Phanxicô, con người hoà bình

qua ‘Bài ca các thụ tạo’

 

LM Nguyễn Công Minh, OFM

 

Phanxicô, con người hoà bình, qua “bài ca các thụ tạo”
Khi được anh Phục-Vụ Tỉnh chỉ định giảng trong ngày lễ Phanxicô năm nay, tôi đã lên phòng đóng cửa lại, mở lịch phụng vụ ra và thấy lễ cha thánh năm 2001 rơi vào ngày thứ năm đầu tháng. Ngày đầu tháng thứ năm đã gợi ngay cho tôi đề tài để giảng: Phanxicô và bí tích Thánh-Thể—vì Chúa Giêsu ngày xưa đã lập bí tích này trong ngày thứ năm.

Nhưng đề tài trên được chọn trước ngày 11.9.2001. Ngày 11.9, có chiếc phi cơ bay từ Boston đến Los Angeles, nhưng đã bẻ tay lái quặt lại New York đâm vào toà tháp đôi Trung Tâm thương Mại Thế giới. Sự đổi hướng của chiếc phi cơ trên khiến tôi cũng bị ảnh hưởng để thay đổi đề tài cho phù hợp hơn trong tình hình gây hấn hiện tại: Phanxicô, con người hoà bình sẽ là đề tài hôm nay. Nhưng đề tài hoà bình nơi Phanxicô thì thật mênh mông. Tôi xin giới hạn vào bài ca các thụ tạo mà thôi. Vậy đề tài sẽ là: Phanxicô, con người hoà bình qua bài ca vạn vật. Phải (1) nhận diện kẻ thù để (2) tìm ra bạn hữu là hai điểm ta sẽ triển khai.

1. Nhận diện kẻ thù

Bài ca các thụ tạo với lời ca tụng Tạo Hoá, Đấng dựng nên trời trăng mây nước, có yếu tố gì là gây hấn đâu để ta có thể dựa vào mà nói về đề tài hoà bình? Phân tích kỹ một chút, thì có đó.

Một tác giả kia đã tưởng tượng ra cuộc gặp gỡ giữa Phanxicô và một nhà trí thức bi quan như sau:

“Như thường lệ, mỗi lần gặp bất cứ ai, vị sứ giả hoà bình Phanxicô thường cất lên bài ca vạn vật chúc tụng Đấng Tối Cao đã tạo dựng trời đất nước cũng như trăng sao mây trời, gió lửa và cả chị chết.

“Nhà trí thức bi quan lắng nghe hết bài ca, nước mắt lăn dài trên gò má của ông. Nhưng đây không phải là nước mắt cảm động mà là nước mắt uất hận. Khi không kềm được nữa, ông trút toàn cơn giận của ông trên vị sứ giả hoà bình này:

“Này người anh em kỳ diệu, với cái nhìn trong sáng, người anh em ca tụng mặt trời, nhưng người anh em có bao giờ thấy người ta chết vì mặt trời thiêu đốt chưa? Người anh em có bao giờ thấy cả một sa mạc nắng cháy khô cằn chưa? Người anh em có bao giờ thấy cả triệu người chết đói vì hạn hán chưa?

“Người anh em ca tụng nước, nhưng người anh em có bao giờ thấy cảnh lụt lội màn trời chiếu nước, cảnh nhà cửa bị nước cuốn trôi cùng với biết bao mạng người bụng no đầy nước, nhưng lại thiếu hẳn một miếng đất nhỏ để chôn cất họ khi chị nước của người anh em mở rộng tấm lòng mênh mông quá đáng? Cảnh lũ lụt miền Tây đang là một ví dụ sống động.

“Người anh em ca tụng mẹ đất, nhưng người anh em có bao giờ rùng mình kinh sợ khi mẹ đất của người anh em rung mình nhè nhẹ chưa? Chỉ cần mẹ đất của người anh em cựa mình một chút thôi, là nhà tan cửa nát, mạng sống chôn vùi.

“Người anh em ca tụng anh gió, nhưng người anh em có bao giờ ra khơi chưa để chứng kiến cảnh chới với đến tuyệt vọng của những người đi biển gặp cuồng phong? Những cơn gió lốc thổi tốc mái nhà năm nào cũng có, miền nào cũng có, gây thiệt hại biết bao vật lực và nhân lực, người anh em có biết chăng?

“Người anh em ca tụng anh lửa, nhưng người anh em có bao giờ chứng kiến anh lửa đẹp đẽ và hùng mạnh của người anh em thiêu đốt cả ngàn mẫu rừng, bình địa nhiều thành phố lớn, để lại bao xác chết cháy đen chưa? (Nếu cuộc đối thoại này diễn ra sau ngày 11.9.2001, thì ắt hẳn sẽ có thêm mẩu thoại này: Người anh em ca tụng anh lửa, nhưng người anh em có biết không, chính anh lửa quá nóng của người anh em đã là nguyên nhân chính làm cho khung đỡ của toà nhà đôi Trung Tâm Thương Mại Thế giới tại Nữu Ước bị mềm đi và sụp đổ hoàn toàn, chôn vùi mấy ngàn sinh mạng, kể cả một người anh em của anh là linh mục Michael Judge, tu sĩ Phanxicô Tỉnh Dòng Thánh Danh).

Nghe những lời tả oán của nhà trí thức bi quan trên, con người hoà bình Phanxicô khẽ cúi đầu, im lặng giây lát và đáp lại:

“Phải, hỡi người anh em, tôi biết và tôi biết tất cả những gì anh vừa kể ra; tôi biết rằng ngay những điều tốt lành cũng có thể trở thành tệ hại xấu xa do con người sử dụng không đúng cách. Và tôi cũng biết có những tai ương không phải do con người sử dụng không đúng cách, màhình như do Ông Trời, điều mà người ta gọi là thiên tai: tai hoạ bởi Trời. Nhưng phải chăng vì vậy mà mình thù nghịch với thiên nhiên. Vượt xa trên thù nghịch, thiên nhiên phải là bạn hữu, là anh em.” Nhận diện rõ kẻ thù để nhìn thấy kẻ thù đó chính là bạn hữu.

2. Tìm ra bạn hữu.

Đâu là bí quyết, đâu là triết lý sống của Phanxicô, con người hoà bình, trên con đường tìm ra bạn hữu này? Phanxicô không nói, nhưng ta nói dùm Phanxicô mà cầm chắc sẽ không lạc xa tư tưởng cha thánh. Bí quyết này gồm 3 bước:

a) Nhìn mặt tốt hơn là nhìn mặt xấu.

Trong bài ca vạn vật, ta không hề thấy Phanxicô lật mặt trái của đối tượng. Anh mặt trời không nắng nóng như thiêu như đốt, nhưng Anh đẹp và tỏa ánh rạng ngời, Anh tượng trưng Ngài, ôi Đấng tối cao.

Một anh lửa mà người ta kinh hãi tránh xa: Cấm lửa ! Cấm lửa !, thì Phanxicô nhìn thấy đẹp đẽ dễ coi: Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, Vì Anh Lửa, Nhờ Anh, Chúa sáng soi đêm, Anh đẹp và vui tươi, Hùng tráng và mạnh mẽ. Kim-Long thì phổ nhạc bằng những lời này: anh hùng mạnh, anh đẹp anh dễ coi. Có lẽ không dễ coi chút nào đâu, vì đến gần là xém mặt. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào truyền thuyết Hi-Lạp, thì chính lửa là biểu tượng cho văn minh nhân loại. Không có một vị thần nào đó ăn cắp lửa đem xuống trần, thì con người cứ mãi ăn lông ở lỗ thôi. Mặt tốt của lửa phải luôn được nhìn vào.

Nước cuồn cuộn gây lũ lụt, Phanxicô không nhìn tới, mà chỉ thấy: Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, Vì Chị Nước, Thật ích lợi và khiêm nhu, Quí hóa và trinh trong. Bất cứ khi nào rửa tay, Phanxicô cũng thu xếp để đứng chỗ nào mà không dẫm đạp lên nước, “vì chị Nước thật lợi ích và khiêm nhu, quí hóa và trinh trong” (BcMt 8 ; Tk Per. 88).

Một cô giáo kia muốn dạy học trò (đã lớn rồi) một bài học, nên hai tay cô giơ chiếc khăn trắng lớn có dính một vết mực nhỏ cho các em và hỏi xem các em thấy gì. Mười em trên một chục trả lời thấy vết mực. Cô giáo nói: Cái khăn trắng lớn, các em không thấy, mà chỉ nhìn rõ có mỗi vết mực nhỏ trên khăn. Cái đẹp của cuộc sống không nhìn mà cứ soi mói cái đen tối của cuộc đời.

Thử hỏi động đất chiếm bao nhiêu khoảnh khắc trong một năm, ảnh hưởng không phẩy không không mấy phần trăm mặt địa cầu, trong khi không biết Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi,
Vì Chị chúng tôi, là Mẹ Đất, Mẹ nâng đỡ, Mẹ dưỡng nuôi, Mẹ sinh ra bao thứ trái trăng.


Thử hỏi mặt tối của mặt trời gây ra hạn hán có che lấp nổi mặt sáng của Kim Ô, mà không có nó, sẽ chẳng có sự sống không?

Ta cũng hãy thử hỏi những câu tương tự như thế với anh Gió, với chị Nước …Riêng với chị Nước, tôi không dám gợi ý đặt câu, sợ trở thành vô cảm, dửng dưng trước nỗi khổ của đồng bào lũ lụt miền Tây!

Nhìn vào mặt sáng, mặt tốt, mặt đẹp để nhận ra bạn khi gặp kẻ thù, đó là bước thứ nhất trên con đường nhận diện kẻ thù để tìm gặp bạn.

b) Từ mặt xấu nhìn thấy mặt tốt

Nếu ở bước thứ nhất, nhìn mặt tốt hơn là nhìn mặt xấu, ta lại không thể chỉ nhìn mặt tốt, mà cứ phải diện đối diện với mặt xấu, thì hãy từ mặt xấu đó mà tìm ra điều tốt.

Cũng trong câu chuyện tưởng tượng trên kia giữa Phanxicô và nhà trí thức bi quan, Phanxicô đã nói: ngay cả những điều xấu, Thiên Chúa cũng có thể biến thành khởi nguồn cho những điều tốt đẹp. Trong bài ca vạn vật, Phanxicô có nhắc tới sự chết và tội lỗi là 2 điều xấu nhất, kinh khiếp nhất.

Nhưng cái chết có thể là khởi điểm của hồng ân. Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, vì Chị Chết đang đợi chờ thân xác. Không ai sống trên đời hòng thoát nổi. Phúc thay người trong giờ chị tới, Thánh ý Ngài một mực tuân theo, Chết thứ hai không làm hại được. Trong Kinh Hoà Bình, Phanxicô nói: lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

Còn về tội lỗi là sự xấu trên mọi sự xấu, và tiền công của nó là sự chết, thì thánh Phaolô đã chẳng từng nói trong thư Roma như thế này sao: Nơi nào tội lỗi đầy tràn, nơi đó ân sủng càng chan chứa (Rm 5,20).

Trên đường đi, hễ thấy con sâu nào bò trên đường là Phanxicô lượm lên bỏ bên vệ đường, kẻo chúng bị người qua lại dẫm nát (2 Cel 165). Phanxicô nhìn thấy khuôn mặt Đức Giêsu Kitô nơi con sâu xấu xí ghê tởm đó, như lời Tv 21: Thân sâu bọ chứ người đâu phải, con bị đời mắng chửi dể duôi, thấy con ai cũng chê cười, lắc đầu bĩu mỏ buông lời mỉa mai.

Khi thấy bệnh đau mắt của mình tới giai đoạn trầm trọng, Phanxicô phải để người ta mời một nhà phẫu thuật đến chữa trị, mang theo một y cụ để nung đỏ trong lò lửa. Thấy vậy toàn thân ngài run sợ hãi hùng. Để phục hồi dũng cảm, Phanxicô kêu gọi lửa: “Anh lửa ơi, Đấng Tối cao đã ban cho anh một vẻ huy hoàng mà mọi tạo vật đều thèm muốn. Người đã dựng nên anh là vật hữu ích, hùng mạnh và đẹp đẽ. Xin anh hãy đối xử tốt và nhã nhặn đối với tôi, bởi lẽ cho tới nay tôi hằng yêu mến anh trong Chúa. Nguyện xin Đức Chúa uy phong, là Thiên Chúa tạo ra anh, đoái thương làm dịu bớt nhiệt tính của anh, hầu tôi đủ sức chịu đựng cái vuốt ve nóng bỏng của anh”. Cầu nguyện xong, thánh Phanxicô làm dấu thánh giá chúc lành cho ngọn lửa và dũng cảm chờ đợi, không run sợ nữa. Nhà giải phẫu cầm lấy y cụ đỏ rực. Anh em bỏ chạy không dám đứng xem (…) Phanxicô mỉm cười bảo: “Sao anh em nhát gan, khiếp nhược thế ! Tôi bảo thật các anh, tôi không cảm thấy bị bỏng, da thịt tôi không đau đớn !” Rồi quay lại phía y sĩ, Phanxicô nói: “Nếu chưa đủ chín thì anh có thể làm nữa !” (2 Cel 166)

Con người có thể từ điều hung dữ rút ra được điều hữu ích không? Có thể biến sức nóng chói chan của anh mặt trời thành năng lượng mà người ta gọi là pin mặt trời không? Có thể biến sức mạnh tàn phá của sóng nước thành nhà máy thuỷ điện không? Có thể biến sức gió vũ bão thành động cơ gió hữu dụng không? … Cùng với sức tàn phá, lũ lụt cũng mang lại phù sa màu mỡ và tôm cá tràn dư. Ngôn Sứ Isaia diễn tả bằng một lối nói khác:

Họ đúc gươm đao thành cuốc thành cày
Họ rèn giáo mác nên liềm nên hái
(Is 2,4)

Chẳng khác nào xe tăng chiến tranh biến thành xe cào ủi đất, vỏ đạn đại bác thành cột cổng chào như ta thấy trước đây khi chiến tranh chấm dứt.

Từ điều xấu rút ra điều tốt, từ sự dữ kéo ra sự lành, nhìn kẻ thù nhận ra bạn hữu, đó là bước thứ hai trên con đường hoà bình của Phanxicô.

c) Xem vạn vật là anh chị em

Có lẽ còn một bước nữa mà tôi chỉ nhắc đến chứ không triển khai là nâng bạn bè thành anh chị em (ruột). Khi xem trời trăng mây nước như là bè bạn, thì không phải Phanxicô giống thi sĩ, như vần thơ nào đó đã ví, đại ý: là thi sĩ nghĩa là mơ theo gió, bạn với trăng và thơ thẩn cùng mây… nhưng Phanxicô bạn trong tình nghĩa anh em con của một Cha. Khi gọi anh mặt trời, chị mặt trăng, anh gió, chị nước, em thỏ, em chim… không phải Phanxicô làm thơ đâu. Một thi sĩ nào đó cũng có thể gọi như vậy, và dệt nên những vần thơ về trăng về sao chắc chắn hay hơn nhiều so với trăng sao trong bài ca vạn vật của Phanxico :

Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi,
Vì chị Trăng và muôn sao
Chúa tạo dựng trên nền trời:
Lung linh, cao quí và diễm lệ.
Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi,
Vì Anh Gió, Không khí và Mây trời,
Cảnh thanh quang và bát tiết tứ thời
Nhờ Anh, Chúa bảo tồn muôn vật.


Cho nên, cái chính không phải là thơ, cái chính không phải là gọi anh, gọi chị gọi em, mà cái chính là ý thức sâu xa của Phanxicô về tình huynh đệ, tình tỉ muội, tình anh chị em phổ quát của muôn vật muôn loài có một Cha chung (có lẽ điểm này Phanxicô có nét giống với Triết Ấn Độ về Đại Ngã, Tiểu Ngã).

3. Kết luận

Nếu muôn loài còn xem như anh chị em, thì loài người càng phải xem là anh, là chị, là em biết chừng nào, bất kể họ là ai. Kể cả Hồi giáo, kể cả Hồi giáo cực đoan và dĩ nhiên kể cả Bin Laden. Phải dũng cảm lắm mới có thể kềm được máu trả thù sục sôi trong lòng, như TNS Mc Cain đại diện cho sự sôi sục này với lời lẽ mạnh mẽ: “Cho dẫu trời có tha cho các ngươi, thì chúng ta cũng không tha cho các ngươi đâu.”

Phanxicô nếu còn sống đến ngày 11.9.2001 vừa qua, ngài sẽ xử sự ra sao. Có nhận diện kẻ thù để tìm thấy bạn nơi kẻ thù và xem bạn trong kẻ thù như là anh chị em hay không, ta không biết. Nhưng thời của ngài đang có cuộc thập tự chinh của người Công-giáo chống lại người Hồi giáo, với sự vận động của những vị thánh như Bernardo: “giết kẻ thù không phải là giết người” thì Phanxicô đã không tham dự cuộc thánh chiến đó, mà đã đi thẳng đến vua Hồi Giáo, tay mang vũ khí duy nhất là Lời Chúa.

Trong các biểu ngữ của người biểu tình phản đối chiến tranh, chống lại bạo lực, chống lại báo thù sau ngày 11.9 có một áp-phích ý nghĩa: Nếu mắt đền mắt, cả hai sẽ mù. Người ta đâm mình mù, mình đâm họ mù lại. Cả hai cùng mù. Nhưng ý nghĩa không chỉ vậy, mà ý nghĩa là mù con mắt lương tâm. Lấy thù báo thù sẽ mịt mù trong thù oán. Cả hai cùng mù.

Chúng ta ở Việt-Nam khá xa Nước Mỹ, không ở trong niềm đau nỗi uất của người trong cuộc, nên có thể nhìn bàng quan như thế chăng? Thôi hãy để một người, tiếng Mỹ gọi là New Yorker (dân Nữu Ước) lên tiếng: đó là Đức Hồng Y Edward Egan, TGM giáo phận New York (thay thế ĐHY O’ Connors qua đời năm ngoái). Ngài đã đến hiện trường ngay những phút đầu tiên khi toà tháp đôi sụp đổ. Rất nhiều “con chiên” ngoan đạo của giáo phận ngài bị chôn vùi trong đó. Ngài có nói đến báo thù không? Không. Tư tưởng của ngài phản ảnh trong thông cáo của HĐGM Hoa kỳ ngay sau đó: “Xem ra, nếu bi thảm là thành quả của những hành động khủng bố, thì chúng ta cầu xin cả cho những người mang trong mình mối thù ghét lớn lao như vậy đến độ đưa họ đến chỗ phạm những tội ác chống lại tất cả nhân loại. Ước gì họ có thể hiểu rằng bạo động như vậy không đem lại công bình, trái lại chỉ đem đến những bất công lớn hơn nữa“. Thông cáo kết thúc bằng lời mời gọi các tín hữu “hãy củng cố đức tin nơi Thiên Chúa và khước từ những thành quả cay đắng của sự thù ghét”.

Hôm kia (1/10), ĐHY Egan của Nữu Ước đang dự THNGM kỳ 10 tại Roma với tư cách là Tổng Tường Trình Viên, đã họp báo và nói: “Những chữ như ‘trả thù’ và ‘trả đũa’ không xứng đáng đối với những người văn minh”. Đức Hồng Y mong rằng những biến cố ngày 11/09/2001 sẽ hướng người ta nhận thức “sự cần thiết của một cuộc tự vấn lương tâm”. Đức Hồng Y mạnh mẽ cho rằng Hoa Kỳ cần phải thành thật tự vấn lại những chính sách quốc gia… Đó có phải là bước tìm điều tốt từ cái xấu nơi Phanxicô chăng? Trong cuộc họp báo nói trên, Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Tổng Trưởng Thánh Bộ các Giám Mục và là một trong 3 vị Chủ Toạ Uỷ Quyền của THNGM đã nhiệt liệt khen ngợi Đức Hồng Y Egan trong vai trò chữa lành tâm linh cho người dân New York trước sự choáng váng do cuộc tấn công tàn bạo gây ra.

Lạy thánh Phanxicô, sứ giả bình an, con người hoà bình, xin hãy giúp chúng con tìm ra được điều tốt từ điều dữ: lũ lụt đồng bằng sông Cửu Long do chị Nước hung hãn phải tạo ra tình tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau; tàn phá chết chóc kinh hoàng tại nước Mỹ phải giúp nhân loại nhận ra được bạn nơi kẻ thù khủng bố. Quả là khó, cực kỳ khó, nhưng có Chúa giúp, có Phanxicô con người hoà bình nêu gương đi trước, hy vọng mọi sự sẽ có thể. Amen.