CHẾT,
ĐIỀU KIỆN CHUYỂN TIẾP SỰ SỐNG

 

Lã Mộng Thường

 

S ự sống giữ vai trò quan trọng chẳng những bậc nhất mà còn là căn bản của cuộc đời vì nếu không có sự sống, chẳng có gì đáng được đặt ra bởi sẽ không có nhận thức, không sự tốt lành nào có thể được đếm xỉa tới. Thế nên đã có câu nói: "Con chó sống còn hơn con sư tử chết" (GV 9:4). Sự sống con người chất chứa đầy những bí nhiệm của nó vì mặc dầu xác thân mỗi người được sinh ra từ cha mẹ nhưng họ lại không thuộc về cha mẹ. Sự sống không phải là món quà hoặc thành quả của tình yêu đôi lứa mà đôi lứa chỉ là phương tiện cho sự sống xác thân được truyền lại nơi mỗi con người. Chính Thiên Chúa, Đấng Tối Thượng ban phát sự sống (2Mc 7:22f) và cũng chính Ngài nắm giữ vận mạng con người (Dt. 32:39; 1S 2:6). Bình thường, sự sống được hiểu theo nghĩa có sự hiện hữu nơi cuộc đời ở trái đất, hoặc một hành tinh nào khác. Xét về mặt siêu nhiên, sự sống chính là sự vĩnh hữu của linh hồn; linh hồn này được hiện hữu cùng với thân xác nơi trần thế một giai đoạn thời gian và nối tiếp bằng cái chết của xác thân để trở về cõi vô hình, vĩnh cửu, hưởng phần gia nghiệp Chúa dành sẵn cho những ai sống chứng nhân Nước Trời, sống đức tin, sống rao giảng Chúa Kitô Đấng Cứu Độ nhân loại: "Và phàm ai bỏ nhà cửa, hay anh em chị em, hay cha mẹ, hay con cái, hay ruộng nương, vì danh Ta, thì sẽ lĩnh hơn gấp bội và được sự sống đời đời làm cơ nghiệp" (Mt. 19:29).

Một điều hơi lạ là Kinh Thánh nói về Thiên Chúa hiện diện nơi mỗi người, Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài (KN. 1:27), nhưng trong kinh Tin Kính, kinh tuyên xưng đức tin thì không thấy nói rõ ràng điều này, mà lại tuyên xưng Thiên Chúa tạo dựng muôn vật hữu hình và vô hình, một cách bao quát hơn. Nơi các tôn giáo khác cũng nói về một Thượng Đế hiện diện nơi con người, khác chăng chỉ tùy lối diễn tả. Chẳng hạn, Ấn Giáo quan niệm rằng Đại Ngã (Thượng Đế) bao gồm tất cả mọi người và mỗi người đều thuộc về Đại Ngã. Nhận ra bản ngã để từ đó trở về trạng thái nguyên thủy, phần tử của Đại Ngã tức là vô vi, hợp làm một cùng Đại Ngã, con người trở nên thần thông như Hóa Công. Phật Giáo nhìn sự hiện hữu của xác thân con người như chiếc bóng, cuộc sống hiện thực nơi trái đất này chỉ là những ảo ảnh giống như ảo giác của thể vía, vô ngã. Khi con người nhận ra thực thể vô ngã của mình đó là ngộ, phát hiện tâm Chân Như, tâm Phật, tất nhiên trở nên Phật, có nghĩa lúc đó tự giải thoát được những khổ ải sinh, bệnh, lão, tử, tham, sân, si nơi cuộc đời, trạng thái này được gọi là Niết Bàn. Lão Giáo cũng cùng mục đích muốn đưa con người tìm về bản thể tự nhiên bằng cách thực hiện trong lối sống vô vi vì "Theo Lão Tử thì phải để cho con người trở về với cái sống tự nhiên giản dị của họ..." (Lão Tử Tinh Hoa; Nguyễn Duy Cần; Sống Mới, Fort Smith, AR. USA; tr. 200). Trở về với "cái sống tự nhiên" là vô vi, là không bị những kinh nghiệm thế tục, những ham muốn, những rắc rối của cuộc đời ảnh hưởng, ràng buộc. Nói tóm lại, niềm tin chung về sự giác ngộ của con người có thân xác hiện hữu là dẫu sống nơi thế giới này nhưng họ không thuộc về thế giới này mà họ sống cho một thực thể siêu nhiên bởi vì con người thuộc về thực thể siêu nhiên tối thượng là Thượng Đế, dẫu được gọi khác tên do những kinh nghiệm tâm linh khác nhau. Xét thế, các ngành đạo học, dẫu bày tỏ những quan niệm khác nhau, đều nhắm về mục đích đưa con người trở về với nguyên bản tạo thành; điều khác nhau là lối nhìn về Thượng Đế và nghi thức cũng như niềm tin của con người, chẳng khác gì mấy người con có những kinh nghiệm, sự am hiểu khác nhau về một người mẹ để rồi không ai muốn chấp nhận ý kiến hoặc lối nhìn của anh chị em mình nên sinh ra bất bình đến độ nhiều khi có những thái độ quá khích. Hơn nữa, kinh nghiệm sống cũng cho thấy, người nào có sự hiểu biết càng nông cạn, hẹp hòi bao nhiêu thì lại càng tự cho mình là khuôn mẫu bấy nhiêu. Những người càng không tin ở mình bao nhiêu lại càng đặt ra những điều lệ khó khăn để bảo vệ và che lấp sự nông cạn của mình bấy nhiêu.

Nhận định như vậy, hai lối nhìn khác nhau về giá trị sự sống thường hay bị hiểu lẫn lộn, một đàng nhìn cuộc đời con người với chiều hướng tâm linh, và đàng khác, nhìn cuộc đời qua giá trị chỉ là sự hiện hữu của xác thân dầu được biện minh bằng những lý lẽ liên quan đến thần linh. Trước hết, nếu quan niệm hoặc tin thực rằng sự sống thay đổi chứ không mất đi thì giai đoạn hiện hữu của xác thân chỉ được coi như một phương tiện cho một mục đích cao cả hơn và như vậy dù sống hay chết, chẳng có gì đáng cho con người phải e ngại; những danh vọng, chức quyền v.v... đều là phù du nơi trạm hiện thân của phần tâm linh được thể hiện bằng sự hiện hữu của thân xác con người. Nếu chỉ cho rằng chết là hết nên sự sống của thân xác cao cả hơn hết mọi sự như con đẻ của cái nhìn một chiều về ý niệm "Con chó sống còn hơn con sư tử chết" (GV 9:4) thì con người trở thành nô lệ cho cuộc sống xác thân dẫu chối từ vô thần, và như vậy tiền tài, danh vọng, chức quyền mới có giá trị và vị thế tuyệt đối nơi cuộc đời con người. Phỏng câu Phúc Âm "Không ai có thể làm tôi hai chủ..." (Mt. 6:24; Lc. 16:13) đắc thế theo lối nhìn này?

Mọi người, dù sang, hèn, giầu, nghèo cũng nhận thấy mình mang một giá trị bắt nguồn từ sự hiện hữu của xác thân, và nỗi thao thức về ý nghĩa cuộc đời đã được ban cho luôn là khát vọng thúc đẩy con người tìm kiếm. Niềm thao thức này là điểm đầu mối cho triết lý, và sự khát vọng tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời là cội nguồn cho tôn giáo. Tuy nhiên, môi trường sống ảnh hưởng tâm trí cũng như quan niệm của con người để tạo nên những nhận định khác nhau. Bằng chứng hiển nhiên ai cũng có thể nhận thấy là những dân tộc khác nhau có những ngôn ngữ khác nhau. Chính vì quan niệm và nhận định khác nhau, người ta có phản ứng hoặc cách sống khác nhau để rồi từ đó phát sinh nhiều chiều hướng cách biệt. Có lẽ ngày nay không ai thấy sự khác biệt giữa những tiếng gọi hoặc chữ viết Chúa, God, Thượng Đế, Dieu, Dei, Thượng Chủ, Hóa Công, v.v..., nhưng khi đặt vấn đề quan niệm về Thượng Đế thế nào thì chắc chắn hai người cùng tôn giáo sẽ có ít nhất vài điểm bất đồng. Chẳng hạn quan niệm về Chúa, Cha Nhân Từ, thật khó lòng được chấp nhận đối với một người đã phải trải qua những kinh nghiệm khốn khổ trong thời đã qua vì bị người bố đẻ lạm dụng... Chính vì vậy, biết bao lối nhìn và quan niệm khác nhau đã được đưa ra làm mẫu mực cho cùng một mục đích bởi bị tùy thuộc kinh nghiệm sống, và cũng từ đó nhiều đường hướng tiến về một nguồn gốc phát sinh đã mang những tính chất đối nghịch do ảnh hưởng quan niệm khác biệt. Hơn nữa, những ý niệm, quan niệm, hay niềm tin thường hay bị hiểu lầm do "ngữ bất tận ngôn và ngôn bất tận ý." Chẳng hạn người ngoài Công Giáo, và nhiều khi chính ngay người Công Giáo đều thắc mắc về tước vị được tuyên xưng Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria. Do không hiểu biết ý nghĩa, người ta chỉ đặt vấn đề Thiên Chúa là đấng tối thượng, vô thủy vô chung, tự trước vô cùng, sao có thể gọi là Mẹ Thiên Chúa? Có thể đó cũng là lý do mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ II lấy tiêu đề "Mother of the Redeemer" cho thư chung dùng Kinh Thánh nói về Đức Maria của ngài. Những kinh nghiệm đơn giản này chứng tỏ phần nào tại sao có nhiều quan niệm khác biệt về giá trị cuộc sống con người mặc dầu nhận thức chung vẫn là sự sống con người có giá trị riêng không lệ thuộc ý muốn người được sinh ra và mang mục đích tối thượng là tiến dần về điểm hòa nhập với Thượng Đế. Tuy thế, cũng phải nói thêm một khía cạnh và đó là càng những người không nhận ra giá trị và mục đích của cuộc sống thì lại càng tha thiết với sự hiện hữu của xác thân có lẽ vì cho rằng chết đi là hết và mất tất cả những gì thuộc về mình.

Xét như vậy, không lạ gì câu nói của thánh Phao Lô trong thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô "Ngài đã chết vì mọi người, để ai sống thì đừng còn sống cho mình nữa, nhưng là cho đấng chết và sống lại vì họ" (2Côr. 5:15) bày tỏ đặc tính chứng nhân thiết yếu của Kitô hữu. Đối với người Công Giáo, sự sống thể xác là hồng ân Chúa ban cho để làm vinh danh Ngài và chết là trở về với Ngài. Với sức riêng thuộc về bản ngã yếu hèn, con người không tự cứu để thoát khỏi những tham, sân, si, nguy hại cho bản thể đích thực của mình dẫu nhận biết hay không... được gọi tắt bằng tội tổ tông, Đức Kitô đã đến để cứu thoát con người khỏi ách thống trị này. Đức Kitô rao giảng sự sống thần linh cho con người do đó con người sống theo lời giảng dạy của Ngài tức là được sống "nhờ, với, và trong Đức Kitô." Vì thế, Kitô hữu còn được gọi là chết cùng Đức Kitô phần bản ngã yếu hèn của mình để được chia sẻ sự sống thần linh của Đức Kitô trong đức tin nơi Ngài, và như vậy, Kitô hữu sống trong sự sống của Đức Kitô như lời thánh Phao Lô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi. Đời sống của tôi lúc này trong thân xác, tôi sống nó trong lòng tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và phó nộp mình vì tôi" (Galat 2:20). Vì thế, Kitô hữu sống cho Chúa trong Đức Kitô (Roma 6:11; 1Cor 15:22; Eph 4:18; 2Tm 1:1; Tt 2:12); sống trong Đức Kitô là cuộc đời của họ (Côlôsê 3:4). Nói như thế có nghĩa cuộc sống của Đức Kitô phải được thể hiện nơi cuộc đời của Kitô hữu, "Mọi thời và khắp nơi, chúng tôi mang trong thân mình chúng tôi cuộc tử nạn của Đức Giêsu, ngõ hầu sự sống của Đức Giêsu cũng được hiện tỏ nơi mình chúng tôi" (2Côr. 4:10).

Hòa nhập với sự sống thần linh, sự sống xác thân sẽ được nhận rõ không phải là cùng đích cuộc đời bởi ai không phải qua cửa tử mà sự chết đã không phải là giới hạn của đời sống tâm linh, nhưng ngược lại, nó chính là bước chuyển tiếp cho cuộc sống vĩnh hằng. Con người có thể chết vì tiếng tăm, danh vọng, tiền tài thì chết vì đức tin không phải là chuyện khó. Vấn đề còn lại chỉ là sự thực hiện cuộc sống đức tin. Phỏng con người có tin nơi Chúa bằng tin vào sức mạnh của tiền tài danh vọng hay không?

Lã Mộng Thường