Người Lữ Hành Cô Đơn

Lm Nguyễn Đức Huy SDB dịch

Người Lữ Hành cô đơn
Trong cuộc sống công giáo chúng ta cần có những giây phút im lặng gần bên Chúa. Tuy nhiên trong những giây phút đó chúng ta thường chia trí, khô khan, nhàm chán... Các Thánh cũng đã trải qua những kinh nghiệm đó. Điều quan trọng là các Ngài đã kiên trì với lời cầu nguyện và đã đi qua đêm tối của tâm hồn với lòng quảng đại và giao phó cho Chúa. Cuốn “Người Lữ Hành Cô Đơn” là của một giáo dân vô danh đã ghi lại cuộc hành trình gặp Chúa và muốn thi hành một huấn lệnh của Chúa: “Chúng con hãy cầu nguyện luôn không bao giờ nghỉ”. Cuốn sách thuộc loại cổ điển trong văn chương tu đức và càng đi theo người hành hương chúng ta lại càng đi sâu vào kinh nghiệm gặp Chúa, không phải trong hạnh phúc nhưng trong nhiều thử thách của cuộc đời. Ít ra người hành hương hạnh phúc và chúng ta thèm muốn hạnh phúc đó. Mời bạn cùng tôi đi vào cuộc lữ hành.

1. Tìm một linh hướng
Nhờ ơn Chúa tôi là người có đạo, nhưng do hành động, tôi là một tội nhân, và là một tên lãng tử không nhà do hoàn cảnh cũng như thuộc gia đình bình dân. Của cải tôi? một bị trên lưng với ít bánh khô, và một cuốn thánh kinh và sách kinh trong áo veste. Tất cả chỉ có thế.
Ngày chủ nhật 24 sau lễ Hiện xuống trong thánh lễ lời thánh Phaolô nói: “Hãy cầu nguyện liên lỉ” đánh động tôi. Đồng ý. Nhưng phải làm sao đây? Tôi tìm câu thánh kinh đó trong sách thánh và tiếp tục suy nghĩ nhưng không hiểu thêm gì hơn.
Vì thế tôi lên đường tìm một vị linh hướng. Tôi viếng các nhà thờ để nghe những nhà giảng thuyết danh tiếng.
Một hôm tôi hỏi một nhà ẩn sĩ rất danh tiếng về sự thánh thiện, và lần khác một cha tu viện trưởng. Tôi vẫn ước ao cầu nguyện liên lỉ nhưng cũng vẫn dốt nát hồ nghi và lo âu.
Sau cùng, một buổi chiều, sau nhiều tháng lang thang, tôi gặp trên đại lộ một ông già có vẻ là giáo sĩ.
Ông cho tôi hay ông là thày dòng thuộc về tu viện cách đó 10 dặm trong một nơi cô tịch và mời tôi đến đó, cho tôi hay người ta tiếp đón khách hành hương rất thân hữu, cho chỗ ở và ăn chung với nhau trong quán trọ của nhà dòng.
· Tôi không thích đến đó một chút nào.
Tôi trả lời khi ông mời tôi là tôi được bình an không tùy thuộc việc có chỗ ở nhưng là có được một lời khuyên thiêng liêng và tôi cũng không cần ăn vì tôi còn bánh trong túi xách.
Ông hỏi tôi:
· Vậy thì chú em muốn gì?
Tôi kể cho ông nghe câu chuyện của tôi trong những tháng vừa qua. Ông làm dấu thánh giá và nói:
· Ông bạn rất thân mến ơi, bạn hãy cám ơn Chúa đã thôi thúc bạn lòng ao ước biết về lời cầu nguyện nội tâm, liên lỉ. Bạn hãy coi đó là tiếng Chúa gọi và sẽ tìm được sự bình an. Những gì bạn đã làm trong thời gian qua chứng tỏ là lời cầu nguyện nội tâm không phải là sự chinh phục của sự khôn ngoan nhân loại nhưng trái lại chỉ mạc khải trong sự nghèo khó tinh thần và tâm hồn đơn sơ. Nhiều bài giảng hay bản văn về cầu nguyện chỉ là lý thuyết và nghiên cứu. Điều đáng trách là sự khôn ngoan thế gian cố gắng áp dụng sự đo lường nhân loại vào trong cái thần thiêng. Cầu nguyện được coi như hậu quả, hoa trái, như đoạn kết của một sự dấn thân, trong khi hoàn toàn không phải như thế. Người có đạo chắc chắn phải dấn thân nhưng lời cầu nguyện là trước hết. Như Isaac người Syrie: “Hãy chinh phục người mẹ và bà sẽ cho bạn con cái.” Nói khác đi: trước hết hãy đạt được ơn cầu nguyện và bạn sẽ có những nhân đức khác.
Cuộc nói truyện không ngờ đưa chúng tôi đến tu viện.
Bị đánh động vì sự khôn ngoan của ông già tôi xin ông làm cha linh hướng cho tôi và giúp tôi cầu nguyện trong tâm hồn.
Cha dịu dàng chấp nhận, dẫn tôi vào phòng và tại đó cha dậy tôi một lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống xin thương xót con là kẻ có tội.
Rồi cha cho tôi một cuốn sách: Sách bình luận của các giáo phụ về lời cầu nguyện phát xuất tự tâm hồn. Ngài nói:
· “Con hãy đọc sách này có những trích dẫn của các giáo phụ. Đây là cuốn thủ bản tốt nhất về cuộc sống chiêm nghiệm”.
Tôi hỏi:
· “Hay hơn cuốn Kinh Thánh không?
· Không đâu, cha dùng một thí dụ cho con hiểu. Con biết ta chỉ nhìn được mặt trời với một miếng kính màu. Thánh Kinh là mặt trời. Sách này là miếng kính màu cho con có thể giải thích và hiểu kinh thánh hơn.
Cha mở sách và đọc cho tôi bản văn trích dẫn của Simeon nhà thần học mới:
· “Con hãy ngồi xuống một mình và im lặng. Cúi đầu, nhắm mắt, thở nhẹ và hình dung con đang nhìn vào lòng mình. Hãy đem vào lòng mọi tư tưởng của con. Hãy thở ra và nói: Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, xin thương xót con là kẻ có tội. Hãy đọc lên mấp máy môi nhè nhẹ hay nói lên trong đầu con. Hãy tránh tất cả những tư tưởng khác. Hãy bình tĩnh, kiên nhẫn và lập đi lập lại càng nhiều càng tốt, tùy khả năng của con.”
Cha giải thích tiếp và chứng minh cho tôi. Tôi sung sướng quá. Chúng tôi nói chuyện như thế suốt đêm rồi đi đọc kinh sáng luôn không hề nhắm mắt.
Khi từ giã, cha dòng xin tôi trở lại thăm ngài. Đó là ước muốn của tôi. Nhưng điều này khó thực hiện, khi chỉ được phép ở lại quán trọ của tu viện hai ngày và không có nhà cửa chung quanh. Sau đó tôi biết có một làng cách tu viện 4 dặm. Tôi đến đó và thấy Chúa quan phòng cho tôi những gì tôi cần dùng.
Một nông dân mướn tôi làm người giữ vườn và cho tôi ở trong một túp lều tranh.
Tại đó trong suốt mùa hè tôi thực tập lời nguyện của Chúa Giêsu cho đến khi đọc được ngàn lần trong một ngày. Dĩ nhiên có những lúc mệt nhọc nhưng luôn được an ủi. Túp lều tranh của tôi đối với tôi như một phòng lễ lạc.
Tôi thường đi thăm cha linh hướng. Nhưng đến cuối tháng 9 ngài đau nặng. Ngài chết đến nơi.
Tôi chạy đến bên giường cha, cám ơn cha vì cha đã khuyến khích tôi,và tôi xin cha cỗ tràng hạt cha cho tôi mượn như lời chúc lành và kỷ niệm của cha. Rồi cha chết.
Mùa hè gần hết, vườn cây trơ trụi, tôi không còn gì để ăn. Người nông dân cho tôi nghỉ việc. Nhưng ông cho tôi hai đồng rouble và một xắc bánh để đi đường. Thế là tôi lại trơ trọi một mình. Tôi lại lên đường. Tôi không biết thực sự phải làm gì với hai đồng rouble, tôi chợt có ý nghĩ là mua một cuốn sách kinh.
Trong thành phố lớn đầu tiên tôi đi qua, tôi thăm nhiều tiệm sách để tìm cuốn sách đó.
Sau cùng tôi tìm được một cuốn.. nhưng họ đòi những ba rouble. Tôi mặc cả mãi mà họ không chịu. Sau cùng ông bán sách nói với tôi:
Hãy lại nhà ông từ nhà thờ nhỏ đàng kia, ông có cuốn sách kinh cũ. Có thể ông ta bán cho bác.
Ông bán cho tôi thật, nhưng tôi phải khổ sở khi đóng lại cuốn sách.
Có sách rồi. Tôi giữ kỹ với cuốn kinh thánh. Tôi tiếp tục đọc lớn tiếng. Và trong niềm vui lớn lao tôi đọc lời nguyện của Chúa Giêsu và tôi chờ đợi Chúa ban cho tôi ơn cầu nguyện im lặng trong tâm hồn.

2. Những tên lính đào ngũ
Tôi lang thang qua nhiều địa phương với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho tôi sức mạnh và an ủi tôi, trên đường đi, khi gặp gỡ và những bất trắc của cuộc hành trình.
Khi tôi tìm được chỗ nghỉ đêm hay khi dừng lại nghỉ mệt, tôi đọc sách kinh. Nhưng có một lúc nào đó tôi cảm thấy nhu cầu học hỏi thêm.
Tôi cố tìm một công việc vững chắc nhưng vô ích nhất là vì tay tôi bị tê liệt từ khi còn nhỏ.
Tôi quyết định sang Irkoutsk trong miền Tây bá lợi á.
Tôi nghĩ rằng khi đi qua rừng hay thảo dã Tây bá lợi á sẽ giúp tôi cầu nguyện và đọc sách.
Sau một thời gian tôi nhận ra là lời cầu nguyện của tôi tự phát từ môi miệng vào trong tâm hồn nghĩa là hình như trái tim tôi trong mỗi nhịp đập lập lại những lời cầu xin: Lạy Chúa Giêsu...
Thế là tôi thôi đọc chỉ chăm chú nghe những gì lòng tôi đang nói, ôi êm dịu biết bao.
Để có thể đọc nhiều hơn, tôi thường đi ban đêm và suốt ngày tôi học dưới bóng cây rừng.
Hơn hai tháng trôi qua.
Khi gặp làng xóm tôi xin một túi bánh khô, một chút muối. Tôi đổ đầy nước trong bầu và có lương thực rồi, tôi lại đi hàng trăm dặm.
Một lần khi mặt trời lặn, cạnh một đại lộ có hai người đầu cạo trọc có vẻ là hai người lính đến gần tôi.
· Tiền đâu
· Tôi bảo đảm không có một xu dính túi.
· Mày nói dối. Mấy tên đi hành hương thường quyên tiền và có bộn bạc.
Một tên nói: “Không cần tranh luận lôi thôi,” và cho tôi một gậy vào đầu và tôi ngất xỉu.
Khi tôi tỉnh dậy, tôi đang nằm trong một cái hố. Túi xách đã biến mất. Chỉ còn giây buộc và chúng đã cắt ra để lấy xắc. Cám ơn Chúa chúng không lấy giấy kiểm tra tôi dấu trong mũ lông.
Khó khăn lắm mới chỗi dậy được và nhức đầu ghê gớm. Nhưng tôi chỉ buồn là tôi đã mất cuốn Thánh kinh tôi đọc từ hồi nhỏ và cuốn sách kinh.
Tôi u buồn và đói khát trong vòng hai ngày.
Ngày thứ ba không còn sức lực nữa, tôi nằm ngủ dưới đất sau bụi cây. Và tôi mơ. Tôi đang trong phòng cha linh hướng. Ngài an ủi tôi. Cha nói:
· Những chuyện xảy ra là dịp cho con thực hành sự từ bỏ của cải đời này và khoái lạc tinh thần cũng như hoàn toàn theo thánh ý Chúa. Con hãy an lòng. Con sẽ thấy vui khi buồn khổ bây giờ.
Tôi thức dậy tươi trẻ lại và tôi tiếp tục đi ba ngày nữa.
Đột nhiên có một nhóm tù nhân có lính gác đi theo tôi. Tôi nhận ra có hai tên đã ăn cướp của tôi. Tôi đến gần và hỏi họ về hai cuốn sách. Lúc đầu họ không thèm nghe tôi. Rồi một tên nói:
· Cho tao một rouble chúng tao sẽ nói cho.
· Nếu tôi có tôi sẽ trả cho chú.
Họ cho tôi hay là những cuốn sách đó nằm trên xe đi theo đoàn tù với những vật dụng khác họ đã lấy.
· Làm sao tôi lấy lại được?
· Hỏi ông chỉ huy...
Tôi hỏi ông. Ông hỏi:
· Ông biết đọc không?
· Thưa Ngài tôi biết đọc và viết. Tôi có viết tên tôi trong cuốn Thánh kinh. Ông có thể kiểm chứng chữ ký trên đó và giấy kiểm tra của tôi.
Viên chỉ huy kể lại chúng là những tên đào ngũ. Chúng ở trong căn nhà lá giữa rừng và đã ăn cướp nhiều người cho đến khi một bưu tá viên khôn khéo bị chúng âm mưu ăn cắp xe ba ngựa của ông bắt được.
Viên chỉ huy nói:
· “Tôi sẽ trả cho ông sách vở khi xe dừng lại chiều nay”.
Rồi ông bắt đầu hỏi tôi... Đến nhà trạm ông trả lại sách cho tôi và nói:
· ông đi đâu bây giờ? Tối rồi. Ông cứ ở đây đi và ngủ ngoài phòng khách của tôi.
Tôi nhận lời. Khi thấy tôi ôm chặt Thánh kinh vào lòng ông hỏi tôi:
· Ông quí cuốn Thánh kinh lắm phải không? Tôi cũng đọc Phúc âm mỗi ngày.
Ông mở vali ra và rút ra một cuốn Phúc âm mạ bạc.
· Ông ngồi xuống đi.. Tôi xin kể ông nghe tôi như thế này... Người ta sẽ dọn cho mình bữa tối tại đây.
Vào bàn ăn, ông tiếp tục kể chuyện:
· Khi còn trẻ tôi ở trong quân ngũ. Tôi rành rẽ nghề nghiệp của tôi. Là một thiếu uý, các cấp chỉ huy coi trọng tôi. Tuy thế tôi còn nhỏ tuổi. Thực tệ hại tôi có thói quen uống rượu và dần dà bị bịnh ghiền. Khi không uống gì tôi là một sĩ quan gương mẫu. Nhưng đôi khi tôi uống liền trong sáu tuần lễ. Người ta phải chịu đựng tôi quá lâu và sau cùng vì thô lỗ với cấp chỉ huy trong lúc say rượu, nên tôi bị lột lon và bị cách chức làm binh nhì đến một đơn vị xa. Tại đây tôi thử dùng mọi thứ thuốc để chữa bệnh. Nhưng vô ích. Và tôi được chuyển sang một tiểu đoàn trừng giới. Chính lúc đó tôi gặp một thày dòng đến trại lính quyên tiền cho nhà thờ. Tôi nói về những nỗi khốn khổ của tôi cho ngài nghe.
Ngài nói:
· “Đứa em tôi cũng bị như thế. Anh biết tại sao nó thoát được không? Cha linh hướng của nó đã cho nó một cuốn Thánh kinh và dạy nó đọc một đoạn mỗi lần muốn uống rượu trở lại... Ngày mai tôi sẽ cho anh một cuốn Phúc âm”.
Sau khi nghe ngài nói tôi thưa với ngài:
· Làm sao cuốn Tân ước của cha có thể giúp con được, cả thuốc thang và các bác sĩ cũng không thể kìm hãm con.
Ngày hôm sau ngài mang cho tôi một cuốn Thánh kinh.
· Con không thích cuốn sách này. Con không đọc được cổ văn và con cũng không hiểu bản văn nói gì. Điều đó không quan hệ, nếu con lấy đức tin đọc sách này và tin rằng sách viết ra cho con bây giờ... con sẽ thấy hiệu quả.
Sau cùng tôi mua cuốn sách bỏ vào trong rương rồi quên luôn.
Sau một thời gian, tôi lại bị quyến rũ uống rượu. Tôi mở rương lấy tiền ra quán. Lúc đó tôi nhìn thấy cuốn sách nhỏ. Tôi mở ra và đọc chương đầu tiên của Phúc âm thánh Matthêu.. Rồi chương hai... Đến chương ba thì đến giờ giới nghiêm tôi không thể ra khỏi trại lính nữa.
Sáng hôm sau tôi thức dậy cũng vẫn thèm uống. Tôi nghĩ:
· Mình đọc thêm một chương xem sao. Rồi tôi đọc và thêm can đảm. Suốt 20 năm nay tôi không còn biết rượu là gì.
Sáng hôm sau khi viên chỉ huy thức dậy tôi đến cám ơn ông và từ giã. Ông mời tôi uống trà cho tôi một rouble và từ giã tôi.
Tôi lại lên đường. Tôi đã đi khá xa mới nhớ lại mình đã hứa với anh lính như thế nào. Lúc đầu tôi tự nghĩ:
Nào có ích lợi gì? Chúng đã muốn giết mình, và ăn cướp, vả lại tiền bạc cũng không đem lại ích lợi gì cho họ, vì họ mang cảnh tù tội. Nhưng lúc đó tôi bỗng nhớ lời Kinh Thánh: Đừng để sự dữ chiến thắng con nhưng hãy chiến thắng sự dữ bằng sự lành.
Tôi trở lại, gặp lại hai anh lính và đưa đồng rouble cho anh và nói:
· Chúa Giêsu Kitô yêu nhân loại. ngài sẽ không bỏ rơi các bạn.
Rồi tôi lại bắt đầu độc hành trên con đường tôi đi.
Những tuần lễ sau đó tất cả cảnh vật chung quanh đều hoan hỉ và lạ lùng. Cây cỏ chim chóc, đất đai, không khí ánh sáng hình như nói với tôi là tất cả được tạo dựng vì con người, tất cả chứng minh Chúa yêu con người, tất cả cầu nguyện và dâng lên ngài những lời chúc tụng tôn thờ. Từ đó tôi hiểu rằng tôi có thể nói chuyện với vạn vật và làm cho chúng hiểu tôi.

3. Như trong một lâu đài

Một lần kia tôi đi qua một nơi quá hoang dã nên trong suốt ba ngày không thấy có một chỗ có người ở. Bánh cũng hết. 24 giờ qua tôi không có gì để ăn cả. Tôi bỗng thấy sợ. Tôi bắt đầu sốt sắng cầu nguyện và như thế tôi bình tĩnh trở lại.
Đi cạnh khu rừng tôi bỗng thấy một con chó.
Mừng quá tôi tự nhủ: nếu có chó phải có đoàn vật hay một người thợ săn.
Con chó sau khi đánh hơi chung quanh tôi, lại trở lại con đường cũ. Tôi đi theo.
Cách đó chừng hai trăm mét, một người trung niên gầy còm và xanh xao, từ một chòm cây bước ra.
Ông hỏi tôi từ đâu tới và tôi hỏi lại xem ông ta làm gì.
- Tôi làm nghề kiểm lâm.
Ông dẫn tôi về nhà cho tôi bánh và muối. Tôi bảo ông:
- Tôi thích được như ông, sống đơn độc trong rừng, thay vì đi lang thang như tôi từ nơi này qua nơi khác...
- Bác có thể ở đây nếu bác thích. Gần đây có căn nhà của ông kiểm lâm cũ. Hư hết một nửa rồi nhưng còn ở được. Bác có giấy kiểm tra không? Bánh thì luôn thừa thãi vì cứ 8 ngày người làng đưa bánh đến. Tôi uống nước suối không bao giờ cạn. Khi mùa thu đến, khi việc đồng áng đã xong, có hai trăm người đến đây làm. Lúc đó chúng ta không thể ở đây được nữa.

Sung sướng quá tôi bằng lòng đề nghị của ông. Còn bốn tháng nữa mới tới mùa thu. “Cám ơn Chúa” Như thế tôi có thể nghỉ ngơi, được thinh lặng và đào sâu sách Kinh.
Anh kiểm lâm kể cho tôi:
- Tôi không phải kẻ hèn hạ trong làng. Tôi sơn nhà. Tôi sống thoải mái.. và tội lỗi. Tôi thường đánh lừa khách hàng, chửi thề giận dữ và xỉn.
Ông từ nhà thờ có cuốn sách rất cũ nói về phán xét chung. Để kiếm tí tiền còm, ông đi từ nhà này sang nhà kia đọc sách. Ông thường đến nhà tôi. Chỉ cần cho ông sáu xu và một ly rượu ông sẵn sàng đọc suốt đêm cho đến khi gà gáy.
Một hôm khi nghe về phán xét và hình khổ hoả ngục tôi sợ quá nên bỏ nghề. Tôi bán nhà và làm kiểm lâm tại đây. Tôi chỉ xin dân làng bánh, quần áo và nến thắp để cầu nguyện.
Đã 10 năm nay, tôi chỉ ăn bánh, uống nước, mỗi ngày hai lần. Tôi dậy sớm quì gối cầu nguyện trước tượng thánh và 6 ngọn nến cháy. Trong khi đi kiểm lâm tôi mang xiềng nặng 10 kí.
Tôi không giận dỗi nữa, không uống rượu, bia, hút thuốc và chung đụng với phụ nữ. Thời gian gần đây tôi lại hồ nghi về sự sống lại và cõi sau. Ai bảo cho tôi hay những điều đó là chân lý? Hay là vui hưởng cuộc đời có lẽ tốt hơn? Tôi không biết có ngày mình lại trở về nghề cũ nữa không.
Tôi nghe ông nói và thương hại ông. Ngay cả những người bình dân cũng có thể trở thành vô tín. Để giúp ông tôi đọc cho ông nghe một đoạn sách của các giáo phụ, tôi nhớ là của Hesychius.
Nếu con làm việc lành chỉ vì sợ hoả ngục, con đang đi trên con đường nô lệ, nếu con làm việc lành chỉ để được phần thưởng nước trời, con theo con đường kẻ làm thuê. Chúa muốn ta đến với Ngài như con đến với cha, ngài muốn ta sống lương thiện vì tình yêu và kính trọng ngài và muốn cho chúng ta sung sướng.

Một đoạn khác xa hơn:
Bình an tâm trí và tâm hồn không phải do việc phạt xác nhưng do cảm thức về sự hiện diện của Chúa.
Rồi tôi cố gắng giúp ông ta cầu nguyện như Chúa Giêsu.
Sau đó tôi về lều của tôi và tưởng tượng mình đang ở tronglâu đài. Tôi đọc lại sách kinh từ đầu đến cuối.
Đọc như thế làm cho tôi lạc hướng kinh khủng. Có nhiều điều phải suy nghĩ. Nên tôi cầu nguyện suốt 24 tiếng đồng hồ không nghỉ. Tôi bình tĩnh và ngủ thiếp đi.
Tôi lại mơ thấy cha linh hướng. Tôi đang trong phòng ngài và ngài nói với tôi về cuốn sách kinh.
- Đây là sách thích hợp với hết mọi người, thông thái cũng như vô học. Con không cần phải đọc theo thứ tự trong sách. Ngài kể cho tôi những đoạn nào phải đọc, nhất là bản trích dẫn về luật của Callixte thành Constantinople dành cho các người thực tập cầu nguyện.
Tôi nhớ trong giấc mơ tôi tìm đoạn trích dẫn của Callixte mà không thấy. Cha linh hướng cầm lấy sách giở từng trang và chỉ cho tôi.
- Đây, cha đánh dấu cho con rồi.
Cha lấy miếng than dưới đất và vạch dấu cho tôi trong cuốn sách.
Khi tôi thức dậy trời còn tối. Tôi cố nhớ lại những gì cha linh hướng chỉ cho tôi trong giấc mộng.
Khi trời sáng, tôi chỗi dậy. Lạ lùng chưa, cuốn sách tôi để trên ghế dùng làm bàn, đang mở ở trang mà cha linh hướng chỉ cho tôi và có dấu gạc bằng than và cục than nằm gần cuốn sách.
Tôi chắc là ban chiều cuốn sách không ở chỗ đó. Tôi đã gấp sách để ở đầu giường tôi và không đánh dấu gì cả. Còn vết gạch màu đen thì còn đó. Trong những tuần kế tiếp tôi đọc đi đọc lại những gì cha linh hướng đã chỉ.
Tôi đọc lời nguyện với Chúa Giêsu theo nhịp hơi thở, càng ngày càng tự nhiên.
Như thế trong bốn tháng, tôi nếm được hoa quả của sự cầu nguyện liên tục: sự bình an nội tâm, một sự dễ chịu thân xác tổng quát, tinh thần sắc bén, hiểu được những sự linh thiêng, nhất là cảm nhận Chúa hiện diện khắp nơi.
Tôi hiểu được lời Kinh Thánh: “Nước Trời ở giữa chúng con.”


4. Chó sói

Trong suốt cuộc hành trình tôi đã gặp bao nhiêu là biến cố và tai nạn kỳ lạ.
Chẳng hạn một buổi chiều, khi đi qua một khu rừng và đi về phía một ngôi làng nơi tôi sẽ ngủ đêm, tôi bị một con chó sói tấn công.
Trong khi tự bảo vệ, chuỗi lần của tôi cuốn quanh cổ nó. Nhảy về phía bên cạnh, con chó sói kéo chuỗi khỏi tay tôi, rồi bất động trong một bụi gai và chuỗi môi khôi cuốn quanh cổ nó và làm cho nó nghẹt thở. Tôi làm dấu thánh giá và tiến lên giải thoát con chó sói, nhưng nhất là lấy lại chuỗi lần. Tôi chỉ sợ nó chạy mất và mang theo xâu chuỗi của tôi.
Nhưng khi tôi cầm được xâu chuỗi thì con chó đã làm đứt rồi chạy luôn.
Tôi tạ ơn Chúa, đồng thời nghĩ tới ông thày của tôi đã qua đời và tôi đến làng an toàn và nghĩ đêm trong một quán trọ.
Hai người một già, một trung niên và lực lưỡng đang uống trà. Tôi xin chủ quán cho mượn kim chỉ. Tôi đến gần chỗ sáng và sửa lại xâu chuỗi.
Người trẻ hơn (là lục sự toà án) nói chơi với tôi:
- Có lẽ ông cầu nguyện quá nên chuỗi bị hư?
- Không phải đâu, một con chó sói đã làm đứt.
- Bác nói sao, một con chó sói? Lúc này chó sói cũng cầu nguyện sao?

Tôi kể lại những gì đã xảy ra và tại sao tôi lại quí hoá xâu chuỗi.
Viên lục sự cười lớn và nói:
- Chỗ nào bác cũng thấy phép lạ cả, bác dễ tin quá đi mất. Con sói sợ khi thấy cái gì quấn quanh cổ nó và sau đó nó lúng ta lúng túng trong bụi cây.
Ông già hơn, là thày giáo làng trả lời:
- Bác kết luận quá sớm. Đối với tôi thì tôi thấy đó là dấu hiệu cho thấy cái thế giới vô hình. Cha linh hướng của ông bạn chắc là một thánh nhân. Mà sự thánh thiện lan toả trên vạn vật. Xâu chuỗi của ngài đã trở thành vật được chúc phúc và bạn được ngài che chở.
Ông lục sự cãi tiếp:
- Ông thấy chỗ nào cũng siêu nhiên cả. Đối với tôi để lên tinh thần và có sức mạnh, tôi chỉ thấy một điều là: một ly rượu nốc vào cuống họng.
Rồi ông đi lại tủ chổ có chai rượu.
Ông giáo học kết luận vắn tắt:
- Thì đó là việc của ông.
Lời ông nói làm tôi vui lòng. Tôi kể cho ông là cha linh hướng hiện ra với tôi trong giấc ngủ và chỉ cho ông thấy dấu than vạch trên sách của tôi.
Ông lục sự nằm trên ghế chửi thầm tôi và rồi ông ngủ thiếp đi.
Thày giáo già cho tôi hay ông đã nghe nói về cầu nguyện trong lòng và ông coi đó là xu hướng tự nhiên của con người hướng về Thiên Chúa. Ông nói thêm:
- Nhưng tôi không biết phương pháp đạt tới và thực hành điều đó.
Tôi nói:
- Bác sẽ tìm thấy trong cuốn sách kinh của tôi đây.
- Nếu vậy tôi phải gửi mua từ Tobolsk một cuốn mới được.
Sau đó mọi người đi ngủ. Tôi cám ơn Chúa vì cuộc nói chuyện với ông giáo làng và tôi cũng xin Ngài chúc phúc cho ông lục sự.


5. Cô gái lấy chồng

Một lần khác, vào mùa xuân, tôi đi qua một làng và trọ tại nhà một linh mục. Ông là người tốt lành và chưa có gia đình. Tôi ở nhà ông ba ngày. Cuối cùng ông bảo tôi:
- Tại sao con không ở lại đây? Cha cho con chỗ ăn ở. Con thấy đó, chúng ta đang xây nhà thờ mới bằng đá gần nhà nguyện cũ bằng gỗ và tôi cần một người đáng tin cậy làm cai và quyên tiền trong nhà nguyện. Con thích hợp với công việc này. Con có thể ở một mình trong căn phòng dành cho ông từ và con có thể cầu nguyện thoả thích.
Lúc đầu tôi từ chối, nhưng vì lời năn nỉ của cha, tôi đồng ý ở lại làng cho đến cuối thu.
Lúc đầu tôi hài lòng. Nhưng rồi người ta tuôn đến nhà thờ. Người thì đến cầu nguyện, người khác vì tò mò, có người còn ăn trộm tiền dâng cúng nữa. Vì mỗi buổi chiều tôi đọc sách kinh nên vài người đến nói chuyện hay xin tôi đọc lớn cho họ nghe nữa.
Sau một thời gian, tôi để ý một cô gái thường đến cầu nguyện ở nhà thờ. Khi thì cô lẩm bẩm những lời kinh xa lạ, khi thì cô đọc những kinh trong mục lục. Tôi mới hỏi cô. Cô kể rằng mẹ cô là người chính thống nhưng cha cô thuộc một giáo phái không có giáo sĩ. Thế là tôi dậy cho cô kinh Lạy cha và Kính mừng. Tôi cũng dậy cô lời cầu nguyện của Chúa Giêsu mà sau đó cô rất thích.
Mùa hè hết. Nhiều người đến cầu nguyện hay đọc sách với tôi hay hỏi ý kiến tôi, coi tôi như phù thủy.
Cô gái mà tôi nói tới một hôm cũng đến và khóc ròng. Cô cho hay cha cô muốn gả cô cho một chàng trai thuộc giáo phái của ông. Nhưng cô cho rằng hôn nhân không có linh mục làm phép kể như không thành. Và cô muốn trốn khỏi nhà, nhưng tôi bảo cô:
- Cháu đi đâu? Người ta cũng sẽ tìm ra. Không có kiểm tra cháu không thể đi đâu được. Tốt hơn cháu hãy xin Chúa đổi lòng đổi ý cha cháu.
Thời gian trôi qua, ồn ào, tôi lại muốn tiếp tục hành hương. Tôi tâm sự với vị linh mục:
- Con đã sống suốt mùa hè ở đây. Bây giờ xin cha cho con đi và chúc lành cho cuộc hành trình đơn độc của con.
Nhưng linh mục khuyên tôi ở lại.
- Tại sao con lại muốn cô đơn? Chúa đâu có dựng nên con người để cho họ chỉ nghĩ đến mình. Con hãy nghĩ đến sự tận tụy của các thánh và các giáo phụ.
Tôi trả lời:
- Thưa cha, mỗi người có ơn gọi của mình. Bao nhiêu giám mục, linh mục, tu viện trưởng đã từ chức để sống trong sa mạc xa cám dỗ thế trần. Phúc âm đã viết: “Được lợi lãi cả thế gian mất linh hồn nào được ích gì?”
Cha nói:
- Đúng thế nhưng các ngài là thánh nhân.
- Vậy nếu các thánh còn sợ thế gian làm hại cho tâm hồn, thì con là kẻ tội lỗi con phải làm gì đây?
Sau khi nói chuyện cha để tôi ra đi.
Cách đó 10 cây số, tôi dừng lại qua đêm ở một làng kia. Tôi thấy một người đang hấp hối. Tôi khuyên người ta mời linh mục tới. Vì muốn chịu lễ nên tôi ở lại trong nhà. Khi tôi đợi ở cửa bỗng thấy cô gái làng bên đi tới. Ngày mai cô phải lấy chồng và hôm nay cô trốn đi.
- Con không muốn lấy chồng, con muốn đi tu. Bác cho con theo và dẫn con vào tu viện đi.
Tôi trả lời:
- Bác có biết tu viện ở đâu đâu. Và cháu đi với bác thì bất tiện lắm.
Đang nói thế, có bốn người đi xe song mã đến. Họ bắt cô gái và một người mang cô đi. Ba người khác trói tôi lại và dẫn tôi về làng.
- Thằng du đãng, chúng tao sẽ dậy cho mày cách quyến rũ phụ nữ.
Quan toà mãi chiều tối hôm sau mới tới. Ông cho tụ họp mọi người và đem tôi ra. Hình như ông nóng tính nên chưa kịp bỏ mũ, vừa ngồi vào bàn đã hỏi cha cô gái:
- Con ông trốn đi, nó có lấy gì không?
- Bẩm quan không lấy gì hết.
- Nó đã làm gì với thằng khùng này chưa?
- Thưa không.
- Vậy thì ông đưa con gái ông về, muốn làm gì thì làm. Còn thằng này ngày mai ta sẽ phạt và cấm nó không bao giờ được đặt chân tới đây.
Sau đó ông đi ngủ.
Sáng hôm sau, hai cảnh sát đến lấy gậy đánh tôi và đuổi tôi đi.
Tôi cám ơn Chúa đã cho tôi chịu đau khổ cho Ngài. Trong suốt thời gian đó lời cầu nguyện của Chúa Giêsu luôn vang dội trong lòng tôi và an ủi tôi.
Cách đó bốn cây số tôi gặp mẹ cô gái đi chợ về.
- Ông có biết thằng cha ấy đã hồi hôn? Nó giận con gái tôi bỏ nó.
Bà cho tôi bánh và bánh ngọt. Tôi tiếp tục hành trình.
Trời không mưa. Không muốn ngủ trong làng, tôi ngủ trên đống rơm ngoài ruộng.

6. Người lữ hành được khỏi bệnh trở thành người chữa bệnh
Một hôm vào ngày 24 tháng 3, tôi bỗng rất muốn chịu lễ vào hôm sau, ngày lễ Truyền tin. Người ta nói có một nhà thờ cách xa 30 cây số. Cho kịp kinh sáng tôi phải đi cả ngày và đêm. Thời tiết thực khó chịu: mưa tuyết và gió lạnh. Có lúc tôi đi qua suối vừa đến giữa lòng suối, băng bỗng tan và tôi rơi vào nước lạnh ngập đến ngang lưng.
Khi đến nhà thờ tôi ướt như chuột lột, và đứng đó trong suốt năm tiếng đồng hồ. Và tôi hạnh phúc được rước lễ... Để được yên tĩnh tôi xin ông từ cho mình ở trong phòng ông cho đến sáng hôm sau... Cả ngày tôi hoàn toàn hạnh phúc. Tôi nghe như có lời cầu nguyện âm vang trong lòng. Tình yêu Chúa Kitô và Mẹ Maria tràn ngập tâm hồn và trái tim tôi.
Suốt đêm, tôi thấy buốt chân và thấy chân vẫn còn ướt. Tôi không để ý vẫn tiếp tục cầu nguyện. Ban sáng khi muốn chỗi dậy chân tôi không nhúc nhích được nữa. Suốt ngày tôi bất động trong phòng của ông từ. Đến chiều ông ta bảo tôi đi ra.
- Ông mà chết ở đây, tôi sẽ làm gì đây?

Tôi khó nhọc dùng tay lê ra khỏi phòng và nằm ở cửa nhà thờ trong vòng hai ngày. Dù tôi rên rỉ những người đi qua không ai để ý đến tôi. Sau cùng một người nông dân tới gần và hỏi:
- Ông trả cho tôi bao nhiêu nếu tôi làm cho ông khỏi? Tôi cũng đã bị như thế và tôi biết cách chữa trị.
Tôi trả lời:
- Tôi chả có gì cho chú cả.
- Sao lại thế, ông không có gì trong xắc sao?
- Đúng, chỉ có bánh và muối.
- Nếu vậy khi khỏi bịnh ông làm công cho tôi cũng được chứ?
- Tôi không biết nữa, vì một tay tôi bị liệt, còn một tay kia thì yếu lắm.
- Nhưng ông có thể làm chuyện gì chứ?
- Vâng, tôi biết đọc và biết viết.
- Vậy thì tốt lắm. Tôi có thằng con biết đọc sơ sơ nhưng tôi muốn nó học viết. Người ta đòi tôi 20 roubles nhưng tôi thấy đắt quá.
Tôi nhận lời. Thế là người nông dân và ông từ giúp đưa tôi về nhà đem tôi vào phòng dùng để tắm hơi cuối sân nhà. Sau đó anh ta lấy một ký xương rửa sạch, nghiền ra và bỏ vào chảo nắp có lỗ. Anh bỏ chảo trên lò chôn xuống đất. Rồi anh lấy bùn trát và chất củi chung quanh nấu chừng hai mươi tư tiếng đồng hồ. Sau đó ông lấy ra từ đáy nồi nửa lít thuốc đặc màu đỏ, có dầu, chảy ra từ những lỗ vung nồi. Xương thì thành sạch trắng như ngà.
Tôi chà chân mỗi ngày năm lần với dầu. Hôm sau tôi đã có thể nhúc nhích ngón chân. Ngày thứ ba tôi có thể co chân. Ngày thứ năm tôi đứng dậy được và trong vòng một tuần lễ tôi khỏi bịnh.
Tôi cám ơn Chúa.
- Chúa đã cho thiên nhiên bao nhiêu là sinh lực và ơn sủng! Lạy Chúa, xương khô cũng cho người ta hồi sinh. Đây là hình ảnh tương trưng đẹp đẽ cho sự phục sinh. Tiếc rằng ông thợ rừng không có ở đây, ông vẫn còn hồ nghi về sự sống lại.

Vừa khỏi bịnh tôi dậy học cho cậu con người nông dân. Cậu đến nhà tôi khi còn sớm vì cậu phải làm việc cho một người quản lý đất đai Cậu thông minh nên chỉ một thời gian sau cậu có thể viết lách dễ dàng. Ông quản lý hỏi ai dậy cho cậu.
- Một khách hành hương què tay trong nhà tắm của chúng tôi.
Viên quản lý là người Ba lan, tò mò muốn thăm tôi và một hôm đến thăm tôi. Ông đến lúc tôi đang đọc sách kinh.
- À phải rồi, tôi đã thấy sách này một lần tại nhà ông linh mục ở Vilna. Cuốn sách nói về những lý thuyết màu nhiệm người Hilạp truyền thụ cho các thày dòng ở Ấn độ và Boukhara. Người ta nói bên những nước ấy có những tên quá khích thở cho đầy phổi, giữ hơi lại và tin rằng có thể nghe được nhịp tim. Họ luôn lập đi lập lại những câu bùa chú. Thực là một lũ điên. Theo tôi nghĩ đọc kinh lạy cha hàng ngày còn tốt hơn.
Tôi trả lời ông:
- Sách này không do mấy ông thày dòng Hilạp viết đâu bác ạ. Các vị đại thánh được tôn kính trong giáo hội chúng ta như Antôn, Macaire và Gioan Kim khẩu và bao nhiêu vị khác đã viết. Dĩ nhiên có những người làm biến chất và làm sai lạc những lời dạy dỗ của các ngài. Nhưng sách này có truyền thống phúc âm rõ ràng.
Bác biết kitô hữu không chỉ tự mãn là đã tập được những nhân đức bên ngoài nhưng còn khát khao một tình trạng cao hơn. Các giáo phụ giải thích trong cuốn kinh này tại sao kitô hữu phải ngất trí khi cầu nguyện.
Ông quản lý nói:
- Bác nói đến những điều ký lạ mà người thường chúng tôi không thể hiểu được và thành tựu được. Tôi trả lời bác ta:
- Tôi không đồng ý với bác. Và tôi đọc cho ông nghe một đoạn của Simeon nhà thần học mới:
“Một đêm khi ông cầu nguyện, tinh thần hợp nhất với Thánh Thần ông thấy một luồng sáng trên cao.. đích thực và bao la.”
Bài văn làm cho ông khoái chí và ông muốn mượn sách kinh của tôi.
- Tôi sẵn lòng cho bác mượn, nhưng chỉ 24 tiếng thôi. Tôi không thể không có sách lâu hơn.
Ông bảo tôi:
- Bác chép cho tôi đoạn vừa đọc và tôi sẽ trả tiền bác.
- Tôi không cần tiền. Nếu Chúa dạy bác việc cầu nguyện nội tâm như thế tôi sẽ sung sướng chép cho bác và không lấy tiền.
Sau đó ông và vợ ông hay cho người gọi tôi đọc sách cho họ khi họ uống trà.

Một hôm ông mời tôi ăn cơm tối. Người ta dọn cá ra và bà chủ bị hóc xương cá. Không ai biết làm sao cho bà dễ chịu. Bà đau quá nên phải vào giường và người ta đi kiếm một bác sĩ cứu cấp cách đó hơn 20 cây số.
Về nhà vào buổi tối, tôi đi nằm và ngủ thiếp đi. Tôi bỗng nghe trong giấc mộng tiếng nói của cha linh hướng tôi tuy không thấy Ngài. Ngài bảo tôi:
- Ông nông dân đã chữa con. Tại sao con không thử chữa bà vợ ông quản lý?
- Con cũng muốn lắm nhưng con không biết chữa làm sao?
- Con phải làm như thế này: Từ khi còn nhỏ bà ta không chịu được mùi dầu Oliu: chỉ ngửi mùi thôi bà cũng muốn mửa. Con hãy cho bà ta uống một muỗng dầu. Bà sẽ mửa ra và xương sẽ ra theo, dầu sẽ làm khỏi vết thương nơi cổ.
Sau cơn mơ, tôi chỗi dậy và lên nhà ông quản lý xin ông thử thuốc của tôi.
Ông không tin cho lắm.
- Dù sao cũng không làm hại gì cho bà ta, mình thử coi.
Ông đổ dầu vào một ly nhỏ và sau khi bà cố gắng uống vào bà bắt đầu mửa ra và xương cá vọt ra với nhiều máu. Bà thấy dễ chịu ngay và ngủ mê mệt.
Sáng hôm sau bà đã có thể ngồi dậy uống trà với chồng.
Cả hai đều ngạc nhiên về chuyện khỏi hóc xương nhất là không ai biết trừ họ ra, chuyện bà không thể chịu nổi mùi ôliu.
Ít lâu sau thày thuốc tới và bà ta kể cho ông nghe chuyện đã xảy ra. Tôi cũng kể ông nghe người nông dân đã chữa bịnh tôi như thế nào. Bác sĩ nói:
- Tôi không lấy làm lạ vì thiên nhiên là bài thuốc hay nhất.
Tiếng đồn bà chủ khỏi bịnh vang xa trong vùng và người ta nói cho nhau là tôi làm phép lạ.
Người ta bắt đầu đến tìm tôi, kể cho tôi nghe bệnh tật của họ hay công việc của họ. Họ tặng quà và khen ngợi tôi.
Tôi chịu như thế được một tuần lễ, nhưng sau đó vì sợ rơi vào hư danh và phân tâm, tôi lén trốn đi trong đêm.

7. Đến Giêrusalem
Đôi khi trong khi di chuyển trong ba ngày tôi không gặp người ta. Tôi thấy mình trơ trọi trên đời. Trơ trọi trước Đấng biết và yêu thương. Sự cô đơn này làm cho tôi sung sướng. Tôi cảm thấy rõ ràng lời cầu nguyện nội tâm vang dội trong tôi. Tình yêu Chúa Kitô bao la thiêu đốt lòng tôi và những dòng điện mạnh sáng láng chất ngất chạy dọc cơ thể. Hình ảnh Chúa Giêsu đối với tôi cực kỳ sống động làm cho tôi như đang sống thật những câu chuyện Phúc âm.
Một lần tôi đi Irkoutsk, đến mồ thánh Innocent, tôi không biết ngủ trọ nơi nào. Vì tôi không muốn ở lại trong thành phố nhiều dân cư này. Đang suy nghĩ tôi bỗng gặp một ông lái buôn, ông đến gần tôi và hỏi:
- Bác đi hành hương phải không? Mời bác về nhà em.
Ông ở trong nhà sang trọng. Khi tôi tới nơi ông xin tôi kể cho ông nghe tôi là ai, tôi làm gì và đi đâu. Rồi ông nói:
- Sao bác không hành hương sang Giêrusalem? Tôi trả lời:
- Còn gì sung sướng hơn, nhưng làm sao mà đi được? Tôi có thể đi đến bờ biển nhưng tiền tàu qua biển đắt lắm.
- Nếu bác muốn, em xin giúp bác. Năm ngoái em giúp một cụ già trong thành phố của em. Em sẽ gửi thư cho thằng con ở Odessa. Nó sẽ gửi bác đi Constantinople nơi nó có chỗ làm ăn. Đến đó nhân viên của nó sẽ gửi bác xuống tàu sang Giêrusalem.

Tôi tràn đầy sung sướng. Tôi ở nhà ông lái buôn ba ngày. Ông đưa cho tôi một bức thư cho con ông. Còn tôi trước khi rời Irkoutsk tôi đến cha linh hướng và báo tin:
- Thưa cha, con đi Giêrusalem, con đến từ giã cha.
- Xin Chúa chúc lành cho cuộc hành trình của con. Nhưng con không nói cho cha con là ai, và từ đâu đến. Con thường nói cho cha hay về cuộc hành hương của con. Cha mong trước khi con đi con nói về gia đình con và quá khứ của con.
- Thưa cha con sẵn sàng kể cho cha nghe. Câu chuyện không có dài... Con sinh tại một làng thuộc tỉnh Orel miền Trung Nga. Khi cha mẹ qua đời chúng con chỉ còn hai anh em, đứa 10 tuổi đứa 2 tuổi. Ông bà chúng con rước về nuôi, ông bà giàu có và thế giá. Ông bà làm chủ một quán ăn gần quốc lộ: vì tính hiếu khách nên có nhiều khách.
Anh con ham chơi và thường đi chơi với trẻ con trong làng. Con thì thường ở bên cạnh ông. Ngày chủ nhật và ngày lễ chúng con thường đi nhà thờ với nhau. Rồi khi về nhà ông đọc thánh kinh. Đến tuổi thanh niên anh con bắt đầu uống rượu.
Một lần khi được bảy tuổi và chúng con ngủ chung bên lò sưởi, anh con xô con rớt xuống và gẫy tay trái và từ đó con bị tê tay.
Ông con thấy con không làm việc được mới dạy con học đọc. Vì không có sách nên con dùng Kinh thánh. Con vừa biết đánh vần là ông con vì mắt kém bắt con đọc sách cho ông nghe.
Ông lục sự trong làng thường đến nhà. Ông viết chữ đẹp và con thích ngồi xem ông viết, nhiều khi còn thử viết theo ông. Thế là ông dạy con viết. Ông cho con giấy mực và gọt bút bằng lông ngỗng cho con và dần dần con học viết. Ông con rất vui mừng và nói:
- Chúa cho con tài năng con có thể làm giàu, con hãy cám ơn Ngài và cầu nguyện luôn.
Chúng con là những người rất ngoan đạo và thường cầu nguyện trong nhà. Cả nhà thường xin con đọc Thánh vịnh 50 Miserere:
Xin thương xót con Chúa ơi, trong lòng nhân từ Chúa, vì tình yêu thương xin xoá mọi lỗi lầm. Xin cho con nguồn vui ơn cứu độ, và cho con tâm hồn quảng đại.
Khi được 17 tuổi bà con qua đời. Ông con bảo:
- Không có nội trợ trong nhà không được, anh cháu là thằng vô tích sự. Ông tìm vợ cho cháu, cháu phải lấy vợ mới được.
Vì bịnh tật con không muốn nhưng ông con giục mãi. Ông tìm cho con một cô gái khoẻ mạnh, hiểu biết tuổi chừng hai mươi và con lấy vợ.
Một năm sau ông con ốm nặng. Thấy mình khó qua khỏi, ông kêu con đến bên giường:
- Ông để lại cho cháu căn nhà và sản nghiệp. Cháu phải tận tâm, đừng đánh lừa ai, và cầu nguyện cùng Chúa. Mọi sự đều do Ngài. Cháu hãy tin tưởng vào một mình Ngài mà thôi. Hãy năng đi nhà thờ, đọc Thánh Kinh và khi cầu nguyện nhớ đến ông bà. Ông cho cháu 1000 roubles. Cháu đừng hoang phí, cũng đừng hà tiện: hãy nghĩ đến Chúa và người nghèo khó.
Ông con chết và con chôn cất ông.

Anh con ghen tị vì mình con được hưởng gia tài. Một hôm khi không còn khách trong quán chúng con đi ngủ sớm, anh ta vào nhà lấy tiền sau đó đốt nhà. Lửa cháy đánh thức chúng con dậy. Chúng con chỉ kịp lấy cuốn Thánh kinh để dưới gối và mặc áo ngủ nhảy qua cửa sổ. Cả cơ nghiệp tan tành. Người anh bỏ chúng con ra đi. Sau đó thật lâu, chúng con biết anh đã lấy tiền và đốt nhà. Trong một lúc say rượu anh đã khoe thế.
Nghèo như Gióp, chúng con phải mượn tiền dựng lên một túp lều nhỏ. Vợ con biết dệt, may rút chỉ. Nàng lãnh đồ và làm ngày đêm nuôi sống hai vợ chồng. Riêng con vì què tay nên làm guốc gỗ cũng không ra hồn. Khi vợ con dệt và may, con đọc kinh thánh cho vợ con nghe. Nàng chăm chú nghe và đôi khi nhỏ lệ đau thương.
- Anh đọc em nghe cảm động quá.
Chúng con luôn trung thành với những gì ông con dạy dỗ. Mỗi sáng chúng con đọc kinh ca tụng Mẹ: “Kính chào Mẹ, nhờ Mẹ, niềm vui bừng sáng. Kính chào Mẹ, nhờ Mẹ sự dữ tiêu tan.”
Ban chiều chúng con sụp lạy thánh tượng.
Bây giờ con mới hay những lời cầu nguyện ấy chỉ bề ngoài và cử chỉ máy móc. Lúc đó chúng con không có quan niệm gì về lời nguyện nội tâm. Tuy nhiên những thực tập ấy không bao giờ làm cho chúng con vất vả và giúp cho chúng con. Một ông giáo già con gặp trong quán nói rằng lời cầu nguyện nội tâm giống như xu hướng tự nhiên của con người về Thiên Chúa. Ông nói chí lý.
Cuộc sống bình thản đó kéo dài hai năm. Rồi vợ con bị bịnh. Sau 9 ngày bị sốt rét nàng qua đời sau khi chịu các phép bí tích.
Con còn lại một mình lủi thủi trên đời, không thể làm việc, ăn mày thì xấu hổ và hoàn toàn chán ngán vì cái chết của vợ con. Tất cả những kỉ niệm của nàng đều làm cho con phải khóc lóc nhớ thương.
Con cho người nghèo quần áo của nàng và của con. Con bán nhà được 20 roubles. Con xin giấy kiểm tra nhờ đó khỏi phải sưu thuế đóng góp trong làng vì tàn tật. Và con ra đi không định hướng với cuốn Kinh thánh trong tay.
Dần dà con tỉnh táo và quyết định đi Kiev để tìm an ủi nơi các vị thánh quan thày. Đó là cuộc hành hương đầu tiên của con.
Mười ba năm qua con đã lang thang như thế. Con đã viếng nhiều nhà thờ và tu viện nhưng con thích đi qua rừng cây và thảo dã hơn.
Và nếu con được ơn đi Giêrusalem, có lẽ con sẽ được ơn chết tại đó.

8. Trong một gia đình đạo đức
Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên.. Đúng như thế.. Hôm nay tôi tưởng mình đang trên đường đi Giêrusalem. Thế mà tôi đã ở lại đây ba ngày.
Tôi nói với cha linh hướng tôi như thế, khi tôi trở lại vào buổi chiều kể cho ngài nghe những gì đã xảy ra cho tôi và xin ngài cho ý kiến.
Tôi đã từ giã hết mọi người và sắp rời Irkoutsk thì tôi thấy nơi cửa căn nhà cuối cùng, một người đã đi hành hương như tôi và tôi chưa gặp lại đã ba năm nay. Trong khi nói chuyện tôi cho ông hay mình sẽ đi Giêrusalem.
Ông ta kêu lên:
- Tạ ơn Chúa, tôi có một bạn đồng hành với anh đó là bố ông chủ tôi.
Tôi trả lời:
- Xin Thiên Chúa chúc phúc cho cả hai người, nhưng bác không thấy tôi vẫn thích đi một mình sao.
- Bạn nghe tôi nói đã. Người bạn đó hình như chỉ dành cho bạn thôi. Hai người sẽ thông cảm nhau không ai bằng. Ông ta đã khấn hứa đi Giêrusalem: người đó là một ông già đàng hoàng chỉ tội điếc đặc. Bạn cứ nói thả cửa ông ta cũng không nghe gì. Muốn nói với ông phải viết giấy. Không bao giờ ông ta ngắt lời bạn khi bạn đang nói, tuy nhiên bạn rất hữu ích cho ông ta. Con ông cho ông một con ngựa và một cỗ xe để đi Odessa. Ông già đề nghị đi bộ nhưng người ta chất đầy xe những đồ đạc và ít đồ dâng cúng cho thánh địa. Bạn thấy một người bằng ấy tuổi lại điếc lác khó có thể đi đường xa với xe và hành lý.

Người ta kiếm cho ông một người cùng đi nhưng vô ích. Trước hết có người muốn trả nhiều tiền. Và rồi cũng không thể tin cậy nơi người mới gặp, vì ông già có tiền của. Do đó xin ông bạn quyết định ngay cho, nhân danh Chúa và vì tình bác ái. Tôi sẽ giới thiệu bạn với ông chủ. Ông là người tốt lành và cả nhà kính trọng tôi. Tôi làm công cho ông ta được một năm nay rồi.
Sau khi nói chuyện ngoài phố ông dẫn tôi về nhà và giới thiệu cho cả nhà. Thấy đây là một gia đình đáng quí nên tôi nhận lời đi với ông già. Chúng tôi định đi vào ngày thứ ba sau lễ giáng sinh sau khi đã đi lễ. Và tôi giao phó cho Chúa quan phòng. Vì như lời thánh Phaolô: Chính Chúa cho bạn muốn và làm theo ý định của Ngài.
Sau khi kể chuyện cha linh hướng bảo tôi:
- Cha vui mừng thấy con trở lại sớm như thế. Và vì con còn nhiều ngày rảnh rỗi cha muốn nghe con kể nhiều hơn về cuộc hành hương của con.
Tôi trả lời:
- Con rất sẵn lòng nhưng cha biết con quên nhiều chuyện. Vả lại con thử quên để chuyên chú vào việc cầu nguyện thôi, theo lời khuyên của thánh Phaolô: Quên con đường đã qua, tôi tiến lên... và chạy đến mục đích. Cha linh hướng trước của con cũng nói rằng khi đã chăm chú cầu nguyện trong tâm hồn thì phải coi thường cả những tư tưởng đạo đức cao thượng mà cả những tư tưởng tầm thường và vô ích. Vì cha nói: “trong cả hai trường hợp, linh hồn bị phân tâm và xao lãng việc tâm sự với Chúa.”
Nhưng thưa cha, con cũng không quên hết đâu. Khó quên lắm.
Con còn nhớ rõ một lần con ở trong một nhà giàu có.
Một hôm con đi qua thành phố nhỏ gần Tobolsk. Con vào một nhà kia để xin bánh vì con chỉ còn ít bánh thôi.
Chủ nhà nói:
- Bác đến đúng lúc quá. Vợ tôi vừa rút bánh ra khỏi lò. Đây cầm lấy một cái đi. Bác sẽ cầu nguyện cho chúng tôi nhá.
Con cám ơn ông ta và vừa bỏ bánh vào bị, bà chủ nhà nói:
- Cái xắc của bác cũ kỹ và rách tơi rồi. Để tôi cho bác cái khác.
Sau đó con đến một cửa tiệm để xin một chút muối. Ông chủ cho con một gói đầy. Con có đủ lương thực trong một tuần lễ.

Cách đó năm cây số, con đi qua một làng khác và dừng lại đôi phút để cầu nguyện trước một nhà thờ nhỏ bằng gỗ rất đẹp. Con bỗng thấy trong cánh đồng cỏ ở bên cạnh hai đứa nhỏ khoảng 5 và 6 tuổi, ăn mặc đẹp đẽ đang chơi đùa. Một bé trai và một bé gái.
Con vừa ra đi thì chúng chạy theo kêu lớn:
- Bác hành khất ơi, mời bác tới nhà mẹ chúng cháu, mẹ cháu thích hành khất lắm.
- Bác đâu có phải hành khất bác là khách hành hương... Các cháu ở đâu?
- Kia kìa, sau khu rừng nhỏ.
Và chúng dẫn con về nhà. Mẹ chúng ra đón.
- Chào bác, Chúa gửi bác đến đây.
Bà mời con vào nhà lấy xắc của con ra, mời con ngồi vào ghế bành và hỏi con muốn uống trà hay dùng bữa.
- Tôi cám ơn bà lắm, tôi có đồ ăn trong giỏ rồi. Còn uống trà đôi khi tôi cũng uống. Nhưng nông dân không có thói uống trà. Xin Chúa chúc phúc cho bà. Bà tiếp đón tôi làm cho tôi cảm động hơn là ăn tiệc.
Niềm vui lúc đó làm cho con muốn cầu nguyện và thinh lặng. Con ngỏ ý muốn ra đi. Bà chủ nói:
- Đâu có được! Tôi không để bác đi đâu. Chồng tôi là thẩm phán ra thành sắp về. Ông sẽ sung sướng thấy bác ở đây. Mỗi người hành hương là người Chúa sai đến với ông. Ngày mai là chủ nhật mình sẽ đi lễ và ăn uống với nhau. Mỗi chủ nhật hay ngày lễ, chúng tôi tiếp đón ba chục người nghèo đến ăn với chúng tôi và chúng tôi coi họ như anh em.
Mấy đứa đưa xắc của bác vào phòng khách, bác sẽ ngủ đêm với chúng ta.
Rồi bà xin con kể chuyện về cuộc hành hương của con... Khi con nói mình sẽ đi Irkoutsk:
- Như thế bác phải đi qua Tobolsk. Mẹ tôi làm bà bề trên trong một nữ tu viện. Tôi sẽ nhờ bác đem thư cho bà và bà sẽ tiếp đón bác. Nhiều người đến hỏi ý kiến bà. Bác đưa giùm cho bà cuốn sách của thánh Gioan Climaque chúng tôi mua ở Moscou cho bà.
Chúng con nói chuyện đến giờ ăn tối. Bà mời con dùng bữa với bốn phụ nữ khác. Sau khi ăn món đầu một bà chỗi dậy lạy tượng thánh rồi lạy chúng con và đi lấy món thứ hai. Một bà thứ hai cũng mang món ăn thứ ba ra như thế. Con nói với bà chủ nhà:
- Xin phép hỏi bà, mấy bà đây là bà con?
Bà trả lời:
- Phải, họ là chị em tôi: chị bếp, vợ xà ích, bà nội trợ và bà dọn phòng.
Con rất ngạc nhiên khi thấy họ đối xử với đầy tớ như thế.
Sau bữa ăn muốn ở lại cầu nguyện một mình, con nói với bà:
- Các bà chắc đi nghỉ bây giờ. Tôi xin ra vườn chốc lát.
Bà nói:
- Tôi xin đi theo bác. Vả lại nếu bác đi một mình trẻ con không cho bác nghỉ ngơi đâu.
Để tránh khỏi phải nói về mình, con hỏi bà đã sống như thế từ bao nhiêu lâu. Bà nói:
- Mẹ tôi là chắt của thánh Giosaphát hài cốt còn ở Belgorod. Chúng tôi có căn nhà lớn tại đó và cuối sân có căn nhà nhỏ chúng tôi cho ông quí tộc không có gia tài thuê. Ông qua đời và sau đó vợ ông cũng chết, để lại một đứa nhỏ mới sinh. Mẹ tôi nhận đứa nhỏ làm con nuôi. Tôi sinh ra sau đó một năm. Chúng tôi đã lớn lên với nhau như anh chị em có cùng thày dạy và cô giáo.
Khi cha tôi chết mẹ tôi bỏ Belgorod và đến đây với chúng tôi ở tại lãnh địa lớn Tây bá lợi á. Bà cho chúng tôi lấy nhau để lại cho chúng tôi sản nghiệp này rồi vào tu viện, ở trong một căn phòng.
Mẹ chúc phúc cho chúng tôi, khuyên chúng tôi sống đạo, giáo dục con cái cho nên, cầu nguyện sốt sắng nhưng nhất là giữ các giới răn của Chúa là yêu người bên cạnh giúp đỡ người nghèo cách bình dị và khiêm nhường, cũng như đối xử với đầy tớ như anh em..
Vậy là đã 10 năm, chúng tôi ở tại nơi khỉ ho cò gáy này. Chúng tôi cố gắng tuân giữ những điều mẹ dạy. Chúng tôi đã lập nên một viện tế bần. Hiện nay có 10 người tàn tật hay đau yếu ở đó. Ngày mai bác sẽ gặp họ.
Buổi chiều chồng bà ấy về. Ông chào con, ôm con và mời con vào văn phòng. Ông có biết bao là sách và ảnh thánh đẹp đẽ, lại có một thánh giá cỡ lớn và Cuốn Phúc âm đặt trên giá sách lôi kéo sự chú ý của con. Con kêu lên:
- Ở đây như thiên đàng rồi ông ơi, có Chúa, Đức Mẹ và chư thánh rồi có đủ sách vở cho ông nói chuyện với các Ngài và nuôi sống bằng lời Chúa. Ông nói:
- Vâng tôi thích đọc. Tôi có hết các tác phẩm của các Giáo phụ và nhiều sách tôn giáo khác. Tôi bỏ ra ít nhất 5000 roubles để mua.
Con hỏi ông ta:
- Chắc ông có sách nói về cầu nguyện chứ?
Ông rút ra một cuốn chú giải kinh Lạy Cha, mở ra và đọc lớn tiếng.

Vào lúc đó phu nhân vào mang trà cho ông. Mấy đứa nhỏ mang giỏ bạc đầy bánh ngon con chưa hề được biết theo sau. Sau khi uống trà ông chủ xin phu nhân đọc tiếp.
Con đã trải qua một kinh nghiệm lạ lùng. Bỗng con thấy như hiện ra trước mắt hình ảnh sáng láng của cha linh hướng con. Con bỗng chỗi dậy và xin lỗi vì buồn ngủ quá. Cùng lúc đó con thấy tâm hồn được soi sáng do cha linh hướng, cho con hiểu cách mới mẻ hơn về sự cầu nguyện.
Đọc sách xong, chủ nhân hỏi con nghĩ gì về cuốn sách. Con trả lời:
- Tôi rất thích, nhưng trong sách của tôi có giải thích kinh Lạy Cha hướng về sự chiêm nghiệm hơn. Các giáo phụ cũng thấy trong những lời cầu của kinh Lạy cha những ước nguyện được ơn cầu nguyện trong lòng, nghĩa là cảm thức sự hiện diện của Chúa trong lòng và bình an hân hoan sau đó.
Chủ nhân nói:
- Phải, đường cầu nguyện nội tâm khó biết bao.
Con trả lời:
- Nếu không làm được, Chúa đã chẳng bảo ta làm. Nếu ông cho phép tôi xin đọc một chương sách của tôi.
Con mở ra và gặp đoạn sách của thánh Gioan Damascene.
- Phải tập tành kêu tên Chúa hơn là tập thở nữa. Thánh Phaolô nói: Hãy cầu nguyện liên lỉ. Nếu chẳng hạn bạn làm điều gì, bạn hãy nhớ tới Đấng Tạo hoá dựng nên mọi sự. Nếu bạn ngắm nhìn trời biển, hãy ca tụng Đấng dựng nên chúng. Nếu mặc áo hãy tạ ơn đấng cho người mạng sống. Tóm lại: tất cả hãy nên dịp cho bạn nghĩ đến Chúa và tôn vinh Ngài. Như thế là bạn cầu nguyện liên lỉ và bạn sẽ luôn được bình an.
Con kết luận:
- Ông bà thấy dễ không, ai cũng có thể thực hành.
Ông bà chủ sung sướng ra mặt. Ông nói:
- Tôi sẽ mua sách từ Saint Petersbourg, nhưng trong lúc chờ đợi tôi xin chép lại đoạn sách.
Ông đã chép lại. Rồi ông để dưới chân tượng Damascene, chắc là của thánh Gioan Damascene. Ông nói:
- Như thế hình ảnh và lời vị thánh giúp tôi làm theo lời khuyên này.
Đến giờ ăn tối. Tất cả đầy tớ nam nữ đều quây quần bên bàn ăn của chúng tôi. Bầu khí kính trọng và an bình biết bao. Sau cùng mọi người đọc kinh và xin con đọc lời nguyện của Chúa Giêsu. Đầy tớ nam nữ và con cái rút lui.
Lúc đó phu nhân cho con một áo sơ mi và một đôi vớ. Con nói:
- Xin cám ơn phu nhân cho chiếc áo còn đôi vớ suốt đời con không mang vì từ nhỏ con chỉ quấn chân.
Phu nhân đi ra và trở lại với một chiếc kaftan bằng lụa màu beige mà bà đã cắt ra thành băng nhỏ. Ông chồng thì đi ra và đem cho con một đôi giầy. Ông bảo con:
- Bác sang phòng bên cạnh thay đồ đi.
Khi con trở lại họ mời con ngồi và phu nhân bắt đầu lột những lớp vải buộc chân con ra. Lúc đầu con từ chối. Nhưng họ nói:
- Xin bác ngồi yên, Chúa Kitô đã chẳng rửa chân cho đầy tớ sao?
Con không thể cầm được nước mắt và họ cũng thế.
Đến giờ ngủ, phu nhân vào phòng với con và ông chủ mời con vào một phòng ở giữa vườn.
Tại đây vì không ngủ được, chúng con tiếp tục nói chuyện.
Ông chủ hỏi:
- Ông có phải đúng là người như ông nói không? Ông hãy nói thực đi. Ông biết viết và biết đọc hay quá. Cách ông nói cho hay ông được giáo dục theo kiểu quí tộc hơn là lối giáo dục nhà quê.
Con trả lời:
- Mọi điều tôi nói với ông bà là thật. Tôi bảo đảm tôi chỉ là người bình dân. Điều soi sáng cho tôi và vẫn tiếp tục soi sáng cho tôi chính là những lời hướng dẫn của cha linh hướng tôi, do việc đọc các giáo phụ nhất là do hồng ân lời cầu nguyện nội tâm do lòng từ bi Chúa ban cho tôi. Tôi nói: “nhất là do lời cầu nguyện nội tâm” vì nhờ đó có ánh sáng trong lòng và mọi sự đều rõ ràng nhờ ánh sáng đó.
Ông chủ trả lời:
- Tôi xin lỗi phải hỏi ông, không phải vì tò mò nhưng vì hành tung của ông làm cho chúng tôi nhớ lại một biến cố cách đây hai năm.
Một hôm có người hành khất đến với chúng tôi mang giấy kiểm tra lính về hưu. Ông có tuổi, khốn khổ hầu như trần trụi dưới manh áo rách. Ông ít nói và nói dễ hiểu như nông dân vùng thảo dã.
Chúng tôi tiếp đón ông ta trong nhà chúng tôi. Nhưng được 5 ngày ông đau nặng nên phải đưa ông vào buồng chúng tôi và hai vợ chồng tôi săn sóc ông. Ông sắp chết đến nơi. Chúng tôi đã sửa soạn và mời cha đến ban các phép cho ông.
Hôm trước khi ông chết, ông chỗi dậy xin tôi một tờ giấy và viết, xin tôi đóng cửa lại và không cho ai vào cho đến khi ông đã viết xong di chúc và nhờ tôi gửi cho con ông ở Saint Petersbourg. Tôi ngạc nhiên vì ông viết chữ đẹp, nhất là lối viết rất đúng và bài văn hay. Tất cả gợi tính tò mò về nguốn gốc của ông. Sau khi bắt tôi thề không được nói với ai, ông đã kể cho tôi nghe cuộc đời của ông.
- Tôi là hoàng tử... có gia tài lớn, và sống đời xa hoa và hoang đàng. Sau khi vợ tôi chết tôi sống với con là đại uý ngự lâm quân. Một buổi chiều khi sửa soạn đi dạ vũ tại nhà một nhân vật quan trọng tôi giận dữ tên bồi phòng và mạnh tay đánh vào đầu nó, sau đó ra lệnh đầy nó về thôn quê.
Hôm sau tên bồi chết vì vết thương ở đầu. Tuy nhiên việc ấy không phương hại gì đến tôi cả và sau khi hối tiếc hành động của mình tôi quên mất việc đó.
Nhưng sáu tuần sau tên bồi bị giết bắt đầu hiện ra với tôi lúc đầu trong giấc ngủ. Anh ta luôn lập đi lập lại: “Tên vô lương tâm kia, mày có biết mày là tên sát nhân không?” Sau đó anh ta hiện ra với tôi giữa ban ngày càng ngày càng nhiều, có cả những người tôi đã xúc phạm và những cô gái tôi đã làm hỗn. Tất cả đều chửi bới tôi thậm tệ. Tôi ăn mất ngon ngủ không yên. Kiệt sức tôi không thể làm gì nữa. Thày thuốc giỏi nhất cũng không thể giúp gì cho tôi. Tôi sang ngoại quốc 6 tháng cũng vô ích. Người ta đem tôi về Nga chờ chết. Tôi chịu những hình khổ như trong hoả ngục.
Trong tình trạng sa sút đó tôi nhận ra lỗi lầm của mình, tôi thống hối, tôi xưng tội, tôi cho đầy tớ được tự do và thề hứa sống quãng đời còn lại bằng việc tay chân và ẩn thân dưới hành tung một tên ăn mày để phục vụ người khác.
Và khi tôi quyết định như thế không còn ai hiện ra nữa... Tôi không thể diễn tả nổi sự an ủi và êm dịu tôi cảm thấy sau khi giao hoà với Chúa và từ bỏ hoàn toàn. Lúc đó tôi cảm thấy trong lòng tôi niềm vui thiên đàng và nước Chúa.
Sau đó ít lâu tôi hoàn toàn khỏi bịnh và bí mật rời xa cố hương. Tôi đi qua vùng Tây bá lợi á đã được 15 năm. Khi thì làm việc cho nông dân ngoài đồng, khi thì hành khất.
Sau khi kể chuyện xong, ông ta đưa di chúc cho tôi và hôm sau ông chết.
Đây là nguyên văn bản di chúc tôi để trong cuốn sách thánh của tôi.

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Con yêu dấu. 15 năm nay con không thấy mặt cha.
Tuy nhiên trong cuộc sống ẩn dật cha luôn dò la tin tức con và vẫn dành cho con một tình yêu phụ tử làm cho cha phải nói cho con những lời khuyên trước khi chết. Mong rằng những lời khuyên này sẽ hữu ích cho con trong cuộc đời.
Con biết cha đã đau khổ vì cuộc sống bê bối nhưng con đâu có biết cha sung sướng biết bao sau khi hối lỗi và sau khi đi hành hương như một người vô danh. Bây giờ cha chết bình tĩnh, tại nhà ân nhân cha và cũng là ân nhân con, vì những ơn lành ông làm cho cha cũng phải đánh động tấm lòng con thảo của con. Con hãy đền trả cho ông theo khả năng con.
Cha chúc lành cho con và xin con đừng quên Chúa, hãy giữ lương tâm trong sạch, nhân hậu, khôn ngoan và lý sự, đối xử với thuộc hạ tử tế, và đừng khinh người nghèo hay những kẻ lang thang vì con phải nhớ là cha con đã tìm được bình an trong tâm hồn xáo trộn bằng nghèo khó và đi hành hương. Cha xin Chúa ban ơn cho con và cha yên lòng nhắm mắt, tin vào sự sống vĩnh cửu và lòng nhân từ của Chúa Giêsu.
Cha của con.
Con ở vài ngày nơi gia đình đã làm cho con được nhiều bài học đó. Rồi con lên đường đến Tobolsk cách đó 150 cây số.
Sau khi kể lại câu chuyện ở trong nhà giàu, tôi còn kể nhiều chuyện khác nữa cho cha linh hướng rồi tôi theo ông già điếc đồng hành với tôi sang Giêrusalem và chúng tôi lên đường sang Odessa.