TU ĐỨC CHO TRẺ EM

việc giáo dục cho con em về nhân đức

 

GS Bùi Hữu Thư

 

Là người Việt Nam, chúng ta may mắn được thừa hưởng nền đạo đức Khổng Mạnh. Là người Công Giáo, chúng ta còn may mắn hơn là được làm con cái Chúa, và là thành phần của Giáo Hội. Chúng ta được dạy dỗ về giáo lý từ thuở nhỏ và chúng ta có Mười Điều Răn của Thiên Chúa và các điều Hội Thánh dạy để hướng dẫn chúng ta trong mọi hành động và lời nói hàng ngày. Tuy nhiên xã hội Tây Phương lại cho phép con người có quá nhiều tự do cá nhân, và các phương tiện truyền thông lại quảng bá và khuyến khích những hành vi bất luân. Những hình ảnh đồi trụy, những quảng cáo về thuốc lá, những cuốn phim bạo lực dâm ô khiến cho con cái chúng ta trở nên những đứa trẻ hư đốn. Làm sao để duy trì luân lý và đạo đức nơi gia đình, học đường và xã hội. Chúng ta thử xem xét những thực tại để tìm ra những biện pháp thích nghi.

 

A. Quan Niệm Đạo Đức Cổ Truyền và Huấn Dụ của Hội Thánh

 

"Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về". Các cụ chúng ta ngày xưa luôn luôn dùng ca dao tục ngữ để dạy con cái về "công, dung, ngôn, hạnh" và "nhân nghĩa, lễ trí, tín". Nền luân lý đạo đức cổ truyền của chúng ta thấm nhuần đạo lý Khổng Mạnh.  Theo Khổng học, con người sinh ra ai cũng có tính thiện, "nhân chi sơ, tính bản thiện". Chỉ có dục vọng cá nhân làm cho lý trí con người mờ ám và làm mất đi tính thiện mà trời đã phú cho mỗi người. Do đó, theo Khổng Tử, muốn đưa con người trở về cõi thiện, cần phải rèn luyện lý trí, tạo cho lý trí nhận thức được lẽ phải để chế ngự bản năng dục vọng bên trong. Xã hội loài người đi đến chỗ thác loạn, mất cả luân thường đạo lý chỉ vì con người chạy theo dục vọng bản năng, ích kỷ, chỉ muốn được vừa lòng mình và thỏa mãn mọi tham vọng cá nhân. Con người sở dĩ làm mất đi tính thiện, vì con người không nhận thức được lẽ phải. Với quan niệm ấy, Khổng Tử chia con người làm hai loại: loại quân tử và loại tiểu nhân. Quân tử là mẫu người điển hình cho cái gì hay, cao, đẹp, lý tưởng. Tiểu nhân là mẫu người phản ảnh cho cái gì dở, thiếu lý trí, chạy theo dục vọng bản năng. Người quân tử là người có lý trí mạnh, không để bản năng dục vọng lấn áp. Nhưng lý trí cũng phải dựa vào một đường hướng nào mà con người gọi là lẽ phải (Đạo là đường).

Về điều này Khổng học lấy ra ba yếu tố sau đây làm căn bản: nhân nghĩa, trung thứ, biết mệnh.

 

1.     Nhân Nghĩa: Trong sách Luận Ngữ, Khổng Tử viết: "Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người, và hãy làm cho người, điều gì mình muốn người khác làm cho mình." Trong xã hội, mọi người đều có những điều phải làm vì nhiệm vụ, và đáng làm vì luân lý. Nếu thi hành nhiệm vụ vì lý do gì khác, không vì luân lý, thì hành vi này không hợp nghĩa. Nếu hiểu theo nghĩa này thì chữ "nhân" của Khổng Tử cũng chỉ bao gồm trong ý nghĩa vị tha mà thôi.

 

2.     Trung Thứ: Đạo trung thứ của Khổng Tử cũng quan hệ đến đạo nhân: "Thờ cha như con muốn con thờ ta... Thờ vua như ta muốn kẻ dưới thờ ta...Thờ anh như ta muốn em thờ ta..."

 

3.     Biết Mệnh: Đối với Khổng Tử "mệnh" có nghĩa là mệnh lệnh của Trời, hay ý muốn của Trời (Thánh Ý Chúa). Con người cần cố gắng làm những gì mình biết là bổn phận; mà chẳng nên bận tâm đến thành bại. Hành động như vậy là "biết mệnh".

 

Dựa trên nền giáo dục Khổng Mạnh chúng ta thấy không khác gì với các giới răn của Thiên Chúa và huấn dụ của Hội Thánh. Chúng ta cũng được dạy dỗ theo giáo lý là phải phụng thờ Thiên Chúa, hiếu thảo với cha mẹ, làm việc lành, tuân theo bổn phận, không gian dối, không lấy của người, không chạy theo dục vọng bất chính, và cuối cùng là phó thác và vâng theo Thánh Ý Chúa. Một người Kitô hữu công chính là một chính nhân quân tử theo ý nghĩa của Khổng Tử.

 

B. Những gì đã làm mất đi truyền thống cao đẹp

 

1.     Chủ Nghĩa Cá Nhân Vị Kỷ: Xã hội Việt Nam bị ảnh hưởng của các trào lưu tân tiến của Tây Phương từ thời Pháp thuộc đến nay. Những phong trào đòi quyền bình đẳng phụ nữ, giai cấp, chủng tộc... đã dẹp tan những tôn ti trật tự mà Khổng học đã thiết lập từ xưa. Đâu còn phẩm trật "Quân, Sư, Phụ"? Vua thì đã hết thời, còn thầy giáo đâu còn được xếp hạng trên cả cha mẹ? "Tam cương, ngũ thường", "Công, Dung, Ngôn, Hạnh", "Tòng phụ, tòng phu, tòng tử" và "Nhân, Nghĩa. Lễ, Trí, Tín", "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" là những chuyện xa vời. Người con gái thời nay có chăng chỉ còn coi một chữ "Dung" là quan trọng nhất. Việc bếp núc, may vá thêu thùa không quan trọng vì trên đất Hoa Kỳ người đàn bà phải đi làm và đồng lao cộng khổ, người chồng muốn ăn cũng phải lăn vào bếp.  Việc theo cha, theo chồng và theo con trai cũng là điều lỗi thời, vì người đàn bà dư sức sống tự lập không cần nhờ vả vào người đàn ông trong gia đình. Người ta cũng vị tha, cũng có lòng nhân, nhưng lại rất tính toán. Nếu có đóng góp chia sẻ với người nghèo thì cũng mong được trừ thuế. Các luật lệ của gia đình, xã hội nhiều khi bị coi thường: như vượt đèn đỏ ban đêm khi không có xe nào khác, chiếm công vi tư, lấy đồ của sở về nhà dùng. Vấn đề tu thân tề gia cũng không được chú ý. Cha mẹ không nhân đức, gương mẫu thì làm sao mà tề gia được? Con cái ích kỷ không nhúng tay vào công việc dọn dẹp nhà cửa. Cha mẹ muốn con giúp đỡ việc nhà như cắt cỏ, rửa xe, hút bụi, có khi còn phải thuê chúng và trả tiền.

 

2.     Nhu Cầu của Đời Sống Vật Chất:  Chúng ta vì những nhu cầu của đời sống vật chất trên đất Hoa Kỳ đòi hòi phải có nhà, có xe, nên suốt ngày đầu tắt mặt tối. Cả hai vợ chồng đều kéo cầy trả nợ nhà, trả nợ hai ba cái xe, trả tiền điện nước và các hóa đơn mua sắm. Vì đi làm suốt ngày từ lúc con cái chưa ngủ giậy và trở về sau khi chúng đã lên giường. Cả ngày con cái không thấy mặt cha mẹ. Có khi cuối tuần, cha mẹ còn phải làm thêm một "job" phụ thứ ba nữa. Con cái lớn lên thiếu sự dạy dỗ của cha mẹ. Còn đâu là "quyền huynh thế phụ" "xảy cha còn chú, xảy mẹ bú dì". Đại gia đình không còn tồn tại trên đất Mỹ. Người Mỹ còn nói "It takes a village to teach a child" (cần có sự hợp tác của cả làng trong việc giáo dục một đứa trẻ). Ngay từ lúc mới một hay hai tuổi, các em đã bị gửi baby sitter hay day-care center, rồi sau đó là đi học mẫu giáo. Các em sống ở trường với bạn bè từ 7 đến 8 giờ một ngày trong khi gần bố mẹ có lẽ không được vài giờ một tuần. Những bữa ăn tối hiếm có, những buổi đọc kinh chung gần như không có, nói chi đến việc ru con ngủ, hay đọc sách cho con sau khi chúng đã lên giường. Còn đâu những câu ca dao ru hời mẹ ru cho con ngủ trên lòng. Những câu ca dao đầy những tính chất luân lý giáo dục: "Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con"; hay "Cá không ăn muối cá ươn, con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư".

 

3.     Aûnh Hưởng của Bạn Bè: Như trên đã nói, con cái chúng ta sống hàng ngày nơi học đường với bạn bè từ bẩy giờ đến tám giờ, trong khi chúng ta chỉ gần chúng vài giờ một tuần. Con cái dễ tiêm nhiễm những thói hư tật xấu của bạn bè, bị áp lực và ảnh hưởng nơi học đường. Những kiểu tóc lố lăng nhuộm xanh nhuộm đỏ; những chiếc quần xệ xuống ngang hông và rộng thùng thình, quét lê lết dưới đất; những chiếc vòng xiên môi, xiên lưỡi, xiên vành tai, xiên cả rốn; những sợi xích dài lòng thòng từ thắt lưng tới túi quần, khiến cho chúng trông không giống ai. Tuy nhiên chúng lại thấy đó là hay vì được bạn bè tán thưởng, được hội nhập vào cái nền văn hóa hippy và có bạn, thay vì lẻ loi cô độc chẳng ai chơi với. Từ quần aó, chúng bắt chước bạn bè cả lối sống bất cần đời, cách ăn nói thô tục, chửi thề văng mạng, cách đối xử vô lễ với thầy cô trong trường và dần đà hỗn xược với cả cha mẹ ở nhà. Chúng gia nhập băng đảng để nhậu nhẹt hút sách, và đánh lộn với các băng đảng khác để dành gái. Chúng dùng vũ khí khi đánh lộn, từ chân tay, gậy gộc tới dao búa, và cuối cùng là súng ống. Phim ảnh bạo hành ảnh hưởng rất lớn đến trẻ em. Những vụ đâm chém và bắn giết xẩy ra tại nhiều trường trung học và cả tiểu học. Con cái lấy trộm súng của cha mẹ để lấy le hay để thanh toán nhau. Dĩ nhiên những em nào bê bối thì không thể nào học giỏi và xếp hạng cao vì thì giờ đâu mà học bài và làm bài? Hơn nữa cái văn hóa hippy không chấp nhận những đứa trẻ thành đạt về học vấn. Cha mẹ có răn dạy thì chúng cãi lại, bỏ nhà ra đi, hoặc nếu có bị ngăn cấm thì cũng leo cửa sổ trốn nhà đi chơi suốt đêm. Khi chúng hỗn láo chửi thề thầy cô ở trường được thì chúng cũng sẽ dần dần đối xử như vậy với cha mẹ ở nhà. Vì cha mẹ là đại diện cho giới quyền bính, là những người đưa ra các quy luật gia đình chúng phải noi theo. Khi muốn gì không được thì chúng phản ứng bằng cách la lối hỗn xược và dần dần đi đến những hành vi vũ phu và đánh đập cả cha lẫn mẹ.

 

4.     Hiến Pháp Hoa Kỳ không cho phép dạy luân lý trong học đường: Vấn đề "separation of state and church" làm cho chương trình giáo dục của nhà trường không có môn luân lý đạo đức, ngoại trừ các trường Công Giáo. Trong khi đó chương trình học lại có môn dạy về giới tính (sex education).  Nhiều người cho rằng môn học này có hại vì không hướng dẫn học sinh đầy đủ để được phát triển thành những người lớn lành mạnh. Chúng không được dạy dỗ bởi cha mẹ ở nhà về tính dục, chúng cũng không được hướng dẫn đầy đủ tại nhà trường, chúng lại càng không được hướng dẫn bởi một nền văn hóa phổ thông đang tuyên dương sự hưởng thụ tự do về tình dục. Các hành vi của trẻ em phản ảnh lối sống của người lớn. Chúng cũng cặp bồ với bất cứ ai không cần phải yêu đương. Giới tính là một cái gì nguời ta làm với bất cứ ai. Cảnh hai cặp học sinh lớp Bẩy hay lớp Tám ngồi trên lòng nhau trên xe buýt, hôn môi rồi tráo đổi đứa con gái cho nhau, là một cái gì ngứa mắt, nhưng rất thường. Đường lối nhà trường dạy dỗ về tính dục đã đem lại một hậu quả không ngờ là khuyến khích những hoạt động về giới tính như một trò chơi vô nghĩa. Môn học về giới tính quá máy móc và không đề cập đến tình yêu và phẩm giá con người. Con em không được học hỏi về sự tự trọng, những ranh giới không được vượt qua và ý nghĩa của những mối liên hệ. Môn học về giới tính cần dạy về tình cảm, về cách suy nghĩ, về cách ăn mặc và cách đối xử với người khác. Con em chúng ta cần học hỏi về chúng là ai và chúng phải sống cách nào.

 

5.     Những thiếu sót của cha mẹ trong việc sống đạo:  Vai trò của phụ huynh trong việc dạy dỗ con cái hết sức quan trọng. "Xem cây thì biết quả", phụ huynh phải nêu gương sống đạo đức thánh thiện cho con cái bắt chước. Bậc làm cha mẹ không nêu gương sáng cho con cái, nhiều khi còn dạy con nói dối bằng cách dặn con nói với khách là ba mẹ không có nhà. Căn nhà không hẳn là một mái ấm gia đình nơi mọi người ăn chung, làm chung, và cầu nguyện chung. Căn nhà như căn nhà trọ, mạnh ai về trước căn trước, hay ôm bát ra một góc ngồi xem Tivi. Buổi tối gia đình không đọc kinh chung và chủ nhật gia đình không cùng nhau đi lễ, không tham dự các khóa hội thảo, các buổi giảng phòng, các khóa tĩnh tâm để cùng nhau học hỏi những điều cần thiết cho việc sống đạo. Khi không tham dự các bí tích đều đặn như xưng tội, chịu lễ thì ý thức về tội lỗi cũng phai mờ và điều này ảnh hưởng đến cuộc sống đạo đức thánh thiện.

 

C. Những điều cần thi hành để duy trì luân lý đạo đức trong gia đình và học đường:

 

1.     Nền giáo dục luân lý và đạo đức phải khởi sự từ gia đình:

 

-        Cha mẹ phải làm gương sáng trong việc sống đạo và hành xử ngoài đời.

-        Cha mẹ cần dành thì giờ để dạy dỗ con cái bằng cách giảng giải điều hay lẽ phải và dùng những bài học luân lý lịch sử hay các dụ ngôn trong Kinh Thánh.

-        Gia đình cần phải đọc kinh chung, ăn chung, làm việc nhà chung, làm các việc đạo đức chung, và đi lễ chung.

-        Khi con còn nhỏ, đọc sách hạnh các Thánh cho các con và các chuyện luân lý đạo đức khác trước khi chúng đi ngủ.

-        Khi con cái mắc phạm những lỗi lầm ghê gớm phải tìm cách giúp con sửa đổi bằng cách chạy đến với những nhà chuyên môn để xin giúp đỡ (thí dụ: hút sách, rượu chè, băng đảng,...)

-        Gia đình cần tham gia các hội đoàn và sinh hoạt giáo xứ để con em có môi trường sinh hoạt đứng đắn và có dịp để học hỏi những lời giảng dạy của các cha, thầy và cô.

 

2.     Những gì nhà trường cần phải thực hiện cho học sinh:

 

-        Nếu không dạy về luân lý thì cần có các khóa hội thảo về các quy tắc xử thế (ethics) ở bậc trung học.

-        Cần giảng giải cho học sinh về: danh dự, lòng tự trọng, sự kính trọng người khác, phẩm giá con người, lòng trung thực, và nhu cầu phục vụ tha nhân.

-        Cần chú trọng đến việc giảng dạy về tình yêu trong giới tính, sự cao trọng của giới tính trong hôn nhân, về sự tiết độ và kiềm chế dục vọng và nhất là sự nguy hại của việc dâm ô.

 

3.     Những gì các nhà lãnh đạo tinh thần có thể thực hiện:

 

-        Cần tổ chức các khóa hội thảo về các đề tài liên quan đến việc sống đạo, học hỏi Thánh Kinh, phương thức cầu nguyện.

-        Cần tổ chức các hội đoàn để mọi thành phần già trẻ trong giáo xứ đều có dịp sinh hoạt với nhau để học hỏi, cầu nguyện và nâng đỡ nhau sống đạo.

-        Cần thăm viếng các gia đình để giúp đỡ họ đối phó với các vấn đề dạy dỗ và nuôi dưỡng con cái.

-        Cần thúc đẩy tinh thần đạo đức trong giáo xứ bằng những bài giảng, những cuộc giảng phòng, những buổi tĩnh tâm, những sinh hoạt văn nghệ có tính cách giáo dục.

 

Tóm lại, đạo đức và luân lý là nền tảng cho gia đình lành mạnh, cho giáo xứ có tinh thần sống đạo và cho xã hội cường thịnh. Gia đình bê bối thì giáo xứ yếu kém và xã hội sa đọa. Việc dạy dỗ con em về đức dục là ưu tiên hàng đầu của phụ huynh, thầy cô giáo lý, các vị lãnh đạo tinh thần và học đường. Thể dục, trí dục và đức dục phải luôn luôn được coi trọng ngang nhau để giúp cho con cái chúng ta được bồi dưỡng về thể xác, trí tuệ và tinh thần. Được như vậy con cái chúng ta mới trở nên những thành phần ưu tú, giúp ích được cho gia đình, cộng đồng và xã hội.