Hành trình hòa giải

SỐNG VIÊN MÃN VÀ HÒA GIẢI NỘI TÂM

                                                                                                                                

Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo

 

T

rong lòng mỗi người có một ước muốn, khi mờ khi tỏ, khi rõ ràng, khi thầm kín, nhưng luôn mãnh liệt và là nguồn gốc gây hứng thú cho mọi cố gắng và nỗ lực tìm kiếm: đó là ước muốn sống viên mãn. Người ta không chỉ ước mơ được sống, nhưng sống hạnh phúc, sống đầy tràn; sống không những đời này mà còn muốn vươn mãi về cõi vô tận đời sau. Thế mới có truyện lên núi tìm thuốc trường sinh. Con đường có thể khác nhau, nhưng ước muốn vẫn là một: người thì tích lũy tiền bạc, người khác lại vất tiền bạc đi; một người tỏ ra hách dịch, khinh người, người khác lại đơn sơ dễ dãi và khiêm nhường phục vụ. Hai thái độ và hai hành động rất khác nhau và còn trái ngược nhau nữa, nhưng lý do thúc đẩy vẫn chỉ là một: sống hạnh phúc.

Ước muốn là thế, nhưng thực tế nhiều khi trái ngược. Thay vì sống hạnh phúc, sống đầy tràn, cuộc sống lắm khi vật vờ và hoi hóp hay lắm khi bị bóp nghẹt vì những hiềm thù, xung khắc trong các mối liên lạc trong gia đình, giữa cha mẹ con cái, giữa vợ chồng, giữa anh em họ hàng; ngoài xã hội và trong môi trường làm việc... Cuộc sống có khác chi một mạch nước đang chảy suôi dòng đến một khúc nào đó bị ứ đọng lại vì có những rác rưởi cản trở không cho mạch nước tiếp tục chảy.

Trong chiều hướng đó, con tim hạnh phúc là con tim đã được hòa giải: hòa giải với Chúa, với chính mình, với đồng loại và với vũ trụ thiên nhiên. Nếu không có hòa giải, lòng không thể cảm nghiệm được niềm vui mừng hạnh phúc và không thể sống đầy tràn. Ở đây chỉ xét đến hành trình hòa giải nội tâm, đặc biệt trong mối tương quan với đồng loại.

I. Ba nấc của cuộc hành trình hòa giải

Hòa giải nội tâm là một cuộc hành trình, có nghĩa là một tiến trình từ từ đi qua nhiều chặng.

1. Ý chí quyết định tha thứ, thương yêu

Hòa giải, trước tiên, là một quyết định của ý chí phát nguồn từ một con tim đại lượng, biết tha thứ và thương yêu. Tha thứ và thương yêu không phải vì người khác dễ thương, nhưng vì bản tính của tình yêu là thương yêu. Một tình yêu mà không thương yêu là phủ nhận chính mình. Đó chính là lý do Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ của Chúa phải thương yêu cả những người ghét họ: "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện" (Mt 5,43-48).

Trong cuộc hành trình hòa giải, quyết định của ý chí là yếu tố nền tảng. Khi ý chí đã quyết định tha thứ và thương yêu thì lòng đã hòa giải với người anh em rồi. Các Thánh Tử Đạo, khi bị người đồng thời ghét bỏ và chém giết, các ngài vẫn tha thứ và thương yêu họ, thì các ngài vẫn sống trong mối hòa giải với họ.

2. Hóa giải các tình cảm để xoa dịu và chữa lành các vết thương trong nội tâm

Tuy ý chí đã quyết định, tình cảm không luôn vâng theo; trái lại thường là đi ngược lại hướng đi của ý chí, có khác chi một người người quyết định đi thăm bạn, nhưng bước ra khỏi cửa thì gặp bão, gió thổi bật ngược lại; lắm khi sức gió quá mạnh, người đó đành trở vào nhà. Vì vậy, để thực hiện quyết định của ý chí, cần phải hóa giải tình cảm trong lòng. Việc hóa giải tình cảm để xoa dịu và chữa lành các vết thương trong lòng là một cuộc hành trành lâu dài đòi nhiều cố gắng và kiên nhẫn. Nhưng có chi trên đời mà không cần phải trả một giá. Điều chi càng qúy báu thì giá càng cao. Đàng khác, như môn đệ của Chúa Giêsu, người tín hữu cũng biết là không đơn độc trong cuộc hành trình. Chính Chúa Giêsu đã đến để chữa lành: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học nơi tôi, vì tôi hiền hậu và khiêm nhường thật trong lòng và tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì thực ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng"(Mt 11,28-30).

Nhưng Chúa không chỉ truyền bảo hay mời gọi. Ngài giúp, Ngài ban cho được sống đầy tràn. Ai rộng mở tâm hồn đón nhận là tìm được sức sống mới. Sách Tin Mừng thuật lại rất nhiều cuộc gặp gỡ với Chúa đem lại sự sống, vui mừng và hạnh phúc. Dưới đây là một đôi trường hợp:

Trường hợp thứ nhất là cuộc gặp gỡ của ông Da-kêu với Chúa:

Đức Giê-su tới Giê-ri-kô và Người đi ngang qua thành phố. Và kìa, có một người tên là Da-kêu, đầu mục những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: "Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi muốn đến thăm và ở lại nhà ông!" Ông vội vàng trụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người đều lẩm bẩm chê trách: "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!" Còn ông Da-kêu thì đứng mà thưa với Chúa rằng: "Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã lường gạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn". Đức Giê-su nói về ông ta rằng: "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất" (Lc 19,2-10).

Ông Da-kêu được giải thoát khỏi những cản trở đè ép tâm hồn, có sức nhìn nhận các lỗi lầm và đền bù gấp bốn những gì đã làm thiệt hại người khác và hơn thế nữa, còn mở lòng lấy nửa gia tài để giúp đỡ những người xấu số. Mạch nước đã vươn lên; cuộc sống đầy tràn và tâm hồn cũng vui tươi hạnh phúc hơn.

3. Hàn gắn mối dây liên lạc với người khác

Khi đã hóa giải các tình cảm trong lòng thì cũng có thể hàn gắn được mối dây liên lạc với người anh em. Đây là chặng chót trong cuộc hành trình hoà giải. Tuy nhiên, không phải hễ hóa giải được lòng mình là có thể hàn gắn mối dây liên lạc với người anh em, vì điều này cũng còn tùy thuộc vào người anh em nữa. Có thể tôi đã hóa giải xong các tình cảm của tôi, nhưng người anh em chưa hóa giải hay chưa bắt đầu hóa giải các tình cảm của mình. Trong trường hợp này, cần kiên nhẫn chờ đợi và cầu nguyện để trợ lực cho người anh em trong cuộc hành trình hoá giải tình cảm của người ấy.

II. Nguyên nhân chính yếu

Các nguyên nhân làm mất thanh bình nội tâm và mất hạnh phúc thì nhiều, nhưng nguyên nhân trầm trọng nhất và năng gặp nhất là các tình cảm và nếu không được hóa giải, chúng sẽ tụ tập lại dày xéo tâm can và làm cho trở nên như thửa đất khô cằn.

1. Các loại tình cảm chính yếu

Các tình cảm gây khốn khổ cho cuộc sống, cho chính mình và cho tha nhân, nhất là những người gần gũi thì nhiều, nhưng tựu trung có thể gom lại thành 3 loại chính:

- Tức giận: thứ tình cảm này biểu lộ dưới nhiều hình thức, tỉ dụ như bực tức, tránh lé, bất hợp tác, khinh miệt, nghi kỵ, loại trừ, bạo động, thù hằn...

- Lo sợ: tình cảm này diễn tả qua sự mất bình tĩnh, run rẩy, ngập ngừng, thiếu ý chí, dễ chiều theo ý người khác dù phải làm ngược lại các giá trị, tiêu chuẩn sống.

- Buồn sầu: tình cảm này diễn tả dưới những hình thức như chán nản, ngao ngán, thụ động, lười biếng, khép kín...

Những tình cảm này thường làm mất an bình trong mối tương quan với Chúa, với tha nhân và ngay cả với chính mình. Lắm khi chúng âm ỉ làm cho cuộc đời mất sức mạnh và hứng thú, nhưng có khi chúng mãnh liệt đến độ làm tê liệt tất cả sức sống, nên chi cuộc đời hết là cuộc hành trình hạnh phúc, có khác chi một mạch nước bị rác rưởi chặn đường làm tắc nghẽn, không tuôn chảy được.

2. Nguồn gốc của tình cảm

Các cảm tình đó từ đâu đến, do những nguyên nhân nào? Thường có hai nguyên nhân chính yếu. Đó là ý tưởngvết thương lòng.

a) Ý tưởng

- Tình cảm tức giận nảy sinh trước một chướng ngại vật. Khi đang đi mà có ai đứng cản đường thì tự nhiên cảm thấy bực tức.

- Tình cảm lo sợ sinh ra trước một nguy hiểm: nguy hiểm tính mạng; nguy hiểm mất danh dự, mất đồ vật, mất bạn bè; nguy hiểm không được người khác qúy mến và chấp nhận.

- Tình cảm buồn sầu sinh ra trước một mất mát: mất sự vật, mất người thân hay bạn bè; mất danh thơm tiếng tốt, chức vụ hay một dự tính. Sự vật càng qúy báu, nỗi buồn càng sâu đậm.

Nhưng nếu nhìn cho kỹ thì nguyên nhân thực sự của các tình cảm không phải là sự vật bên ngoài mà tại lòng mình. Một người, một sự vật hay một hoàn cảnh sống trở thành chướng ngại vật hay không là tùy thuộc vào mình. Nếu mình nhìn nó như một chướng ngại vật thì nó sẽ gây bực tức; nếu nhìn nó một cách nhửng nhưng hay hơn nữa với con mắt thân thiện, nó sẽ không còn là chướng ngại vật gây tức bực. Đang đi ban đêm thấy bóng người và nghĩ đó là kẻ cướp thì lo sợ run rẩy, tim đập muuốn nhảy tung khỏi lồng ngực. Nhưng nếu nhận ra đó là một người bạn thì lại vui mừng sung sướng. Khi ai coi vật chi là qúy báu không thể thiếu thì khi mất nó sẽ buồn sầu tức bực; nhưng nếu coi đó là truyện bình thường của cuộc đời (bao nhiêu vật đã sắm được rồi đã mất), thì tâm hồn vẫn bình thản trước những đổi thay của cuộc đời. Nên chi nguyên nhân thực sự của các cảm tình là các ý tưởng, là cách nhìn người, sự vật và các hoàn cảnh sống. Hiểu được điểm này là đã nắm được phần lớn bí quyết hòa giải nội tâm.

b) Vết thương lòng

Đây là những kinh nghiệm đau thương trong quá khứ chưa được hóa giải. Kinh nghiệm đau thương có khi xảy ra trong đời sống riêng tư cá nhân, có khi là những bất công, nguy hiểm mà gia tộc, cộng đồng, chủng, quốc gia đã phải hứng chịu và thông truyền qua các thế hệ. Vì thế, có những vết thương riêng tư cá nhân, nhưng cũng có những vết thương cộng đồng (collective wound); có những vết thương đương sự biết dễ dàng, có những vết thương khó nhận ra vì ẩn nấp trong tiềm thức. Mỗi vết thương đều được khắc trong tiềm thức hay trí nhớ với 4 yếu tố:

- Sự kiện;

- Khung cảnh: những điều xảy ra chung quanh sự kiện, chẳng hạn cử chỉ, thái độ, khuôn mặt, danh từ, giọng nói của những người hiện diện;

- Ý tưởng: đây là những ý nghĩa đương sự hiểu về sự kiện và về những thái độ, cử chỉ... của những người có liên quan đến sự kiện.

- Tình cảm: đây là những xúc động, tâm tình của đương sự do những ý nghĩa đương sự đã gán cho sự kiện và thái độ, cử chỉ... của người người xung quanh.

Trong bốn yếu tố, ý tưởng hay ý nghĩa đương sự gán cho sự kiện và thái độ của những người xung quanh là yếu tố nền tảng, vì ý tưởng sinh ra tình cảm.

Khi có gì gợi lại trong trí nhớ một trong những yếu tố trên (sự kiện, khung cảnh, ý tưởng) thì những tình cảm trước kia cũng trở lại hay nói cách khác, đó là đụng chạm đến vết thương lòng. Khi một người có quá nhiều vết thương thì dễ bị đau khổ và khi bị đau khổ thì dễ cắt nghĩa cách tiêu cực; nên chi vết thương đẻ thêm vết thương và khi có quá nhiều vết thương chồng chất trong lòng thì sức sống sẽ ngưng trệ và dễ có những phản ứng bạo động. Để sức sống có thể tuôn chảy và để tìm lại an bình và hạnh phúc, cần phải hòa giải nội tâm.

III. Hành trình hóa giải tình cảm

Hòa giải nội tâm là một cuộc hành trình, có nghĩa là một tiến trình từ từ đi qua nhiều chặng.

Chặng 1: Khiêm nhượng nhìn nhận là mình có vấn đề

Khi có vấn đề chi, người ta thường đổ tội cho người khác, cho ngoại cảnh, có khi cho chính Chúa. Ngón tay thường chỏ ra ngoài, ít khi người ta chịu xoay chiều ngón tay về chính mình. Nhưng đối với các vấn đề nội tâm, căn bản vẫn là cái lòng của mỗi người. Trong truyện «The painted Veil» của W. Somerset Maugham, bà Mẹ Nhất tu viện Mei-tan-Fu khuyên cô đệ tử Kitty: "Này con, không thể tìm được sự yên ổn tâm hồn trong công việc hay trong vui thú, ở ngoài đời hay ở trong tu viện đâu. Phải tìm nó trong nội tâm mình". Đây là một nhận xét rất sâu sắc, áp dụng đúng vào trường hợp tác giả. Dù cặm cụi viết lách, dù du lịch khắp năm châu, ông vẫn không tìm được an bình nội tâm. Ông biết phải tìm nó trong tâm hồn mà suốt đời vẫn không tìm được

Chặng 2: Chấp nhận đau đớn

Quyết định lên đường tiến tới hòa giải và an bình nội tâm, chấp nhận tất cả các đau đớn khi phải gợi lại những vết thương lòng. Đối với vết thương nội tâm, thái độ người ta thường không khác với nhưng vết thương thể xác. Để vết thương thì nhức nhối âm ỉ khó chịu, nhưng đụng đến thì đau đớn nên lại thôi. Vì vậy, cần phải nhất quyết chấp nhận chịu đau và nuôi dưỡng niềm hy vọng nơi Chúa mới có sức kiên nhẫn tiếp tục cuộc hành trình: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng" (Mt 11,28-30)

Chặng 3: "Mở nắp vung" nếu cần

Đây là một hình ảnh lấy từ cuộc sống cụ thể để cắt nghĩa một vấn đề nội tâm. Khi nấu nước sôi, nếu cứ đậy nồi kín nhẹm thì sức hơi nước sẽ làm cho nắp vung phập phồng hoặc nồi nước có thể nổ tung. Nếu mở hé nắp vung để cho hơi nước thoát ra thì nồi nước sẽ bình thản vững vàng.

Cũng tương tự như thế, những tình cảm bì dồn nén và chất chứa trong lòng sẽ phá phách và có khi làm nổ tung. Sức phá phách của tình cảm sẽ diễn tả tùy theo tính tình của mỗi người. Nếu là tính tình sợ sệt và đóng kín, sức phá phách của tình cảm sẽ hướng vào chính đương sự, gây ra nhiều thứ bệnh không có nguồn gốc rõ rệt. Nếu là tính tình bộc phát, sức phá phách của tình cảm sẽ diễn tả qua những la hét, chửi bới và đập phá đồ vật.

Mở nắp vung để cho hơi nước thoát khỏi nồi thì rõ ràng và dễ trong đời sống cụ thể, nhưng đời sống tâm linh thì sao? Có một định luật: các tình cảm khi bị dồn ép trong tiền thức thì phá phách làm mất an bình, nếu đưa lên miền ý thức, chúng sẽ mất sức và ít ảnh hưởng đến nội tâm. Để đưa một tình cảm lên miền ý thức, cần có ba động tác:

a) Không chối bỏ, không chạy trốn, nhưng khiêm nhượng nhìn nhận sự hiện hiện cả tình cảm đó, cho dù nó có làm cho xấu hổ đến đâu.

b) Diễn tả tình cảm đó qua những ý tưởng cụ thể để nhận diện rõ ràng và gọi nó với tên của nó; chẳng hạn tức giận, ghen ghét, thù hằn...

c) Tìm hiểu nguyên nhân của tình cảm đó: một ý tưởng hay một vết thương lòng.

Chặng 4: Cách nhìn mới

Nguồn gốc của tình cảm là ý tưởng và vết thương (những kinh nghiệm đau thương trong quá khứ). Nhưng vết thương cũng là do những cách nghĩ tưởng mà ra. Vì vậy, ý tưởng hay cách nhìn sự kiện là nguồn gốc chính yếu. Hai người đứng trước nửa chai rượu. Một người nhìn nửa có rượu thì vui mừng và mời bạn bè cùng chung vui; người kia nhìn nửa không có rượu thì bực tức và nguyền rủa ai đã uống mất. Nên chi, nếu thay đổi được ý tưởng hay cách nhìn sự kiện thì tình cảm cũng thay đổi. Vì vậy, để hoá giải tình cảm, cần nhìn lại và cắt nghĩa lại sự kiện để hiểu, thông cảm và chấp nhận. Khi một sự kiện được chấp nhận, nó sẽ không làm phiền lòng và tâm hồn được an bình.

Chặng 5: Nhìn với con mắt của Chúa

Chặng 4 tuy có giúp ích rất nhiều, nhưng không đủ để hòa giải tất cả, vì có nhiều sự kiện không thể hiểu được và không biết phải cắt nghĩa thế nào cho hợp lý. Nhưng nếu nhìn với con mắt của Chúa và đặt mình vào vị thế của Chúa thì sự kiện và những người có liên hệ sẽ được dưới ánh sáng khác.

Chúa Giêsu xuống thế và dâng hiến cuộc sống chính mình để nhân loại được sống và được sống dồi dào (Ga 10,10-27); Chúa như vị mục tử nhân lành, bỏ 99 con chiên ở nhà để đi tìm cho được con chiên lạc cuối cùng (Lc 15,4-7). Đứng trên vị thế của Chúa, cách nhìn sẽ thay đổi hoàn toàn và các tâm tình cũng thay đổi theo đó. Cần phải suy niệm Lời Chúa để thay đổi tâm thức, cách nhìn theo tâm thức và cách nhìn của Chúa và thấm nhuần tâm tình của Chúa.

Nói đến suy niệm Lời Chúa xem ra như đòi một truyện không tưởng vì nó đi ngược với tâm thức và nhịp sống bận rộn của xã hội tân tiến máy móc hôm nay. Nhiều người trong xã hội tân tiến hôm nay, vì muốn khỏi bệnh hay muốn sống sung mãn hơn, không ngần ngại bỏ tiền bạc và thời giờ để theo học các khóa Thiền, Yoga hay suy niệm siêu hình (TM), hay đi tập thể dục với những đòi hỏi rất khó khăn. Và đã vô số người làm được. Không lẽ đối với các tín hữu kitô, đi vào thinh lặng để suy niệm Lời Chúa lại cho là không thể làm được? Vấn đề căn bản ở đây là tâm thức, là lòng xác tín. Chợt nhớ đến mấy lời của cụ Phan Bội Châu: "Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông".

Chặng 6: Sống trong lòng xác tín đức tin là được Chúa thương yêu vô điều kiện

Tình yêu hàn gắn, chữa lành tất cả. Khi một người cảm nghiệm oà được thương yêu vô điều kiện, được say yêu thì tâm hồn được an bình. Biết bao người vì những va chạm trong môi trường công ăn việc làm trở thành hung hãn và bạo động, nhưng khi về đến nhà, tìm được tổ ấm đầy ắp thương yêu, thì lại tìm đực an bình và trở thành hiền hòa như một con chiên.

Con người ta dù có thương yêu cách mấy cũng có giới hạn và nhiều khi vì những khó khăn riêng tư cũng có thể trở nên lơ là. Tình yêu của Chúa thì vô biên và chung thủy, sẽ hàn gắn tất cả, có sức chữa lành bất cứ vết thương lòng nào nếu gặp được một tâm hồn biết trở về "mái ấm" của Chúa và trong thinh lặng sống phó thác để cho Lời Chúa thấm nhuần trong tâm can:

"Đừng sợ, vì Ta đã chuộc con,

Ta đã gọi con bằng chính tên của con: con thuộc về Ta.

Nếu con phải băng qua dòng nước, Ta sẽ ở với con,

sông ngòi sẽ không lút được con.

Nếu con phải đi qua lửa, con sẽ không bị cháy sém,

hỏa hào sẽ không thiêu đốt con,

vì Ta là Yahvê, Thiên Chúa của con...

Vì đối với Ta, con rất qúi báu,

vì con đáng giá, và Ta thương yêu con,

Ta đã thí bỏ tất cả để giữ con, đánh đổi các dân nước để bảo vệ mạng sống con.

Đừng sợ, vì có Ta ở với con" (Is 43,1-5)

"Mẹ nào lại quên con đẻ của mình,

đến độ hết chạnh lòng đối với đứa con chính dạ mình đã cưu mang?

Cho dù có người mẹ nào quên con mình đi nữa,

phần Ta, Ta sẽ không bao giờ quên con" (Is 49,15)