MỘT LINH ĐẠO TỔNG HỢP HAI CHIỀU KÍCH
TRONG ĐỜI SỐNG TÂM LINH
CỦA NGƯỜI Á CHÂU

 

LIÊN NGÔI VỊ VÀ SIÊU NGÔI VỊ

Bài phát biểu của cha Sebastian Painadath tại hội thảo về "Giáo Hội Châu Á trong thế kỷ 21". Bài này gợi ý về một nền linh đạo mới cho các linh mục, tu sĩ và cả giáo dân ở châu Á với những nét cơ bản, đúng đắn và quân bình".

Trong một lần ngỏ lời với các giám mục châu Á có mặt tại Manila năm 1970, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói : "Châu Á là một lục địa với nhiều dân tộc mà cứ nhìn vào lịch sử quá khứ của họ ta sẽ thấy họ rất có ý thức về những giá trị thiêng liêng đã từng chi phối tư duy của các nhà hiền triết và đời sống của quảng đại quần chúng" (1). Châu Á là nơi cưu mang rất nhiều tôn giáo của thế giới. Tâm linh của người châu Á mang một đặc điểm sâu xa là không ngừng tìm kiếm Đấng Siêu Việt, Đấng Tối Hậu, Đấng Thần Linh. Nhờ say sưa tìm kiếm như thế mà châu Á đã có cả một kho tàng phong phú các nhà hiền triết và không biết bao nhiêu là linh đạo khác nhau. Tâm hệ của người châu Á là một tâm hệ đa dạng trong hành trình tâm linh. "Đa dạng không phải là một điều gì đáng tiếc và đáng dẹp bỏ, nhưng là một điều đáng mừng và đáng phát huy, vì nó là biểu hiện sự phong phú và mạnh mẽ. Muốn biết có khả năng hài hoà thật sự hay không thì cần trắc nghiệm khả năng chấp nhận sự đa dạng phong phú ấy" (2).

Đã đa dạng trong hành trình thiêng liêng thì cũng sẽ có sự đa nguyên rất lớn. Tuy nhiên, bên trong sự đa nguyên ấy ta có thể phát hiện thấy có hai luồng tâm linh, hai cách để kinh nghiệm mầu nhiệm sâu xa nhất của thực tại. Xét cho cùng, đó là một con đường với hai nẻo khác nhau để kinh nghiệm Thần linh : Liên Ngôi Vị và Siêu Ngôi Vị. Thật ra, trong ruột của mọi tôn giáo ta đều thấy có cả hai nẻo đường ấy, nhưng khi thì nẻo đường này nổi bật hơn, lúc thì nẻo đường kia trổi vượt hơn. Hy vọng rằng sau khi suy nghĩ về những yếu tố chính làm nên hai nẻo đường ấy, ta sẽ thấy rõ hơn thế biện chứng giữa hai bên và nhu cầu cần phải kết hợp hai bên thế nào trong đời sống tâm linh.

CON ĐƯỜNG LIÊN NGÔI VỊ

Nếu theo con đường Liên Ngôi Vị, ta sẽ nghiệm thấy Thần Linh là một Thiên Chúa hữu vị. Từ đó, giữa con người và Thiên Chúa sẽ nảy sinh một quan hệ Liên Ngôi Vị. Đây là quan hệ theo kiểu "Ngã và Tha". Thiên Chúa là Ngã đến gặp con người là Tha trong yêu thương ; và con người từ đó ý thức được chủ thể tính của mình sẽ đáp lại Tha Thể Thần Linh ấy trong tinh thần phó thác. Người ta thường diễn tả sự gặp gỡ giữa mình với Tha Thể Thần Linh ấy bằng những biểu tượng mang tính ngôi vị như cha, mẹ, chúa, vua, bạn và lang quân. Môi giới ưu tiên được dùng để hai bên liên lạc với nhau ở đây là lời nói ; khi bên này nói thì bên kia nghe. Có một thế biện chứng liên tục giữa mặc khải và hưởng ứng, giữa lời yêu sách và thái độ ngoan ngoãn phó thác. Và tội chẳng qua chỉ là không chịu nghe Lời nói và Ý muốn của Thiên Chúa.

Quan hệ Ngã và Tha giữa con người và Thiên Chúa được biểu hiện cụ thể trong các việc làm. Thiên Chúa bước vào cuộc đời con người qua các biến cố, được coi là những biến cố mang tính cứu độ. Rồi con người đáp lại những yêu cầu của Thiên Chúa thông qua những hành vi "thi hành Ý muốn của Chúa". Như thế, quan hệ giữa con người và Thiên Chúa này sẽ tạo ra một linh đạo nhấn mạnh tới luân lý và ý thức về tội lỗi. Sự công bằng trở thành bận tâm chính yếu của người có tôn giáo. Quan hệ Liên Ngôi Vị với Thiên Chúa cũng tạo ra những cộng đoàn nhân loại rất nhạy cảm với những quan hệ nhân bản Liên Ngôi Vị. Từ đó, tôn giáo đương nhiên dẫn ta tới chỗ phát huy trách nhiệm với xã hội và tạo ra những cộng đoàn cứu độ. Người có tôn giáo cảm thấy bị ràng buộc với nhau trong một cộng đoàn thiêng liêng ; cộng đoàn này chính là nơi và là trung gian cho họ cảm nghiệm được sự có mặt của Thiên Chúa, một sự có mặt vừa đặt ra những yêu sách vừa cứu độ con người. Ý thức về lịch sử cũng được khai sinh trong cộng đoàn ấy vì Thiên Chúa đã có những hoạt động cứu độ ngay trong thế giới này. Nhờ vậy, lịch sử bây giờ trở thành lịch sử của sự cứu độ. Quan niệm sự cứu độ mang tính cộng đoàn và mang tính lịch sử như thế là hệ quả của những quan hệ Liên Ngôi Vị giữa con người và Thiên Chúa. Thiên Chúa có mặc khải thì sẽ mặc khải trong lịch sử và thông qua cộng đoàn.

Đã kinh nghiệm Thiên Chúa như một Tha thể có ngã vị thì hẳn các việc đạo đức, đọc kinh và cử hành các nghi thức phải đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tôn giáo của những tín đồ này. Từ đó, các nơi thờ phượng như đền chùa và nhà thờ có ảnh hưởng rất lớn trong việc định hình đời sống tôn giáo của họ. Và không lạ gì các chức sắc lo việc tế tự như các linh mục đã nắm quyền thống trị một cách nào đó trong các cộng đoàn tôn giáo này. Cũng vậy, các việc thực hành tôn giáo bình dân đại chúng sẽ mang đậm nét của các nghi thức công phu và các hình thức thờ phượng màu mè.

Một hệ quả khác là người ta lo xây dựng cơ cấu cho cộng đoàn tôn giáo như các chức vụ theo phẩm trật và các bậc sống gắn liền với giai cấp. Một số người hay một số chức vụ sẽ được coi là môi giới giữa Thần linh với con người và vì thế, là những định chế rất linh thiêng. Những người này cảm thấy mình có trách nhiệm giữ sao cho cộng đoàn tín đồ luôn theo đuổi một niềm tin nguyên tuyền, cũng như có trách nhiệm giải thích các biểu tượng trong mặc khải của Chúa với đầy đủ thẩm quyền. Họ đem lại cho các tín đồ cảm giác được an ninh và gắn bó với nhau, được liên tục và sáng sủa trong di sản tôn giáo của mình. Luật lệ và quy định, chuẩn mực và tập quán, những tín điều được định tín hết sức rạch ròi và những luật mẹo hết sức chính xác đóng vai trò quyết định trong việc định hình đời sống tôn giáo của các tín đồ.

Quan hệ Liên Ngôi Vị bao giờ cũng mang tính loại trừ nhiều hay ít. Quan hệ yêu thương sẽ ràng buộc Ngã và Tha một cách mật thiết tới mức người yêu và kẻ được yêu sẽ phải dùng đến ngôn ngữ của sự chiếm hữu và loại trừ. Điều này rất đúng, nếu phát triển quan hệ Liên Ngôi Vị ấy theo kiểu quan hệ giữa một Thiên Chúa hay ghen với một người được yêu thương da diết. Ngôn ngữ của niềm tin rốt cuộc trở thành ngôn ngữ của tình yêu. Người được yêu cảm thấy bị tình yêu của Thiên Chúa nắm lấy và biến đổi ("bhakti"). Từ kinh nghiệm ấy, đương sự sẽ cố gắng đẩy những yêu sách của mình tới mức tuyệt đối và đẩy xa hơn nữa kinh nghiệm thiêng liêng của mình như coi đây là con đường duy nhất, là mặc khải sau cùng, là tiêu chuẩn tuyệt đối, là biểu hiện tối hậu, v.v... Tất cả những điều này đều có hiệu lực nếu đặt trong bối cảnh là đã kinh nghiệm đậm đà thế nào là tình yêu của Thiên Chúa trong quan hệ Liên Ngôi Vị. Nhưng chúng sẽ có thể bị chất vấn, khi biến thành những tiêu chuẩn tuyệt đối (những tiêu chuẩn có tính quy phạm, chứ không phải được quy phạm : "norma normans non normata") cho tín đồ các tôn giáo khác. Một khi ngôn ngữ đức tin và tình yêu được mang lấy lớp áo là các tín điều có tính quy phạm cả cho những người đi tìm Thần linh ngoài khuôn khổ cộng đoàn đức tin ấy, thì thật khó tránh tình trạng chủ trương cực đoan trong tôn giáo ("religious fundamentalism").

Khi một tôn giáo nào đó coi kinh nghiệm riêng của mình là tiêu chuẩn cho hết mọi tôn giáo khác, tôn giáo ấy sẽ mau trở thành không khoan nhượng, cậy quyền, thậm chí đàn áp. Với nỗ lực chinh phục tín đồ, được các nhóm chính trị và kinh tế hậu thuẫn, các tôn giáo độc tài ấy sẽ sớm đánh mất sức sống nguyên thủy của mình là niềm tin và tình yêu. Chủ nghĩa giáo điều và nghi lễ, chủ nghĩa cơ cấu và luật pháp sẽ nuốt hết cái cốt lõi rất thiêng liêng của đời sống tôn giáo. Trong tôn giáo nào ta cũng đều có thể gặp những khuynh hướng ấy.

Vào những lúc nguy biến như thế, một ngôn sứ bỗng xuất hiện. Ngôn sứ ấy sẽ tiết lộ cho biết sự giận dữ của Thiên Chúa và kêu gọi xét lại mọi cơ cấu của tôn giáo. Vị ấy sẽ động viên các tín đồ đào sâu câu trả lời đức tin của mình trước tình yêu Thiên Chúa bằng cách sống một cuộc sống hết sức công bằng. Trong cuộc gặp gỡ của cộng đoàn với Thiên Chúa, vị ấy sẽ truyền đạt lời cứu độ của Chúa cho cộng đoàn và đệ trình lời đáp trả của nhân loại lên Thiên Chúa.

CON ĐƯỜNG SIÊU NGÔI VỊ

Trong con đường Siêu Ngôi Vị, Thần linh được cảm nghiệm như một mầu nhiệm tuyệt đối. Không có biểu tượng mang tính ngã vị nào có thể diễn đạt mầu nhiệm khôn dò của Thần linh. Chính vì thế, để tìm ra Thiên-Chúa-vượt-xa-Thiên-Chúa, hành giả cần phải vượt lên trên mọi danh xưng và hình thức. Trong hành trình tìm kiếm nội tâm ấy ("sadhana"), ta thấy nổi lên những biểu tượng Siêu Ngôi Vị như nền tảng hữu thể, bề sâu của hiện hữu, thinh lặng nội tâm khôn tả và bản ngã cuối cùng của mọi sự. Môi giới giúp ta ý thức về Mầu nhiệm khôn dò ấy chính là sự chiêm niệm. Khi thinh lặng, ta có thể tiến vào những cấp ý thức sâu xa hơn, rồi cuối cùng được trở nên một với Nền tảng hữu thể. Được trở nên trong suốt đối với Thần linh chính là hướng đi căn bản của con đường tâm linh vô ngôn này. Còn đục tối trước Ánh sáng thần linh chính là phạm tội. Tội là vô minh, không biết mình thực sự là ai.

Rốt cuộc, trở nên trong suốt đối với Nền tảng hữu thể chính là một vấn đề hiện hữu : ý thức biến đổi sẽ đưa ta tới chỗ có một sự nhận thức toàn diện về thực tại. Đời sống tâm linh bây giờ bắt đầu mang chiều kích vũ trụ. Khi Ánh sáng thần linh trong nội tâm ta bừng sáng, "ta sẽ nhìn thấy Thần linh ở trong mọi sự và nhìn thấy mọi sự trong Thần linh". Sự chứng ngộ ("jnana") này sẽ làm cuộc sống của con người như được tái tạo. Nhìn thực tại như thế là dựa trên kinh nghiệm thần bí. Cái nhìn toàn diện về thực tại là kết quả của sự giác ngộ. Tìm cách kết hợp và hài hòa với mọi hữu thể sẽ trở thành mối bận tâm chính của những người có tôn giáo. Cá nhân trở nên xa lạ với toàn bộ thực tại, đó chính là nguyên nhân gây ra mọi đau khổ. Tình trạng vong thân ấy là do tâm trí con người luôn có thái độ chiếm hữu. Bởi đó, tu đức chính là tìm cách giải thoát dần khỏi tính ích kỷ và tìm cách hội nhập vào toàn bộ thực tại. Việc này sẽ diễn ra trong đáy sâu ý thức của mỗi người. Thần linh mặc khải, điều ấy sẽ diễn ra khi ý thức của cá nhân được biến đổi, và đến lượt mình người ấy sẽ giúp những người khác tiến tới chỗ hội nhập bản thân mình.

Một khi đã kinh nghiệm Thần linh là một Nền tảng hữu thể Siêu Ngôi Vị như thế, ta sẽ thấy việc khổ chế, suy niệm và khát mong có những kinh nghiệm thần bí trở nên vô cùng quan trọng trong đời sống con người. Không lạ gì, các ẩn viện, các trung tâm tu đức, các đan viện và các "cốc" đã lôi cuốn những người tìm kiếm sự hội nhập thiêng liêng. Các bậc thầy tu đức đã truyền đạt những kinh nghiệm ấy cho người khác qua các thực hành thiêng liêng dưới những hình thức hết sức quy củ, cũng như qua việc chuyên chăm học hỏi Sách Thánh và các kinh điển thiêng liêng.

Bao lâu còn quan tâm tìm cách trở nên một với Thần linh và từ đó, với mọi hữu thể, một sự tìm kiếm không biết mỏi mệt là gì, ta sẽ thấy các cơ cấu bên ngoài, các việc thực hành tôn giáo không còn mang tính quy phạm nữa. Dầu vậy, các thiện nam tín nữ vẫn có thể theo một trường tu đức hay gắn bó với một vi thầy tâm linh đặc biệt nào đó ("guru"), vốn được coi là môi giới của Đấng khôn tả ấy trong ý thức mỗi người. Quan hệ giữa người môn đệ thiêng liêng và vị thầy có thể biến thành một tình bạn hết sức sâu xa, theo đó người môn đệ cảm thấy hết sức yên tâm và minh bạch về việc mình đang đi đúng đường. Tuy nhiên, một bậc thầy tâm linh sẽ không ràng buộc môn sinh của mình với con đường kinh nghiệm riêng của mình. Tốt hơn là chỉ nên khuyến khích họ hãy thăm dò Đấng khôn dò bằng chính những điều kiện của họ.

Hành trình tâm linh này sẽ luôn giữ được tính chất thần bí là nhờ người ta luôn có cảm thức về Mầu nhiệm. Một người có đời sống tâm linh thực sự sẽ nhận thức rằng mọi việc lĩnh hội Chân lý đều chỉ có tính cách manh mún. Cần phải liên lỉ tìm kiếm Đấng siêu việt. Ở đây người ta nhận ra những con đường dẫn ta đến với Thần linh có nhiều tới mức đáng sợ. Không có tôn giáo nào là tuyệt đối hay không có kinh nghiệm tôn giáo nào là có giá trị phổ quát. Ngôn ngữ của người ấy là ngôn ngữ mang tính bao gồm. Để trở nên trong suốt đối với Thần linh, có vô số phương thế, được phản ảnh qua vô số tôn giáo vì Thần linh ở bên trên mọi tôn giáo. Như vậy, thái độ khoan nhượng hết sức quảng đại chính là điều thúc đẩy ta tìm kiếm Đấng Tuyệt đối trong chiêm niệm. Tuy nhiên, thái độ này cũng có thể biến thành thái độ khoan nhượng quá ngây thơ, nghĩa là không biết phê bình xây dựng nhau. Ta có thể đi tới chỗ để mặc cho kinh nghiệm tôn giáo phát triển dưới đủ mọi hình thức, mà không cần biết trong đó những yếu tố nào là phi nhân. Kết quả là trong các tôn giáo ấy ta có thể tìm gặp những phong tục và tập quán mang tính khai thác, lạm dụng, bên cạnh những hình thức thờ phượng và thần bí rất cao cả. Những khuynh hướng này có thể tìm thấy trong hết mọi tôn giáo.

Chính lúc đó, nhà hiền triết thần bí xuất hiện. Đó là một người say sưa tìm kiếm sự Thật. Trong khi tìm kiềm điều ấy, ngài luôn luôn phê bình tất cả những biểu tượng cụ thể của Thần linh, biểu tượng trong tế tự và trong thần học, trong xã hội và trong đạo đức học. Nhà thần bí kêu gọi mọi người hãy luôn luôn tỉnh táo trước khía cạnh huyền bí của Thần linh. Nhà thần bí là một bậc thầy tâm linh luôn đồng hành với con người trên đường tìm kiếm Thần linh và sẽ giúp mỗi người được tự do để có được những kinh nghiệm ngày càng sâu xa hơn.

TỔNG HỢP HAI CON ĐƯỜNG

Thật ra, hai con đường để kinh nghiệm Thần linh không phải là hai linh đạo loại trừ nhau. Mà đúng hơn, đó là hai cực có quan hệ biện chứng đối với nhau trong một đời sống tâm linh đã được thống nhất. Biện chứng giữa cái Siêu Ngôi Vị và Liên Ngôi Vị, giữa thinh lặng và nói, giữa minh triết và tình yêu, giữa hiện hữu và hành động, giữa trong suốt và buông bỏ, giữa chiêm niệm và sùng bái, giữa hài hòa và công bằng, đó là những yếu tố căn bản làm nên một tâm hệ có sức khai phóng. Trong quá trình phát triển cụ thể kinh nghiệm thiêng liêng ấy nơi bất cứ tôn giáo nào, ta đều thấy một trong hai chiều kích ấy nổi bật lên. Nói chung, các tôn giáo xuất phát từ văn hoá Sêmít có khuynh hướng cổ võ một quan hệ Liên Ngôi Vị giữa con người (cá nhân hay cộng đoàn) với Thiên Chúa. Đang khi đó các tôn giáo bắt nguồn từ Ấn độ hay thiên về một kinh nghiệm Siêu Ngôi Vị với Thần linh. Dù trong Do thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo vẫn luôn luôn có những dòng tâm linh thần bí, nhưng thần học và giáo quyền thường kềm hãm chúng lại vì sợ chúng sẽ bùng phát trong cộng đoàn các tín đồ.

Còn trong Ấn độ giáo và Phật giáo cũng có những hình thức tỏ lòng sùng bái Thiên Chúa, và những phong trào phản kháng của các ngôn sứ, nhưng tất cả đều được đặt dưới một thế giới quan mang tính vũ trụ và thần bí rất rõ. Nếu tổ chức được một cuộc đối thoại đầy tính sáng tạo giữa hai thế giới tâm linh ấy, ta sẽ đẩy mạnh được sự thống nhất các yếu tố năng động ấy của đời sống tâm linh.

Chính nhờ tổng hợp và thống nhất như thế mà một nền tâm linh mới sẽ được khai sinh, dựa vào một nhận thức mang chất thần bí về sự hòa điệu của vũ trụ và dựa vào sự dấn thân để giải phóng toàn diện, bằng cách vừa chiêm niệm vừa biết cảm thông, vừa cô độc vừa biết sống liên đới.. Để nền tâm linh toàn diện này xuất hiện tại châu Á, mỗi cộng đoàn tín đồ cần phải biết nhìn vào các nguồn lực làm nên đời sống tâm linh với thái độ tự phê tự kiểm, đồng thời phải biết cởi mở đón nhận những sự di chuyển của Chúa Thánh Thần trong các cộng đoàn tôn giáo khác. Đức giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã giới thiệu ý nghĩa thần học của việc đối thoại liên tôn : "Khi chúng ta cởi mở với nhau là chúng ta đã cởi mở đối với Thiên Chúa", vì "chúng ta đang cùng với các tín đồ thuộc các tôn giáo khác đi tìm mục tiêu mà Chúa đã đặt cho ta" (3).

Đời sống và suy tư của các cộng đoàn Kitô giáo tại châu Á đã được định hình thế nào phần lớn là do những yếu tố gốc gác Sêmít chứa đựng trong nền tâm linh và những lề lối tư duy của châu Âu. Chúng ta đã nhấn mạnh quá nhiều tới những khía cạnh mang tính lôgíc và cơ cấu của tôn giáo, tới mức hy sinh luôn khía cạnh trực giác và thần bí. Giáo hội chúng ta chỉ có thể hiện diện tại châu Á một cách có hiệu quả, khi biết khôi phục lại chiều kích thần bí trong đời sống và suy tư của các cộng đoàn Kitô giáo. Liên hiệp Hội đồng giám mục Á châu (FABC) đã nhận thức điều đó và đã phát biểu bằng những lời lẽ không mơ hồ chút nào : "Thức tỉnh trước mầu nhiệm Thần linh có mặt khắp nơi mà lại siêu việt tất cả, đó chính là nét đặc trưng của nền tâm linh châu Á" (4). "Chúng ta sẽ chỉ nói được với châu Á khi các anh chị em đồng bào của chúng ta nhìn thấy nơi chúng ta những dấu tích của những người đã nhận thức Thiên Chúa. Ta có thể trở nên đáng tin là do ta sống trung thực" (5).

LÀM SỐNG LẠI CHIỀU KÍCH THẦN BÍ TRONG GIÁO HỘI

Hiện nay Giáo hội đang sống trong một tình cảnh hoàn toàn mới. Nhờ có dịp gặp gỡ các tôn giáo thần bí ở châu Á mà Giáo hội đã ý thức được rằng một tôn giáo mà không có chiều sâu thần bí thì sẽ không còn là tôn giáo vì nó không thể giúp con người gắn bó với Thần linh. Các lý thuyết thần học có mạch lạc đến đâu, các giáo huấn luân lý có chi tiết đến đâu và các nghi thức được cử hành có kỹ lưỡng đến đâu cũng không thể làm biến đổi đời sống con người, nếu chúng không thường xuyên được nuôi dưỡng bởi những kinh nghiệm thần bí kín đáo trong tôn giáo ấy. Lời nói, khi giảng giải, dạy dỗ và cầu nguyện, mà không sinh ra từ sự chiêm niệm thinh lặng dù vất vả cực nhọc, thì sẽ không đưa Lời Chúa đến với tâm hồn con người được. Các cơ cấu Giáo hội, dù có vận hành tốt đến đâu, cũng không thể đụng chạm được đời sống thật của con người nếu các cơ cấu ấy không hoạt động với tấm lòng thông cảm. Đạo đức học mà không xuất phát từ sự nhận thức thần bí thì sẽ thoái hóa thành chủ nghĩa vụ hình thức. "Người Kitô hữu trong tương lai phải là một nhà thần bí, nếu không thì không còn là Kitô hữu" (Karl Rahner).

Trong các việc thực hành tôn giáo của các cộng đoàn Kitô giáo, ta thấy có xu hướng nhấn mạnh nhiều tới quan hệ Liên Ngôi Vị với Thiên Chúa như với Tha thể. Từ đó, người ta phải dành ưu tiên cho các kinh đọc ngoài miệng, các nghi lễ công phu, các cơ cấu hành chánh và các nghiên cứu thần học dựa trên các khái niệm. Cũng từ đó, người ta bỏ quên kinh nghiệm nội tại của mình về Thần linh trong tư cách là chủ thể của con người chúng ta. Kinh nghiệm này ta đã được Thiên Chúa khai tâm chỉ vẽ qua Đức Kitô trong Thánh Thần. Muốn có kinh nghiệm này, cần biết suy niệm, cần có một nhân sinh quan nặng tính chiêm niệm, cần biết thinh lặng trước mầu nhiệm Thần linh và cần hết sức tôn trọng "không gian linh thiêng", trong đó Thánh Thần đang làm việc trực tiếp với con người. Làm sống lại chiều kích thần bí trong cuộc sống cá nhân và cộng đoàn Giáo hội là một nhu cầu cấp thiết của thời đại. Đây là con đường duy nhất để ta làm sống lại sự dị biệt phong phú của Giáo hội trong các đoàn sủng. Tìm kiếm những kinh nghiệm thần bí thật sự đã trở thành nhu cầu bức bách trên khắp thế giới ; tìm kiếm các bậc thầy thần bí đã trở thành nhu cầu quá rõ. Đây chính là một dấu chỉ của thời đại, có kèm theo những yêu cầu đặt ra cho Giáo hội hôm nay.

Với sự nhạy cảm bẩm sinh về những gì là thần bí, các Kitô hữu châu Á sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục lại chiều kích thần bí trong Giáo hội toàn cầu. Các giám mục châu Á đã nhận ra sứ mạng ấy : "Chúng ta đang sống tại châu Á, quê hương của những truyền thống chiêm niệm vĩ đại. Giáo hội Công giáo thưòng bị người khác nhận xét là không tham gia vào các truyền thống chiêm niệm ấy, vì chỉ ưu tiên quan tâm tới bộ mặt bên ngoài, các nghi lễ và các hội hè" (6). Ở đây có một vấn đề quan trọng hơn. Khi quan niệm Thiên Chúa một cách phiến diện như đối tượng trên hết của mọi sự thờ phượng, ta sẽ rơi vào nguy cơ là vụ nghi lễ, vụ giáo điều, vụ luật và vụ cơ cấu. Còn phải nhận thức Thần linh là chủ thể tối cao của các kinh nghiệm nữa, là cái Ngã sau cùng của con người chúng ta, là Thánh Thần đang nói từ trong chúng ta (Gl 4, 6). Đây là một sự nhận thức mang tính thần bí và "người tín đồ tương lai không thể không là một nhà thần bí" (Karl Rahner). Chiêm niệm là đường (marga) đưa ta tới một "cách làm Kitô hữu thật mới mẻ trong ngày hôm nay" (Đức Phaolô VI). Chiêm niệm là tỉnh táo với Thánh Thần là Đấng "muốn thổi đâu thì thổi" (Ga 3, 8). Người chiêm niệm lúc nào cũng lắng nghe "Thánh Thần phán dạy với cộng đoàn" (Kh 3, 13). Bao lâu còn muốn là lời đáp trả với Thánh Thần, đời sống tâm linh của ta phải là kết quả của sự chiêm niệm. Câu hỏi mà người phụ nữ Samari hỏi ngày xưa cũng là câu hỏi mà ai ai có đạo cũng hỏi : tôi phải thờì phượng Thiên Chúa (như thờ phượng một Tha thể) trong ngôi đền nào ? Và Đức Giêsu đã trả lời : "Thiên Chúa là Thần khí, và ai thờ phượng Chúa thì phải thờ phượng trong Thần khí và sự thật" (Ga 4, 24). Đây là một cách công khai mời gọi chúng ta hãy trở thành những con người thiêng liêng nhờ tập tành chiêm niệm.

Chính Đức Giêsu cũng đã từng coi kinh nghiệm chiêm niệm này là điều kiện tiên quyết mà người môn đệ cần có để thi hành sứ mạng loan báo về Ngài : "Lạy Cha, xin cho họ nên một như Cha đang ở trong Con và Con đang ở trong Cha ; xin cho họ hoàn toàn nên một để thế gian tin rằng Cha đã sai Con" (Ga 17, 21-23). Kinh nghiệm hiệp nhất sâu xa trong đời sống nội bộ của Ba Ngôi chính là một kinh nghiệm thần bí. Chiêm niệm là chính nhịp đập của công cuộc phúc âm hoá. Các giám mục châu Á đã nhận thức điều này và đã không ngừng đưa ra những đề nghị cụ thể : "Chúng ta đã ý thức hơn về vai trò của sự chiêm niệm trước đây cũng như hiện nay trong hành trình tôn giáo tại châu Á, và về vai trò cần thiết của sự chiêm niệm trong nỗ lực phúc âm hoá" (7). Muốn làm các sứ giả thật sự của hoà hợp và hòa giải, chúng ta cần bắt mình quay về với Chúa và cần phải trưởng thành đủ để có thể ôm ấp hết mọi người vào trong lòng mình bằng một tình yêu không vờ vịt, bằng lòng thương cảm và tha thứ. Muốn vậy, người ta phải có kinh nghiệm chiêm niệm tới mức thấy mình kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, với nhân loại, với toàn thể thiên nhiên và nhờ đó được bình an trong con người mình.

Bởi đó, chúng tôi khuyến cáo mọi Kitô hữu

·                     hãy cố gắng nắm bắt lại chiều kích chiêm niệm và khổ chế trong đời sống Kitô hữu ;

·                     để đạt được mục tiêu này, cần lập những trung tâm cho các Kitô hữu đến thinh lặng và suy niệm một thời gian ;

·                     các trung tâm này cũng mở cửa tiếp đón tín đồ của các tôn giáo khác ;

·                     các Kitô hữu nên học hỏi nơi các truyền thống đức tin khác của châu Á phương cách suy niệm và nội tâm hoá, như zen, yoga, v.v... ;

·                     những ai đã trưởng thành và có kinh nghiệm đức tin nên thử tận dụng những phương tiện được cung cấp ở các cốc và trung tâm chiêm niệm của các tôn giáo khác (8) ;

·                     "Vì cần tìm những hình thức bản địa để diễn tả đức tin, sự thờ phượng và đời sống tôn giáo, chúng ta sẽ lưu ý hơn tới vai trò đặc biệt của các cốc và các hình thức chiêm niệm của Kitô giáo, đã được phát triển nhiều tại các nước châu Á trong thời gian gần đây. Phong trào này đang đáp ứng một nhu cầu quan trọng là nối lại cuộc hành trình lâu hằng bao thế kỷ của những người đi tìm sự chiêm niệm, một trong những đặc điểm của các truyền thống tôn giáo châu Á, và nhắc nhở đất nước chúng ta về thế ưu việt của các giá trị thiêng liêng trong khi nỗ lực đi tìm sự phát triển kinh tế" (9).

"Tạo dựng và hỗ trợ các trung tâm cầu nguyện và chiêm niệm mà tại đó có thể phát triển các hình thức và kinh nghiệm cầu nguyện của châu Á" (10).

"Chúng tôi đề nghị tạo dựng một mạng lưới các trung tâm thiêng liêng, nơi đó bên cạnh việc nghiên cứu và học hỏi, những người tìm Chúa và sự thật thuộc mọi tôn giáo có thể gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm thiêng liêng của mình" (11).

"Cần phải tiến hành công việc nghiên cứu chiều sâu các kinh điển của các tôn giáo, các hình thức cầu nguyện và suy niệm châu Á và các hình thức sùng đạo đúng là của dân gian" (12).

Chiêm niệm không phải chỉ là vấn đề thực hành, mà còn là một nhân sinh quan toàn diện, một động cơ toàn vẹn thúc đẩy ta có những hành vi giải thoát. Từ chiêm niệm người ta mới thương cảm và cuối cùng mới cam kết dấn thân vào công cuộc giải thoát con người, cũng như bảo vệ môi sinh. Chiêm niệm sẽ đưa tới những hệ quả xã hội và môi trường. Nó đưa tâm hồn các tín đồ vào trong một công cuộc theo đuổi điều thiêng liêng và giải thoát chung với nhau (15). Một hành vi mà không xuất phát từ sự chiêm niệm thì không có sức giải thoát. Một lời công bố mà không xuất phát từ trực giác thần bí thì không thể làm biến đổi cuộc sống con người. Những lời nói có sức mạnh là những lời nói phải được cưu mang trong thinh lặng. Các công trình bác ái từ thiện đều phải xuất phát từ tấm lòng thương cảm, và như thế có liên đới được là do đã trải qua cô đơn. Phát triển một nền văn hoá chiêm niệm xem ra rất quan trọng đối với sự sống còn của các cộng đoàn Kitô giáo trên đất Á châu này ; đó chính là chìa khóa của sự hưng thịnh hay suy vong của Giáo hội ("articulus stantis et cadentis Ecclesiae !").

CƯỚC CHÚ

(1) Trích lại trong Tuyên bố của Liên hiệp Hội đồng giám mục Á châu, Đại hội khoáng đại lần thứ hai năm 1978, số 7 (30).

(2) FABC (Liên hiệp Hội đồng giám mục á châu)- BIRA IV/11, 1988, số 15 (32).

(3) Bài nói chuyện của đức giáo hoàng Gioan-Phaolô II với tín đồ các tôn giáo tại Madras, Ấn độ, 1986. AAS ; Bài nói chuyện tại Assisi, ngày 27 tháng 19 năm 1986.

(4) FABC-FEISA I, 1994, số 7.2.3.

(5) FABC. Tuyên bố của Đại hội khoáng đại lần 5, 1990, số 9.2. (288).

(6) FABC. Tuyên bố của Đại hội khoáng đại lần 5, 1990, số 2.3.4. (278).

(7) FABC-BIRA I, 1978, số 16 (95).

(8) FABC-BIRA IV/II, 1988, số 22 (322).

(9) FABC-BIMA II, 1980, số 9 (99).

(10) FABC-BIMA I, 1988, số 7 (294).

(11) FABC-BIRA IV/II, &. 1988, số 17 (311).

(12) FABC. Tuyên bố của Đại hội khoáng đại lần 2, 1978, số 4 (39).

(13) Cf. Sebastian Painandath, dòng Tên, "Chiêm niệm và giải thoát", Vidyajyoti, (Delhi) 52, (1988), 210-223.