Mầu nhiệm

CỦA THẬP GIÁ

 

8 BÀI SUY NIỆM

TÁC GIẢ : ĐỨC ÔNG ĐINH ĐỨC ĐẠO, ROMA
BIÊN TẬP : ĐỨC ÔNG NGUYỄN VĂN TÀI, PHILIPPIN

Mục lục

 

Giới thiệu mở đầu
Bài Suy Niệm I : HÃY NHÌN LÊN THÁNH GIÁ
Bài Suy Niệm II :
QUA THÁNH GIÁ BƯỚC VÀO TÌNH YÊU
Bài Suy Niệm III : SỨC MẠNH TÌNH YÊU TỪ THÁNH GIÁ
Bài Suy Niệm IV : CHÚA GIÊSU, NGUỒN MẠCH SỰ SỐNG
Bài Suy Niệm V : CHÚA GIÊSU, ĐẤNG CỨU CHUỘC NHÂN LOẠI
Bài Suy Niệm VI : TÂM HỒN TÔNG ĐỒ
Bài Suy Niệm VII
: ĐƯỢC SAI ĐI... VỚI CON TIM MỚI
Bài Suy Niệm VIII : TÂM HỒN HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỢNG

 

 

GIỚI THIỆU MỞ ĐẦU

 

Trước những gian nan thử thách, mỗi người chúng ta có thể tự hỏi: các môn đệ của Chúa cần phải sống như thế nào, để có thể đem ánh sáng và hy vọng cho nhân loại? Giáo Hội của Chúa, hay đúng hơn mọi thành phần của Giáo Hội Chúa phải chú tâm làm gì? Nhiều câu trả lời mâu thuẫn nhau làm chúng ta hoang mang. Có thể chúng ta sẽ lạc đường, sẽ chán nản, nếu không nhìn lên Chúa Kitô, để lặp lại với tất cả lòng xác tín trong tâm hồn như thánh Phêrô ngày xưa: "Thưa Thầy, chúng con biết theo ai? Chỉ Thầy mới có lời hằng sống" (Gn 6,68).

Xin gởi đến quý vị và các bạn 24 bài suy niệm để theo Chúa trọn vẹn hơn. Nguồn gốc của những bài suy niệm nầy là do từ tập sách 12 BÀI SUY NIỆM DÀI, gồm 12 chương, của Đức Ông Đinh Đức Đạo, Roma. Soạn giả hân hạnh nhận được từ Đức Ông Đinh Đức Đạo trong một dịp trở về Roma, và được phép sử dụng cho các chương trình phát thanh của Đài Veritas. Để thích ứng với thời gian quy định, soạn giả đã từ 12 chương dài biến hoá thành 24 bài suy niệm ngắn gọn thích hợp cho các chương trình phát thanh trong Mục Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày. Soạn giả và tác giả xin chân thành gởi đến tất cả anh chị em, để chúng ta cùng nhau sống và suy niệm Mầu Nhiệm của Thập Giá trong đời sống Tông Đồ.

Msgr. Phêrô Nguyễn Văn Tài
Manila,
Philippines
e-mail: veritas@mnl.sequel.net

NB Các bài Suy Niệm này đã được đăng trên mạng lưới
các Cha Thừa Sai bên Đài Loan, trang Đài Chân Lý (Veritas)
http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/veritas/index.html

 

Bài Suy Niệm I

HÃY NHÌN LÊN THÁNH GIÁ


Chúng ta đang sống trong giai đoạn chuẩn bị đón chào Ngàn Năm Thứ Ba sau Chúa Kitô. Đây là Mùa Vọng mới của Giáo Hội và của thế giới.

Chúng ta không biết những gì sẽ xảy ra khi chúng ta bước vào năm 2000. Nhưng, như lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, thời gian trước năm 2000 mà chúng ta đang sống đây, là "thời gian chờ đợi, đồng thời cũng là thời gian thử lửa… Đây là thời gian thử thách lớn lao, nhưng đồng thời cũng là thời gian chứa chan hy vọng" (Card. Karol Wotyla, Vita e Pensiero, Milano, 1077, p.224). Trước những gian nan thử thách, mỗi người chúng ta có thể tự hỏi: các môn đệ của Chúa cần phải sống như thế nào, để có thể đem ánh sáng và hy vọng cho nhân loại? Giáo Hội của Chúa, hay đúng hơn mọi thành phần của Giáo Hội Chúa phải chú tâm làm gì? Nhiều câu trả lời mâu thuẫn nhau làm chúng ta hoang mang. Có thể chúng ta sẽ lạc đường, sẽ chán nản, nếu không nhìn lên Chúa Kitô, để lặp lại với tất cả lòng xác tín trong tâm hồn như thánh Phêrô ngày xưa: "Thưa Thầy, chúng con biết theo ai? Chỉ Thầy mới có lời hằng sống" (Gn 6,68). Cần phải nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá, dấu chỉ đặc biệt Thiên Chúa ban cho thời đại chúng ta, để chiến thắng những thử thách. Thánh Giá Chúa Kitô không phải là một hiện tượng trong quá khứ, nhưng là một thực trạng của hiện tại, một biểu tượng cho đau khổ của nhân loại và là dấu chỉ tỏ tường của tình yêu Thiên Chúa.

Nhìn lên Thánh Giá Chúa, biểu tượng của sự đau khổ, chúng ta thấy được sự độc ác của con người, hiểu được sức tàn phá của bạo lực và thù ghét. Mỗi vết thương, mỗi giọt máu trên thân thể Chúa Kitô là một hậu quả của sức mạnh sự dữ cũng như của sức bạo động trong con tim con người. Ông Jean Vanier kể lại trong cuốn sách nhỏ có tựa đề: Nghèo giữa người nghèo, là trong một cuộc nói chuyện tại một trại tù ở Kingston, khi ông còn đang nói, một bạn tù la lối đầy căm phẫn rằng: Anh lấy danh nghĩa gì đến đây nói chuyện? Đối với anh, cái gì cũng dễ hết. Khi tôi lên bốn, lên năm, mẹ tôi bị hiếp ngay trước mắt tôi. Khi tôi lên bảy tuổi, cha tôi bán tôi cho tụi đồng tính luyến ái, để lấy tiền mua rượu. Khi được 13 tuổi, tôi bị cảnh sát bắt. Tôi muốn giết tất cả những người nào nói về tình yêu" (Jean Vanier, Povero tra i poveri, EDB, 1981, p.8). Lời la lối của người tù này nói lên sự bạo động, thù hằn và khước từ tất cả, đã chồng chất trong tim.

Câu chuyện này nhắc chúng ta nhớ đến một khía cạnh hiển nhiên trong thế giới hôm nay, một khía cạnh nhiều khi chúng ta muốn làm ngơ và bịt mắt trốn tránh; khía cạnh đó là thế giới hôm nay đang bị dằn vật bởi cơn lốc bạo động, thù hằn và ganh tị. Các cuộc chiến tranh, tra tấn và đàn áp dã man giữa các quốc gia, chủng tộc, tầng lớp xã hội, là những dấu hiệu hiển nhiên. Trong tim nhiều người, có khi cả những trẻ nhỏ, cũng có chất chứa đầy thù hằn và bạo động. Tệ hơn nữa, trong nhiều môi trường, thù hằn và bạo động còn được ca ngợi như anh hùng, như lý tưởng của cuộc sống. Vì thế mà nhiều nước, nhiều thành thị không còn là nơi yên ổn, nhiều gia đình không còn phải là tổ ấm; thế giới không còn là vườn cây tươi tốt để mời gọi chim chóc đến ca hót, vì con tim nhiều người đã bị nhiễm trùng bạo động và thù ghét.

Tuy nhiên, cần phải nhớ là bạo động, hậu quả của thù ghét, đồng thời cũng là tiếng kêu cầu cứu muốn được giải thoát khỏi sức mạnh của thù ghét. Những người đang sống trong cơn hấp hối của thù ghét và bạo động kêu cứu sự giúp đỡ của những chứng nhân tình yêu, có khả năng đem lại an bình, và chỉ đường đến sự tha thứ và hoà bình.

Cần nhìn lên thập giá Chúa để thấy và hiểu sự hận thù đã tàn phá con người đến mức độ nào. Cần nhìn lên thập giá Chúa để lắng nghe lời kêu cứu của con người cần được giải thoát khỏi áp lực của hận thù. Và cần nhìn lên thập giá Chúa để cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa, Đấng duy nhất có thể cứu rỗi con người và dạy con người sống yêu thương. Thập giá Chúa là dấu chỉ tỏ tường của Tình Yêu Thiên Chúa, Tình yêu chung thủy, cứ tiếp tục yêu thương, cả khi không được đáp trả và bị từ khước. Chỉ Tình Yêu này mới có thể hoá giải và biến cải sức mạnh bạo động, thù ghét trong con tim của con người.

Nhìn lên Thánh Giá Chúa và suy ngắm, chúng ta có thể khám phá ra được đâu là trận chiến căn bản, trận chiến giữa hận thù và yêu thương, và khám phá ra đâu là con đường duy nhất mà nhân loại nói chung, và mỗi một người nói riêng, phải đi qua, để chiến thắng những thử thách của thời đại. Đó là con đường của Thập giá Chúa, con đường của hy sinh, tha thứ và yêu thương như Con Thiên Chúa đã nêu gương. Nhìn lên Thánh Giá Chúa và suy niệm, người môn đệ của Chúa được mời gọi đón nhận và thông truyền sự an bình, yêu thương, tế nhị và kính trọng. Lời nói của người đồ đệ Chúa phải có sức gây thêm thông cảm và xây dựng, khích lệ anh chị em chung quanh. Thiên Chúa yêu thương nhân loại, bằng tình yêu muôn thuở, để giải thoát nhân loại khỏi ách nặng của thù ghét. Thánh Giá Chúa Kitô là một bằng chứng.

Phúc Âm theo thánh Matthêu đã thuật lại như sau: "Chúa Giêsu rảo khắp các thành thị và vùng phụ cận, dạy dỗ trong các hội đường, công bố tin mừng Nước Thiên Chúa, chữa lành mọi bịnh tật và mối thương đau. Thấy đám đông dân chúng Ngài chạnh lòng thương, vì họ bị áp bức và mệt nhọc như đoàn chiên không có chủ chăn. Vì vậy Ngài nói với các môn đệ: Lúa chín thì nhiều, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thêm thợ gặt". (Mt 9, 35-38).

Và sau đó, nơi chương 16, câu 24, Phúc Âm theo thánh Matthêu ghi lại lời cảnh tỉnh của Chúa Giêsu cho các môn đệ đang theo Ngài như sau: "Ai muốn đến với Ta, thì phải từ bỏ mình và vác thập giá mình mà theo Ta."

Lạy Chúa, không có con đường nào khác ngoài con đường theo Chúa chịu treo trên Thánh Giá. Xin thương giúp con luôn biết nhìn lên Thánh Giá Chúa và múc lấy sức mạnh tha thứ và yêu thương anh chị em từ đó. Amen.

 

Bài Suy Niệm II

QUA THÁNH GIÁ BƯỚC VÀO TÌNH YÊU

Bước đường Thánh Giá là một đề nghị khó có thể chấp nhận, vì xem ra có vẻ vô tưởng nhu nhược. Tuy nhiên, xét cho cùng và kinh nghiệm của hai ngàn năm lịch sử ơn cứu độ, nhất là kinh nghiệm đã được thể hiện nơi các vị thánh, đề nghị theo Chúa trên đường Thánh Giá, không phải là vô tưởng, mà là con đường duy nhất, con đường của tình yêu, có sức hoán cải thù ghét và bạo động. Đó cũng không phải là thái độ nhu nhược, nhưng là sức mạnh của tình yêu, của sự đại lượng của con tim không chiều theo bạo động và thù ghét. Đó chính là thái độ thiêng liêng của con tim đã hoàn toàn thoát khỏi thù ghét và bạo động. Đức Cha Helder Camara, người Batây, cảm hứng theo Phúc Âm đã nói: Thà để cho người ta bắn tôi, còn hơn là bắn người ta.

Áp dụng vào những hoàn cảnh gần gũi cuộc sống, tôi tạm nói như sau: Thà rằng tôi bị xúc phạm còn hơn là xúc phạm người khác; thà chịu bị bạc đãi còn hơn là bạc đãi người khác… Chỉ trong tinh thần này chúng ta mới có thể hiểu được những lời dạy của Chúa Kitô và lấy đó làm kim chỉ nam cho cuộc sống hằng ngày. Chúng ta có thể nghe lại những lời đó như sau:

"Các con hãy có lòng nhân hậu, như Cha các con là Đấng nhân hậu. Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán; đừng kết án để khỏi bị kết án; hãy tha thứ và các con sẽ được tha thứ" (Lc 6,36-37).
"Các con đã nghe người xưa nói: mắt đền mắt, răng thế răng. Nhưng Ta nói: Đừng chống lại kẻ dữ; ngược lại, nếu bị vả má phải, hãy đưa luôn cả má trái; ai đưa con ra toà để lấy áo trong, thì hãy đưa luôn cả áo ngoài cho họ nữa; ai bắt con đi một dặm, thì con hãy đi hai. Ai xin thì cho, và có ai muốn vay mượn thì đừng ngoảnh mặt đi. Các con đã nghe nói: hãy yêu thương anh em và ghét bỏ kẻ thù. Nhưng Ta nói: Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những người bắt bớ các con, để các con xứng đáng là con của Cha trên trời, Đấng cho mặt trời mọc soi sáng kẻ dữ cũng như người lành và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Nếu các con chỉ yêu thương những người yêu thương các con, thì hỏi các con đáng phần thưởng chi nữa? Những người thu thuế chẳng làm thế sao? Nếu các con chỉ chào hỏi anh em bạn bè, hỏi có chi là lạ? Dân ngoại chẳng làm thế sao? Vậy các con hãy nên trọn lành, như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành" (Mt 5,38-48).

Những lời trên của Chúa không cần nhiều giải thích, nhưng cần rất nhiều thời giờ từ phiá những ai khiêm tốn lắng nghe Lời Chúa, để cho lời đó thấm sâu vào trong tâm hồn, trở thành xác tín vững chắc, biến đổi nếp sống những đồ đệ Chúa. Những lời trên chỉ rõ cho chúng ta thấy thế nào là theo Chúa trên con đường Thánh Giá để bước vào sống trong tình yêu Chúa và thực hiện tình yêu Chúa giữa anh chị em trong xã hội nhiều tranh chấp và hận thù ngày nay. Thánh Giá Chúa Kitô làm đảo lộn trọn cả cuộc đời chúng ta, đổi ngược tiêu chuẩn sống, các nấc thang giá trị, cách hành động và cách xử thế theo thói thường. Thánh Giá Chúa đòi phải thay đổi hoàn toàn tâm thức. Đó là dấu chỉ mâu thuẫn. Tuy nhiên, chỉ người môn đệ nào khiêm tốn chấp nhận những đề nghị của Thánh Giá, thì mới có thể trở thành Chứng Nhân của Tình Yêu, có khả năng biến cải thế giới thành nơi êm thắm có thể sống được và thành vườn cây xum xuê mời gọi chim chóc quy tụ hót vang. Cac nhà khoa học, các kỹ thuật gia, các nhà tư tưởng, đang cố gắng để góp phần đưa nhân loại vượt qua được những thử thách, tranh chấp hiện tại, để bước vào ngàn năm thứ ba với nhiều an bình hơn. Chúng ta không chối bỏ những cố gắng tích cực này. Nhưng nếu "Thiên Chúa không cùng xây nhà với con người", thì liệu con người có thể thành công hay không? Nếu chấp nhận Thiên Chúa đến cùng xây nhà với con người, thì con người, hay ít ra mọi đồ đệ của Chúa hôm nay phải thật sự theo Ngài trên con đường Ngài đã đi qua, con đường thập giá, con đường hy sinh chính bản thân để xây dựng tình yêu thương.

Lạy Chúa, Thánh Giá Chúa luôn mời gọi chúng con hãy dấn thân tích cực để cho sức mạnh tình yêu Chúa biến đổi cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con nhớ rằng chúng con chỉ có thể chiến thắng quyền lực của sự dữ bằng sức mạnh từ Thánh Giá Chúa mà thôi. Amen.

 

Bài Suy Niệm III

SỨC MẠNH TÌNH YÊU TỪ THÁNH GIÁ

Nếu chúng ta nhìn vào tâm hồn mình, có lẽ chúng ta sẽ thấy là bạo động và thù ghét, những đều xấu chúng ta thường kết án nơi người khác, cũng đang hiện diện trong chính chúng ta. Đâu ai ngờ khi có dịp là chúng xuất hiện như nấm, và dưới nhiều hình thức khác nhau: chỉ trích, kết án cách âm thầm, nghi kỵ, thinh lặng để nói lên thái độ chê bỏ, từ khước, ganh tỵ, chán nản, tức giận… Tức giận là một vấn đề hay xảy ra trong cuộc sống cộng đồng và trong việc phục vụ tông đồ. Tức giận vì không được thông cảm, vì cách làm và cách sống không hợp ý; vì người đó đòi hỏi quá trớn; vì một nhận xét bất công; vì không được kính trọng, hay vì quyền lợi bị đụng chạm… Nhiều khi cơn tức giận bùng nổ hiển hiện, nhưng lắm lúc âm ỉ ngấm ngầm, dưới nụ cười và lời nói nhã nhặn. Tức giận có thể gia tăng đến mức độ căm phẫn chua chát. Và lúc đó, tức giận trở thành một sức mạnh phá phách, có sức làm tê liệt những tâm hồn quảng đại. Vì thế, trận chiến chống lại sự dữ cần bắt đầu từ chính tâm hồn mình, để hoá giải mọi dấu vết của thù hằn và bạo động.

Để đừng nản chí trong cuộc chiến trường kỳ này, người đồ đệ Chúa cần liên lỉ chiêm ngắm Thánh Giá Chúa. Thánh Giá Chúa không những chỉ đường vạch lối cho ta bước theo Chúa đúnh hướng, nhưng còn ban khả năng để yêu thương. Trên Thánh Giá, Chúa Giêsu đã chiến thắng và biến cải hoàn toàn sức mạnh của bạo lực và thù ghét bằng sức mạnh của tình yêu vô biên. Và sau khi đã hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua, sau cái chết trên Thánh Giá và sống lại, Chúa Giêsu Kitô ban cho các đồ đệ Ngài Chúa Thánh Thần để hướng dẫn họ trên con đường yêu thương.

Chúa Thánh Thần chữa lành tâm hồn chúng ta khỏi mọi vết thương, giải thoát chúng ta khỏi nhu cầu muốn đả thương, báo thù, phá đổ, chỉ trích và chúc dữ… Dần dần, Chúa Thánh Thần biến hoá tất cả sự chia rẽ và huỷ diệt trong chúng ta. Ngài phá bỏ các lý do gây chia rẽ, để chúng ta có khả năng thông cảm, hoà giải, và yêu thương tất cả mọi người. Đó là công trình của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn mỗi người chúng ta, môt khi chúng ta chấp nhận tiến bước theo Chúa trên con đường Thánh Giá, chấp nhận để cho ơn cứu chuộc, được thực hiện do bởi Thánh Giá Chúa, thanh tẩy toàn thể con người chúng ta, biến chúng ta thành những chứng nhân của Tình Yêu.

Một cách cụ thể hơn, trong đời sống thiêng liêng, làm thế nào để tiến gần tới Thánh Giá Chúa, để được giải thoát? Con đường thiêng liêng của các thánh ẩn tu trong sa mạc có thể soi sáng chúng ta. Lịch sử về Đời Tu trong sa mạc kể là một ngày kia, Cha Arsenio, khi còn là nghị sĩ và là thày dạy của các hoàng tử Arcadio và Honorio, đứng trước những cám dỗ và cạm bẫy của thế gian, đã cầu nguyện cùng Chúa như sau: Lạy Chúa, xin chỉ cho con con đường cứu độ. Và Cha Arsenio lúc đó nghe thấy có tiếng trả lời như sau: Arsenio, hãy trốn khỏi thế gian và con sẽ được rỗi. Cha Arsenio từ bỏ cung điện và đi vào sa mạc. Trong sa mạc, Cha Arsenio lại cầu nguyện: Lạy Chúa, xin chỉ cho con con đường cứu độ. Một lần nữa Cha Arsenio nghe thấy tiếng trả lời: Arsenio, hãy chạy trốn; Thinh lặng và cầu nguyện luôn thì con sẽ được cứu rỗi.

Câu chuyện của Cha Arsenio đã tóm lược trọn cả con đường thiêng liêng của các thánh ẩn tu trong sa mạc, gồm có ba yếu tố căn bản: ẩn tích, thinh lặng và cầu nguyện liên lỉ. Không phải tất cả đều có thể vào tu trong sa mạc, nhưng tất cả đều có thể thực hiện ba yếu tố căn bản của con đường tu đức này: ẩn tích, thinh lặng và cầu nguyện liên lỉ.

Ẩn tích: đây muốn nói đến một thái độ thiêng liêng hơn là một hành động cụ thể đi vào sa mạc. Ẩn tích nói lên một cố gắng thay đổi cuộc sống, chiến đấu để giải thoát mình khỏi khuynh hướng chạy theo thế gian, cố gắng huỷ bỏ các ảo vọng về mình, để kết hợp mật thiết với Chúa, và thực sự đặt Chúa vào trung tâm cuộc sống mình. Vì vậy, ẩn tích là chấp nhận đi vào cuộc chiến nội tâm, để giải thoát mình khỏi mọi nô lệ cho các vật thụ tạo, để hướng trọn cả tâm trí vào Chúa Giêsu. Nói cách khác, đây là cuộc sống được ẩn dấu trong Chúa.

Thinh lặng: là đi vào trong tâm hồn mình để biết mình và chân nhận ra các ý tưởng và cảm tình thầm kín, ẩn nấp trong tâm trí. Thinh lặng giúp bảo vệ sức mạnh thiêng liêng và lửa tình yêu của Chúa Thánh Thần. Mùa đông, khi cửa mở rộng, sức nóng bay mất, và căn phòng trở nên lạnh lẽo. Cũng vậy, người muốn nói luôn và nói mãi, thì sẽ đánh mất sức nóng thiêng liêng, và sẽ không còn khả năng chống chọi với sức mạnh sự dữ.

Cầu nguyện liên lỉ: đây là trọng tâm của con đường thiêng liêng của các thánh ẩn tu trong sa mạc. Ẩn tích và thinh lặng là những điều kiện chuẩn bị cho việc cầu nguyện, giúp người đồ đệ Chúa được rảnh tay và tự do tiếp xúc tâm sự với Chúa. Trong những giây phút hiệp thông sâu xa này, Thiên Chúa sẽ thông truyền tình yêu của Ngài, để thanh tẩy và củng cố chúng ta trong ơn gọi làm chứng cho tình yêu của Chúa giữa anh chị em.

"Ẩn tích, thinh lặng và cầu nguyện luôn"

Lạy Chúa, chúng con không cần đi xa để vào sa mạc, nhưng có thể thực hiện sa mạc giữa lòng thành phố, ở bất cứ nơi nào chúng con sống, miễn là chúng con biết nhìn thấy và sống sự hiện diện của Chúa nơi đó. Xin thương ban cho con sức mạnh tình yêu đích thực đến từ thập giá Chúa, để con trở thành chứng nhân của Tình Yêu Chúa. Amen.

 

Bài Suy Niệm IV

CHÚA GIÊSU, NGUỒN MẠCH SỰ SỐNG


Được mời gọi dấn bước theo Chúa Giêsu trên con đường thánh giá, người đồ đệ không thể nào không gìn giữ trọn vẹn mối giây liên lạc với Chúa. Trong Phúc Âm theo thánh Gioan, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh cây nho và ngành nho, để diễn tả mầu nhiệm hiệp thông giữa Ngài và các đồ đệ: Cũng như cành nho tự mình không thể mang lại hoa trái, nếu không kết hợp với cây nho. Các con cũng vậy, nếu các con không ở trong Ta. Thầy là cây nho, chúng con là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, thì sẽ mang lại nhiều hoa trái, vì tách lìa ra khỏi Thầy, các con không thể làm gì được" (Gn 15,4-5).

Chúa Giêsu là nguồn mạch của cuộc sống và sứ mệnh của chúng ta. Nếu chúng ta để mất mối giây liên lạc mật thiết với Ngài, thì không những chúng ta không thể chu toàn sứ mệnh mà còn mất luôn cả ý nghĩa cuộc đời. Trong hoàn cảnh đó, ơn gọi tông đồ sẽ bị biến thành dụng cụ để tìm kiếm chính mình hoặc các tư lợi ích kỷ; các tiêu chuẩn Tin Mừng sẽ biến mất, và trong tâm trí sẽ dấy lên vô vàn nghi vấn về cuộc đời tông đồ tận hiến. Kết quả là chúng ta sẽ dễ dàng chạy theo đám đông. Vì vậy, điều thiết yếu trong cuộc đời tông đồ tận hiến là phải sống gần Chúa, để đào sâu và làm cho mới luôn mãi mối giây liên lạc thân tình với Chúa và tiến lên mãi trong mối hiệp thông với Ngài.

Cuộc gặp gỡ với Chúa biến đổi tâm hồn chúng ta theo con tim của Chúa Kitô. Tuy nhiên, cần hiểu rõ là sống gần Chúa không có nghĩa là bỏ mặc anh chị em xung quanh với những vấn đề của họ, nhưng nhờ sống gần Chúa mà chúng ta có thể tập và thành công nhìn thế giới với đôi mắt của Chúa và yêu thương thế giới với con tim của Chúa. Như thế, tiến gần Chúa và sống thân tình với Ngài sẽ giúp chúng ta quan tâm và phục vụ anh chị em một cách trung thực hơn.

Thánh Phaolô tông đồ có thể nêu gương cho chúng ta về điểm này. Lòng hăng say tông đồ của ngài phát sinh từ tâm hồn say mến Chúa Giêsu. Nhiều lần ngài đã tâm sự cho những con cái tinh thần của ngài như sau:

·        Đối với tôi, sống chính là Chúa Giêsu (Pl 1,21).

·        Không còn phải là tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi (Gl 2,2).

·        Tình yêu của Chúa Kitô thúc đẩy chúng tôi (2C 5,14).

·        Tôi biết Đấng tôi tin tưởng (2Tm 1,12).

·        Ai có thể chia lìa chúng ta khỏi tình yêu của Chúa Kitô? Các cơn thử thách ư? Sự lo âu, các cơn bách hại ư? Đói kém? Trần truồng? Nguy hiểm? Gươm giáo?… Tôi chắc chắn một điều là dù sự chết, dù mạng sống, dù các thiên thần, dù hiện tại, dù tương lai, dù các quyền lực, dù trời cao, dù vực thẳm, dù bất cứ một thụ tạo nào, không gì có thể chia cách chúng ta khỏi tình yêu chủa Thiên Chúa được mạc khải trong Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta (Rm 8,35-39).

Con người của thánh Phaolô rất sâu sắc và có thể nói cũng là phức tạp. Tuy nhiên, tất cả đều được xây đắp trên một nền tảng duy nhất là Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu là trung tâm cuộc đời. Chúa Giêsu là sức mạnh nâng đỡ ngài, khích lệ ngài, ban nguồn sinh lực cho ngài. Chính vì vậy, chúng ta không thể hiểu được thánh Phaolô, nếu chúng ta tách rời ngài khỏi Chúa Giêsu. Tất cả cuộc đời đều hướng về Chúa Giêsu. Thật đúng là ngài say mê Chúa Giêsu. Nhưng đây không phải là một thứ say mê tình cảm, mà là tình yêu đích thực, là kết quả của một đức tin xác tín mạnh mẽ rằng Chúa Giêsu là Chúa và là Đấng cứu thế duy nhất của nhân loại. Chính vì vậy mà thánh Phaolô đã trung thành với Chúa Giêsu trong mọi hoàn cảnh, dù thử thách, dù gian nguy, dù bị bách hại…. (x. Rm 8, 35-39). Lòng say mê yêu mến Chúa nơi ngài được biểu lộ phần nào qua cách thức ngài tự giới thiệu mình với dân chúng. Ngài là một người biệt phái, một tiến sĩ luật, một nhà trí thức. Đó là những tước hiệu đem lại vinh dự và vinh quang. Tuy nhiên, thánh Phaolô không dựa vào những tước hiệu đó và không giới thiệu mình với tước hiệu này. Trái lại, ngài luôn tự giới thiệu dưới những tước hiệu sau đây: Phaolô, môn đệ Chúa Giêsu; Phaolô, tông đồ của Chúa Giêsu; Phaolô, tôi tớ của Thiên Chúa; Phaolô, tù nhân của Chúa Giêsu. Có thể nói: Chúa Giêsu là thư giới thiệu, là thẻ căn cước của ngài; Chúa Giêsu là cuộc sống của ngài. Chúa Giêsu là tiêu chuẩn quyết định cho mọi chọn lựa của ngài.

"Trong khi người Do Thái đòi các phép lạ, người Hy Lạp tìm kiếm các sự khôn ngoan, thì chúng tôi rao giảng Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, một nhục mạ đối với người Do Thái, và là sự điên rồ đối với người Hy Lạp; nhưng đối với những người được kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, thì Chúa Kitô là sức mạnh và sự khôn nngoan của Thiên Chúa" (1Co 1,22-24). "Khi đến nơi anh em, tôi không muốn biết gì hơn là Chúa Giêsu Kitô, Đấng chịu đóng đinh" (1Co 2,2).

Phải, chính vì ngài không muốn biết gì hơn là Chúa Giêsu Kitô, Đấng chịu đóng đinh, mà ngài chấp nhận "trở nên nô lệ cho tất cả", "trở nên hoà đồng với tất cả để cố gắng bằng mọi giá cứu vớt tất cả" (x. 1C 9, 19-23).

Lạy Chúa Giêsu của lòng con mến yêu, xin hãy cất xa khỏi con những gì làm con xa lìa Chúa, và hãy ban cho con những gì giúp con đến gần Chúa. Xin hãy giải thoát con khỏi cái tôi ích kỷ, để hiến trọn thân con cho Chúa. Xin bến đổi con trở thành chứng nhân cho tình yêu Chúa mọi nơi và mọi lúc. Amen.

 

Bài Suy Niệm V

CHÚA GIÊSU, ĐẤNG CỨU CHUỘC NHÂN LOẠI


Giáo Hội đã được Chúa Kitô thiết lập, không phải để sống cho chính mình, nhưng để được sai đi đem ân ích cho thế giới. Giáo Hội được kêu gọi để được sai đi. Ngay từ thuở đầu, rao giảng Phúc Âm là lẽ sống của Giáo Hội. Nhưng trong giây phút lịch sử hiện tại, giây phút của nhiều thử thách, đối kháng, những thành phần của Giáo Hội nói chung, và ngay chính mỗi người chúng ta nói riêng, có thể bị cám dỗ đặt lại vấn đề như sau: Sứ Điệp Tin Mừng mà Giáo Hội rao giảng có thực tế và đáp ứng thực sự các nhu cầu con người ngày nay hay không?

Để có thể nhận ra là sứ điệp Tin Mừng rất thực tế và rất đáp ứng những nhu cầu con người ngày nay, chúng ta hãy đưa mắt nhìn vào các hoàn cảnh cụ thể của anh chị em xung quanh chúng ta: những anh chị em nạn nhân của các cuộc chiến, các cuộc bạo động, các hận thù đủ loại; những anh chị em bị đói khát, bần cùng; những anh chị em cô đơn vì tuổi già; những người trẻ, dù sống trong giàu có, nhưng bị dằn vặt vì nội tâm trống rỗng, vì thiếu tình thương; những anh chị em đang chán nản, tuyệt vọng, vì những yếu đuối và tật xấu thiêng liêng… Những hoàn cảnh sống cụ thể như vậy, đang mong chờ sự canh tân và sức sống mới của Sứ Điệp Tin Mừng, đang chờ đợi Giáo Hội đến bên cạnh, rao giảng Đấng duy nhất có thể "tái tạo" con người và mọi sự nên mới, nên trọn vẹn hơn. Vì thế, Giáo Hội, mọi thành phần Giáo Hội, cần xác tín loan truyền cho thế giới một Đấng Cứu Độ đã đến và còn đang hiện diện hôm nay. Ngài hiện diện trong thế giới và hành động để giúp đỡ con người, giúp đỡ mỗi người. Đó là những con người đang sống, đang vui, đang lao động làm việc, hay đang vấp ngã, hoặc đau khổ vì bạo lực, vì đói kém; đó là những người bị dày vò vì bất hoà, vì thất vọng, cô đơn, vì những yếu đuối tinh thần….

Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ, đang hiện diện với tất cả, với từng người trong hoàn cảnh đặc thù riêng. Sự hiện diện của Ngài là nguồn an ủi, chấn hưng tinh thần và đem lại ý nghĩa cho cuộc sống, cho những hy sinh và đau khổ của cuộc đời. Sự hiện diện của Ngài làm cho chúng ta vững mạnh, đem lại an bình và vui mừng; sự hiện diện của Ngài làm cho bão táp trở nên thanh bình, nâng dậy những con tim suy mòn; sự hiện diện của Ngài soi sáng chúng ta trong lúc nghi nan, khích lệ chúng ta trong cuộc dấn thân, nâng đỡ chúng ta trong lúc yếu hèn, và làm dâng lên nguồn hy vọng trong lúc thất vọng.

Thực vậy, Sứ Điệp Tin Mừng, ân sủng cứu độ của Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, rất thiết thực với con người trong mọi hoàn cảnh cụ thể, thiết thực hơn bất cứ một hứa hẹn nào hay một thực tại nào khác. Và người rao giảng Sứ Điệp Tin Mừng đó không sống trên mây trên gió, xa rời thực tế, nhưng rất gần gũi với cảnh sống của anh chị em. Có thể xảy ra là những tiếp xúc với tình trạng đau thương, nghèo khổ của anh chị em, có thể làm cho người tông đồ hoang mang và đâm ra nghi ngờ chính đức tin của mình, nghi ngờ sứ điệp đã lãnh nhận để rao truyền cho thế giới, và nghi ngờ Chúa Giêsu Kitô là Đấng cứu chuộc thế giới. Vì vậy cần luôn lặp lại lời tuyên xưng đức tin của chúng ta vào Chúa Giêsu Kitô, như thánh Phêrô ngày xưa: "Lạy Thầy, bỏ Thầy, chúng con sẽ đến với ai bây giờ. Thầy có những lời ban sự sống đời đời. Chúng con tin, và chúng con xác tín rằng Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa (Gn 6,68-69).

Lạy Chúa, chúng con tin Chúa là Đấng cứu thế duy nhất của nhân loại. Xin cho lời tuyên xưng này được ăn sâu vào trong toàn thể con người chúng con để giúp chúng con đứng vững trước những khó khăn, những thử thách của đời tông đồ. Xin Chúa hãy ngự đến trong con, ban tràn đầy Thánh Thần, kết chặt con vào Chúa, để con có đủ sức mạnh phục vụ anh chị em mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Amen.

 

Bài Suy Niệm VI
TÂM HỒN TÔNG ĐỒ

Là tông đồ của Chúa, chúng ta không được nhìn lên Chúa với con mắt hạn hẹp, nhưng phải nhìn trong nhãn quan phổ quát. Điều này có nghĩa là chúng ta phải nhìn lên Chúa với đôi mắt và con tim rộng mở theo chiều kích của Giáo Hội hoàn vũ và thế giới.

Trong cái nhìn đó, chúng ta không thể nào làm ngơ trước thực tại này là: Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế, gần hai ngàn năm sau ngày Ngài xuống thế, vẫn còn là người xa lạ đối với hơn 4 tỉ người. Theo bản thống kê của Bách Khoa Tự Điển Thế Giới Kitô (World Christian Encyclopedia), thì dân số trên thế giới hiện nay là 5,200,782,100 người. Tổng số người Kitô là 1,721,655,700 người; trong số nầy có 944,495,800 là người Công Giáo. Cứ theo đà tiến hiện nay, thì khi bước sang năm 2000, dân số hoàn cầu sẽ lên đến 6,259,642,000, và số người Kitô sẽ tăng lên đến 2,019,921,366 người. Điều này có nghĩa là đến năm 2000, số người trông chờ Tin Mừng sẽ là 4,239,720,634 người.

Hơn 4 tỷ người chưa biết đến Chúa Giêsu Kitô và sứ điệp của Ngài! Con số có thể làm chúng ta rùng mình, vì nó nói lên công việc khổng lồ đang chờ đợi: đó là đem Tin Mừng đến cho hơn 4 tỷ anh chị em, là làm sao để họ hiểu biết Chúa, yêu mến Chúa, tin vào Chúa và theo Chúa. Công việc này đòi hỏi một sự dấn thân mới của toàn thể Giáo Hội, nhất là của những ai được gọi đặc biệt làm chứng cho tình yêu Chúa giữa anh chị em. Hơn nữa, tại nhiều quốc gia hiện nay, Giáo Hội Chúa chỉ là một thiểu số, và đang gặp những khó khăn đủ loại. Trên bình diện nhân loại, người đồ đệ của Chúa khó mà thắng vượt được những thử thách này. Lời nói sau đây của Đức Cha Tchidimbo, Tổng Giám Mục Conakry, Guinea, sau hơn 8 năm bị cầm tù, diễn tả khá rõ ràng hoàn cảnh khó khăn của nhiều tín hữu Kitô. Đức Cha đã nói như sau: "Người đã hiến thân phục vụ Thiên Chúa trong chức vụ linh mục hay trong đời sống tu trì, cần phải biết là họ sẽ không được đối xử tốt hơn Thầy của họ là Chúa Kitô." Và chính Chúa Giêsu cũng đã cảnh tỉnh các môn đệ Ngài như sau:

"Nếu thế gian ghét chúng con, chúng con hãy nhận biết rằng thế gian đã ghét Thầy trước chúng con. Nếu chúng con thuộc về thế gian, thì thế gian sẽ yêu thương của thuộc về nó; nhưng vì chúng con không thuộc về thế gian, và vì Thầy đã chọn chúng con và tách chúng con ra khỏi thế gian, nên thế gian ghét chúng con. Chúng con hãy nhớ lời Thầy đã bảo: Tôi tớ không trọng hơn chủ. Nếu họ bắt bớ Thầy, chắc chắn họ sẽ bắt bớ chúng con. Nếu họ giữ lời Thầy, chắc chắn họ sẽ giữ lời chúng con. Họ đối xử với chúng con như thế, là tại danh Thầy, bởi vì họ không biết Đấng đã sai Thầy" (Gn 15, 18-21).

Con đường mà Chúa Giêsu đã đi qua để cứu chuộc nhân loại là con đường Nhập Thể, Tử Nạn và Phục Sinh. Để cứu chuộc nhân loại, dĩ nhiên Chúa có thể dùng nhiều cách và đi theo nhiều con đường. Nhưng với lòng nhân hậu và sự khôn ngoan vô bờ bến, Thiên Chúa đã chọn con đường nhập thể, mặc lấy bản tính con người, để canh tân con người. Trong thư gởi tín hữu Philipphê, thánh Phaolô trình bày con đường nhập thể như con đường xỉ nhục: "Chúa Giêsu, mặc dù là Thiên Chúa, nhưng không đòi ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã từ bỏ chính mình, mặc lấy thân phận tôi tớ, trở nên giống tất cả mọi người, dưới hình ảnh một người; Người đã tự hạ vâng lời tới chết, và chết trên Thánh Giá" (Phil 2, 6-8).

Con đường Nhập Thể, đối với mọi tông đồ của Chúa, là con đường từ bỏ chính mình, để sống yêu thương. Tình yêu thương trong mầu nhiệm nhập thể mang tính cách đại đồng, vừa đồng thời cụ thể. Tình thương cụ thể đối với người bên cạnh, nếu không mở rộng đón người xa lạ, nếu

không có tính cách đại đồng, thì sẽ dễ trở thành một thứ tình cảm đóng kín, và biến đối tượng được yêu thương, --- một cá nhân, một cộng đồng, một nhóm người --- thành một nhóm nhỏ đóng kín, loại trừ tất cả. Ngược lại, một tình yêu thương đại đồng đối với mọi người, mà không dấn thân yêu thương thực sự những con người cụ thể sống chung gần bên, thì sẽ bị nguy hiểm trở thành một cuộc chạy trốn, hay chỉ là một ý tưởng trừu tượng. Vì vậy, tâm hồn người tông đồ cần

biết yêu thương nhiệm vụ của mình, cộng đoàn của mình, với tất cả tấm lòng, vừa đồng thời phải biết mở rộng con tim ấp ủ cả thế giới, đến độ các vấn đề của thế giới và của tất cả mọi người, đều thấy vang dội trong tâm hồn người tông đồ.

Mầu nhiệm Nhập Thể dẫn đến mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh. Tình yêu thôi thúc Chúa trong mầu nhiệm Nhập Thể, dẫn đưa Ngài đến Thánh Giá, và qua Thánh Giá đến Phục Sinh. Tình yêu chấp nhận, tham dự, và chia sẻ trong mầu nhiệm Nhập Thể, sẽ biến thành tình yêu dâng hiến và phó thác trong mầu nhiệm Tử Nạn, và đạt tới tình yêu không giới hạn của mầu nhiệm Phục Sinh. Và trên suốt quãng đường dài từ mầu nhiệm Nhập Thể cho đến mầu nhiệm Phục Sinh, người tông đồ theo Chúa cần những giây phút thinh lặng, cầu nguyện, suy niệm về cuộc đời của Chúa, Đấng cứu thế, để học biết con đường Chúa đã đi qua trong việc cứu chuộc nhân loại, vừa đồng thời để cho tâm hồn tông đồ được tràn đầy tình yêu của Chúa, tình yêu chấp nhận, tình yêu tham dự, tình yêu chia sẻ, tình yêu dâng hiến, tình yêu phó thác, tình yêu không giới hạn, đại đồng nhưng cụ thể. Lạy Chúa, xin cùng đồng hành bên cạnh con luôn mãi, để nhắc con sống trung thành với sứ mạng đã lãnh nhận. Amen.

Bài Suy Niệm VII

ĐƯỢC SAI ĐI... VỚI CON TIM MỚI


Tin Mừng của Chúa Giêsu còn có ý nghĩa gì đối với thế giới hôm nay, một thế giới hiện đang bị đè bẹp dưới sức nặng của bao sự dữ? Mỗi ngày, tin tức các nơi luôn nhắc nhở chúng ta là trong thế giới vẫn còn nhiều đau khổ thê lương. Biết bao nhiêu người mệt lả và bị cuộc đời đè nặng trên vai: những va chạm và hiềm khích trong môi trường làm việc và trong gia đình; những người bị thất nghiệp hay bị tai nạn hoặc rủi ro bất hạnh; những kẻ bị đàn áp bất công, bị tàn phế vì bạo động chiến tranh, bị bệnh tật hành hạ, bị các yếu đuối, các tật xấu, và sự trống rỗng nội tâm dày xéo; những anh chị em bị bỏ rơi và phải sống trong cô đơn, vân vân… và biết bao hoàn cảnh đau thương khác nữa quanh chúng ta… Trước những hoàn cảnh như vậy, người đồ đệ của Chúa phải làm gì để cho Tin Mừng của Chúa đến được với mọi người, nhất là "những ai mệt mỏi và gánh nặng", để bổ sức cho tất cả, mang đến cho tất cả sự sống mới, dồi dào, tràn đầy niềm vui…. Đi trước nêu gương cho người tông đồ, Chúa Giêsu Kitô đã ý thức rõ ràng về sứ mạng của mình và đã dùng lời tiên tri Isaiamà mô tả sứ mạng đó cho những kẻ đang nghe Ngài nơi hội đường Nazareth như sau: "Thánh Thần Chúa đã đỗ trên tôi, và nhờ đó Chúa đã xức dầu cho tôi. Ngài sai tôi đi loan báo tin mừng cho người nghèo khó, nâng dậy những con người bị tan nát tâm can, giải thoát những người tù đày được tự do, loan báo năm ân thánh và ngày oán phạt của Thiên Chúa, để an ủi tất cả những ai than khóc" (Is 61, 1-2; x. Lc 4,18-21).  Trung thành với sứ mạng này, Chúa Giêsu chứng tỏ tình thương của Ngài đối với mọi người đến với Ngài. Ngài không từ chối ai cả, mà còn kêu gọi thêm: Hãy đến với Ta, tất cả những ai mệt mỏi và gánh nặng. Ta sẽ bổ sức cho (Mt 11,28). Trong những giây phút suy niệm này, mỗi người chúng ta cần tự hỏi chính mình xem có ý thức sứ mệnh đã được trao phó cho hay không? Và ý thức với cùng tâm tình như Chúa đã nêu gương hay không? Chúng ta có chuẩn bị chu toàn sứ mệnh mang Tin Mừng cho con người đang bị đè bẹp dưới sức nặng của sự dữ hay không? Hay chúng ta đã phí phạm thời giờ, sức lực và công khó cho những việc không đâu? Tệ hại hơn, nhiều khi chúng ta sống đãng trí, hay thờ ơ, đến độ không nhận ra những đau khổ của người khác, của cả người anh chị em sống gần gũi bên cạnh. Đây là một thứ đãng trí cố ý, do một con tim khép kín trước những đau khổ của anh chị em, và quá bồn chồn lo lắng cho những lợi lộc riêng tư cho một mình mình. 

Bài học Chúa Giêsu muốn dạy cho vị luật sĩ sống đóng kín trong tháp ngà địa vị và quyền lợi, qua dụ ngôn về người Samaritanô nhân lành, được ghi lại nơi Phúc Âm theo thánh Luca, chương 10, 25-37, cần được lặp lại cho mỗi người đồ đệ của Chúa hôm nay. Có một người xứ Giuđêa đi từ Giêrusalem xuống Giêricô. Trên quãng đường vắng, anh bị cướp đánh nửa sống nửa chết, và bị bỏ nằm bên vệ đường… Ngày hôm nay, không phải chỉ có một mà có muôn vàn người bị bỏ rơi, nạn nhân của bạo lực, bất công, thù ghét….. cần đến tâm hồn quảng đại không phải chỉ của một người Samaritanô nhân lành, mà của thật nhiều người hành xử như người Samaritanô, nghĩa là biết "biến mình trở thành người lân cận thật sự của mọi người." Vị luật sĩ, trong cái nhìn tự nhiên, theo lối lý luận tự nhiên, đã đặt câu hỏi: Ai là người láng giềng của tôi? 

Trong cái nhìn của Chúa Giêsu, thì hoàn toàn ngược lại: Không hỏi ai là người láng giềng của tôi, nhưng phải trở nên người láng giềng cho mọi người. Người Samaritanô đã vượt qua được tất cả mọi ngăn cách chính trị, tôn giáo, chủng tộc, để coi người xứ Giuđêa kia như người láng giềng của mình. Cần phải biết đi bước đầu để đến với anh chị em, để thông cảm, nâng đỡ và tha thứ anh chị em. Cần biết trước những sáng kiến để hoà giải, để chứng tỏ lòng yêu thương tha thứ, để chia sẻ liên đới, chứ không ngồi yên chờ được người khác yêu thương.

Câu hỏi của Chúa Giêsu khi kết thúc dụ ngôn về người Samaritanô nhân lành: Ai trong ba người đi qua nơi đó -- thầy tư tế, người thuộc chi tộc Lêvi, và người Samaritanô -- ai trong ba người đó là người láng giềng của người xứ Giuđêa bị trọng thương. Câu hỏi của Chúa luôn luôn vang dội qua mọi thời đại, và không ngừng chất vấn lương tâm của mọi đồ đệ Chúa. Người đồ đệ đó có thể là kẻ biết nhiều điều về Chúa, thuộc lòng các lý thuyết về tình yêu, nhưng lại rất nông cạn, hẹp hòi trong thực hành. Người đồ đệ đó có thể bàn cãi nhiều về tình yêu thương, nhưng không bao giờ thi hành bác ái và tha thứ. Một lần, khi người ta hỏi ông Gandhi: Ông sợ điều chi nhất? Thì ông trả lời: Điều tôi sợ nhất là con tim chai đá của những người trí thức.

Lạy Chúa, được mời gọi theo Chúa và mang Tin Mừng hạnh phúc đến cho anh chị em, mỗi người chúng con cần cởi bỏ con tim chai đá, ích kỷ của mình, để mặc lấy con tim của Chúa, để trở thành người láng giềng của mọi người. Xin Chúa thương ban ơn giúp con thực hiện được sự biến đổi đầu tiên và tận căn này, để mỗi ngày một trở nên xứng đáng hơn với ơn gọi và sứ mệnh đã lãnh nhận. Amen.

Bài Suy Niệm VIII

TÂM HỒN HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỢNG

 
Chúng ta đến với Chúa Giêsu để học sống hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, theo như lời Chúa mời gọi: "Tất cả những ai mệt mỏi và gánh nặng cuộc đời, hãy đến với Ta và Ta sẽ bổ sức lại cho. Hãy mang lấy ách của Ta và học nơi Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng thật trong lòng; và tâm hồn các con sẽ được bổ dưỡng" (Mt 11, 28-29).   Trong bài suy niệm trước, chúng ta đã suy nghĩ về mẫu người tông đồ sống gần gũi với những bất hạnh, những đau khổ của anh chị em, để mang đến cho họ Tin Mừng ơn cứu rỗi. Để có thể chu toàn vai trò này, vai trò nâng đỡ những ai mệt mỏi và gánh nặng, người tông đồ cần đến học trường của Chúa Giêsu, học sống hiền lành và khiêm nhượng, để có thể đón nhận bất luận ai đến với mình. Người tông đồ cần trở về với Chúa Giêsu, để cho Ngài bổ dưỡng, để được biến đổi trở thành một Giêsu khác, hiền từ và khiêm nhượng, giữa anh chị em đang cần Tin Mừng Chúa nâng dậy. Người hiền lành và khiêm nhượng luôn luôn thu hút mọi người. Bất cứ ai tới, cũng thấy được đón tiếp, và không bao giờ cảm thấy bị xua đuổi. Con người hiền lành và khiêm nhượng luôn luôn tạo nên sự hiệp thông, luôn mời gọi anh chị em xung quanh tham phần vào khả năng của mình, mà không bao giờ áp đặt.   Vi vậy, tâm hồn hiền lành và khiêm nhượng luôn tôn trọng kẻ khác trong phẩm giá, cá tính và mức độ trưởng thành tâm lý, cũng như sự tiến bộ tâm linh của họ. Đó là những điều căn bản cần thiết cho việc thi hành tốt sứ mạng tông đồ giữa anh chị em. Hãy thử tưởng tượng xem một con người kiêu ngạo, gắt gỏng, làm sao có thể tiếp đón anh chị em và giúp anh chị em đến với Chúa. Sự hiền lành và khiêm nhượng của người tông đồ phản ánh sự hiền lành và khiêm nhượng của Chúa Giêsu, vị chủ chăn nhân lành, và như thế sẽ dễ dàng đưa anh chị em tiến sâu vào mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu.  Một đặc tính nữa, rất quan trọng của lòng hiền từ và khiêm nhượng nơi người tông đồ là thái độ lắng nghe. Người hiền từ và khiêm nhượng thì luôn biết lắng nghe, để thông cảm, nâng đỡ. Thái độ lắng nghe không có nghĩa là không nói, nhưng là thái độ của một tâm hồn nhạy cảm, có nội tâm tự do thanh thản, để có thể vượt qua được giới hạn của ngôn từ, mà nhìn thấu tận tâm can của người khác, và tham phần vào sự đau khổ của người khác để xoa dịu, nâng đỡ và cứu vớt. Người tông đồ, sống theo sự hiền lành và khiêm nhượng của Chúa Giêsu, sẽ có khả năng chịu đựng những khó khăn và đau khổ do sự yếu đuối của người khác gây ra, để thông truyền vào lòng họ niềm hy vọng.  Tâm hồn hiền lành và khiêm nhượng còn dẫn đưa người tông đồ đến thái độ hy sinh hiến dâng, như Chúa, Đấng chăn chiên nhân lành, "hiến mạng sống mình cho đoàn chiên" (Gn 10,14-15). Người hiền lành và khiêm nhượng chấp nhận gánh chịu sự yếu đuối và các tật xấu của người khác; và việc này có nghĩa là chấp nhận chết cho chính mình, chấp nhận hy sinh dâng hiến chính mình, để góp phần xây dựng người anh chị em. Người hiền lành và khiêm nhượng dễ dàng quên các quyền lợi của mình, quên chính mình, để xây đắp cuộc đời kẻ khác.  Để hiểu được tầm quan trọng của tâm hồn hiền lành và khiêm nhượng trong đời tông đồ, chúng ta hãy lắng nghe những lời sau đây của nog6n sứ Eâzêkien: "Đây là lời Chúa phán: Khốn cho các chủ chăn dân tộc Israel, chỉ biết chăn lấy mình. Các ngươi uống sữa, các ngươi mặc đồ len, các ngươi giết các con chiên béo mập, nhưng các ngươi không chăn đoàn chiên. Các ngươi đã không nâng đỡ các con chiên yếu đuối; các ngươi đã không săn sóc cho các con chiên đau ốm và không chữa trị cho các con chiên bị thương; các ngươi đã không chấp nhận các con chiên lạc lối, cũng không tìm kiếm những con chiên mất tích; ngược lại, các ngươi đã thống trị bằng bạo lực hà khắc" (Ez 34, 2-4). Đoạn trích sách tiên tri Ezêkien trên không cần chú giải gì thêm nữa. Đọc lại những lời trên, chúng ta được mời gọi duyệt lại lối sống và tâm tình phục vụ nơi chính mình. Mỗi người chúng ta cần học lấy bài học sống hiền lành và khiêm nhượng nơi Chúa Giêsu Chủ Chăn Nhân Lành: Hãy đến với Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng thật trong lòng và tâm hồn chúng con sẽ được bổ dưỡng. Lạy Chúa, là tông đồ của Chúa, chúng con cần có con tim của Chúa, con tim hiền từ và khiêm nhượng, để đừng có thái độ kẻ cả, hống hách với anh chị em xung quanh. Chúng con cần đến với Chúa và ở lại với Chúa, để mỗi ngày chúng con được Chúa hướng dẫn sống hiền từ và khiêm nhượng với mọi người. Được như thế, đời sống chứng nhân của con mới mang lại hoa trái tốt đẹp cho Chúa. Amen.