VẤN ĐỀ

NGUYỆN NGẮM

 

l- NGUYỆN NGẮM LÀ GÌ ?Nguyện ngắm là thái độ bày tỏ tâm tình của ta trước nhan Thánh Chúa, nhìn ngắm gương mẫu của Người, tìm học nơi Người một chân lý để rồi dốc quyết sống xứng đáng địa vị làm ngươ                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                a Người... : Sau khi bày tỏ nỗi niềm, Chúa sẽ dạy cho ta những bài học thích hợp. Ta không thể tìm một chân lý tuyệt đối nào ở trên trần gian này. Chỉ vì Chúa là đường, là chân lý, là sự sáng. Ta chỉ có thể sống theo chân lý Người dạy thôi.

- Dốc quyết ... : Đây là kết quả của một lòng mến chuộng tột độ sau khi bày tỏ tâm tình và nhìn ngắm gương mẫu nơi Chúa. Điếu dốc quyết nếu được thực hành chu đáo trong đời sống thì sẽ đưa ta đến những kết quả cụ thể giúp ta mỗi ngày mỗi làm đẹp lòng Chúa thêm.

Nguyện ngắm hơi khác cầu nguyện. Nguyện ngắm tuy cũng là một hình thức cầu nguyện nhưng trong đó suy luận để kết hợp là phần cốt tuỷ. Trong khi đó cầu nguyện tuy cũng dưới hình thức suy tưởng và kết hợp nhưng lại thiên vế yếu tố thờ lạy, cầu xin van lơn hơn.

 

2- MỤC ĐÍCH CỦA NGUYỆN NGẮM

Mục đích của nguyện ngắm tuy chủ yếu là suy luận về một chân lý nào nhưng không có tính cách thuần lý thuyết hay khảo cứu. Trái lại, việc suy luận được khêu gợi và hướng dẫn nhờ tâm tình YÊU KÍNH CHÚA. Ngưởi ta chỉ nguyện ngắm để yêu chuộng và yêu thêm mãi. Thánh Têrêxa nói : “Nguyện ngắm trước tiên là vấn đề của cõi lòng, vấn đề thân hữu với Chúa”. Nó là một câu chuyện tâm  sự giữa linh hồn với Chúa, Đấng mà linh hồn cảm thấy yêu thương mình”.

 

3- LỢI ÍCH CỦA NGUYỆN NGẮM

Nhưng thử hỏi nguyện ngắm đem lại lợi ích gì cho phần rỗi ?

Ta có thể thưa ngay rằng việc nguyện ngắm rất có ích cho đời sống thiêng liêng. Không nguyện ngắm, cuộc sống đạo của ta sẽ bị vùi dập trong đêm tối. Ngoài Thánh lễ, nguyện ngắm phải chiếm địa vị quan trọng bậc nhất trên đường tiến đức. Nếu Thánh lễ là sức nuôi hồn trên đường lữ thứ trần gian thì nguyện ngắm là ánh đuốc soi lối cho linh hồn chúng ta đi qua đêm tối của cuộc đời tục luỵ.

Vì sao thế ?

Thưa vì nguyện ngắm là phương thế tốt nhất để chúng ta có dịp nhìn lại quá khứ, xây đắp cho hiện tại, vươn đến một tương lai tốt đẹp hơn. Nói cách khác cụ thể hơn :

- Nguyện ngắm giúp ta nhận ra ác tính của tội : Tội là một cái gì xấu xa đáng tởm, đáng xa tránh, đồng thời giúp ta tìm ra căn nguyên của tội. Thánh Bonaventura dạy : “Nguyện ngắm là tấm gương ta soi để dễ nhận thấy vết uế bẩn của linh hồn”. Thánh Anphongxô cắt nghĩa : “Không nguyện ngắm thì không thể biết được tính xấu của mình, ngay đến những nguy hiểm của phần rỗi cũng không thể biết rõ và cố nhiên cũng không bao giờ nghĩ đến cách đề phòng. Nếu biết nguyện ngắm, tức khắc bao nhiêu nết xấu, bao nhiêu nỗi nguy hiểm đều diễn ra trước mắt, vì thế sẽ tìm cách sửa chữa”.

- Nguyện ngắm có tác dụng tăng cường ý chí của ta như khi suy về một chân lý nào ta sẽ xác tín hơn.

- Nguyện ngắm còn chữa tính ươn hèn và hay thay đổi của chúng ta vì chỉ có ơn Chúa và nhờ ta cộng tác vào ơn ấy ta mới hy vọng sửa chữa những nhược điểm ấy của ta. Giờ nguyện ngắm là một giờ tràn ngập ơn Chúa vì một đàng ta cảm thấy bất lực mà hạ mình xuống, một đàng cảm thấy mình tội lỗi khiến ta càng thống hối và quyết tâm cải thiện bằng cách cộng tác tích cực vào ơn Chúa.

- Nguyện ngắm giúp ta thực hiện những nhân đức trọng đại trong Kitô giáo nhờ ơn soi sáng đức tin, những chân lý vĩnh cữu diễn ra trước mặt chúng ta để nâng đỡ đức cậy, kích thích đức mến nhờ đó giúp ta thêm khôn ngoan, công chính hùng dũng và tiết độ.

- Nguyện ngắm còn giúp ta liên kết giao hảo với Chúa một cách thân mật nhờ cuộc đàm thoại giữa Chúa và ta trong tình Cha Con. Cuộc đàm thoại này ảnh hưởng rất lớn trong phạm vị hoạt động của cuộc sống ta.

Do đó mà nguyện ngắm rất cần thiết cho cuộc sống đạo của Kitô hữu. Nó là phương pháp chắc chắn giúp ta vững bước trên đường cứu rỗi linh hồn. Không nguyện ngắm ta sẽ không được ơn soi sáng bên trong. Thánh Augustinô nói : “Kẻ nhắm mắt không thể thấy được đường đưa lên thiên đàng. Những chân lý về cuộc đời vĩnh cửu là những thực tại thiêng liêng, con mắt xác thịt không thể trông thấy. Bởi thế, nếu không nguyện ngắm thì không bao giờ thấy chân lý đó”.

Không nguyện ngắm thì tâm hồn không sáng suốt, đã không sáng suốt, thì không thể nhìn thấy chân lý, không thấy chân lý thì không thể biết chân lý, không biết chân lý thì không thể mộ mến chân lý, không mộ mến chân lý thì không thể chống trả sức tấn công như vũ bảo của địch thù, không đủ sức chống trả sức tấn công của địch thù thì đừng hòng gì có thể tiến trên đường theo chân Chúa.

Thánh Anphongxô nói : “Nguyện ngắm có sức biến hoá ta như lửa có sức biến đổi sắt”. Tâm hồn dù có chai đá đến đâu, lương tâm dù có hư thối đến mức nào đi nữa nếu ta đem nó vào lò rèn nguyện ngắm thì nó cũng sẽ được đun trui, dũa gọt để được biến cải.

Vậy tạÏi sao chúng ta, những Kitô hữu, lại không dùng phương pháp nguyện ngắm để kiểm điểm đời sống đạo hầu tiến tới dần trên đường trọn lành như Cha chúng ta ở trên trời ?

Các Thánh sở dĩ nên Thánh được là phần lớn nhờ biết nguyện ngắm. Thánh Ignatio Loyola khẳng quyết : “Nguyện ngắm là con đường đưa tới trọn lành vắn tắt nhất”. Nguyện ngắm chính là ngọn lửa đốt cháy lòng ta kính mến Chúa. Nó là sức nóng sưởi ấm lòng lạnh lùng của ta đối với Chúa.

Tóm lại nguyện ngắm đem lại nhiều ích lợi tối cần thiết cho đời sống thiêng liêng. Không nguyện ngắm không thể tiến đức.

 

4- NHỮNG KHÓ KHĂN

Nhưng thường người ta gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề nguyện ngắm, nhất là đối với những ai mới chập chững bước vào đường nhân đức. Sự khó khăn ấy phát sinh do nhiều nguyên nhân mà có thể nói sau đây là những nguyên nhân chính :

4.1  Tại thiếu kinh nghiệm : Không biết đặt vấn đề cho cuộc sống nên không biết tìm đề tài thích hợp cho đời sống của chính mình, hoặc ưa đọc nhiều trang sách với ý tò mò, ưa tìm sách mới lạ, văn chương lưu loát để theo đà hứng tự nhiên như đọc sách truyện. Có khi vì quá chú ý đến việc suy tư nên đã biến cuộc suy niệm thành cuộc suy luận triết lý, khoa học. Cố nhiên hành động như thế không phải là lãng phí thời giờ, vì khi suy nghĩ những chân lý trọng đại sẽ kiện toàn lòng tin tường hơn, sẽ đem lại lòng xác tín mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, cách suy luận đó sẽ đem lại kết quả tốt đẹp hơn nếu nó được tiến hành trong thực tế và siêu nhiên. Muốn cho việc suy luận này được thực tế và siêu nhiên, người ta cần chú trọng đến những điểm cốt yếu sau đây :

4.1.1 Phải áp dụng vào bản thân, nghĩa là phải kiểm điểm xem những chân lý vừa suy luận đã thực hiện được đến mức độ nào và những điểm nào có thể thực thi trong đời sống hằng ngày.

4.1.2 Điều tối quan hệ trong việc nguyện ngắm là tác động của ý chí tôn thờ, tạ ơn và yêu mến Chúa, tự hạ, thống hối và quyết tâm thi hành, xin ơn cải tạo để quyết sống thiện hảo hơn.

4.2  Điểm khó khăn thứ hai trong vấn đề nguyện ngắm là tại ưa theo cảm giác tự nhiên, không chú trọng đến sự sốt sắng bề trong. Dĩ nhiên, cảm giác cũng có tác dụng khơi dậy lòng sốt sắng nhưng nó không phải là kết quả chính yếu của việc nguyện ngắm. Nếu ta chỉ sống theo cảm tình, chúng ta sẽ dễ mất sốt sắng, dễ chán nãn khi cảm tình kia phai nhạt. Cảm tình theo cảm giác thuần tuý là thứ cảm tình dễ đổi thay. Ta phải yêu chuộng trong trí thức và ý chí nữa thì cảm tình mới được bền vững.

4.3  Điểm khó khăn thứ ba trong vấn đề nguyện ngắm là sự chia trí. Nhiều khi ngay từ giây phút đầu của buổi nguyện ngắm ta không kiềm hãm trí tưởng tượng, cảm xúc và khuynh hướng tự nhiên như mệt mỏi, buồn ngủ... mà nghĩ những cái viễn vông, diễn lại những hình ảnh phàm tục và có khi là những hình ảnh nguy hiểm thay vì dẫn ta đến Chúa nó sẽ dẫn ta đến hố tội lỗi... Về điểm này ta cần nêu lên hai nguyên tắc để giữ :

Trước nhất chúng ta cần phân biệt những chia trí kịp suy nghĩ và chia trí vô ý thức. Những chia trí, dù nhiều và xem như là nguy hiểm xấu xa cũng chưa phải là tội nhưng khi nào cố tình hoặc ưng theo khi đã ý thức mới kể là tội.

Muốn xua đuổi những chia trí, phải biết hạ mình khiêm nhường, tỏ bày với cha linh hướng, năng nâng hồn lên kết hợp với Chúa, nếu cần thì nên dùng một cuốn sách đọc để cầm trí. Điều can hệ là cần dọn bài nguyện ngắm cẩn thận trước khi ngủ và sống mãi với đề tài đó đến giờ nguyện ngắm sáng hôm sau (đây chính là ý nghĩa của các giờ đại tĩnh trong các Chủng viện, Tu viện... sau giờ kinh tối).

Trên đây là những kinh nghiệm có tính cách cá nhân nhưng là những kinh nghiệm hữu lý, hữu ích vì nó đã giúp cho nhiều người thu lượm được những thành quả tốt.

 

5. PHƯƠNG PHÁP NGUYỆN NGẮM

Sau khi đã thấy rõ ý nghĩa của việc nguyện ngắm và ích lợi cần thiết cũng như khó khăn của việc nguyện ngắm rồi, chúng ta thử hỏi có phương pháp nguyện ngắm nào hữu hiệu không ?

Xin thưa rằng có rất nhiều phương pháp nhưng, không có phương pháp nào nhất định hoàn hảo cho từng cá nhân. Vì, như ta đã biết vấn đề nguyện ngắm là vấn đề của từng cá nhân là cách thức biểu lộ tâm tình tuỳ nhu cầu của chủ thể, của cá nhân. Do đó, phương pháp tốt nhất là phương pháp thích hợp cho từng chủ thể, cho từng cá nhân. Nói thế có nghĩa là mỗi người trong chúng ta phải tự tìm lấy một phương pháp nguyện ngắm thích hợp với tâm tình, nguyện vọng, nhu cầu, hoàn cảnh của nếp sống hiện tại của chúng ta. Nếu chúng ta tha thiết đến đời sống thiêng liêng, muốn tư huấn luyện đời sống nội tâm của mình ngày thêm phong phú thì trong lúc nguyện ngắm, tức trong lúc truyện vãn với Chúa, nhìn ngắm Chúa, suy về Chúa, tìm hiểu chân lý của Người, cầu nguyện cùng Người, chúng ta sẽ tìm thấy một phương pháp tốt nhất hợp với tâm tình nhất cho riêng từng người của chúng ta.

Mỗi người có một tâm hồn, mang nặng một ưu tư riêng biệt thổn thức từ hoàn cảnh. Ta hãy tâm sự với Chúa một cách chân thành trong chính những mối ưu tư đó, trong chính những thổn thức và khắc khoải đó, trong chính hoàn cảnh đó để rồi nghe Chúa phán dạy, noi gương Chúa mà sống. Đó chính là phương pháp nguyện ngắm của ta rồi vậy. Điều can hệ là chúng ta hãy mở rộng tâm hồn thầm kín để đón nhận tình thương và tia sáng tràn ngập từ tấm lòng thương con vô biên giới của người Cha để ta có thể kết hợp mật thiết với Chúa trên  nguyên tắc và trong đời sống thực tế của ta.

Vì vậy ta không nên quá chú trọng đến những phương pháp một cách quá gò bó. Trái lại, phải chú trọng đến những điểm cốt tuỷ của vấn đề là kết hợp mật thiết với Chúa trong tâm tưởng, ý chí  và hành động.

Tuy nhiên, tưởng cũng nên nêu ra đây một vài phương pháp cổ điển được xem như là có hiệu nghiệm trong đời sống đạo của vài Đấng Thánh khả dĩ giúp chúng ta có một đường lối chung để nguyện ngắm kết quả. Ít ra là trong thời gian đầu người ta cần lợi dụng nó như bậc thang giúp họ bước vào con đường nguyện ngắm. Một nhà văn, một thi sĩ, một nhạc sĩ muốn viết văn, muốn làm thơ, muốn sáng tác nhạc... Tiên vàn cũng phải chập chửng tập theo một phương pháp nào đó rồi mới trở thành lão luyện và say mê sáng tác theo ý muốn riêng mình. Ai muốn say mê với việc nguyện ngắm tưởng cũng nên theo đường lối đó.

Xét chung những phương pháp nguyện ngắm cổ điển đều chia cuộc nguyện ngắm ra làm ba giai đoạn chính : Chuẩn bị, nguyện ngắm, kết thúc :

5.1  Giai đoạn chuẩn bị :

5.1.1 Chuẩn bị xa gồm có ba việc chính :

- Hãm chế ngũ quan và dục vọng.

- Giục lòng sốt sắng,khiêm nhường, thống hối.

5.1.2 Chuẩn bị gần, gồm ba tác động :

- Đọc, nghe hoặc nghĩ đề tài tối hôm trước, trước khi ngủ đêm.

- Vừa thức dậy, nghĩ ngay đến đề tài đó và kích thích những cảm tính thích hợp.

- Xua đuổi các cản trở để kết hợp vớ Chúa, tức là phải bỏ ra rìa những tâm tưởng thế gian không ích lợi cho việc nguyệng ngắm. Hãy bảo chúng như Thánh Bênađô rằng : “Hỡi các ý tưởng viễn vông bây hãy đứng chờ ta đây, sau giờ nguyện ngắm nếu cần, ta sẽ gặp bây”.

5.1.3 Dọn mình trực tiếp, tức bắt đầu nguyện ngắm :

- Trước hết giục lòng tin Chúa đang ngự trước mặt, Chúa ở khắp mọi nơi, nhất là Chúa đang ở trong lòng ta, sốt sắng thờ lạy Chúa.

- Tự hạ mình khiêm nhường biết mình là loại thụ sinh, bất lực không đủ khả năng suy niệm những điều thuộc Thiên Chúa, nên phải nhờ Thánh Linh Chúa soi sáng, hướng dẫn để bổ khuyết vào sự bất lực ấy của chúng ta.

- Dâng trọn vẹn tâm hồn cho Chúa.

5.2  Giai đoạn nguyện ngắm :

- Nguyện ngắm chân lý nào, một ý tưởng nào theo đề tài đã được chuẩn bị tối hôm qua.

- Xét mình hay tự kiểm điểm bản thân để nhận rõ đâu là những nhược điểm của mình về điều vừa nguyện ngắm đó và đâu là con đường cần phải theo.

- Nói khó, than thở với Chúa như một người con khiêm nhường ngoan ngoãn. Xin Chúa ban ơn giúp sức để tiến tới trên đường nhân đức này và để dùng những phương tiện cần thiết để đạt đươc những kết quả tốt.

- Dốc lòng : Nhất định sẽ thực hiện cho kỳ được những điều mà mình vừa suy niệm trong ngày hôm nay. Suy niệm mà không dốc lòng thực hành thì không khác nào ăn mà không tiêu hoá thức ăn vào cơ thể. Vô ích.

5.3 Giai đoạn kết thúc :

- Cám ơn Chúa và Đức Mẹ vì những ân huệ đã thu lượm được trong giờ nguyện ngắm.

- Duyệt lại xem mình đã nguyện ngắm thế nào để hôm sau hay lúc khác cố gắng nguyện ngắm cách hoàn hảo hơn.

- Lời nguyện cuối cùng : Xin Cha chúng ta ở trên trời ban phép lành.

- BÓ HOA THIÊNG LIÊNG : Chọn một ý niệm cốt tuỷ trong bài suy niệm làm tiêu chuẩn di dưỡng lòng đạo đức.

 

Nói một cách tổng quát hơn : Nguyện ngắm gồm ba yếu tố chính :

- Suy niệm : Dùng trí khôn để suy xét.

- Tâm tình : Dùng cảm tình sưởi nóng lòng mến Chúa yêu người.

- Dốc quyết : Hướng dẫn ý chí để thực hành kèm với lời cầu nguyện cậy trông liên lỷ trong cuộc sống hằng ngày.

 

6- NHỮNG PHƯƠNG PHÁP SUY NIỆM TIÊU BIỂU

Sau đây là những phương pháp nguyện ngắm tiêu biểu, tuỳ sở thích lựa chọn cái nào mà ta thấy hợp với sở thích của ta hơn.

Chúng ta hãy lần lượt tìm hiểu những phương pháp nguyện ngắm của : Saint Sulpice, Thánh Ignatio, nguyện ngắm theo bậc thường, nguyện ngắm theo Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu.

Sau đây là chi tiết của những phương pháp nguyện ngắm đó :

6.1 LƯỢC ĐỒ MỘT BÀI NGUYỆN NGẮM

      THEO PHƯƠNG PHÁP “XUÂN BÍCH”

6.1.1 Chuẩn bị :

6.1.1.1 Chuẩn bị xa :

- Tối hôm trước chọn một đề tài và xác định rõ sẽ nguyện ngắm những điểm nào.

- Giữ yên lặng, nuôi dưỡng trong lòng cho đến giờ nguyện ngắm sáng hôm sau.

- Lúc đi ngủ, nghĩ đến bài nguyện ngắm. Khi thức dậy nghĩ ngay đến bài nguyện ngắm.

6.1.1.2 Chuẩn bị gần :

- Đặt mình trước mặt Chúa bằng cách giục lòng tin Chúa hiện diện trước mặt. Quỳ gối thờ lạy Chúa với một tâm tình tràn đầy kính yêu.

- Kết hợp với Chúa Giêsu bằng cách : nhận mình bất xứng. Thống hối các tội mình đã phạm (kinh ăn năn tội), giục lòng khao khát kết hợp với Người.

- Cầu khẩn ơn trợ giúp của Chúa Thánh Linh : Nhận mình bất lực trong việc suy nghĩ và cầu nguyện, khiêm tốn cầu xin ơn trợ giúp của Người (có thể đọc kinh Đức Chúa Thánh Thần).

6.1.2  Nguyện ngắm : (Đặt Chúa trước mặt, trong lòng, trong tay) :

6.1.2.1 Thờ lạy (đặt Chúa trước mặt) :

- Suy nghĩ về đề tài nguyện ngắm nơi Chúa Giêsu : những cử chỉ, nhìn ngắm, hoạt động, ngôn ngữ, tư tưởng của Người.

- Dâng lên Người lời ca ngợi, cảm tạ, mến yêu...

6.1.2.2 Kết hợp (đặt Chúa trong lòng) :

- Xác tín : với những lý do của đức tin, của lý trí ta công nhận và xác tín rằng những điều mà ta vừa suy niệm nơi Chúa Giêsu là hữu ích và cần thiết cho đời sống của mình.

- Suy tư : Công nhận rằng hiện mình còn xa chưa giống mẫu mực của Chúa, đồng thời nhìn lại quá khứ thấy mình thiếu sót nên giục lòng thống hối và ước ao sửa lại về sau

- Cầu xin : Xin Chúa ban cho mình những tâm tình của Chúa Giêsu. Xin Chúa ban cho mình và tha nhân những ơn cần thiết khác.

6.1.2.3 Cộng tác (đặt Chúa trong tay) :

- Dốc lòng : Quyết định sẽ cố gắng thực hành cho kỳ được một điểm nào riêng.

- Hiến dâng mình cho Chúa Thánh Thần để xin Chúa hoạt động nơi ta.

6.1.3  Kết thúc bài nguyện ngắm:

- Cảm tạ Chúa vì những ơn Chúa đã ban trong giờ nguyện ngắm.

- Xin ơn tha thứ những điều lầm lẫn trong giờ nguyện ngắm.

- Hiến dâng tất cả cho Đức Nữ Trinh Maria và xin Ngài dìu dắt.

- Hoa thiêng liêng: chọn một tư tưởng phù hợp với điều dốc lòng để nhớ và thực hiện trong ngày.

- Đọc kinh kết thúc (có thể đọc kinh Trông cậy).

VÍ DỤ : NGUYỆN NGẮM VỀ ĐỨC KHÓ NGHÈO THEO PHƯƠNG PHÁP XUÂN BÍCH.

a/ Chuẩn bị xa : Tối hôm trước.

- Chọn đề tài : Đức khó nghèo.

 - Xác định những điểm sẽ suy niệm : Nhìn vào cuộc đời của Chúa Giêsu: sinh ra trong khó nghèo, sống trong khó nghèo và cuối cùng chết cũng trong trần trụi khó nghèo. Gương sống này làm cho tôi có cảm tưởng thế nào? Nó có thể trở nên bài học gì cho tôi? Nhìn vào cuộc sống của tôi, có điều gì làm cho tôi xa cách cuộc sống của Chúa trong sự khó nghèo? Hậu quả của nó sẽ thế nào?Không cần suy nghĩ nhiều, chúng ta cũng thấy rằng lâu nay chúng ta đã sống trong ảo tưởng, chúng ta quyết chí theo Chúa nhưng đời sống của chúng ta quá cách biệt so với đời sống của Chúa. Đời sống của chúng ta quá giàu sang, xa hoa, sung sướng... không giống đời sống của Chúa chút nào... do đó chúng ta không thể trở nên siêu thoát như Chúa, chúng ta còn làm tôi của cải thì không thể nào theo Chúa được...

Lạy Chúa, xin soi sáng tâm hồn con để con nhận biết con đường con phải đi để càng ngày con càng trở nên giống Chúa...

Lạy Mẹ Maria, Thánh cả Giuse xin cho biết chuộng đức khó nghèo để con được hạnh phúc sống gần Chúa con như Hai Đấng đã được hưởng hạnh phúc và đã được chia sẻ nếp sống khó nghèo với Chúa Giêsu.

b/ Chuẩn bị gần: (Lúc bắt đầu giờ nguyện ngắm).

- Đặt mình trước mặt Chúa: Lạy Chúa con tin thật Chúa đang ngự trước mặt con, Đấng mà xưa kia đã mặc xác phàm y như con trừ ra tội, Đấng đã muốn nêu cho con một bài học sống động về cuộc sống siêu thoát, dứt bỏ mọi của đời để được chiếm lấy phần thưởng vinh quang trên thiên quốc.

Lạy Chúa, con xin kính thờ Chúa với tất cả lòng mến yêu chân thành của con. Con muốn đến ôm hôn chân Chúa như Mađalêna, con muốn đến gần Chúa hơn để học cùng Chúa bài học khó nghèo. Nhưng... Lạy Chúa, con là kẻ bất xứng, tội lỗi, con còn quá xa cách Chúa trong bậc sống vật chất của con. Xin Chúa thương xót tha thứ tội con để con được đến gần Chúa hơn. Lạy Chúa xin cho con được kết hợp trong tình thương của Chúa...

Nguyện xin Thánh Linh Chúa soi sáng chỉ dẫn cho con để con biết noi gương sống của Chúa để con hiểu biết lợi ích của sự khó nghèo, để con sống giống Chúa Giêsu của con trong tâm tưởng và đời sống hằng ngày của con (đọc kinh Đức Chúa Thánh Thần).

Bắt đầu suy niệm chính thức:

a/ Đặt Chúa trước mặt: Một hang bò lừa xông mùi hôi hám của phân và rơm rạ mục ướt, hôi hám bẩn thỉu, gió rít qua khe đá lạnh buốt thấu xương... Một hài nhi nằm khóc oa oa trong máng cỏ rơm, không một tất khăn che thân, không một đóm lửa sưởi ấm... đó là cảnh tượng nơi Chúa con ra đời chuộc tội trần gian... sinh ra trong khó nghèo như thế để rồi lại trở về Nagiarét sống trong một ngôi nhà chật hẹp với những bức tường trống trải, mái lụp xụp, thiếu thốn mọi phương tiện cần thiết, các đồ dùng thì thô sơ của một người làm thợ mộc nghèo nàn, tầm thường kiếm ăn bữa đói, bữa no... Chúa Giêsu đã sống cuộc sống đó trong suốt 30 năm trường mà không hề phàn nàn, kêu trách... Người đã chịu đựng tất cả với một niềm phấn khởi và hạnh phúc bên cạnh Mẹ Maria và Thánh cả Giuse. Đến khi sống cuộc đời công khai giảng dạy Chúa cũng lại lang thang hết chỗ này đến chỗ khác, ăn vào của bố thí... “Con chim có tổ, con chồn đất có hang, Con Người không có nơi gối đầu!”. Chúa sống vô gia cư, chết vô địa táng...

Ôi lạy Chúa Giêsu, sao mà Chúa lại có thể bền tâm kiên chí mà sống đời sống khốn cực đến thế? Phải chăng Chúa muốn dạy cho chúng con biết rằng cần phải sống siêu thoát, cần phải khinh chê mọi của cải vật chất trần gian?

Phải rồi! “Người giàu có khó vào Nước Trời hơn con lạc đà chui qua mũi kim” Chúa đã dạy thế. Cho nên cuộc sống của Chúa là một bài học sống động cho con thấy rằng: Muốn sống đời sống siêu nhiên sung túc con cần phải khinh chê mọi của cải thấp hèn trần gian.

Ôi Chúa thật thông minh thượng trí. Hôm nay con đã hiểu được phần nào về gương sống khó nghèo của Chúa.

b/ Đặt Chúa trong lòng: Lạy Chúa, con hiểu rằng muốn sống đời sống siêu nhiên, muốn trở nên giống Chúa thì con cần phải hướng về Chúa, khi muốn hướng về Chúa thì con phải từ bỏ mọi quyến rũ trần gian, mọi lạc thú, mọi nguy hiểm và lầm lạc tối tăm do của cải vật chất tạo nên. Sự giàu có sung sướng, của cải trần gian là những trở ngại ngăn cản bước đường con tiến đến Chúa. Chúng đã bắt con làm tôi cho chúng. “Không ai có thể làm tôi hai chủ vì sẽ ghét chủ này và mến chủ kia”. Con không thể làm tôi tiền của, vừa làm tôi Chúa được. Muốn theo Chúa phải từ bỏ tiền của, phải biết mến chuộng đức khó nghèo vì đức khó nghèo sẽ giúp con thoát mọi ảnh hưởng của trần thế, đức khó nghèo sẽ làm cho linh hồn con được sống bình an, thong dong...

Lâu nay con còn sống quá xa cách Chúa vì lòng con quá yêu thích của cải trần gian, con còn muốn sống xa hoa, lộng lẫy, tiện nghi, trong cách ăn ở sung sướng của con, trong sự ước mơ được giàu sang và sung túc của con, trong các đồ đạc mà hiện con đang dùng con thấy chưa phản ảnh tinh thần khó nghèo...

Lạy Chúa, con còn xa cách Chúa quá nhiều trong cuộc sống vật chất này...

Xin Chúa cho con biết mến chuộng đức khó nghèo. Xin Chúa cho con biết coi thường những của đời, chúng là những cái nợ, là cạm bẫy... Xin Chúa hãy san sẻ vào trái tim con những tâm tình khó nghèo tích chứa trong trái tim Chúa. Xin Chúa cho con quên đi tất cả những cái thuộc về con. Xin cho con biết tránh bớt những tiện nghi dùng hằng ngày... để con được sống siêu thoát, để tâm hồn con được trọn vẹn yêu Chúa để Chúa trọn vẹn chiếm tâm hồn con.

Xin Chúa cho con biết từ bỏ. Xin Chúa cho con biết sống siêu thoát.

C/ Đặt Chúa trong tay: Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa giúp con biết sống nghèo khó và cách riêng xin Chúa giúp con ngay từ hôm nay biết từ bỏ lòng ham thích tiền của và những tiện nghi vật chất.

Xin Chúa Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn cho điều dốc lòng của con được thành tựu. Xin Chúa hoạt động trong con.

Kết bài nguyện ngắm:

Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì những ơn Chúa đã ban cho con trong giờ nguyện ngắm này. Xin Chúa tha thứ mọi lỗi lầm của con trong giờ nguyện ngắm vừa qua.

Lạy Mẹ Maria, xưa Mẹ đã chia sẻ cùng Chúa cuộc sống khó nghèo thế nào và Mẹ đã nếm được hạnh phúc bởi sự khó nghèo đó làm sao thì nay xin Mẹ chỉ vẽ cho con biết theo đường lối khó nghèo đó để con trở nên giống Chúa Giêsu con Mẹ và để con cũng được hưởng niềm hạnh phúc với Chúa như Mẹ vậy.

HOA THIÊNG LIÊNG: Phúc cho ai có tinh thần khó nghèo vì Nước Trời là của họ.

Lạy Chúa Giêsu, lạy Mẹ Maria xin cho con biết ghi khắc lời nói đó vào tâm tư để thi hành vào đời sống. (Đọc kinh Trông cậy).

 

Nhận xét:

Xuyên qua một bài nguyện ngắm mẫu về đức khó nghèo theo phương pháp Xuân Bích ta nhận thấy thế nào?

Ta thấy ba điểm cốt tủy của một đường lối nguyện ngắm đó là:

TÂM TÌNH THỜ LẠY (đặt Chúa trước mặt), KẾT HỢP MẬT THIẾT VỚI CHÚA TRONG TÂM TƯỞNG (đặt Chúa trong lòng) và sau cùng là HỢP TÁC VỚI ƠN CHÚA tức là DỐC LÒNG thực hành những điều đã học thấy nơi Chúa (đặt Chúa trong tay).

Thờ lạy: Lấy lòng khiêm nhường thờ lạy Chúa Giêsu đã yêu đức khó nghèo dường nào sinh khó nghèo, sống khó nghèo... cảm phục Chúa.

Kết hợp: Cảm thấy bài học khó nghèo của Chúa là cần thiết nên ước ao ăn ở khó nghèo để trở nên giống Chúa. Nhưng tự xét, ta thấy mình còn xa cách Chúa quá nhiều. Do đó ta thiết tha nài xin Chúa san sẻ vào trái tim ta những tâm tình khó nghèo tích chứa trong trái tim Chúa.

Hợp tác: Về mặt thực hành, ta xin Chúa cho ta được mến chuộng sự khó nghèo, giúp ta sống khó nghèo và cách riêng giúp ta bỏ lòng ham thích tiền của, tiện nghi không cần thiết...

 

Lời giải thích quan trọng:

Phần thứ nhất gọi là thờ lạy: Nguyện ngắm về một vấn đề gì là suy luận về vấn đề đó để tìm một đường lối phải theo mà hành động nhưng suy luận ở đây là những nhìn ngắm và nhìn ngắm vấn đề qua Chúa Kitô, nhìn ngắm chính Chúa Kitô, Đấng đã có tâm tình, thái độ, hành vi nào đối với vấn đề ấy, nhờ đó sinh ra nơi ta một lòng cảm mến thờ lạy, thán phục... Gọi là thờ lạy vì tâm tình đi trước với thái độ khiêm tốn, cung kính cảm phục. Nói cách khác, kiểu mẫu trọn lành của ta là nơi Chúa Giêsu và chính Chúa. Do đó mà tâm tình của ta luôn luôn được biểu lộ qua thái độ tình cảm... Cảm phục đưa đến thờ lạy.

Phần thứ hai gọi là kết hợp vì điều mà ta chiêm ngưỡng nơi Chúa Giêsu kích động ước muốn của ta nên ta mong được thấy thể hiện nơi ta. Vì thế, ta sốt sắng cầu xin Chúa chia sẻ cho ta để ta nên giống Chúa. Nhu cầu càng khẩn thiết bao nhiêu, ta càng cầu xin cho được bấy nhiêu. Như vậy, mối giao cảm đã bắt đầu từ trong tâm tình, ý chí. Đó chính là sự đồng tâm nhất trí hay là kết hợp vậy.

Phần thứ ba gọi là hợp tác vì việc kết hợp phải được chuyển sang địa hạt thực tế. Ta muốn thực hiện nơi bản thân ta những điều mà ta thấy nơi Chúa, ta cầu xin Chúa phù giúp, xin Chúa cùng với ta thực hành những điều mà ta vừa kết hợp làm một với Chúa. Không có Chúa ta chẳng làm được gì. Với ơn Chúa và nỗ lực thi hành của ta, ta sẽ làm được tất cả.

Nói tóm lại: Phương pháp nguyện ngắm theo kiểu Xuân Bích có khuynh hướng kết hợp từ trong tâm tưởng, ý chí cho đến hành động.

Cha Olier đã chú giải phương pháp nguyện ngắm Xuân Bích như sau:

Thờ lạy: Đặt Chúa trước mặt mà thờ lạy cung kính.

Kết hợp: Ôm Chúa Giêsu vào lòng để hút những tâm tình và đức tính của Chúa.

Hợp tác: giữ Chúa trong tay để được cùng Chúa hoạt động trong đời sống hằng ngày.

Đó là một phương pháp thực tế. Bạn có thích theo phương pháp này không? Nếu không, mời bạn tìm hiểu một phương pháp khác: phương pháp nguyện ngắm theo thánh Ignatiô.

 

 

6.2 LƯỢC ĐỒ MỘT BÀI NGUYỆN NGẮM THEO THÁNH IGNATIÔ

 

6.2.1. Chuẩn bị:

6.2.1.1 Chuẩn bị xa: (trước giờ nguyện ngắm chính thức).

- Tối hôm trước khi ngủ, dọn những điểm sẽ suy niệm, xác định ơn phải cầu xin.

- Mỗi lúc thức giấc ban đêm (nếu có) hãy nhớ tới và hãy nhớ đặc biệt khi mới ngủ dậy.

6.2.1.2  Chuẩn bị gần: (đầu giờ nguyện ngắm):

- Đặt mình trước Thiên Chúa, thờ lạy Người (có thể làm một vài cử chỉ cung kính bên ngoài để gây sự sốt sắng bên trong).

- Đọc một kinh dọn mình nguyện ngắm.

- Giai đoạn:

* Lịch sử: Nhắc lại vắn tắt sự kiện mà ta sắp nguyện ngắm.

* Tưởng tượng: Nghĩ đến địa điểm đã xảy ra sự kiện, có thể thay thế bằng một vài lời nhắc nhở khác khi đề tài không phải là một sự kiện.

* Cầu xin ơn đã nghĩ trước như là kết quả của bài nguyện ngắm.

 

6.2.2. Nguyện ngắm:

- Vận dụng trí nhơù: gợi lại trong những phần đoạn sẽ suy niệm một cách đại cương, không nên vào chi tiết vội.

- Vận dụng trí suy:

  * Suy nghĩ sâu vào vấn đề của bài nguyện ngắm.

  * Áp dụng: tìm những kết luận thực tiễn để áp dụng cho đời sống riêng, đồng thời dự liệu trước những phương cách phải dùng:

- Vận dụng ý chí:

  * Tình cảm: Những Tư tưởng đạo đức (thờ lạy, cảm tạ, yêu mến...) phát xuất do việc suy niệm nói trên. Những tư tưởng này giữ vai trò quan trọng trong suốt cả bài nguyện ngắm, đặc biệt là ở phần cuối.

  * Quyết định: đưa ra một quyết định thực tiễn về một điểm riêng biệt có tính cách hiện thực và đơn sơ.

 

6.2.3. Kết thúc bài nguyện ngắm:

- Đàm thoại: nói chuyện với Thiên Chúa, với Chúa Kitô hoặc với Đức Mẹ, các Thánh để cầu xin hay trình bày. Cuộc đàm thoại có thể thực hiện trong suốt bài nguyện ngắm nhưng đặc biệt ở phần kết thúc này.

- Kinh nguyện đọc ngoài miệng vắn tắt.

 

6.2.4. Sau bài nguyện ngắm:

- Kiểm điểm diễn tiến của bài nguyện ngắm.

- Ghi nhớ những điều cần ghi nhớ vì ánh sáng đã nhận được, những cảm xúc...

 

Ví dụ: Một bài nguyện ngắm về đức khó nghèo theo thánh Ignatiô.

a/. Hồi tưởng: Đã bao giờ tôi thấy người khó nghèo chưa? Tôi có cảm tình nào khi thấy họ? Phải chăng tôi có cảm tưởng muốn xa cách họ? Khinh chê họ? xua đuổi họ? gớm ghét họ? Tại sao? Phải chăng vì tôi không thích sống bậc khó nghèo?

Lạy Chúa, Chúa đâu có muốn vậy?

Tôi biết Chúa Giêsu đã dạy những gì về đức khó nghèo? Tôi đặt mình vào những kẻ đang nghe Chúa giảng... Tôi nhìn Chúa và đang nghe Chúa nói... Hay tốt hơn hết là tôi tưởng tượng tôi đang quì trước hang đá để học bài học thực tế về đức khó nghèo.

b/ Suy luận: Qua những hồi tưởng trên đây tôi tìm hiểu:

- Tại sao tôi không ưa thích khó nghèo? Phải chăng lòng tôi quá ham mê vật chất trần gian?

- Tại sao Chúa Giêsu dạy ta sống khó nghèo? Phải chăng sự giàu sang phú quí vinh hoa, của cải tiền tài, tiện nghi sung túc... ngăn trở cuộc tiến siêu nhiên?

- Tại sao tôi phải nên giống Chúa ở đức khó nghèo? Tôi phải tập khó nghèo bằng cách nào?

C/  Ý chí:

1. Than thở : Nhận thấy tôi không thích ở khó nghèo... Nhận thấy sống khó nghèo có ích lợi cho việc cứu rỗi... Nhận thấy Chúa dạy và chuộng sống đức khó nghèo: “Quả thật, Ta bảo các ông, giàu có mà vào được Nước Trời thì gay go thật. Tôi lại bảo các ông con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn là người giàu có vào Nước Trời” (Mat 19,23-24). Tôi phàn nàn vì đã không mến, không tập luyện đức khó nghèo. Tôi xin cho được yêu mến nó... và dứt bỏ lòng yêu của đời.

2. Quyết tâm: Tôi quyết tâm từ nay sẽ để ý luyện đức khó nghèo trong những trường hợp cụ thể như cách ăn mặc, đồ dùng, tiện nghi... Tôi van nài xin Chúa giúp sức cho tôi thực hành cho kỳ được. Tiếp tục cầu nguyện van xin thành khẩn...

 

Tóm lại : phương pháp nguyện ngắm theo thánh Ignatiô thiên về trí óc, huy động mọi khả năng của tâm trí (ký ức, trí tuệ, ý chí...) để dồn về một vấn đề nào.

Phương pháp này giúp ta đi sâu vào những vấn đề thực tế nhờ trí óc biết suy luận. Nhưng có lẽ hơi khó đối với ai còn kém về mặt trí thức. Do đó, tôi xin phép giới thiệu một phương pháp nguyện ngắm khác đó là nguyện ngắm bậc thường.

 

6.3 NGUYỆN NGẮM BẬC THƯỜNG:

 

nguyện ngắm bậc thường là một cuộc trao đổi tâm tình giữa Chúa và linh hồn mà linh hồn vẫn giữ chủ động. Đây chẳng qua là một cuộc đối thoại, một cuộc chuyện vãn tâm tình.

Cách nguyện ngắm này gồm bốn yếu tố chính: Suy luận, than thở, quyết tâm và cầu nguyện.

6.3.1 Suy luận: Nhờ suy luận ta có thể biết thấu đáo vấn đề, nếu hiểu biết vấn đề đến nơi đến chốn thì dễ gây nơi ta một niềm cảm mến mà có yêu mến thì mới hành động theo ý muốn kẻ mình yêu. Tri và mộ là thế. Nhưng, việc suy luận cần phải thấm thía và thiết thực.

Suy luận thấm thía là đào sâu một tư tưởng, tìm ra những lý lẽ đủ mạnh để có thể khắc phục ý chí của mình. Suy luận sơ qua chỉ phát sinh những tư tưởng nông cạn, non nớt, không có hiệu lực gì đối với ý chí và vì thế không ảnh hưởng gì đến đời sống của ta.

Suy luận phải thiết thực, nghĩa là những điều mà ta suy luận phải thực tế và được áp dụng ngay vào đời sống để giúp ta vươn cao mãi. Có những lúc suy luận không được thì ý tưởng trở nên khô cạn, ta phải than thở hay nhìn ngắm với một tâm tình ước ao tha thiết, muốn hiểu biết, muốn thực hành, muốn sống xứng đáng...

6.3.2 Than thở: Than thở hay phó thác tâm tình. Than thở đây không phải chỉ tỉ tê nỉ non, khóc lóc ngoài miệng mà là trao phó tâm tình ta vào tâm tình Chúa. Đây là lúc ta thông hiệp với Chúa, lúc ta bắt đầu kết hiệp ý chí ta với ý chí Chúa.

Như vậy than thở là một yếu tố chính của việc nguyện ngắm bậc thường. Việc than thở phải được phát xuất từ tấm lòng thầm kín hiện thực, do một tình yêu nồng nhiệt gần như say mê tuyệt đỉnh. Khi nguyện ngắm, có lúc ta thấy tâm hồn xúc động có thể là sốt sắng nhưng cũng chưa chắc hẳn như thế, vì nếu chỉ là một kích động tạm thời của cảm giác bộc phát lên như ngọn lửa rơm, không có ảnh ưởng thực tế thì cũng không có giá trị đích thực. Cho nên, điều cần thiết nhất là sự sốt sắng của ta phải được cụ thể hóa bằng những hành vi trong đời sống hàng ngày.

6.3.3 Quyết tâm: Trong việc nguyện ngắm điều quyết tâm là điều quan trọng. Vì một khi linh hồn đã kết hợp với Chúa thì phải quyết chí sống nên giống Chúa và cố sức làm đẹp lòng Chúa.

Quyết tâm nói đây chính là nguyện vọng cao đẹp và tha thiết nhất của một người có thể bao quát và hấp dẫn tất cả cách hoạt động của đời sống mà trong giờ nguyện ngắm ta đem ra tâm sự cùng Chúa và quyết chí thi hành. Mỗi lần nguyện ngắm là mỗi lần quyết tâm. Điều dốc quyết này rất cần thiết vì, nói một cách cụ thể, là muốn nên thánh và nguyện ngắm là nói cùng Chúa việc ấy nên ta phải dốc lòng quyết tâm nên thánh.

Hằng ngày mỗi lúc nguyện ngắm ta cần đem lý tưởng ấy ra để nhắc nhủ.

Điều quyết tâm mà ta vừa nói trên đây phải mạnh mẽ như ý lực ăn sâu vào bản ngã. Điều quyết tâm càng mạnh mẽ, sức hấp dẫn càng có hấp lực mạnh và nhờ đó sẽ dễ dàng dẫn đến thực hành. Điều quyết tâm còn đòi hỏi rất nhiều ý chí và nhất là phải liên lỉ cầu nguyện.

6.3.4 Cầu nguyện: Cầu nguyện giữ một vai trò khá quan trọng trong việc nguyện ngắm. Cầu nguyện là linh hồn của nguyện ngắm. Thiếu cầu nguyện, giờ nguyện ngắm có thể là một giờ mơ mộng. Cầu nguyện nói đây không có nghĩa là chỉ cầu xin, van lơn không thôi nhưng phải hiểu cầu nguyện với tất cả ý nghĩa đích thực của nó là suy tôn hoặc thờ lạy, bái tạ, kính dâng, thống hối và cầu xin.

Động lực chính của mọi hình thức cầu nguyện là yêu mến. Ngoài giờ nguyện ngắm thỉnh thoảng nâng hồn lên để kết hợp và yêu mến Chúa đó là việc rất cần thiết, cần phải làm, vì đó cũng là cách giúp chúng ta có một tâm hồn cầu nguyện liên tục. Ta cũng cần nhớ thêm một điều nữa là nếu ta có tâm hồn cầu nguyện tức ta có sẵn một điều kiện để nguyện ngắm nên.

 

Thực ra trong khi NGUYỆN NGẮM BẬC THƯỜNG không cần thiết phải làm đủ bốn yếu tố trên, nhất là suy luận, vì phải tùy thuộc sự hướng dẫn của Thần Linh Chúa và tùy sự thích ứng của tâm hồn ta.

Chẳng hạn, khi chán suy luận thì than thở, cầu nguyện... miễn làm sao giữ được thái độ chuyện vãn, trao đổi tâm tình giữa Chúa và ta. Đây là một phương pháp NGUYỆN NGẮM TÂM TÌNH thong dong tùy cường độ lòng mến Chúa của ta. Phương pháp nguyện ngắm này xét ra rất hay và rất thích hợp cho mọi người vì nó chẳng qua là một cuộc nói chuyện thành thật giữa Chúa và ta, như một người con thỏ thẻ thân thưa với cha mẹ những nỗi niềm u uẩn của cuộc đời mình để xin cha mẹ giải quyết, như một đôi bạn tâm tình tâm sự mỗi niềm của nhau để cùng nhau chia sẻ và gánh vác trong niềm cảm thông sâu xa của một tấm chân tình keo sơn.

Có lẽ bạn có thế chấp nhận được chứ?

Nếu bạn chưa hoàn toàn thỏa mãn thì xin bạn vui lòng tìm hiểu thêm phương pháp nguyện ngắm khác không kém phần lý thú hay ho, lại dễ thực hiện: phương pháp nguyện ngắm theo thánh Têrêxa.

 

6.4 ĐƯỜNG LỐI NGUYỆN NGẮM THEO THÁNH TÊRÊXA.

 

Để giúp những tâm hồn bé nhỏ, đơn sơ thêm sốt sắng và trung thành với việc nguyện ngắm, chúng ta hãy tìm hiểu đại cương về đường lối nguyện ngắm của thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu.

Luôn luôn trung thành với con đường bé nhỏ, thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã vạch cho các tâm hồn bé nhỏ một đường lối nguyện ngắm bình dị, đơn sơ, rất dễ thực hành, rất dễ yên ủi, khuyến khích các linh hồn muốn tiến tới trên đường trọn lành, nhất là đối với những người có rất ít điều kiện về đường học thức.

Đường lối đó thế nào?

Thật ra thánh Têrêxa đã ứng dụng kiểu nguyện ngắm kết hợp trên đây. Thánh nữ đã gặp nhiều thử thách trong giờ cầu nguyện nên thánh nữ đã tự tạo cho mình một tâm hồn cầu nguyện liên lỉ.

Phương pháp nguyện ngắm của thánh nữ không có gì là phức tạp, cầu kỳ, thánh nữ đã nguyện ngắm một cách đơn sơ là ghé lòng mình vào lòng chúa để lòng mình nói chuyện với Chúa như một người con thơ thỏ thẻ nói chuyện với bà mẹ hiền đang ôm ấp mình trong cánh tay. Đây là một lối kết hợp theo tiếng nói của con tim. Kết hợp với ý chí Chúa để yêu mến Chúa trong giờ cầu nguyện cũng như trong lúc thực hành việc bổn phận hằng ngày.

Với một tâm hồn cầu nguyện, thánh nữ đã cố gắng phát triển và bảo tồn tâm hồn đó vì nó là điều kiện để nguyện ngắm sốt sắng. Người ta chỉ nguyện ngắm sốt sắng khi người ta có ý cầu nguyện cả ngày, nghĩa là người ta luôn luôn có ý kết hợp với Chúa trong tâm tưởng và hành động.

Mẫu chuyện nho nhỏ sau đây sẽ nói lên tất cả đường lối suy niệm đơn sơ nhưng tuyệt hảo của thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu:

Một hôm, có một chị bước vào phòng Têrêxa thấy thánh nữ đang mải miệt khâu vá, chị này gọi thánh nữ và hỏi:

- Ô kìa chị Têrêxa đang làm gì đó?

- Em đang nguyện ngắm kinh Lạy Cha. Chà, em thấy vui sướng biết bao khi chúng ta được thấy và gọi Chúa Trời là Cha chúng ta...

Thánh nữ Têrêxa đã nguyện ngắm như thế đó. Thật là đơn sơ. Thật là giản tiện. Với cách suy niệm này chỉ cần một lòng mến, một tình yêu tha thiết và chân thành của ta đối với Chúa là đủ rồi và đây cũng chính là kết quả của một tâm hồn biết cầu nguyện.

Theo thánh nữ Têrêxa, muốn có một tâm hồn cầu nguyện người ta cần thực hiện những việc sau đây:

- Hy sinh hằng ngày những hy sinh nhỏ mọn như ép mình làm những việc trái tính tự nhiên,nhịn nhục, hãm mình...

- Năng giục lòng mến Chúa. Năng tưởng nhớ tới Chúa trong mọi giây phút của cuộc đời. Nếu ta tập được thói quen này thì ta sẽ có tâm hồn cầu nguyện liên lỉ.

Có người hỏi rằng tưởng nhớ tới Chúa luôn đâu có phải là chuyện dễ?

Thánh nữ Têrêxa trả lời:

“Có khó gì đâu! Khi người ta yêu mến ai thì tự nhiên hay nghĩ đến kẻ mình yêu”.

Vậy điều can hệ là ta hãy tự hỏi ta xem ta đã thực sự yêu mến Chúa chưa? Lòng yêu mến sẽ giúp ta vượt mọi trở ngại ngăn cản ta tưởng nhớ tới Chúa. Ta hãy noi gương đơn sơ của thánh nữ Têrêxa bằng cách trước tiên là hãy tự tạo nơi ta một tâm tình yêu mến Chúa nồng nàn và hy sinh làm cho lòng yêu mến đó ngày càng gia tăng hơn nữa bằng cách nguyện ngắm, bằng cách năng tưởng Chúa, ca ngợi Chúa, học hỏi nơi Chúa những bài học hy sinh, hy sinh trong việc lớn cũng như trong việc nhỏ. Phó thác trọn vẹn niềm tin yêu nhỏ bé, đơn sơ của ta trong tay Chúa như người con thơ phó thác mình trong tay người Mẹ hiền. Giá trị của cuộc sống đạo của ta sẽ được dệt bằng những hy sinh nhỏ mọn. Điều can hệ là ta hãy yêu mến rồi sẽ được mến yêu. hãy trở nên đơn sơ bé nhỏ rồi ta sẽ được lớn lên trong tình yêu thương của Chúa. Đó là tất cả bí quyết nên thánh của thánh nữ Têrêxa. Việc nên thánh quá dễ dàng như vậy mà sao ta lại công làm được? Có lẽ tại ta chưa bắt đầu? Vậy ta hãy vào cuộc ngay xem sao.

7. CÁCH THỨC DIỄN LẠI MỘT ĐỀ TÀI NGUYỆN NGẮM.

 

Như chúng ta đã biết, một trong những khó khăn trong việc mới bắt đầu tập nguyện ngắm đó là diễn lại đề tài bài nguyện ngắm. Vậy ta phải làm cách nào đây?

Muốn diễn lại một đề tài nguyện ngắm chúng ta cần phải vận dụng đến trí tuệ và ký ức, tức chúng ta cần vận dụng đến trí năng. Vì hễ nói đến suy là phải nói đến trí. Trí năng suy tưởng.

Nhờ ký ức chúng ta nhớ lại những biến cố, nơi chốn, hành động, cử chỉ, tư tưởng với mọi sắc thái riêng biệt giúp ta nguyện ngắm một cách sốt sắng. Nhưng, khi muốn nhớ lại những sự kiện trên đây, người ta cần phải vận dụng đến khả năng của trí tưởng tượng để sự kiện thêm phần sống động. Nhưng đây không phải là thứ tưởng tượng mơ hồ hảo huyền mà là thứ tưởng tượng được soi dẫn bởi những dữ kiện đích thực đã xảy ra trong quá khứ, khi nhớ lại, hay khi được gợi lại trong trí.

Chẳng hạn, ta đọc một đoạn Phúc Âm nói về việc Chúa được sinh ra trong hang đá Bêlem, tôi nhớ lại lễ Sinh Nhật. Tôi tưởng tượng lại trong trí những hình ảnh xảy ra trong đêm Giáng Sinh: nào Chúa khóc oa oa, nào thiên thần ca hát,nào bò lừa quỳ thở dâng hơi,nào mục đồng đến thờ lạy, nào Chúa bị giá rét... Đó là sự tưởng tượng có thật do một biến cố có thật đã xảy ra trước kéo nhau cả một dãy những sự kiện liên hệ... Do đó nhờ trí tưởng tượng ta có thể hữu hình hóa một cách nào đó về một sự kiện quá khứ khiến trong hiện tại như tai ta có thể nghe, mắt ta có thể thấy, tay ta có thể sờ, miệng ta có thể nếm...

Hoạt động của trí khôn và ký ức không được lìa nhau nhưng bổ túc cho nhau.

Để cụ thể hóa vấn đề hơn, chúng ta có thể nương theo phương pháp sau đây để diễn lại một đề tài nguyện ngắm, tùy trường hợp:

 

7.1 Một biến cố

 

Khi nguyện ngắm về một biến cố nào thì trí khôn ta có thể đặt những câu hỏi như sau:

Ai? tức là nói đến nhân vật nào mà ta nhắm tới: Chúa Kitô, Đức Mẹ, thánh cả Giuse, các thánh...

Cái gì? về hoạt động và biến cố xảy ra cho người ấy.

Ở đâu? về nơi chốn và người ấy ở.

Với những cái gì? về những phương tiện và sức cố gắng của người ấy.

Tại sao? nêu lên lý do và chú tâm của người hoạt động.

Làm sao? nói nên hoàn cảnh riêng tư đặc biệt.

Khi nào? nhìn lại thời gian quá khứ...

 

Ví duï: Diễn lại đề tài nguyện ngắm về BIẾN CỐ CHÚA GIÊSU HẤP HỐI trong vườn cây Dầu.

 

Ai? Chúa Giêsu, Con một Thiên Chúa, Đấng thuần khiết nhất, thánh thiện nhất và vô tội vạ nhất trong loài người. Chúa Giêsu Chúa tôi và là người Anh của tôi, Đấng cứu chuộc rất đáng yêu nhất của tôi “tin kính, kinh ngạc, thờ lạy...).

Ở đâu? Trong vườn Giệtsêmani, trong cảnh cô tịch, trong đêm thanh vắng tối tăm, không một ai tâm phúc (Lạy Chúa Giêsu ước chi lúc bấy giờ có con, con sẽ ở bên cạnh Chúa để yên ủi Chúa... giờ đây Chúa cũng cô đơn trong nhà tạm không có người tâm phúc... thì này con đây, con xin đến để được hầu chuyện cùng Chúa... Xin Chúa phán con đang lắng tai nghe và thông cảm những nỗi niềm của Chúa... với nỗi u sầu của Chúa...

Lúc nào? Buổi tối, sau khi lập phép Thánh Thể, trước khi thụ nạn và chịu tử hình trên thập giá (tỏ lòng tri ân vì mọi ơn lành đã được lãnh nhận từ trước đến nay).

Cái gì? Lo buồn sầu não, mồ hôi máu của Chúa rướm chảy thành từng giọt “Linh hồn Thầy buồn đến chết được”, đau đớn và rùng rợn cả thể xác lẫn tâm thần (động lòng thương Chúa...).

Thế nào? Khiêm nhường kiên nhẫn, hoàn toàn tuân phục thánh ý Cha (ngợi khen và xin cho được nhân đức đó).

Tại sao? Để trả lại vinh dự cho Đức Chúa Cha (dâng những nỗi khổ của Chúa Giêsu cho Chúa Cha), để đền tội cho trần gian (ăn năn thống hối cám ơn, cậy trông, cầu xin), để đền tội cho tôi và mọi người (cám ơn, đền tội...).

Xin cho kẻ có tội được ăn năn trở lại...

Cuối cùng là phần dốc lòng và tìm một câu làm hoa thiêng liêng để di dưỡng tinh thần.

Dốc lòng: Lạy Chúa Giêsu, ngày hôm nay con muốn chịu tất cả những đau khổ vì lòng mến Chúa.

Bó hoa thiêng liêng: “Chúa đã đổ mồ hôi màu ra vì tôi”.

 

7.2 Một nhân đức.

 

Khi muốn suy diễn đề tài nguyện ngắm về một nhân đức, trí khôn ta có thể đặt những câu hỏi sau đây:

- Yếu tính của nhân đức đó là gì?

- Đặc tính và hậu quả của nhân đức đó thế nào?

- Đâu là nết xấu nghịch với nhân đức này và phải nghĩ thế nào?

- Những ai đã được nổi tiếng vì đã thực hành nhân đức này...?

 

Ví dụ: Suy diễn đề tài nguyện ngắm về ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG

 

- Yếu tính của nhân đức khiêm nhường là tự hạ, không quý trọng mình chút nào, và quên mình vì xét rằng Thiên Chúa cao sang vô cùng còn mình thì vô cùng hèn hạ yếu đuối...

- Đặc tính và hậu quaû: Người khiêm nhường quy về cho Chúa mọi sự thiện và quy cho chính mọi sự yếu đuối, không lấy mình làm hơn kẻ khác, vui chịu khinh chê và nhục nhã (tôi có ăn ở vậy không? Hối hận...).

- Lợi ích và sự toàn hảo: Người khiêm nhường được Chúa thương và được mọi người yêu mến, được bằng yên tâm hồn, được bảo vệ khỏi mưu chước Satan lường gạt và rồi sẽ tiến mạnh trên đường nhân đức.

- Và phần tôi thế nào? Tôi đã sống hạ mình chưa? Tôi có ăn ở khiêm nhường không? (Ước muốn đức khiêm nhường và xin ơn khiêm nhường).

- Nết xấu đối nghịch: Kiêu ngạo, khoe khoang tự phụ... “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo và thi ân kẻ khiêm nhường” (sợ hãi cầu xin”.

- Gương khiêm nhường: Chính Chúa Giêsu, Mẹ Maria, thánh cả Giuse và các thánh (xin cho được học đức khiêm nhường nơi các đấng...

- Gương cao ngạo: các thiên thần phản loạn, các người lạc giáo, tổ tông loài người... (thống hối...).

- Dốc lòng: Ngày hôm nay tôi bắt đầu sống hạ mình, khiêm nhu, cầu nguyện xin Chúa giúp.

- Bó hoa thiêng: Chúa Giêsu đã phán dạy: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng!”

Xin Chúa uốn lòng con nên giống như trái tim Chúa.

 

7.3 Một lỗi lầm hay một nết xấu.

 

Khi muốn diễn một đề tài nguyên ngắm về một lỗi lầm hay một nết xấu nào thì trí khôn ta có thể nêu lên những câu hỏi sau đây:

- Yếu tính của điều lỗi hay nết xấu này hệ tại cái gì?

- Đâu là sự điên cuồng, dại dột và sự xấu xa bởi chúng mà ra?

- Điều lỗi hay nết xấu này sẽ đem lại những nguy hiểm nào cho hạnh phúc thiêng liêng và vật chất của cuộc sống?

- Nó bắt nguồn từ đâu?

- Những ai đã buồn sầu vì những điều lỗi hay nết xấu này và hiện là bài học ghê sợ cho nhân loại?

 

Ví dụ: Suy về TÍNH XÉT ĐOÁN CÀN DỞ

 

- Yếu tính: Người không đủ lý do mà chụp mũ, là phán đoán càn dở và liều lĩnh. Nghĩ điều xấu cho anh em mà không đủ lý do là xét đoán cản dở (tôi thì sao? có bao giờ tôi làm như thế?).

- Sự điên cuồng, dại dột: Ai đã đặt tôi làm thẩm phán cho anh em? Thật là bất công và tàn nhẫn! Thế thì tôi có muốn kẻ khác xử sự với tôi như vậy không?

- Những nguy hiểm: Xét đoán càn dở có tội vì nó gây chia rẽ giữa ta và anh em, làm cho tâm hồn của ta trở nên bất an, làm mất hòa khí trong cuộc sống, mất vui vẻ, thiếu bác ái, khó tiến đức... (xét mình, tự nhận mình còn thiếu sót nhiều, thống hối và xin ơn tha thứ...).

- Nó bắt nguồn từ đâu? Từ lòng ích kỷ, ghen tương, thiếu suy nghĩ, kiêu ngạo, ác cảm, thiếu bác ái (xét mình, thú lỗi, hối hận).

- Bài học: Tôi rất khó chịu khi nghe người khác xét đoán cách liều lĩnh nếu khi tôi nghe biết chính tôi đã bị kết án là xét đoàn càn dở thì tôi đau đớn xấu hổ biết bao? (hối hận).

- Dốc lòng: Trong suốt ngày hôm nay và trong suốt đời tôi, tôi sẽ không xét đoán gì về anh em, về người này... Tôi sẽ cố gắng không nghĩ xấu và phán đoán bất lợi về người anh em tôi.

- Cầu nguyện: Xin Chúa giúp sức soi sáng hướng dẫn và ban cho con ý chí sắt đá để con quyết tâm thực hành điều còn dốc lòng cho đến nơi đến chốn.

- Hoa thiêng liêng: “Các con đừng xét đoán ai để khỏi bị đoán xét”.

 

7.4 Một câu châm ngôn hay một lời tuyên cáo.

 

Khi muốn suy diễn về một câu châm ngôn hay một lời tuyên cáo thì trí khôn có thể nêu lên những câu hỏi sau đây:

- Ai đã tuyên bố câu này? - Có ý nghĩa gì? - Có chính xác không? - Có cần theo và nếu theo sẽ được gì? - Khó hay dễ thực hành? - Những ai đã biết lợi dụng câu châm ngôn này? Và những ai đã bị tác hại vì không giữ.

 

Ví dụ: Suy niệm câu: “Ách Ta êm ái, gánh Ta nhẹ nhàng”.

 

- Ai đã tuyên bố? Chúa Giêsu, Con một Thiên Chúa, Đấng khôn ngoan và nhân từ vô cùng, là vị hướng đạo của tôi, là Đấng cứu chuộc tôi, là vị thẩm phán của tôi sau này (tin, tôn thờ: Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa hãy phán, tôi tớ Chúa đây sẵn sàng nghe lời Chúa dạy).

- Có ý nghĩa gì? Ai theo gương và những huấn dụ của Chúa Giêsu thường phải hy sinh, những hy sinh đó không phải nặng nề, khó nhọc nhưng sẽ nhẹ nhàng, vui thú (giục lòng tin cậy...).

- Có chính xác không? Chính Chúa Giêsu, Đấng vĩnh cửu thượng trí đã tuyên bố. Ngài có thể buộc ta gánh ách của Ngài, Ngài cũng có thể tăng cường sức cho chúng ta để chúng ta có thể gánh và ách này sẽ trở nên nhẹ nhàng, vui thú (tin, cậy,mến, hy sinh...).

- Cần thiết và lợi ích: Nếu tôi không mang ách Chúa Giêsu đặt cho tôi thì tôi sẽ làm nô lệ dục tình của tôi. Tôi sẽ không thực hiện được một tiến bộ nào trên đường tiến đức, tôi sẽ không nếm được hân hoan và hòa bình trong tâm hồn và vì thế, tôi sẽ gây nguy hiểm cho linh hồn tôi, tôi sẽ bị kết án đời đời (xét mình, tự cáo lỗi ăn năn thống hối, phó mình cho Chúa Giêsu).

- Khó hay dễ thực hành? Theo Chúa Giêsu người ta sẽ chỉ gặp khó khăn trong bước đầu. Tôi càng thực hiện những hy sinh cần thiết cách quảng đại thì chúng càng trở nên dễ dàng, nhất là khi tôi thực hành với một tâm tình yêu mến Chúa. Yêu là được tất cả. Yêu sẽ lướt thắng hết mọi khó khăn.

- Những ai đã biết lợi dụng thực hành? Đức Mẹ, các thánh, những người sốt sắng nhất trong anh em tôi, những môn đệ trung thành của Chúa Giêsu bao giờ cũng là những người được hạnh phúc nhất. Trái lại, những người khô khan nguội lạnh, không bao giờ được an tâm (xét mình, nhận xét kinh nghiệm bản thân, hối hận hay tạ ơn...).

- Dốc lòng: Ngày hôm nay tôi muốn thực hành sự hy sinh này cách quảng đại... Để tôi có thể chu toàn nhiệm vụ trong cương vị của tôi hoặc thi hành việc bác ái này đối với anh em.

- Hoa thiêng liêng: “Ách Ta êm ái, gánh Ta nhẹ nhàng”.

 

CÁCH TỔNG QUÁT CHO VẤN ĐỀ DIỄN ĐỀ NGUYỆN NGẮM.

 

Để chúng ta có một cái nhìn tổng quát về cách diễn một đề tài nguyện ngắm, chúng ta có thể nêu ra đây một nguyên tắc chung con mọi trường hợp.

Dựa vào những điểm vừa trình bày trên đây, chúng ta có thể đặt ra những câu hỏi tổng quát giúp suy diễn một đề tài nguyện ngắm như sau:

- Chân lý suy niệm đây có ứng dụng được cho đời sống tôi không?

- Từ trước tới nay tôi đã thi hành thế nào?

- Từ này tôi sẽ cải tạo thế nào đối với vấn đề này?

- Tôi sẽ gặp những trở ngại, những nguy hiểm nào?

- Phải dùng những phương tiện nào?

Đó là câu hỏi cốt tủy và quan trọng vì nó đòi phải có một ứng dụng thực tế đề tài suy niệm vào đời sống hằng ngày.

- Cuối cùng là điều dốc lòng: Xin nhắc lại là điều dốc lòng rất quan trọng sau một buổi nguyện ngắm. Nguyện ngắm mà không dốc quyết thi hành coi như việc nguyện ngắm đó ra vô ích.

Thật vậy, tâm tình chúng ta, sau khi được tác động và kích thích kèm với sự hối tiếc, sẽ đưa chúng ga đến điều dốc lòng thi hành này là: “Tôi sẽ chỗi dậy và sẽ trở về nhà Cha tôi”, tôi sẽ cố gắng sống đời đạo đức, tôi sẽ cố gắng tránh mọi nết xấu, tôi muốn làm đẹp lòng Chúa tôi, tôi muốn an ủi Chúa tôi, tôi muốn hy sinh xả kỷ, tôi muốn sống đời thánh thiện, tôi muốn trở nên trọn lành...

Nhưng, chúng ta hãy ý tứ kẻo những điều dốc quyết của chúng ta trên đây sẽ trở thành mơ hồ, hoặc tan ra mây khói,nếu chúng ta chỉ dốc quyết vì tình cảm bị khơi động nhất thời. Chúng ta hãy bình tâm đắn đo, suy xét cẩn thận xem rồi đây đời sống của tôi sẽ có thể thay đổi được gì theo chiều hướng này đối với hoàn cảnh mà tôi đang sống. Rồi đây tôi sẽ ứng dụng điều dốc quyết ấy thế nào trong cuộc sống hằng ngày của tôi? Tôi phải nhờ những phương tiện nào? Nếu áp dụng vào thực tế, tôi có can đảm vượt qua mọi chướng ngại vật hay không? Bằng cách nào?

Những điều đó đòi hỏi vai trò hoạt động của ý chí.

Những cảm tình trong giờ nguyện ngắm như tin, cậy,mến vui mừng, cảm thương hy sinh, thống hối, lo sợ, ghê tởm, khiêm nhu, tự hạ, quyết tâm thi hành, những ý chí tôn thờ, bỡ ngỡ, cảm tạ, đền tội, kêu xin, đàm thoại với Đức Mẹ và các thánh.

Cố nhiên, chúng ta chỉ cần thức tỉnh những cảm tình thích hợp với đề tài nguyện ngắm, nhưng chúng ta càng dừng lại càng hay vì đây là điểm chính yếu giúp chúng ta thành công. Hãy thức tỉnh cảm tình khi thấy bị kích thích. Muốn thức tỉnh cảm tình, chúng ta hãy đàm thoại với Chúa như một người con nói chuyện với một người Mẹ khả ái, như một người bạn tâm tình với một người bạn thân thiết nhất, như một bệnh nhân với một lương y, như một người nghèo khó với một ân nhân. Muốn kích thích cảm tình chúng ta còn có thể dùng lời nguyện tắt thích nghi với đề tài nguyện ngắm và lặp đi lặp lại nhiều lần. Ví dụ câu:

“Lạy Chúa Giêsu, chúng con thờ lạy Chúa, con yêu mến Chúa”.

 

Xin trở lại vấn đề dốc lòng hay dốc quyết hay quyết tâm, ta thấy cần có những đặc tính sau đây:

- Phải phát biểu cách chắc chắn và sốt sắng.

- Phải là điều gì rõ ràng và có thể thực hiện ngay trong ngày hôm đó.

- Đừng cậy hoàn toàn vào sức riêng mình nhưng phải cầu xin ơn trợ giúp của Chúa (cầu nguyện liên lỉ sau mỗi lần dốc lòng).

Mỗi lần nguyện ngắm chúng ta không cần có quyết tâm mới nếu chúng ta chưa thực hiện được điều đã dốc quyết lần trước, chúng ta nên nhắc lại những điều đã dốc lòng khi xét mình riêng.

Quyết tâm và dốc lòng là mục đích và là sự hoàn thành trong thực tế của bài nguyện ngắm. Nó rất quan trọng trên đường tiến đức. Chúng ta cần ghi sâu điều dốc lòng vào tâm tư, năng nghĩ đến, năng cầu nguyện khi có dịp và phải đem thực thi rộng rãi trong đời sống.

Vai trò của cầu nguyện trong khi dốc lòng cũng rất quan trọng. Không có ơn Chúa chúng ta không thể làm gì được. “Với Têrêxa sẽ không làm được tích sự gì hết nhưng với Chúa, Têrêxa này có thể làm được tất cả”. Đó là luật căn bản trong đường thiêng liêng. Chính nhờ ơn Chúa soi sáng giúp sức,hướng dẫn ta mới có thể đi đến điều dốc quyết. Nhưng có nhiêu khi mới dốc quyết người ta đã tưởng rằng mình đã tới đích nên không còn để ý cầu xin thêm ơn trợ giúp. Đó là một lầm lẫn rất lớn khiến cho nhiều người, dù có nguyện ngắm thường xuyên, nhưng ít thành công. Điều dốc quyết chỉ có thê kéo dài liên lỉ cho đến thành công khi nó được trang bị bằng chính lời cầu nguyện. Nếu chỉ dựa vào điều dốc quyết theo cảm tình rồi, theo ý chí non nớt, hời hợt thì sẽ mau bị tan biến. Cho nên điều dốc quyết của ta cần được luôn luôn kích thích do lời cầu nguyện liên lỉ với một lòng tin tưởng cậy trông bền vững thì mới mong có hiệu quả đích thực.

Nhưng trong thực tế, có người cầu nguyện rất nhiều, rất sốt sắng, rất nhiệt tâm nhưng vẫn không thấy có kết quả gì mấy trong đời sống nên, nhiều khi họ đâm chán nản nghi ngờ, buông xuôi phàn nàn...

Thật ra trong những lúc đó Thiên Chúa vẫn ở kề bên họ để theo dõi sự bền tâm, kiên trì của họ, để giúp đỡ họ. Nhưng, nhiều khi Chúa không giúp chúng ta theo ý muốn riêng tư của chúng ta, vì có thể những ơn mà ta xin hiện tại, sau này sẽ không có lợi gì cho ta. Có khi Chúa muốn chúng ta cần bền tâm kiên chí để chúng ta có đủ khả năng tiến tới không ngừng. Cái gì dễ quá thì chúng ta hay coi thường và không cố gắng giữ. Có khi Chúa cũng không muốn ban ơn cho chúng ta mà không tôn trọng phẩm giá của chúng ta. Có khi Chúa đã ban ơn mà ta không cộng tác vào ơn ấy nên không có kết quả. Chúng ta được Chúa ban ơn thánh của người, Người còn muốn chúng ta phải cộng tác vào ơn ấy. Cho nên, nếu chúng ta vừa cầu nguyện lại vừa cố gắng thi hành theo điều mình nguyện xin một cách bền chí thì kết quả sẽ đến với thời gian.

 

Cầu nguyện cách nào?

Trước hết, chúng ta hãy khiêm nhường tỏ bày cùng Chúa sự yếu hèn, bất lực của chúng ta và lòng ước ao thiết tha chân thành muốn cải hóa chúng ta.

Thứ đến, chúng ta hãy nại đến lòng nhân từ của Chúa. Chúng ta nài xin Chúa, vì công nghiệp cứu chuộc vô cùng của Chúa Giêsu và nhờ lời cầu bàu của Mẹ Maria, thánh cả Giuse và các thánh với một niềm cậy trông phó thác. Chúng ta phải coi sự cầu nguyện như hơi thở của lẽ sống chúng ta.

Nói tóm lại, tìm được điều dốc quyết là quan trọng nhưng cần phải biết liên lỷ cầu nguyện để thi hành cho kỳ được điều dốc quyết đó lại càng quan trọng hơn.

 

8- LÀM THẾ NÀO ĐỂ NGUYỆN NGẮM CÓ KẾT QUẢ TỐT ?

 

Muốn nguyện ngắm có kết quả tốt, chúng ta cần ghi nhớ những điều vừa mới tìm hiểu trên đây và áp dụng cho chu đáo, cặn kẽ.

Tuy nhiên để chúng ta có thêm một cái nhìn rộng rãi và bao quát hơn, chúng ta cần chú ý đến những điểm then chốt sau đây:

 

8.1 Trước khi nguyện ngắm:

- Ta phải thanh tẩy lòng cho khỏi vấn vương mùi trần, nhất là phải lo thanh tẩy lòng khỏi mọi tội trọng. Bao lâu ta còn phạm tội trọng bấy lâu ta còn mất ơn nghĩa Chúa và vì thế mối giao hảo giữa Chúa và ta bị cản trở cho nên ta khó lòng tỏ tình với Chúa, khó thưa chuyện cùng Chúa. Ta không thể ở trước nhan thánh Chúa khi trong ta còn đầy tội ác.

- Ta phải hãm dẹp ngũ quan để tâm trí ta quy chiếu về việc làm lành lánh dữ. Ta đừng để tâm suy xét những việc lông bông không đâu, không ích lợi gì cho việc cứu rỗi của ta.

- Ta cũng cần phải có lòng thành thật. Mục đích của việc nguyện ngắm là giúp ta sửa tâm sửa tánh sống sao cho hợp với tôn ý Chúa nhờ đó, ta làm đẹp lòng Chúa và thêm lòng mến Chúa hơn. Do đó, chúng ta cần thành thật tỏ bày nỗi lòng thầm kín của ta, đừng e ngại giấu giếm một mảy may nào. Dĩ nhiên, Chúa biết rõ chúng ta, biết rõ tận đáy lòng thâm sâu của chúng ta nhưng, những điều mà chúng ta trình bày ra với Chúa là những cử chỉ âu yếm cốt gợi lên trong chúng ta một ý hướng trông cậy, phó thác như người con thơ trong cánh tay Mẹ hiền.

- Ta phải chú tâm theo dõi, suy xét và sống mãi với ý tưởng mà ta định nguyện ngắm từ tối hôm trước cho đến giờ nguyện ngắm sáng hôm sau.

8.2 Trong lúc nguyện ngắm:

Việc nguyện ngắm không cốt ở chỗ suy diễn nhiều lời hay ý đẹp nhưng cốt làm sao cho điều mà ta nguyện ngắm gây được nơi ta một tâm tình sốt mến. Do đó, duy một ý tưởng và chỉ một ý tưởng thôi có thể làm cho ta thích và kích thích được lòng mộ mến thực hành của ta thì cũng đủ và quá đủ rồi.

Vậy nên, chúng ta không cần gì phải nặn óc suy xét dài dòng những điều vô bổ cho cuộc sống thực tế hiện tại của chúng ta.

Điều can hệ là sống và thực hành vào đời sống điều mình vừa nguyện ngắm. Giả sử chúng ta chia trí trong lúc nguyện ngắm thì ta cũng đừng bỏ dở buổi nguyện ngắm nhưng phải hết sức cầm trí vượt qua đến mức độ có thể. Sự cố gắng này kể như cuộc nguyện ngắm đã thành công phần nào rồi vậy.

 

8.3 Sau khi nguyện ngắm:

- Luôn nhớ những điều mình đã nguyện ngắm.

- Cố gắng thực hành trong đời sống điều mình đã dốc lòng trong lúc nguyện ngắm vì chỉ ước ao mà không cố gắng thực hành thì chỉ là ước vọng hão huyền,không có ích lợi gì cho việc sống đạo.

- Cầu nguyện liên lỉ và bền chí thi hành điều dốc quyết.

 

9- CÓ NÊN NGUYỆN NGẮM BẰNG CÁCH ĐỌC SÁCH KHÔNG?

 

Tiên vàn ta phải công nhận rằng sách vở thường trình bày kết quả suy tư cùng kinh nghiệm khôn ngoan của một người hay một nhóm người. Sách vở có thể là một kho tàng quí báu khả dĩ hướng dẫn đời sống chúng ta theo một đường lối nào đó. Hơn nữa, sách vở còn có thể kích thích lòng sốt sắng cũng như giúp chúng ta thêm ý tưởng và lòng đạo đức. Nhưng dù sao sách vở cũng còn mang một sắc thái hay cá thế hay tập thể hạn hẹp.

Vấn đề nguyện ngắm như chúng ta đã biết là vấn đề thổn thức của từng tâm hồn cá biệt tùy nhu cầu, tùy hoàn cảnh, tùy ước vọng, tùy trạng huống của cá thể. Nó là vấn đề giữa Chúa với ta, ta với Chúa trong từng trường hợp riêng biệt xảy ra trong đời ta. Nó là vấn đề tâm hồn của ta, mà nói đến vấn đề tâm hồn thì không thể có vấn đề phổ quát tuyệt đối. Tâm hồn của mỗi người đều có một rung cảm riêng tư. Sách vở có thể chỉ là một rung cảm riêng tư nào đó và có thể sẽ không hợp với nhịp rung cảm của tâm hồn ta.

Nhiều người đọc sách chỉ cốt để lấy ý tưởng, chỉ để thỏa mãn tính tò mò, để khoái chí vì những lời hay ý đẹp. Dĩ nhiên, có nhiều lúc người ta cũng có thể tìm trong sách vở những gợi cảm có ích lợi vì nó phù hợp với tâm tình hiện tại của họ.

Vậy đứng trước vấn nạn có nên nguyện ngắm bằng cách đọc sách không thì ta có thể trả lời: Có và không. Tùy.

Nói chung, ta có thể dùng sách để nương theo mà nguyện ngắm trong những trường hợp sau đây:

- Đối với những người mới tập nguyện ngắm, chưa quen với đường lối suy tư và cầu nguyện thì có thể dùng sách mà đọc để làm quen dần. Nhưng chỉ nhờ sách mớm thôi, còn ta, ta phải nhai và tiêu hóa.

- Đối với những người hay chia trí: chưa có đời sống nội tâm vững chắc hay lo nghĩ vớ vẩn, mơ mộng lông bông... thì có thể dùng sách đọc để gây sự chú ý. Nhưng khi đã cầm trí được rồi thì nên bỏ sách để tự ý nguyện ngắm và chuyển hướng ta tưởng sao cho phù hợp với tâm tình của mình.

- Đối với những người khô khan, nguội lạnh, kém suy hoặc lười suy... có thể dùng sách để khai trí. Nhưng chỉ nên đọc từng đoạn, suy từng ý tưởng một, dừng lại từng chặng ý tưởng, từng đoạn để cố tìm trong đó một ý tưởng hợp với tâm trạng của mình.

Ngoài ra trong lúc nguyện ngắm ta không nên dùng sách vì khi nghe hoặc xem những tư tưởng trong sách có thể không làm cho tâm hồn ta dao động bằng chính những rung cảm phát xuất từ đáy lòng thầm kín của ta một cách tự nhiên và thực tế. Những rung cảm này có thể do lòng chân thành hoặc do Thánh Linh Chúa chiếu dọi vào tâm hồn ta.

Trong khi đó cho dù những lời trong sách có khôn ngoan hay ho đến mấy đi nữa mà không hợp với nhu cầu hiện thực của ta thì không thể nào đánh động được lòng ta. Nó chỉ là tiếng đàn, tiếng nhạc thoảng qua làm cho tâm hồn ta rung động nhất thời,rốt cuộc chỉ để lại trong tâm hồn ta một sự trống rỗng, khô khan, vô bổ,mất giờ, uổng công.

Nguyện ngắm đòi hỏi yếu tố sống thực nhờ sự giao cảm tâm hồn của riêng ta với Chúa nên ý tưởng phải được phát xuất từ cõi lòng riêng tư thì mới có thể gây được mối giao cảm đó. Người ta không thể cầm sách để tâm tình với nhau thì sao lại có thể dùng sách để tâm tình với Chúa?

Vấn đề nghe đọc sách nguyện ngắm cũng thế đó chẳng qua là một hình thức nghe sách thiêng liêng chung thôi chứ thật ra không phải là nguyện ngắm đúng nghĩa. Chẳng hạn chúng ta thử so sánh việc đọc kinh riêng với việc cầu nguyện chung. Đọc kinh chung là vấn đề thiết yếu cần phải có trong ý thức cầu nguyện của cộng đồng dân Chúa, Chúa nhận lời những kẻ hợp nhau. “Ở đâu có hai, ba người cầu nguyện ở đó có Ta”. Nhưng phải thành thật mà nói rằng các kinh đọc chung dù có hay ho, quý báu... đến đâu đi nữa thì cũng khó làm cho chúng ta động lòng rung cảm bằng chính lời ước nguyện van xin phát xuất từ đáy lòng chân thành của ta khi ta quì gối lặng lẽ một mình ta với Chúa, Chúa với ta trong cảnh tịch mịch như một người con và một người mẹ tâm tình,như đôi bạn tâm giao ngồi tỉ tê với nhau.

Đọc thuộc lòng kinh Ăn năn tội để giục lòng thống hối chắc chắn không có kết quả tốt bằng chính việc suy xét và hiểu về sự xấu xa của tội, việc làm phiền lòng Chúa, việc phản bội Chúa do tội mà ra... Để rồi dốc lòng chừa.

Đọc sách để suy niệm cũng thế. Việc đọc sách có thể có kết quả trong việc nguyện ngắm nhưng thường không có ích lợi thực tế và thấm thía cho bằng chính những suy tư, những tâm tình phát xuất từ đáy lòng thầm kín của ta.

Nói tóm lại, chúng ta có thể dùng sách để gợi ý nguyện ngắm. Còn việc chính trong vấn đề nguyện ngắm phải là việc tâm tình, hứa hẹn, quyết chí... riêng tư giữa ta với Chúa. Không thể dùng sách để nói chuyện tâm tình với một người bạn thân thì cũng không thể nguyện ngắm bằng sách vở.

 

10- NGUYỆN NGẮM LÚC NÀO VÀ Ở ĐÂU?

 

Lúc nào? Trên nguyên tắc, ta thấy phần đông đều chọn giờ tối trước khi ngủ để chuẩn bị cho giờ nguyện ngắm sáng hôm sau khi thức dậy. Vì đây là khoảng thời gian dễ cầm trí hơn cả. Giờ trước khi ngủ là thời gian thuận tiện để chúng ta nhìn lại quá khứ, kiểm soát lại điều mà ta đã dốc lòng và thi hành xem trong ngày ta đã thực thi đến đâu để rút kinh nghiệm và chuẩn bị cho ngày hôm sau được tiến bộ hơn nữa.

Buổi sáng hôm sau, khi thức dậy,tâm trí còn lắng dịu, chưa va chạm với ngoại cảnh, chưa suy nghĩ điều gì nhiều nên dễ giúp ta nâng hồn lên cùng Chúa. Buổi sáng còn là lúc thuận tiện để ta hoạch địch một chương trình cho ngày sống hôm đó.

Cho nên đó là những khoảng thời gian thuận tiện nhất cho việc nguyện ngắm.

Tuy nhiên, nhiều khi vì công vụ, vì việc bổn phận, hay vì những lý do này, lý do khác... làm ta mệt nhọc hay ngăn trở về giờ giấc, chương trình... khiến ta không thể theo thời gian nói trên được thì chúng ta có thể chọn thời gian nào thuận tiện nhất cho mình, miễn làm sao đừng làm cách vội vàng, làm lấy rồi lấy để trong một thời gian quá eo hẹp khiến ta không thể bình tâm nguyện ngắm.

Mặt khác, ta có thể theo phương pháp nguyện ngắm của thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu mà nguyện ngắm. Theo đó thì ta có thể nguyện ngắm cả ngày, hay bất cứ lúc nào ta cũng có thể nâng hồn lên cùng Chúa,hướng về Chúa, suy tưởng về Chúa, kết hợp với Chúa, như thánh nữ đã nói:

“Yêu ai thì năng nghĩ đến người đó và tìm mọi cách để làm đẹp lòng người mình yêu bất cứ lúc nào”.

 

Ở đâu?

Việc chọn vị trí để nguyện ngắm cũng khá quan trọng. Chúng ta có thể tự chọn nơi nào thuận lợi cho việc cầm trí của mình. Nên tìm nơi yên tĩnh mát mẻ, có thể là dưới bóng cây, trong phòng riêng, ngoài hành lang, trên đồi vắng... Nhưng, tốt nhất là trong thánh đường vì ở đó thường yên tĩnh, mát mẻ. Hơn nữa, bao giờ trong thánh đường cũng có bầu khi cầu nguyện hơn. Tuy nhiên, nếu trong thánh đường người ta đọc kinh quá ồn ào khiến ta khi cầm trí thì nên tìm nơi khác có bầu khí yên tĩnh hơn. Điều can hệ là cố làm sao tạo cho ta một cơ hội, một vị trí, một bầu khí thuận tiện nhất để ta dễ nâng hồn lên cùng Chúa, dễ tâm tình với Chúa.

Tư thế khi nguyện ngắm:

Tư thế của ta cũng có ảnh hưởng nhiều trong lúc nguyện ngắm. Nếu chúng ta bị câu thúc, gò bó, uể oải, nhọc mệt thì khó cầm trí để nguyện ngắm.

Do đó, trong giờ nguyện ngắm chúng ta cần tạo cho mình một tư thế thong dong, tự nhiên nhất: ta có thể đứng, ngồi, quỳ hoặc đi bách bộ tùy ý... miễn làm sao tư thế ấy không làm cho ta mệt nhọc chán nản, buồn ngủ,ngáp dài... Trái lại có thể giúp ta nâng hồn lên cùng Chúa.

Thật ra, nếu chúng ta có lòng sốt sắng và biểu lộ ra bằng những cử chỉ sốt sắng ngay từ đầu thì thường dễ gây hơi ta một tâm tình, một thái độ tỉnh táo. Trái lại nếu ta khô khan, làm bất đắc dĩ, cực chẳng đã, làm cho qua chuyện... thì sẽ không có hứng thú, mà nếu đã không có hứng thú thì dù có tạo ra tư thế nào đi nữa cũng khó có thể tránh được sự uể oải. Chúng ta cứ tưởng tượng, dù khi mệt nhọc mấy đi nữa mà gặp người thân yêu, gặp bạn tâm tình thì ta sẽ phấn khởi đến mức độ nào!

Vậy điều căn bản là ta phải thực hành việc nguyện ngắm do lòng mến Chúa và muốn mến Chúa thêm mãi.

Khởi đầu của buổi nguyện ngắm do lòng mến Chúa.

Trong lúc nguyện ngắm, ta cố tìm hiểu Chúa thêm để thêm lòng mến Chúa.

Sau khi nguyện ngắm, ta cố thực hành để làm tăng cường độ mến Chúa nơi ta hơn nữa.

Nếu hiểu được những lý do nguyện ngắm như thế thì thiết tưởng mọi khó khăn sẽ tan biến, mọi vân đề phụ tòng không cần đặt tâm.

Tình yêu sẽ thắng hết mọi trở ngại mà!

 

Lời nhắn cùng bạn!

Này bạn, Chúa đã yêu ta từ muôn thuở Ta đã đáp lại tình yêu đó chưa? Ta có muốn đáp lại tình yêu đó không? Nếu muốn, ta hãy cố gắng tìm một phương thế.

Phương thế hiệu nghiệm nhất là nguyện ngắm vì nguyện ngắm sẽ giúp ta biết Chúa, giúp ta biết ta, để càng ngày ta càng yêu Chúa thêm mãi.