Bí-tích Thánh-Thể theo kiểu tượng-trưng. Một cuộc tranh-luận đầu tiên đã xẩy ra ở thế-kỷ thứ IX trong cùng một đan-viện giữa đan-viện-phụ Paschase Radbert và các đan-sĩ Corbie và Ratramne. Paschase bảo-vệ thuyết biến đổi bánh rượu thành Mình và Máu Chúa của thánh Am-rô-si-ô, còn Ratramne tuy vẫn nhận Bí-tích Thánh-Thể là Mình Chúa Ki-tô nhưng lại nghĩ rằng Mình Chúa Ki-tô không phải là thân xác của Chúa Ki-tô ngày xưa do Đức trinh-nữ Ma-ri-a sinh ra. Cuộc tranh-luận này chẳng gây nên những biến-động nào to tát và quan-điểm của Paschase được mọi người chấp nhận vào thế-kỷ thứ X.
Nhưng qua đến thế-kỷ thứ XI, một cuộc tranh-luận thứ hai đã xẩy ra sôi nổi hơn, đó là cuộc tranh-luận do kinh-sĩ Bérenger ở địa-phận Tours khởi-xướng. Ông là một nhà biện-chứng sâu-sắc, đã đưa triết-học vào cuộc bàn cãi. Ông cho rằng giác-quan chúng ta thấu-cảm trực-tiếp bản-thể sự vật, do đấy bánh vẫn chỉ là bánh đối với giác-quan chúng ta ngay sau khi đã truyền phép. Vì vậy đây chỉ là biểu-tượng thuần-túy nhắc lại cho chúng ta cuộc thọ hình của Chúa Ki-tô mà thôi.
Khi quan-niệm này vừa xướng lên thì một số đông các vị có tên tuổi như đan-viện-phụ Durand tại Troarnes; tổng-giám-mục Lanfranc ở Cantorbiry; giám-mục Guitmond của Adversa tại Alger và kinh-sĩ Liege cực-lực phản-đối. Tất cả đếu soạn thảo những thiên khảo-luận bàn về Mình và Máu Chúa Ki-tô và nhắc rõ lại là từ xưa Giáo-hội vẫn tin-tưởng Chúa Ki-tô ngự thật trong Bí-tích Thánh-Thể. Đức Tổng-giám-mục Lanfranc nói "Cứ hỏi mọi người biết tiếng La-tinh, cứ hỏi người Hy-lạp, cứ hỏi người Arménie và cứ hỏi bất cứ một Ki-tô hữu nào thì họ cũng sẽ đồng thanh tin nhận như vậy. Nếu cả Giáo-hội ở khắp nơi mà tin sai thì phải nói rằng một là đã chẳng bao giờ có Giáo-hội, hai là Giáo-hội đã chết rồi" (Pl 150-441).
Trong suốt thời gian tranh-luận, nhiều công-đồng miền đã buộc Bérenger phải ký nhận những bản tuyên xưng đức tin. Nhờ những cuộc tranh-luận như vậy mà thần-học thêm phát-triển nên các bản tuyên xưng được chính-xác. Bản tuyên xưng cuối cùng do một công-đồng họp tại Rô-ma dưới thời Đức Giáo-hoàng Ghê-go-ri-ô (Grégoire) VII năm 1079, đã viết:"Tôi tuyên xưng bánh và rượu ở trên bàn thờ đã biến chất mà trở thành máu, thịt đích-thực có sức nuôi dưỡng của Đức Ki-tô, Chúa chúng ta do ý nghĩa nhiệm-mầu của lời kinh và do Lời của Đấng Cứu-chuộc chúng ta. Sau khi truyền phép, bánh và rượu đó là thân xác thật của Chúa Ki-tô xưa đã sinh ra làm con ĐứÙc Trinh-nữ để cứu-chuộc trần gian. Thân xác đó đã bị treo trên thập-tự và nay đang ngự bên hữu Đức Chúa Cha cũng như là máu thật của Chúa Ki-tô xưa đã từ cạnh sườn Người đổ ra. Tất cả không phải chỉ hiện-diện một cách tượng-trưng mà là trong chính bản-tính riêng biệt và trong bản-thể đích thực" (Dz 355).
III. SỰ PHÁT-TRIỂN CỦA PHONG-TRÀO SÙNG KÍNH BÍ-TÍCH THÁNH-THỂ
Thời Đức Giáo-hoàng Ghê-go-ri-ô, những người đã nhiệt-liệt chống lại quan-niệm của Bérenger đã phát-động một phong-trào cải-cách trong Giáo-hội. Cuộc cải-cách này có ảnh-hưởng sâu xa đến đời sống đạo-đức của dân chúng. Lòng nhiệt-thành bảo-vệ giáo-lý Chúa Ki-tô ngự thật trong Bí-tích Thánh-Thể của các vị đã làm cho người ta chú ý nhiều đến vấn-đền này và gây được một phong-trào sùng kính Chúa ngự trong Bí-tích Thánh-Thể một cách sôi-nổi và sâu rộng. Từ năm 1200, cử chỉ nâng bánh thánh và chén thánh cho dân chúng chiêm-ngưỡng sau lời truyền phép mỗi ngày một lan rộng và làm cho họ vô cùng cảm-động. Do tình-trạng thiên-hạ nô-nức muốn nhìn xem Mình Thánh nên mới làm ra mặt nhật để cho người ta tôn-thờ Chúa và làm nhà Tạm để giữ Mình Chúa trong các nhà thờ. Năm 1264, Đức Giáo-hoàng U-ba-nô (Urbain) lập lễ Mình Thánh Chúa để tôn-thờ Chúa Ki-tô hiện-diện trong Bí-tích Thánh-Thể. Các cuộc rước Thánh-Thể mỗi ngày một nhiều và được cử-hành rất long-trọng.
Một kết-quả rất cụ-thể là người ta không còn nhìn Thánh-Thể như là một sự thiêng thánh, mà là một hiện-diện của Chúa Ki-tô Phục-sinh sống-động. Các nhà thần-học nhấn mạnh rằng sau khi truyền phép bánh và rượu rồi thì có Chúa Ki-tô hiện-diện cách sống-động hoàn-toàn trong bánh và rượu. Các vị dùng lý-thuyết đồng hiện (Théorie de la concomitance) để giải-thích sự-kiện này; nghĩa là do lời truyền phép mà Mình Chúa hiện-diện trong bánh và Máu Chúa hiện-diện trong rượu. Nhưng mình, máu, linh-hồn và thiên-tính là những thực-tại bất-khả phân-ly nơi Chúa Ki-tô cho nên sau khi Người đã sống lại và ở đâu có một yếu-tố nào của Chúa thì tất cả các yếu-tố khác cũng hiện-diện.
Nhưng vì phong-trào này phát-triển nên đồng thời cũng theo đó phát-sinh thêm một vài hệ-lụy. Tín-điều Chúa hiện-diện và lòng sùng kính Thánh-Thể được phong-trào phát-động xem ra chơi-vơi và biệt-lập, không liên-quan gì đến toàn-bộ mầu-nhiệm cứu-độ vì bổn đạo chẳng hiểu nhiều về Thánh-lễ và rất ít khi rước lễ. Vì thế, việc Chúa hiện-diện không còn được diễn ra qua khung cảnh một bữa ăn chung trong gia-đình Chúa là nơi Chúa Ki-tô đứng ra làm điểm quy-tụ chúng ta lại với Người và nhờ Người mà đến với Cha khi cùng kết-hiệp trong thân xác của Người. Thành ra sự hiện-diện đích thực của Chúa Ki-tô trong bí-tích Thánh-Thể lại cũng tách-biệt với những cách thế hiện-diện khác của Người, nhất là hiện-diện trong Lời Chúa và trong cộng-đồng Ki-tô hữu. Người ta đã nhấn mạnh đến những kết luận rút ra từ việc Chúa lập Bí-tích Thánh-Thể, nhưng trung-tâm-điểm chính yếu của Bí-tích ấy thì lại để cho lu-mờ.
IV. SỰ KHAI-SINH NỀN THẦN-HỌC VỀ BÍ-TÍCH THÁNH-THỂ
Kết-quả của những cuộc tranh-luận do Bérenger gây nên đã làm cho người ta lưu-ý đặc-biệt đến việc Chúa ngự trong Bí-tích Thánh-Thể và góp phần vào việc làm cho nền thần-học về Thánh-Thể phát-triển và đưa đến nhiều giá-trị khác nhau. Một đàng là đã có cố gắng nhiều về phương-diện thần-học để tìm hiểu và làm cho mầu-nhiệm sáng tỏ; đàng khác lại chỉ thấy cố gắng làm sáng tỏ mầu-nhiệm Chúa ngự trong Thánh-Thể không phải bằng những từ-ngữ dùng cho nhân-tính cụ-thể của Chúa Ki-tô đã sống lại hiến mình cho ta mà lại dùng những chữ như bản-thể, biến đổi, nơi. Như vậy là đã đi từ một khung cảnh có mầu sắc siêu-hình và vũ-trụ luận nữa. Chữ "bản-thể" (substances) đã có dùng ở thời Thượng-cổ như Fauste de Riez, trong một bài giảng-dụ hồi thế-kỷ thứ V đã nói :" Vị Thượng-tế vô-hình là Đức Ki-tô thay đổi những tạo-vật hữu-hình là bánh và rượu thành bản-thể Máu và Mình Người, nhờ sức mạnh bí-nhiệm của Lời Người" (Pl 30, 271). Nhưng chữ bản-thể ở đây chỉ hiểu theo nghĩa là thực-thể. Trong thời kinh-viện, chữ này có một ý nghĩa chính-xác hơn, nhờ ảnh-hưởng của triết-học Aristote.
Quả vậy, việc du-nhập quan-niệm triết-học của Aristote vào nền thần-học về Bí-tích Thánh-Thể đã giúp cho những từ-ngữ dùng để diễn-tả các ý-niệm được chính-xác hơn.Các nhà thần-học phân-biệt rằng các phụ-tính của bánh thì vẫn là một, còn bản-thể của bánh thì đã thành Mình Chúa Ki-tô do quyền phép toàn năng của Chúa. Từ thế-kỷ thứ XII trở đi, chữ "biến đổi bản-thể" (transsubstantiation) xuất hiện lần đầu tiên trong tác-phẩm "Sentences" của Roland Bandinelli, viết vào năm 1140 được dùng để chỉ sự biến đổi này. Các vị đó giải-thích rằng Chúa Ki-tô hiện-diện trong Thánh-Thể "theo lối bản-thể" nghĩa là Người hiện-diện hoàn-toàn trong các phụ-tính và trong mỗi phần thuộc phụ-tính (totus in toto et in totus in qulibet parte). Nhờ các phụ-tính của bánh, Chúa Ki-tô hiện-diện ở "nơi "có những phụ-tính ấy. Song đây lại không phải là một sự hiện-diện có tính cách nơi chốn, như những vật-thể có khối lượng chiếm một khoảng không gian cư ngụ nào đó (est in loco sed non localiter). Người thật hiện-diện, nhưng cái mà ta đụng chạm tới; nhìn, xem, thấy hoặc nhai hay tiêu-hóa đi thì đó là phụ-tính của bánh. Đó là lối giải-thích của thánh Thomas d'Aquin và còn cả của thánh Bonaventure và Duns Scot nữa. Điều đáng tiếc là trong những thiên khảo-luận về vấn-đề này không thấy nói đến sự hiện-diện chính là một ý-niệm có tính cách liên chủ-thể. Đàng khác, xem ra các tác-giả lại quá nhấn mạnh đến cách đề-cập vấn đề hiện-diện trong Thánh-thể như cô-lập chơi vơi. Khuyết-điểm này càng thấy rõ khi phái Duy Danh (nomalisme) xuất-hiện vào hai thế-kỷ XIV và XV. Khi đọc các thiên khảo-luận của Occam và các nhà theo thuyết duy danh về Bí-tích Thánh-Thể, người ta có cảm tưởng như đang dự một cuộc thao-luyện trừu-tượng về biện-chứng mà thôi khi các tác-giả nói đến các ý-niệm về bản-thể, phụ-thể, số lượng, bành-trướng, có khắp nơi, hoạt động, thụ-động, kết quả thực sự, kết quả giả thiết, khả năng trừu-tượng v..v...Cho nên , nếu không có những chữ "Mình Chúa Ki-tô" thì người ta có cảm tưởng đó là những thiên siêu-hình-học rất khó hiểu.
Trước một tình-trạng như thế, thật không lạ gì khi có những người đạo-đức hoàn toàn mà lại dửng dưng với một nền thần-học khô héo và một người như Thomas à Kempis đãviết cuốn Gương Chúa Giê-su khuyên các độc-giả của ông đừng làm những kẻ suy cứu tò-mò về Bí-tích Thánh-Thể, mà hãy trở nên những người bắt chước gương Chúa.

V. CÁC KHÓ KHĂN VÀ CÁC BÈ RỐI
Trường-hợp sùng-kính Bí-tích Thánh-Thể như vừa kể trên về cuối thời Trung-cổ thật là tai hại cho cả thần-học lẫn lòng đạo-đức của dân chúng vì thần-học thì không còn vẻ đạo-đức cũng như lòng đạo-đức mà không được thần-học hướng-dẫn thì rất dễ sai lạc. Vào thời-điểm này, số linh-mục rất đông và nhiều người chẳng có việc gì khác ngoài việc mỗi ngày làm lễ riêng và có được một số bổng lễ nhỏ rút ra từ các quỹ tiền lễ cho nên đã có nhiều điều đáng tiếc xẩy ra. Các linh-mục này làm lễ khô khan, không chịu giảng, nhà thờ để lôi-thôi và phụng-vụ thì chồng chất nhiều thứ phụ-thuộc rườm rà, vô-ích mà chẳng ai hiểu gì. Có biết bao thứ dị-đoan mê-tín về hiệu-quả được coi như dĩ-nhiên của một số lễ-tế nhất-định đã được cử-hành liên-tiếp theo ý người xin hoặc theo một ý chỉ rõ rệt hoặc cho rằng đốt bao nhiêu nến thì sẽ được những ơn đặc-biệt. Nói chung, thiên-hạ ta thán về một số các linh-mục hư-hỏng và dốt nát. Tuy dân chúng vẫn còn đi lễ đông đảo vào ngày Chúa-nhật và tham-dự các việc đạo-đức kính Bí-tích Thánh-Thể nhưng ít rước lễ. Thành ra Thánh-lễ sẽ không còn là một bữa ăn thiêng-liêng của gia-đình con cái Chúa đã được Chúa Ki-tô giải-thoát, hiệp nhất với nhau và cùng nhau tiến về ngày quang-lâm mà chỉa còn là một lễ-nghi của xã-hội phong-kiến được cử-hành để biểu-dương sự tổ-chức và trật-tự chặt-chẽ dựa trên trật-tự siêu-việt và bất-biến của Thiên-Chúa vĩnh-cửu.
Tình trạng như vậy đã bắt đầu xuất-hiện ngay từ đầu thời Trung-cổ và càng rõ hơn vào cuối thời Trung-cổ đã tạo hoàn-cảnh thuận-lợi cho các bè rối nổi lên. Nhưng cũng như các phong-trào phản-kháng và phủ-chứng, các bè rối đã không chỉ đả-kích các khuyết-điểm hoặc hệ-thống tổ-chức, mà còn tấn-công đến cả nền móng cổ-truyền của Giáo-hội dựa trên Kinh-thánh.
• Các người thuộc bè rối Albigeois (hay Cathares) và những nhóm rối đạo hoặc gần như rối đạo, phủ-nhận các bí-tích và không đồng-ý là các linh-mục có quyền cử-hành bí-tích.
• Wiclef ở bên Anh vào thế-kỷ XV phủ-nhận mọi quyền, kể cả quyền truyền phép Mình Thánh nơi các giám-mục, linh-mục mắc tội trọng và không nhìn nhận giáo-lý về sự biến-đổi thể-chất và ông đã đưa ra những lý-thuyết làm lu-mờ giáo-lý về việc Chúa ngự trong Bí-tích Thánh-Thể.
• Jean Hus ở Bohême, Tiệp-khắc, cũng vào thế-kỷ XV, đã chủ-trương các tín-hữu không phải phục-tùng Giáo-quyền và đòi cho giáo-dân được rước Máu Thánh.
Gíao-hội phản-ứng lại những chủ-trương này bằng cách mạnh-mẽ xác-quyết giáo-lý cổ-truyền về Bí-tích Thánh-Thể với những từ-ngữ của trường-phái kinh-viện thời Trung-cổ. Công-đồng Latran IV ra sắc-lệnh chống lại bè rối Albigeois bằng lời minh-xác như sau: “Mình và Máu Chúa Ki-tô trong Bí-tích Thánh-Thể có thật trong bánh và rượu. Bánh thì được biến đổi thể-chất thành mình và rượu thì được biến đổi thành máu do quyền-năng của Chúa để chúng ta nhận nơi Người những gì Người nhận nơi chúng ta và cho mầu-nhiệm hiệp-nhất được hoàn-thành. Không ai có thể thực-hiện được bí-tích này ngoài linh-mục được truyền chức theo các quy-tắc và theo quyền Chúa đã trao cho Giáo-hội” (Dz. 430)
Công-đồng Constance phủ-nhận các ý-kiến của Wiclef cho rằng bản-thể của bánh vẫn còn trong Bí-tích Thánh-Thể và các linh-mục tội-lỗi không thể cử-hành Thánh-lễ được (Dz. 581-585 và 661). Công-đồng này tuy có nhận rằng thời xưa giáo-dân vẫn được rước cả Mình và Máu Thánh Chúa, nhưng để chống lại Jean Hus nên lại ấn-định phải giữ luật cho giaó-dân được rước Mình Thánh mà thôi, vì phải tin mạnh mẽ rằng Mình và Máu Chúa Ki-tô hiện-diện đầy đủ vừa riêng trong mỗi thứ vừa trong cả bánh lẫn rượu. (Dz 626).
Nhưng dù phủ-nhận tất cả những yêu-sách và công-kích của phe đối-lập, các Công-đồng thời Trung-co,å cho tới Công-đồng Latran V, vẫn không cải-cách được tình-trạng của Giáo-hội từ căn-bản theo tinh-thần Phúc-âm là động-lực chính-yếu có thể trị được tạn căn sự phân-hóa về giáo-lý cũng như cách thức sống mầu-nhiệm Thánh-Thể của Giáo-hội. Vì vậy, tình-trạng đó kéo dài mãi rồi dẫn đến cuộc bùng nổ mạnh mẽ của phong-trào Cải-giáo. Phong-trào này chẳng những tấn-công các tệ lạm quá rõ của Giáo-hội thời Trung-cổ đã đành, mà còn khích bác ngay cả những điều xác-quyết căn-bản nhất của Giáo-hội từ xưa đến nay về Bí-tích Thánh-Thể nữa.

CHƯƠNG III
PHONG-TRÀO CẢI-GIÁO – CÁC SẮC-LỆNH CỦA CÔNG-ĐỒNG TRENTO VỀ BÍ-TÍCH THÁNH-THỂ VÀ THÁNH-LỄ
I. QUAN-ĐIỂM CỦA CÁC NHÀ CẢI-GIÁO VỀ BÍ-TÍCH THÁNH-THỂ

Các nhà Cải-giáo thệ-phản phần đông là những mục-sư trẻ, xuất thân từ các trường đại-học lớn. Ngoài những lời chỉ-trích chung về Giáo-hội thời bấy giờ, họ còn mãnh-liệt đả-kích giáo-lý và cách sống mầu-nhiệm Thánh-Thể nữa. Họ nhất loạt phủ-nhận Thánh-lễ là một hy-tế, mà chỉ coi đó là một bữa ăn do Đức Ki-tô thiết-lập để khích-động lòng tin của chúng ta. Họ cho rằng xác-nhận Thánh-lễ là một hy-lễ là xúc-phạm đến lễ-tế của Chúa Giê-su xưa kia trên thập-giá. Bởi lẽ, nếu chỉ cần một lễ-tế mà đủ cứu-chuộc chúng ta thì như vậy dựa là vào công việc của người đời hơn là phó-thác hoàn-toàn do ơn Chúa. Họ lại càng không chịu khi nói rằng Thánh-lễ là một hy-lễ có hiệu-lực đền tội vì chỉ có cái chết của Chúa Ki-tô mới là hy-lệ đền tội duy-nhất theo nghĩa cốt-yếu là đổ máu ra để thế cho tội nhân khỏi phải chết. Trong các lễ-nghi phụng-vụ về bữa Tiệc-ly của thệ-phản chỉ cử-hành bằng thường-ngữ, tuyệt nhiên không thấy dùng và đá động gì đến những từ-ngữ liên-quan tới hiến dâng và tế lễ. Luther, Melanchton, Zwingli, Calvin ..v..v..tất cả đều đồng tình loại bỏ Thánh-lễ mà các ông gọi là “lễ tế của Giáo-hoàng”.
Thực ra những lý-do khiến cho thệ-phản phủ nhận giáo-lý về Thánh-lễ và cách thế cổ truyền sống mầu-nhiệm Thánh-Thể rất phức-tạp. Hình-thức cụ-thể cử-hành Thánh-lễ thời Trung-cổ không còn đủ tính cách làm cho người ta thấy đó là hình-thức một bữa ăn gia-đình trong đó anh em tự-nhiên chia sẻ với nhau trong cùng một lòng tin, lòng cậy, lòng mến mà tham-dự lễ vượt qua của Chúa Ki-tô; trái lại còn làm cho người ta chỉ nghĩ rằng đấy là một lễ-nghi thiêng thánh do các linh-mục cử-hành nên cũng chẳng cần phải sống sâu xa và đích thực đức tin của mình mà vẫn nhận được hiệu-quả của lễ này. Một lý-do khác nữa là tính chủ-quan và chủ-nghĩa cá-nhân của những nhà cải-giáo có những điểm gần gũi với các khuynh-hướng thời nay. Ki-tô hữu thời Thượng-cổ và Trung-cổ quen nếp sống đạo cộng-đồng, hiệp-thông cùng Giáo-hội để qua các lễ-nghi, kinh nguyện vá các cơ-cấu tổ-chức, Giáo-hội nâng đỡ và nuôi dưỡng đời sống đức tin của họ và nhất là để Chúa Ki-tô tiếp-tục hiện-diện cùng với tác-động của Chúa Thánh-Thần đến với họ. Người Ki-tô hữu cải-giáo thời nay sống đạo theo kinh-nghiệm nội-tại riêng từng người dựa vào đức tin và thâm-tín rằng chỉ có đức tin mới làm cho mình được nên công-chính. Như vậy, ân-sủng do các nghi-lễ phụng-vụ trong Giáo-hội dưới quyền cử-hành của linh-mục được Chúa Ki-tô ủy-nhiệm sẽ không có chỗ phát-sinh và truyền-đạt cho tin-hữu nữa.
Cùng với quan-niệm phủ-nhận Thánh-lễ là một hy-lễ, các nhà cải-giáo cũng bất đồng ý-kiến về giáo-lý Chúa Ki-tô hiện-diện đích thực trong Bí-tích Thánh-Thể.
Luther cho rằng các bản văn Kinh Thánh rất rõ ràng về vấn-đề này. Theo ông, Chúa Ki-tô hiện-diện đích thực trong bí-tích nhưng ông không nhận thuyết biến đổi bản-thể và cho đó chỉ là cách trình-bày khôn khéo của trường-phái kinh-viện. Ông lý-luận rằng Chúa Ki-tô chỉ hiện-diện nơi bản-thể bánh trong thời-gian cử-hành lễ tưởng-niệm mà thôi để chống lại việc lưu giữ Mình Thánh Chúa trong nhà chầu. Nhưng lập-luận của ông về sự hiện-diện của Chúa trong Bí-tích Thánh-Thể không được rõ ràng khi nói rằng Chúa Ki-tô phục-sinh hiện-diện khắp nơi, vì vậy Người có thể hiện-diện dễ dàng trong tấm bánh sau khi đã đọc lời truyền phép, nghĩa là Người muốn hiện-diện ở đâu cũng có thể được như Chemnitz, một đồ-đệ của ông, đã giải-thích.
Zwingli, Carlstadt, Oecolampade và nhiều nhà cải-giáo khác kịch-liệt phản-đối lập-luận của Luther về vấn-đề này. Các ông cho rằngkhông có Chúa Ki-tô hiện-diện trong bánh thánh. Bánh và rượu chỉ là tượng-trưng nhắc lại cho chúng ta cuộc thọ-hình của Chúa Ki-tô mà thôi.
Calvin cố tìm một giải-pháp dung-hòa. Một đàng ông quả quyết khi rước lễ là rước bản-thể xác Chúa Ki-tô. Nhưng cái ông gọi là bản-thể xác ĐứÙc Ki-tô lại không phải là xác ĐưÙc Ki-tô đã sống lại. Ông không ngừng nhắc lại là Đức Ki-tô sau khi sống lại thì ở trên trời chứ không ở đâu khác; nhưng Thánh-Thần kết-hợp chúng ta một cách thiêng-liêng với Chúa Ki-tô. Đó là lý-do khiến cho phe cải-giáo chia rẽ nhau để lập thành nhiều khuynh-hướng đối-lập. Tuy vậy, họ vẫn còn một mối dây liên-lạc chung là cử-hành ngày Chúa-nhật mà không cử-hành lễ tế thưòng xuyên.
Cho đến thời cải-giáo, các Ki-tô hữu thường dự lễ tế để mùng ngày của Chúa. Từ thế-kỷ thứ XVI trở đi, Công-giáo Đông-phương và Tây-phương Rô-ma vẫn tiếp-tục cử-hành như thế. Còn bên thệ-phản thì ngày Chúa-nhật họp nhau đọc sách thánh, hát thánh ca, nghe giảng và cầu nguyện và chỉ cử-hành bữa tiệc-ly vào những ngày lễ trọng. Thế là có hai mẫu sống đạo khác nhau, mỗi bên lôi cuốn theo một số đông đảo tính-hữu: một bên có tính cách Bí-tích, phụng-vụ thần-bí còn một bên có vẻ trí-thức và sùng đạo. Điều này làm cho phong-trào hiệp-nhất hiện nay gặp rất nhiều khó khăn khi muốn cho hai khuynh-hướng như vậy xích lại gần nhau.

II. CÔNG-ĐỒNG TREN-TÔ
Đứng trước lập-trường đối nghịch của Thệ-phản, các nhà thần-học Công-giáo không chấp-nhận bằng nhiều tác-phẩm có tính cách tranh-luận. Tiếp theo là Công-đồng Tren-tô được khai-mạc để phủ-nhận chủ-trương của Thệ-phản và mở một kỷ-nguyên canh-tân Giáo-hội và Phụng-vụ.

1. Chúa hiện-diện trong Bí-tích Thánh-Thể
Từ năm 1547, Công-đồng Tren-tô bắt đầu thảo-luận về Bí-tích Thánh-Thể.
Theo đề-nghị của đức Hồng-y Mác-sen-lô Séc-vi-ni (Marcello Cervini) là sứ thần Tòa-thánh, Công-đồng ngưng thảo-luận về lễ Mi-sa và chỉ bàn về Chúa ki-tô hiện-diện trong Thánh-Thể. Nhưng vì những vấn-đề chinh-trị của Tòa-thánh nên Công-đồng phải tạm ngưng. Thành ra dù vấn đề đã được các nhà thần-học nghiên-cứu kỹ-lưỡng nhưng vẫn chưa đi tới kết-luận ngay được. Năm 1550, cuộc bàn luận lại tiếp-tục và đến năm 1551, trong khóa họp XIII, “sắc-lệnh về phép Mình Thánh” được công-bố với nội-dung đực phân-tích như sau:
a. Trong Bí-tích Thánh-Thể đáng kính, sau khi truyền phép bánh và rượu, Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta, Thiên-Chúa thật và là người thật hiện-diện hoàn-toàn đích-thực trong hình bánh và rượu (Dz. 847- 833). Công-đồng phủ-nhận chủ-trương cho rằng Đức Ki-tô chỉ hiện-diện một cách tượng-trưng mà thôi như ý-kiến của Zwingly hoặc là do quyền-lực của Người như ý-kiến của Calvin (Dz 883). Công-đồng đã trưng-dẫn Lời Chúa Ki-tô nói trong bữa Tiệc-ly và truyền-thống của Giáo-hội để làm bằng và giải-thích rằng đây không phải là một sự hiện-diện thông-thường nhưng là một sự hiện-diện hiểu theo nghĩa bí-tích và bản-thể cho nên khó dùng lời để diễn-tả, nhưng phải lấy đức tin mà tin chắc vững vàng (Dz 874).
b. Đức Ki-tô hiện-diện toàn thân trong cả bánh lẫn rượu, trong riêng mỗi thứ và trong từng phần của bánh và rượu (Dz 876, 885) theo lý-thuyết đồng-hiện
c. Liền sau khi truyền phép, Chúa Ki-tô hiện-diện trong bánh và rượu và trong các tấm bánh nhỏ được truyền phép để giữ lại hay sau khi cho rước lễ rồi mà còn sót lại. (Dz. 876, 886)
d. Khi truyền phép bánh và rượu thì bánh trở nên Mình Chúa và rượu trở nên Máu Chúa. Vì thế, Công-đồng phủ-nhận những ai cho rằng bản-chất của bánh và rượu vẫn còn với Mình và Máu Chúa Ki-tô. Các-thế biến đổi này gọi là biến đổi bản-thể. (Dz 877, 884)
Từ bốn điểm tín-lý này, Công-đồng rút ra và tuyên-bố những kết-luận để thi-hành như sau:
•Phải thờ lạy Chúa Ki-tô hiện-diện trong Bí-tích Thánh-Thể bằng những việc thờ phượng bên ngoài như chầu và rước kiệu Mình Thánh Chúa. (Dz. 878, 888)
•Phải giữ Mình Chúa trong nhà chầu và kính cẩn kiệu Mình Chúa cho người liệt. (Dz 879, 889).

Ngoài ra, Công-dồng còn đưa ra những chỉ-thị về việc rước lễ và nói về những lý-do Chúa Giê-su lập Bí-tích này cùng với hiệu-quả của việc rước lễ như là làm cho chúng ta nhớ lại những kỳ-công của Người, cho chúng ta được rước Người làm của ăn nuôi dưỡng linh-hồn để chúng ta được sống; cứu chúng ta khỏi tội nhẹ và giữ gìn chúng ta khỏi mắc tội trọng hầu được bảo-đảm phần vinh-phúc sau này .v.v..(Dz 875)
Sau cùng, Công-đồng chỉ-dẫn mấy điều cần thiết để dọn mình rước lễ (Dz 880, 893); về những cách rước lễ (Dz 881, 890) và về nghi-thức rước lễ (Dz 881, 892)
Công-đồng Tren-tô đã tỏ ra cương-quyết và dứt khoát về giáo-lý căn-bản liên-quan đến Chúa Ki-tô hiện-diện trong Bí-tích Thánh-Thể. Đó là giáo-lý bao-hàm những lời của Chúa Giê-su giữa bữa Tiệc-ly mà thánh Phao-lô cũng như thánh Gio-an, các giáo-phụ và Giáo-hội thời Trung-cổ cương-quyết duy-trì. Nếu từ bỏ giáo-lý căn-bản này hay để lu-mờ thì sẽ mất nguồn ơn làm cho ta kết-hiệp mật thiết với Chúa Ki-tô, Chúa Cha và Chúa Thánh-Thần để được sống đời đời.
Điều tiên quyết để sống mầu-nhiệm Thánh-Thể đích thực trong Giáo-hội là giúp cho tín-hữu tin nhận Chúa Ki-tô hoạt-động thực sự trong Thánh-lễ. Chính Người đến gặp gỡ ta và hiến mình cho ta qua Bí-tích Thánh-Thể. Vì vậy nếu chỉ cử-hành phụng vụ cách thật đẹp mắt, thật cảm-động, thật huynh-đệ mà thiếu xác-tín Chúa hiện-diện trong bánh và rượu thì lâu dần phụng vụ sẽ trống rỗng và dễ nhàm chán.
Về các từ-ngữ Công-đồng Tren-tô dùng để trình bày giáo-lý Chúa ki-tô hiện-diện trong mầu-nhiệm Thánh-Thể cần giải-thích cho chính-xác. Nhiều lần Công-đồng đã tuyên-bố là không có ý bắt các tính-hữu phải tin nhận ý-kiến của một trường-phái thần-học nào cả mà chỉ muốn tuyên-bố cho mọi người được rõ đức tin theo truyền-thống phổ-quát của Giáo-hội Công-giáo như lời mở đầu sắc-lệnh về phép Mình Thánh Chúa là “chuyển đạt giáo-lý đứng đắn và đích thực của Giáo-hội Công-giáo về Bí-tích mà Giáo-hội đã luôn bảo-vệ và còn bảo-vệ cho đến tận-thế, vì đã được Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, các tông-đồ chỉ dạy cho và được Chúa Thánh-Thần trải qua lịch-sử soi dẫn cho mọi chân-lý” (Dz. 873a)
Vậy phải kết-luận rằng Công-đồng không dùng những chữ bản-thể, thay đổi bản-thể và ngay cả chữ biến đổi bản-chất theo nghĩa chính-xác như trong triết-học Aristote, hay trong từ-ngữ triết-học, thần học của trường-phái kinh-viện. Lý-do rất dễ hiểu là vì trong thời Công-đồng Tren-tô thì các nhà kinh-viện, kể cả thánh Tô-ma cũng bị coi như những tiến-sĩ hơi có vẻ cấp-tiến nên Giáo-hội cũng chẳng muốn khuôn định đức tin theo các vị đó mà chỉ lấy Kinh-thánh và các thánh giáo-phụ làm căn-bản. Thành ra phải hiểu chữ bản-thể theo nghĩa có trước nghĩa của triết-học, nghĩa là coi đó là cái mà một sự vật cụ-thể có thật và có ở nơi mình. Một dấu hiệu chứng tỏ cho thấy Công-đồng không muốn lệ-thuộc vào triết-học Aristote hoàn-toàn là thay vì dùng chữ phụ-thể hay phụ-tính thì đã dùng chữ loại hay hình (species) vì chữ phụ-thể phải tùy-thuộc bản-thể.
(còn tiếp)