TÌNH BẠN
như là 
bí tích

Nguyên tác : Friendship as Sacrament
Tác giả : Carmen L. Caltagirone
Dịch giả : Thiện Quý 
  

        MỤC LỤC

 

Lời nói đầu

Đã có một lần trong đời tôi khám phá một cách sâu xa rằng chúng ta được kêu gọi nhận ra diện mạo của Thiên Chúa nơi từng khuôn mặt chúng ta gặp gỡ. Tập sách nhỏ này phản ánh những trăn trở và niềm vui của sự tìm kiếm đó, đề cập chủ yếu về tình yêu, tình bạn, và đào sâu nhận thức tình bạn như một bí tích, thảo luận về việc những mối quan hệ rất riêng tư lại trở thành trong cùng một lúc dấu chỉ và khẳng định của tình yêu vô biên và chung thủy của Thiên Chúa.

Trong hơn 18 năm, nhờ đặc ân được tận hiến đời mình phục vụ giáo hội tôi đã có muôn vàn cơ hội cảm nghiệm điều kỳ diệu lạ lùng nơi con người. Tôi đã chia sẻ những đau đớn, hoang mang, những lúc được chữa lành và sự trưởng thành của nhiều trẻ em lẫn người lớn. Tôi đã chứng kiến sự biến đổi đầy kinh ngạc khi hai hoặc nhiều người gắn bó với nhau trong tình thân ái. Đặc biệt tôi đã vô cùng xúc cảm trước những biến đổi hướng thượng khi quyền năng của Thiên Chúa được nhìn nhận trong một mối liên hệ.

Chủ đích của tôi khi viết cuốn sách này là độc giả sẽ thấy được sự diệu kỳ của Thiên Chúa đi vào đời họ trong tình yêu dịu dàng của một người khác. Tôi mong rằng nhận thức này sẽ kéo theo một sự gắn bó mãnh liệt hơn với Thiên Chúa của tình yêu và một sự hiểu biết sâu xa hơn về những mối tương quan nhân loại. Khơi dậy nơi độc giả một tình yêu mới mẻ với Thiên Chúa, với tha nhân và với cuộc đời chính là khát vọng to lớn nhất của tôi.

Tập sách này không làm ra vẻ là một luận án thần học hay một tiểu luận tâm lý học. Nó là một phản ánh cá nhân về sức sống của những mối quan hệ của chúng ta đối với Thiên Chúa và với con người. Tôi không làm bộ cho rằng mình đã biết hết về những phức tạp của tình yêu nhân loại. Tôi viết ra đây những kinh nghiệm sống về một đấng Thiên Chúa mà chân dung của Ngài tôi đã phải tìm kiếm và khám phá ra nơi khuôn mặt của những người mang tình yêu đến với nhau nhân danh Ngài.

Chúng ta thường cho rằng chỉ có cha mẹ mới trao ban sự sống cho ta. Tất cả những người đã chia sẻ hành trình cá nhân đi tìm Thiên Chúa với tôi và được tôi chia sẻ hành trình của mình, đều đã trao ban sự sống cho tôi. Họ đã có một vai trò quan trọng trong việc hình thành những ý tưởng được nêu ra tại đây. Tôi mang ơn họ không những về sự đóng góp của họ cho tập sách này nhưng một cách đặc biệt về cách thức mà họ đã làm phong phú cuộc đời tôi.

Ngày 26-1-1988
Lễ Thánh Danh Chúa Giêsu.

 

DẪN NHẬP

Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã nhập thể trong lịch sử và trong máu thịt của chúng ta : nơi những người me, người cha, nơi anh, nơi chị, nơi con cái, nơi bạn bè, nơi người giầu kẻ nghèo, nơi người đau ốm, nơi kẻ khoẻ mạnh. Sự thật vĩ đại và cao cả là Thiên Chúa không những chỉ ngự ở nơi các vương cung thánh đường nguy nga với những mái vòm cao ngất mà Ngài còn ngự trong xương thịt và máu huyết của con người.

Tập sách nhỏ này nói về những ai làm cho người khác kinh nghiệm về một Thiên Chúa hằng sống. Nó đặt căn bản trên tiền đề rằng chúng ta có thể nhìn vào một số mối liên hệ thân thiết nhất và tìm thấy ở đó một manh mối cho tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa. Đây không phải là một cuốn cẩm nang cho những ai muốn cải thiện các mối tương quan nhân loại. Cuốn sách này nói về việc chúng ta để cho chiều kích siêu nhiên nơi các mối liên hệ thấm nhập, ngõ hầu chúng ta sẽ biết đến một kinh nghiệm tôn giáo thực sự trong sự liên kết giữa những con người. Nó nói về một tình bằng hữu chân thật và sâu sa với những ai mà chúng ta trao ban chính mình với một cam kết kiên trì một cách có ý thức. Trong việc dùng từ ngữ "tình bạn" nơi cuốn sách này tôi muốn nói về tình bạn hôn nhân cũng như tình bạn thanh khiết mà cả hai đều hàm chứa các mức độ sâu xa của sự thân thiết nhân loại.

Tập sách này còn nói về sự thánh thiện mà mỗi người chúng ta được mời gọi hướng đến. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta đi vào sự kết hợp thân mật với Ngài, và như thế kêu gọi chúng ta trở nên thánh thiện. Nhưng sự thánh thiện không phải là chỉ có "Chúa và tôi"; nó là một thực tại liên quan đến tha nhân là những người mang đến cho chúng ta tình yêu vì Thiên Chúa và chúng ta cũng vì Ngài mà mang tình yêu đến cho họ.

Được lớn lên trong các nhà trường Công giáo tôi được học hỏi về Chúa Giêsu, đời sống của Ngài và ý nghĩa của nó. Nhưng chỉ đến khi những gì tôi được học trở thành xương thịt và máu huyết qua những kinh nghiệm về tình bằng hữu thì Chúa Giêsu mới thực sự trở thành một con người thực tại đối với tôi.

Khát vọng mãnh liệt nhất của Chúa Giêsu là mang đến cho chúng ta sự sống : "Ta đến để cho họ được sống và sống dồi dào" (Gioan 10,10). Ngài gởi đến cho ta tha nhân, bè bạn, như bí tích của sự hiện diện của Ngài. Có lẽ khi đọc cuốn sách này, các bạn sẽ được thôi thúc suy tư về những người đã đại diện cho Chúa Giêsu và đã đi vào cuộc đời bạn để cho bạn được sống! Có lẽ bạn sẽ nhớ lại những ai mà lòng yêu mến Thiên Chúa lớn lao của họ đã giúp cho lòng mến của bạn được vươn lên.

Có những người trong cuộc sống ta hay gặp gỡ – bạn cùng sở, hàng xóm láng giềng, người thân yêu trong gia đình – nhưng nhiều khi chúng ta hình như không nhận ra rằng chúng ta thực sự chia sẻ cuộc đời với họ, rằng có đó một sự chia sẻ giữa những con người làm cho cuộc đời ta nên phong phú bắt nguồn từ chính sự phong phú của Thiên Chúa. Khi nào có một sự liên kết giữa con người, khi đó có sự tuôn đổ ân sủng là một trao ban đặc biệt sự sống của chính Thiên Chúa. Luôn luôn có một cái gì đó lớn hơn trong các mối quan hệ thương yêu chân thành. Không phải chúng ta đã có sẵn nó nhưng chính là nó sở hữu chúng ta. Cái gì đó là một sự thông phần vào chính sự sống của Thiên Chúa. Thật là một Thiên Chúa tuyệt vời, đấng không những cho phép chúng ta chia sẻ sự sống của chính Ngài mà còn dùng đến một phương tiện chuyên chở thật dồi dào là những con người quanh ta : những cánh tay nắm chặt ta, những đôi mắt ngời sáng hơi ấm, những lời dịu dàng, những tiếng cười chan hòa khiến chúng ta kinh nghiệm thấy cuộc sống tràn đầy ân sủng đặc biệt đó.

Thiên Chúa kêu gọi chúng ta đi vào sự sống, sự thánh thiện và sự thân mật với chính Ngài. Nhưng chúng ta không bao giờ đến với Chúa trong một cõi chân không. Chúng ta đi vào sự thân mật đó qua liên hệ thân xác, trí khôn và tâm hồn với những con người. Tình yêu của Thiên Chúa hoạt động nơi mỗi kinh nghiệm của lòng mến nhân loại được chân thành chia sẻ.

 

CHƯƠNG 1

THIÊN CHÚA CÓ MẶT NƠI ĐÂY VÀO LÚC NÀY

Tôi cho rằng trong cuộc đời chỉ có 2 điều quan trọng mà thôi : biết Thiên Chúa và sống trong yêu thương. Thực vậy cả hai điều này chỉ là một và giống nhau. Biết Thiên Chúa là sống trong tình yêu, và qua việc sống trong yêu mến mà chúng ta biết được Thiên Chúa– bởi vì như Kinh thánh đã nói một cách dễ thương rằng: "Thiên Chúa là Tình Yêu." những mối quan hệ nhân loại của chúng ta, nếu được đặt cơ sở trên tình yêu chân thành thì nhất thiết phải cột chặt với mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa đấng là tình yêu.

Bản chất cuộc đời người Kitô hữu có thể coi là một cuộc tình đang diễn ra với Đức Giêsu Kitô đấng kêu mời chúng ta bước vào chỗ thâm giao với Ngài. Đây là một đường đi dẫn tới thành toàn. Ngài là đấng chúng ta khao khát mãnh liệt nhất và chỉ trongThiên Chúa những khát vọng thâm sâu nhất của chúng ta mới được thỏa mãn. Bước đầu tiên để chúng ta nhìn thấy và chạm vào Thiên Chúa chính là qua những ai Ngài gởi đến cho ta. Ơû nơi họ Ngài hóa thành xác phàm. Thiên Chúa là tình yêu đã làm tình yêu trở nên nền tảng của cuộc sống chúng ta. Chỉ trong yêu thương chúng ta mới nghiệm được cái sung mãn của cuộc đời bởi vì sự sung mãn chân thật chỉ phát xuất từ Thiên Chúa. Tình yêu mang lại cho kiếp người một ý nghĩa siêu phàm bởi vì tình yêu chính là Thiên Chúa. Tình yêu không thể được định nghĩa trong một phạm trù nào tách biệt khỏi Thiên Chúa. Thiên Chúa là đấng vô thủy vô chung, bao trùm lên tất cả - và tình yêu cũng như thế. Tình yêu không phải là một cái gì chúng ta làm ra; nó là một con người. Tình yêu không phải là ở đâu đó tách rời khỏi chúng ta. Nó ở trong ta vàø liên tục đổi mới, tăng lực, làm cho ta chạm đến cốt lõi của cuộc đời bằng cách chạm vào nhau.

Khả năng kinh ngạc của tình yêu trong việc hoán cải bản chất của cuộc đời chỉ có thể phát xuất từ một nguồn vượt lên trên cái hiện tại và cái trước mặt. Tình yêu Thiên Chúa vượt khỏi không gian và thời gian. Nó là một lòng mến phát xuất từ lòng nhân từ của Thiên Chúa, được ban tặng miễn phí không điều kiện. Trong lòng mến chúng ta yêu bởi vì người đó là như vậy, chúng ta yêu bởi vì cái như vậy của người đó.

Một khi chúng ta thực sự đón nhận Thiên Chúa vào trong cuộc đời, tình yêu của chúng ta trở nên lòng mến. Đó là tình yêu của Thiên Chúa chảy qua chúng ta. Tách biệt khỏi Thiên Chúa chúng ta chỉ có được tình dục mà thôi. Tình dục là "tình yêu" mưu cầu sự chiếm đoạt người khác, mục đích của nó là sự thỏa mãn ích kỷ cho riêng mình. Trái lại lòng mến thì quảng đại, nó bầy tỏ chính mình qua việc tự hiến hoàn toàn cho hạnh phúc của người yêu mà không quan tâm đến những mất mát của bản thân. Tất cả lòng mến đều phát xuất từ con tim Đức Giêsu. Thật tốt đẹp khi những con người nhân loại yêu nhau nhận biết Thiên Chúa như một Thiên Chúa mãnh liệt với một con tim yêu thương. Là những người yêu nhau chúng ta nên biết về bản chất con tim Đức Giêsu bởi vì đó là nguồn sống của con tim của chúng ta. Như là một biểu tượng căn bản, con tim chỉ ra phần thâm sâu nhất nơi một con người, đó là trung tâm yêu mến. Đó là nơi tình cảm cư trú, nơi dừng chân của ân sủng. Việc nhập thể mang đến cho Thiên Chúa một trái tim. Từ vô thủy vô chung Thiên Chúa có một ý định căn bản là đi vào cõi tình nghĩa với dân của Ngài, để kêu gọi họ nên thánh, nên một trong tình yêu và nên một với chính Ngài. Thiên Chúa có một chiến lược rõ ràng. Ngài tuôn đổ tình yêu của Ngài vào trong con tim của Con Một của Ngài. Tình yêu này không phải để nằm đó, nơi con tim của Đức Kitô. Nó hướng tới việc tuôn ra cho những ai bước vào trung tâm yêu mến đó. Từ con tim của các môn đệ, tình yêu của Đức Kitô vẫn tiếp tục trào dâng. Và nó vẫn trào dâng cho đến tận hôm nay như thể có một sự lây lan của ân sủng. Đó là ân sủng tuôn ra từ suối nguồn con tim Đức Giêsu qua những ống dẫn là những con tim của nhân loại.

Tình yêu nhân loại của chúng ta chỉ có thể hiểu được bên trong phạm trù tình yêu của một Thiên Chúa yêu mến. Không những Ngài là một Thiên Chúa của một cá nhân trong sự gắn bó mật thiết tới đời sống của từng con người mà Ngài còn là Thiên Chúa của tất cả mọi người. Ngài không chỉ hiện diện nơi tôi, nơi anh, mà còn hiện diện giữa chúng ta và trong quan hệ của chúng ta đối với những người khác. Tình yêu mà chúng ta san sẻ trong các mối tương quan nhân loại là một phần của sự vĩ đại của Thiên Chúa là đấng bao phủ chúng ta dưới cánh tay yêu thương của Ngài. Khi nào tình yêu trong sáng quảng đại được trao ban khi đó chúng ta kinh nghiệm được Thiên Chúa.

Tất cả những gì chúng ta biết được về Thiên Chúa chỉ ra rằng Ngài hướng về dân của Ngài. Chúng ta được kêu gọi lưu lại trong sự thân mật sâu sa với Ngài. Đây thực sự là một vẻ đẹp sâu xa của linh đạo Do thái giáo vì nó bàng bạc khát vọng thiết lập và duy trì mối liên hệ giao ước giữa Thiên Chúa và dân của Ngài. Bởi vì Thiên Chúa mang tính tương quan, cuộc đời là một cuộc đối thoại không ngừng với Ngài. Thiên Chúa ban cho chúng ta thời gian, không gian và tha nhân như một phương thế duy trì và đào sâu cuộc đối thoại này. Việc nhập thể xác nhận điều trên. Nó nói cho ta con đường đến với Chúa thì đi qua tình trạng của con người và Ngài hiện diện nơi tất cả các xác phàm.

Mọi cảnh vực của tình trạng con người đều mang tính khải thị. Cuộc sống chứa đầy những khoảng khắc nhận biết trong kinh ngạc sự hiện diện của Chúa nơi những kinh nghiệm nào đó. Có nhiều phen ta nói về sự trùng hợp kỳ lạ của một việc. Khi chúng ta gặp lại một người sau thời gian dài xa cách tại một nơi và một hoàn cảnh không thể ngờ, chúng ta gọi đó là một sự trùng hợp. Khi chúng ta đang nghĩ về một ai đó và thình lình chuông điện thoại reo và chính là người đó ở đầu dây bên kia, chúng ta gọi đó là một sự trùng hợp. Tôi không tin vào những điều trùng hợp. Thật ra không có những trùng hợp trong cuộc đời bởi vì Thiên Chúa hoạt động trong và qua tất cả những kinh nghiệm nhân loại. Ngài gieo vào một số biến cố đặc biệt trong đời ta những ngụ ý sâu sa và những tác động đến cốt lõi của đời ta. Những biến cố này luôn luôn gắn bó mật thiết đến những mối tương quan mà chúng là một phần trong kế hoạch mặc khải của Thiên Chúa.

Mỗi người chúng ta đều được tượng hình từ liên hệ sinh học giữa cha và mẹ của chúng ta. Rồi chúng ta tham dự vào sự kết hiệp máu thịt với mẹ chúng ta trong lòng của mẹ, sau đó là sự đau đớn khi mẹ sinh ra ta và cảm nghiệm đầu đời vui buồn lẫn lộn khi tách ra khỏi cơ thể mẹ. Nhưng tiếp đến là sự kết hợp qua việc nhận ra nhau. Nhận thức đầu tiên của chúng ta qủa thật là một sự tái nhận thức. Đó là sự tái nhận thức về một mối liên hệ với mẹ hay là bất kỳ ai nuôi dưỡng chúng ta. Chúng ta nhận ra hơi ấm của những đôi tay ấp ủ chúng ta, mùi vị của vú mẹ cho ta bú và những nhịp điệu quen thuộc của hơi thở của người thường ẵm bồng ta. Cả cuộc đời còn lại là một chuỗi đoàn tụ, chia tay, tái hợp và thân thiết. Rất thường khi vào những lúc này chúng ta cảm thấy cái gì đó của con người Thiên Chúa. Cha William McNamara, tu sĩ dòng Cát Minh và là một tác gỉa nổi tiếng đã nói về điều này một cách tuyệt vời rằng : "Thiên Chúa không hành động trong chân không… Ngài hành động một cách nhập thể qua những chiều kích bát nháo mà phi thường của cái thế gian dơ bẩn mà tuyệt vời này." (1)

Đức tin của chúng ta mang tính nhập thể vì chúng ta tin rằng Thiên Chúa hiện diện với chúng ta tại đây và vào ngay lúc này trong mọi ngóch ngách của cuộc sống hàng ngày. Bí quyết để sống trung tín với đức tin Kitô nằm ở chỗ hiểu rằng nhập thể là hành động của Thiên Chúa là đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Thiên Chúa ở nơi chúng ta ở. Ngài không chỉ hiện diện nơi thế gian một cách chung chung, Ngài ở cùng chúng ta một cách nhân bản ở chỗ chúng ta ở, tại đây và vào lúc này. Sự hiện diện của Ngài không xa vời và lạnh lùng; nó hết sức thân thương: "Luôn luôn ở giữa các con, ta sẽ là Thiên Chúa của các con và các con sẽ là dân của ta" (Levi 26,12)

Như là con người chúng ta phải đối đầu với những nhu cầu của một thế giới nhiễu nhương mà không để nó khuất phục mình nhưng phải để cho Thiên Chúa chiếm hữu lấy chúng ta. Cách duy nhất để chúng ta có thể sống có ý nghĩa trong tất cả cái bát nháo của cuộc đời là nhận ra Thiên Chúa cách đặc biệt nơi từng khuôn mặt, từng ánh mắt, từng đôi tay giơ ra cho chúng ta trong tình nhân ái. Chính qua người khác mà chúng ta được nhắc nhở về sự hiện diện của Chúa và được tình yêu thần linh của Ngài đụng chạm đến.

Đối với nhau chúng ta làm cho lời Chúa được ứng nghiệm : "Ta sẽ luôn luôn ở cùng chúng con." Chúng ta là hiện thân của lời hứa đó bằng việc trở nên những bí tích sống động của sự hiện diện của Chúa cho người khác. Chúng ta biết rằng bí tích là biểu tượng mang lại cho chúng ta một kinh nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa trong kiếp người bị không gian và thời gian chi phối. Một dấu hiệu nói về cái gì đó còn một biểu tượng lại làm đại diện cho cái nó nói về. Do đó biểu tượng có thể, nếu chúng ta cho phép, ảnh hưởng đến chúng ta một cách sâu sa bởi vì qua đó sự hiện diện của Thiên Chúa sẽ tỏ rõ trong cuộc sống nhân loại và được cảm nghiệm một cách mãnh liệt. Các bí tích là một phần của kế hoạch của Thiên Chúa bởi vì Ngài rất khao khát chúng ta cho chính Ngài. Đây là ước muốn của Thiên Chúa lôi kéo chúng ta đến với Ngài. Đức Kitô đã nói rõ về điều này trong Phúc Aâm : "Khi nào ta được nhấc lên khỏi thế gian ta sẽ nhắc mọi người lên với ta." (Gioan 12:32). Đây chính là Thiên Chúa mà chúng ta kinh nghiệm thấy trong bí tích. Tình bạn chân thật là những bí tích vì chúng là hiện thân và bầy tỏ của tính xác thực nơi tình yêu Thiên Chúa. Ngài yêu chúng ta trong một giao ước liên tục và hoàn toàn trung tín. Như một bí tích, tình bạn mang chúng ta đi vào giao ước liên tục này tại đây và vào lúc này.

Điểm gặp gỡ của bí tích là điểm mà thần linh và con người gặp nhau. Nói đơn giản, Thiên Chúa dùng những mối liên hệ nhân loại của chúng ta để đến với chúng ta; chúng ta kinh nghiệm về Ngài bằng yêu thương và được người khác yêu thương. Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta qua sự hiện diện sống động thật sự của những người chung quanh. Thiên Chúa của lịch sử, của Abraham và Sarah, Thiên Chúa của Môisen, Thiên Chúa của David, Ba Ngôi Thiên Chúa đã hóa thân nơi xác phàm của những người chúng ta gọi là bạn hữu. Chân lý siêu việt làm chúng ta ngây ngất là toàn thể Thiên Chúa yêu thương thật sự hiện diện và hoạt động tại đây và vào lúc này trong những người mà chúng ta gặp gỡ trong tình bạn. Gerald O'Mahony trong một cuốn sách giáo lý độc đáo, Abba! Cha Ơi! nói về bí tích như một "dấu hiệu làm Thiên Chúa vô hình trở nên hữu hình." Oâng còn bàn thêm về việc làm thế nào mà khi liên kết với nhau cả hai người cùng trở nên một bộc lộ của Thiên Chúa dành cho người kia:

Bạn và tôi, những môn đệ của Đức Kitô đều là những bí tích, bởi vì ơn gọi của chúng ta là làm cho người khác khi nhìn vào chúng ta phải nói rằng : "A, bây giờ tôi đã thấy được Thiên Chúa giống như thế nào." Chúng ta có thể cùng nhau là dấu chỉ về Thiên Chúa mà chúng ta có thể thấy qua Đức Kitô, đấng thế gian không thấy được. (2)

Sứ mạng cơ bản của người tín hữu mang tính bí tích. Điều đó có nghĩa chúng ta được kêu gọi Là Đức Kitô dịu dàng, yêu thương, và chữa lành trong thế gian. Chúng ta không được kêu gọi để cứu vớt các linh hồn. Đức Kitô đã làm điều đó một lần cho tất cả. Chúng ta được kêu gọi trở thành dấu chỉ chiến thắng phục sinh và sự hiện diện liên tục của Ngài trong thế gian. Chúng ta được kêu gọi trở thành Kitô của người khác. Nếu chúng ta mở lòng và tâm trí mình trong thành kính đối với Thánh thần của Chúa, chúng ta sẽ được : "biến đổi ngày càng trở nên rực rỡ do bởi tác động của Chúa là Thần Khí" (2 Cor 3,18)

Trong tiến trình thay hình đổi dạng đó chúng ta sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện mang tính bí tích của những người khác bên trong những kinh nghiệm sống. Một đàng những kinh nghiệm nhân loại mang tính bí tích có giá trị vượt lên cái hiện tại và trước mắt, đàng khác nó bao gồm sự hiện diện và hành động của những người chúng ta gọi là bạn hữu. Chúng không nhất thiết phải là những kinh nghiệm thần bí sâu thẳm. Thường có một chân lý nội tại sâu xa nơi cái đơn giản của một mối liên hệ: một cái ôm, một cái nhìn cảm thông, một lá thư, chia nhau một ly bia, cùng nhau đi dạo trên bãi biển, hay ngay cả đến một cuộc đối đầu cam go. Nhiều lúc chúng là những phương tiện vận chuyển để đưa chúng ta đến gần nhau hơn và nhờ thế biết được Thiên Chúa tường tận hơn. Ladislaus Boros, khi nhấn mạnh rằng chúng ta đến với Chúa qua tha nhân, đã nói một cách súc tích rằng : "Mọi người yêu nhau đều thấy trực tiếp được thực tại của Đức Kitô." (3) Trong tất cả sự kỳ diệu vô biên của Ngài, Thiên Chúa đã muốn tỏ mình ra qua những người khác.

Chúa muốn chúng ta lưu lại trong Ngài, trong tình yêu, và là những người yêu nhau. Từ ngữ "người yêu nhau" thường được dùng qúa nhiều với một ý nghĩa hạn hẹp về những ai có những mối tình lãng mạn. Theo một nghĩa sâu xa nhất, nếu một người yêu nhau là một người sống một cuộc đời bình thường với những hồng ân phi thường, thì tất cả dân của Thiên Chúa được gọi là những người yêu nhau.

Aân sủng là chìa khóa của cuộc sống người yêu nhau. Aân sủng là tình yêu của Thiên Chúa được trao ban nhưng không. Nó bao gồm tất cả sự phong phú nơi những món qùa Thiên Chúa ban cho ta. Aân sủng ngụ ý về một mối tương quan, một mối tương quan thân thiết nhất có được. Aân sủng là một mối tương quan với Thiên Chúa, một sự tương giao thân tình cùng cho đi và cùng nhận lãnh. Mối tương quan này khởi sự từ bí tích rửa tội và lớn lên cùng phát triển với thời gian.

Chúng ta nghe đi nghe lại rằng chúng ta được cứu rỗi bởi ân sủng, chỉ bởi ân sủng mà thôi. Không có gì khác có thể cứu vớt chúng ta, không phải là những việc lành, không phải là những thành đạt, không phải ngay cả lòng đạo đức của chúng ta. Chỉ có ân sủng có thể cứu vớt chúng ta. Aân sủng thật cao cả biết bao! Tình yêu hồng ân của Thiên Chúa có quyền lực vô biên cứu rỗi chúng ta. Món qùa lớn nhất chúng ta có thể cho nhau là trở nên một biểu hiện của ân sủng đó. Món quà vĩ đại của ân sủng được cụ thể hóa trong tình yêu trao ban. Tôi đã có kinh nghiệm ngỡ ngàng về một người xuất sắc yêu tôi nhất là khi tôi không xứng đáng với tình yêu đó. Đó là một món qùa cho không. Nó được ban mà không dựa vào những gì tôi đã làm. Đó chính là ân sủng !

Nhiều lúc tôi kinh ngạc qua việc người khác có sức mạnh biến đổi tôi. Một sự biến đổi nội tâm chỉ xẩy đến nhờ ân sủng. Chúng ta không bao giờ có thể thay đổi chính mình qua sức mạnh thuần ý chí. Chính là hồng ân của Thiên Chúa trào dâng đã thay đổi con người sâu thẳm bên trong và làm tôi nên thánh thiện.

Thiên Chúa kêu gọi chúng ta nên thánh. Một người được đổi mới nhờ ân sủng thì thánh thiện. Một người thánh thiện đương đầu với thế gian bằng đức tin mãnh liệt, đức cậy vững vàng và đức mến liên lỉ. Những người thánh thiện luôn gặp gỡ một cách sắc bén với chính mình, với thế gian và với Thiên Chúa.

Ơn kêu gọi của người Kitô là bước vào cõi thâm giao với Thiên Chúa. Sự thánh thiện là hoàn toàn bước vào trong sự giao hảo thiết thân này với Thiên Chúa của tình yêu. Thánh thiện luôn luôn phát xuất từ Thiên Chúa. Như lời cầu nguyện Thánh thể thứ hai trong thánh lễ nói với chúng ta một cách duyên dáng rằng : "Chúa là suối nguồn của tất cả sự thánh thiện." Thánh thiện đến với chúng ta như một món qùa từ tình yêu hồng ân của Thiên Chúa. Thánh thiện cũng là một dòng kênh để hồng ân Thiên Chúa chảy qua ta và hoán cải cuộc đời những người khác. Khi chúng ta đi qua cuộc đời này chúng ta phải mở con người mình ra để nhận lãnh tình yêu hồng ân của Thiên Chúa, vì khi chúng ta thực sự hoàn toàn đón nhận nó chúng ta bước vào cõi thánh thiện. Chúng ta không thể nhận lãnh nó trong đơn độc. Tha nhân làm cho việc nhận lãnh của chúng ta trở nên dễ dàng. Như vậy thánh thiện là một thực tại xuyên con người. Là thánh tức là ở trong Thiên Chúa và ở trong Tình Yêu.

Trong cuốn sách có tựa là ‘Thánh thiện’, Donald Nicholl nói về tầm quan trọng của những người bạn trong việc tạo điều kiện thuận lợi đáp ứng lại ơn gọi nên thánh của chúng ta : "Mỗi người cần đến một người bạn tâm hồn, một ai đó yêu bạn nhiều đến nỗi không bao giờ để cho bạn rời xa con đường thánh thiện mà không qưở trách và khích lệ bạn." (4)

Sự thánh thiện mang tính xã hội một cách mạnh mẽ theo nhiều cách thức. Đó là sự có mặt của một Thiên Chúa yêu thương với cá nhân tôi trong những tương quan xuyên con người với dân của Ngài. Rất thường khi ý tưởng về thánh thiện gợi lên hình ảnh một lòng đạo đức nhạt nhẽo, nhàm chán và ù lì trong khi thực thế nó là một kinh nghiệm phong phú sinh động của lòng mến xuyên con người.

Nhìn ra chúng ta thánh thiện là nhận ra một tiềm năng vô tận vượt lên trên khả năng con người. Sự thánh thiện bao hàm sự hiện diện của lòng mến nơi trung tâm sống mà ở đó phát xuất tất cả những gì chúng ta là. Như vậy để được thánh thiện chúng ta phải ở trong một mối liên hệ với người khác.

Sự thánh thiện xuyên con người là tình yêu phát xuất từ con tim đức Giêsu và chảy qua một cách cho không vào bên trong và ở giữa những trái tim con người. Sự thánh thiện xuyên con người là một bí tích nhân bản. Nó là sự hiện diện của tất cả Thiên Chúa yêu thương vô cùng tại nơi đây và vào lúc này trong chúng ta và giữa chúng ta.

Là thánh tức là được bơm đầy hồng ân. Những con người thánh thiện tham gia vào việc truyền tải hồng ân. Tình yêu Thiên Chúa chảy qua chúng ta và qua chúng ta đến với tha nhân.

Có một niềm vui dịu dàng nơi hồng ân. Biết tình yêu hồng ân của Thiên Chúa là được Ngài sưởi ấm và được lột xác thành chính sự ấm áp đó của Thiên Chúa để rồi ta có thể mang nó đến cho tha nhân. Hồng ân Thiên Chúa thì vô tận; nếu chúng ta không nhận lãnh được nó thì chỉ vì sự vô tâm của chính chúng ta. Qua những mối quan hệ xuyên con người của tôi, tôi đã có được một sự hiểu biết mới mẻ về hồng ân. Tôi càng thấy rõ ràng hơn làm sao hồng ân đan dệt nên cuộc sống hàng ngày của tôi. Tôi đã đi đến chỗ cầu nguyện để cho hồng ân của tôi được nên hồng ân cho tha nhân.

Phần lớn sự duyên dáng của tình bằng hữu nằm ở chỗ chúng ta không tạo ra nó. Đó là một món qùa của Thiên Chúa. Nhiều năm trước tôi tham dự một khóa huấn luyện 10 ngày tại Boston. Tôi đến đó với một cõi lòng nặng trĩu lo âu về những khó khăn khá quan trọng trong nghề nghiệp có ảnh hường tới nhiều lãnh vực khác của đời tôi. Tôi đến Boston với nhu cầu được chữa trị nhưng không mong rằng sẽ được chữa lành. Tôi chỉ đến tham dự khóa học mà không có một mục đích nào khác. Một cái gì đó rất đặc biệt đã xẩy ra cho tôi tại Boston vào mùa hè đó. Có vẻ như những gì tôi đã nghe và đọc trong Kinh thánh, những thao thức và cầu nguyện của tôi về tình yêu lân tuất, chữa lành của Thiên Chúa được phản ánh một cách mãnh liệt nơi một người tôi gặp trong thời gian đó. Chúng tôi mau chóng trở thành bạn hữu.

Từ cuộc tao ngộ đó tôi đi đến chỗ tin rằng mọi cuộc gặp gỡ, mọi tình bạn đều mang một ý nghĩa và nó luôn luôn là một món qùa của Thiên Chúa. Nói khác đi, chúng ta không bao giờ kết bạn, chúng ta chỉ nhận ra những gì Thiên Chúa hoạt định cho chúng ta từ thưở ban đầu. Tôi đến Boston mà không hề nghĩ rằng cuộc đời của tôi sẽ được chạm đến bởi một người khác. Tôi không ngờ rằng tôi sẽ thấy một khuôn mặt rất Thiên Chúa ở đó.

Abraham Heschel, một thần học gia Do Thái lớn, đã nói làm thế nào mà một đứa trẻ tiếp thu câu chuyện hiến tế Isaac. Khi nghe tới đoạn Thiên thần ngăn không cho Abraham giết Isaac, em nhỏ bật khóc. Thầy rabbi kể câu truyện này rất bối rối trước những giọt nước mắt của em nên hỏi : "Tại sao em khóc, Isaac đã được cứu." Em trả lời : "Nhưng thưa thầy, điều gì sẽ xẩy ra khi Thiên thần đến trễ một giây?" Thầy rabbi trấn an em và nói rằng : 'Thiên thần không bao giờ đến trễ!" (5)

Câu chuyện nhắc với ta rằng vào đúng thời gian, Thiên Chúa luôn luôn gởi đến một ai đó làm cho tình yêu Ngài nhập thể vào đời ta. Thiên Chúa luôn luôn cứu vớt chúng ta và Ngài dùng những người khác, "những thiên thần," như dụng cụ cho việc can thiệp dịu dàng và chữa lành của Ngài. Thật thú vị, từ thiên thần trong tiếng Anh phát xuất từ một chữ thông thường Hy Lạp có nghĩa là sứ giả, người được sai đến.

Trước đây tôi có đề cập đến cuốn sách của Donald Nicholl, "Sự Thánh Thiện." Trích dẫn của tôi có bao gồm chữ ‘bạn tâm hồn’ mà ông dùng để mô tả những người Thiên Chúa gởi đến cho ta. Nicholl chỉ ra rằng một người bạn tâm hồn là "một người được Chúa sai đến bởi lẽ ta không thể đăng quảng cáo tuyển mộ cho mình một người bạn như vậy được. Chúa gởi đến cho ta một người bạn như thế dù ta có thích hay không thích người ấy, và tùy ta quyết định có chấp nhận liều thuốc chữa lành ấy không." (6) Chúng ta không thể hoạch định những mối tương quan của chúng ta. Chính Thiên Chúa là đấng làm việc đúng lúc để cho chúng ta gặp gỡ. Chúng ta không thể tiên tri khi nào Chúa gởi người đó đến. Chúng ta chỉ có thể chờ đợi. Thông thường thì chúng ta không thể nào giải thích tại sao hai người như thế lại trở nên bạn được. Đó là một mầu nhiệm nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa cho mỗi người.

Mầu nhiệm về người bạn tâm hồn mà Chúa gởi đến có thể nhận ra rõ ràng nơi tình bạn giữa Gionathan và David trong Cựu Ước. Hai người không hề có chủ ý làm bạn với nhau. Thật vậy việc trở thành bạn của nhau hầu như bất khả vì Gionathan là người thừa kế ngai vàng còn David chỉ là một cậu bé chăn chiên nghèo trong một gia đình tầm thường. Tuy nhiên cả hai được lôi kéo đến với nhau : "Sau khi David nói xong với Saolê, Gionathan trở nên qúy mến David như thể mạng sống anh được cột chặt với David, anh yêu qúy David như bản thân mình" (một Samuel 18;1) Có một cái gì kỳ diệu và quyền năng vượt ra khỏi sự hiểu biết của con người đã kết nối hai người trong một tình bạn đặc biệt. Tình bằng hữu giữa Gionathan và David bao gồm một lôi cuốn tinh thần không dễ dàng giải thích theo lô-gích. Họ là những người bạn tâm hồn và tình bạn của họ là việc làm của Thiên Chúa. Chính vì có chung một tình yêu đối với Thiên Chúa mà hai tâm hồn này được hàn gắn với nhau.

Nếu chúng ta tin rằng không hề có những điều trùng hợp tình cờ trong cuộc sống, thì chúng ta sẽ bắt đầu thấy rằng cuộc đời được đặt trên công việc của Chúa Quan Phòng. Quan phòng có nghĩa là mọi cái trên trần gian đều phục vụ một mục đích vượt lên trên thế gian: mục đích của Thiên Chúa yêu thương vô cùng.

Tin vào Chúa Quan Phòng là tin rằng có một tầm quan trọng đặc biệt nơi mọi cái xẩy ra, và rằng có một Thiên Chúa yêu thương cầm giữ sự tốt lành cho từng cá nhân. Trong ngôn ngữ của những mối tương quan xuyên con người, tin vào Chúa Quan Phòng là nhận ra rằng không có một mối liên hệ nào bởi tình cờ mà có, và tất cả chúng đều được hướng dẫn bởi một Thiên Chúa yêu thương. Nó hàm ý tin rằng trước khi chúng ta có được những cuộc gặp gỡ sâu xa thì chúng ta phải thao thức rất lâu mà chúng ta không thể biết được.

Sam Keen, trong tác phẩm quan trọng và xuất sắc, The Passionate Life, gợi ý rằng có một sự hòa hợp thần bí lôi kéo và cột chặt chúng ta với nhau trong những mối tương quan đầy ý nghĩa. Oâng giải thích :

- … khái niệm về tình cờ, trùng hợp, hay ngay cả sự đồng bộ là những triết lý chắp vá được xây dựng một cách vội vã để che đậy sự lúng túng nơi lập luận của rất nhiều triết gia, những người muốn tỏ ra chín chắn và có lý bằng mọi giá. Suy cho cùng, tình cờ chỉ mang nghĩa hai điều cùng xảy ra vào một lúc, hay đến cùng với nhau. Và đến cùng với nhau có thể dễ dàng suy diễn như là một sự hòa hợp thần bí hay do một ngẫu nhiên của vũ trụ. Nếu chúng ta trân trọng những kinh nghiệm của mình, thì những cái tình cờ bất chợt có vẻ như là hậu qủa của những ân sủng đặc biệt. (7)

Chính những ân sủng đặc biệt của một Thiên Chúa yêu thương làm cho tình yêu hiện diện giữa chúng ta. Thánh thần được ban cho chúng ta cùng với nhau, một cách xuyên con người. Chỉ có một Thánh thần liên kết chúng ta lại : "Thánh thần Chúa đổ đầy thế giới và cầm giữ mọi sự" (Khôn ngoan 1,7). Thật vậy chính Đức Kitô đan kết chúng ta lại với nhau.

Sự nẩy sinh lòng mến trong các mối liên hệ xác nhận là Thánh thần thực sự làm việc trong đời ta và đặc biệt trong các mối tương quan. Thánh Augustino viết rằng: "Trừ phi các bạn liên kết với nhau các bạn không thể có tình bằng hữu thực sự qua lòng mến mà Thánh thần gieo vào lòng chúng ta." (8)

Thường chúng ta cảm thấy chính chúng ta lựa chọn đi vào vòng ân tình với người khác, dĩ nhiên không kể đến các người thân trong gia đình như cha mẹ, anh em, các người thân khác. Sự thật là cũng như chúng ta không lựa chọn cha mẹ, anh chị em cho mình, những tình bằng hữu chân tình cũng không phải là lựa chọn của ta. Tất cả những gì ta phải làm là công nhận sự lựa chọn của Thiên Chúa. Một lần nữa chính hồng ân đặc biệt của Chúa lôi kéo chúng ta lại với nhau. C.S. Lewis đã nói rất hay về nó:

Như một người điều khiển chương trình ở phía sau sân khấu đang làm việc Đức Kitô nói với các môn đệ "Chúng con không chọn thầy, mà thầy chọn chúng con," cũng đúng trong trường hợp các nhóm thân hữu Kitô "Các con không chọn nhau mà chính thầy đã chọn các con cho nhau." Tình bằng hữu không phải là một phần thưởng cho sự phân biệt và sở thích trong việc tìm kiếm người thích hợp. Đó chính là dụng cụ mà Chúa dùng để tỏ cho người này nhìn ra cái đẹp của người kia. (9)

Nhận ra công việc của Thiên Chúa trong các tình bạn sẽ đưa chúng ta đến chỗ nhận ra Thiên Chúa vẫn là một thành phần trong những mối tình chân thật. Ngài luôn luôn ở giữa chúng ta và những người chúng ta yêu thương, không phải để tách biệt chúng ta ra nhưng để gắn chặt chúng ta hơn.

 

CHƯƠNG 2
BẠN BÈ, TIÊN TRI, NGƯỜI YÊU

Nếu chúng ta cố gắng định nghĩa cuộc đời con người và đi tìm ý nghĩa của nó chúng ta sẽ khám phá sự tồn tại của chúng ta thật ra là đồng tồn tại. Ở trong liên hệ với người khác là nền móng của việc thực sự sinh tồn. Chúng ta là một phần của một liên hệ xuyên con người ngay cả khi trước khi sinh ra. Về căn bản cuộc sống là một liên quan và tình bạn là một nguyên tố tối quan trọng của một cuộc sống thánh thiện và sung mãn.

Tình bạn chân thật là một huyền nhiệm. Nó chạm vào và cầm giữ chúng ta. Chúng ta không phân tích được mà sống trong nó và nghiệm thấy sự phong phú của nó. Nó có đủ phẩm chất nói với chúng ta về sự dịu ngọt và cái đẹp của Thiên Chúa. Tình bằng hữu chân thật, không ai chối cãi được, dẫn đưa ta đến với Thiên Chúa. Aelred Rievaulx đã nói rất tuyệt về nó :

- … tình bạn là một chặng đường giáp ranh với sự hoàn thiện chứa đựng tình yêu và sự nhận biết Thiên Chúa, để cho một người từ chỗ là bạn của nhau đi đến chỗ là bạn của Thiên Chúa theo như lời Đấng Cứu Thế nói trong Phúc âm : "Ta không gọi các con là tôi tớ nhưng là bạn hữu." (1)

Khi tình bạn của chúng ta được đào sâu thì liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa cũng được như thế. Việc đào sâu tình bạn đối với Thiên Chúa cũng đào sâu tình bạn với con người. Trong tình bạn chân thành chúng ta giúp nhau vươn ra khỏi những giới hạn cá nhân của mình để chạm vào chính Thiên Chúa.

Mỗi một tình cảm - dù đó là tình phu thê, cha con, bạn bè đều mang một chiều kích thần linh và có thể dùng để đi sâu vào cuộc sống tâm linh. Tình bạn thường là việc làm cho nước Chúa và sự hiện diện của Ngài lộ rõ ra trong đời ta. Tình bằng hữu luôn luôn là một món qùa được ban cho chúng ta để xây đắp Nước Chúa. Nó là một món qùa không phải để cất đi nhưng để mang ra xử dụng và chia sẻ với dân của Chúa.

Mỗi một tình bằng hữu chúng ta kinh nghiệm thấy sẽ làm phong phú mọi tình bằng hữu khác. Cuộc sống được tiếp nguồn sinh lực phát xuất từ những liên hệ xuyên con người. Trong tình bạn toàn thể con người được thăng hoa lên với Thiên Chúa. Như trước đây đã nhắc đến, tình bằng hữu có thể là bí tích qua đó một người bạn có thể thấy được Thiên Chúa. Cũng vậy, chúng ta có thể trở thành một kinh nghiệm về Thiên Chúa cho nhau. Thiên Chúa ban cho chúng ta khả năng bắt chước Ngài, chính trong tình bằng hữu mà điều này xẩy ra tốt nhất. Nhiều khi tình bạn không được cho một tầm quan trọng trong cuộc đời như nó đáng được có xét theo tính thiết yếu trong việc thể hiện tất cả khả năng của con người được tạo dựng theo hình ảnh của Chúa. Những người bạn làm cho chúng ta nên thành toàn. Họ giúp chúng ta định nghĩa được bản thân. Họ trở nên một phần của chúng ta và giúp chúng ta nên thánh. Đây là lời của thánh Phanxicô Salêsiô trong cuốn sách "Dẫn Vào Đời Sống Thiêng Liêng" : "Những ai sống trong thế gian mà ước ao đi đàng nhân đức thì cần liên kết với nhau trong tình bạn thiêng liêng và thánh thiện." (2)

Bất kỳ khi nào tôi hồi tưởng về đời mình và các mối liên hệ của tôi, tôi nhận ra mình đã gắn chặt biết bao vào những người cùng hành trình với tôi trong những bước đường đời. Chúng ta đã nghe những bài nói chuyện của những người thành đạt lớn tiếng tự hào rằng : "Tôi là một người tự lập ! Tất cả những gì tôi có và tôi là đều do tôi làm ra !" Tôi muốn thách thức những tuyên bố như thế. Tôi không tin có ai đó là một người tự lập khi xét về những thành công thực sự trong đời sống của những người là cha là mẹ, là người biết lắng nghe, là vợ chồng chung thủy. Khi tôi xét đến những thành công thực sự của mình, tôi nhận thức chắc chắn tôi không phải là một người tự lập. Tất cả những gì tôi là và tôi có, tôi mang nợ những người đã hình thành nên tôi bằng yêu thương, chăm sóc và khích lệ tôi. Có những người trong đời tôi mà thiếu họ tôi sẽ không trọn vẹn, không được như con người hiện nay của tôi. Họ là một phần rất quan trọng trong câu chuyện đời tôi và trong hành trình đức tin của tôi.

Có những giai đoạn căng thẳng về tinh thần nhưng lại làm giàu cho sự trưởng thành tâm linh của tôi. Trong khi chúng ta có thể không nhớ thời điểm của những kinh nghiệm này, chúng ta vẫn có thể sống lại và thưởng thức cảm giác đó rất lâu về sau và luôn nhận ra rằng chúng đã ảnh hưởng đến cốt lõi của con người ta. Qua những người thân yêu trong cuộc đời, ta vun trồng một tình yêu sâu sa hơn, trong sáng hơn cho cuộc đời, cho thế gian và cho tha nhân. Tình bằng hữu là một ngôi trường yêu mến mà chúng ta phải học hỏi để quan hệ với nhau trong yêu thương.

Chân lý này đặc biệt ảnh hưởng trên tôi trong 12 năm dạy giáo lý tại trung học. Tôi có thể nhớ rất rõ trong năm đầu tiên đứng lớp có một em gái luôn dửng dưng khi những người khác tỏ ra quan tâm đến em. Tôi rất bứt rứt về điều này nên đến với vị linh hướng của nhà trường và tìm hiểu về em thì được biết em học sinh lớp 10 này không thể đáp ứng lại những quan tâm đến em vì em không biết phải làm như thế nào. Dù đã lâu lắm rồi tôi vẫn nhớ từng chữ một : "Anna không biết thân thiện ra sao." Vị linh hướng giải thích rằng trong phần lớn đời em, Anna là một đứa con nuôi, năm này qua năm khác em lăn đi từ gia đình nuôi này sang gia đình nuôi khác. Lúc đó tôi mới 21 tuổi và rất ngây thơ. Tôi xuất thân từ một gia đình kiểu mẫu hết sức hòa thuận thương yêu và tôi cho rằng ai cũng phải biết yêu mến. Tôi đã thực sự nghĩ rằng đây là một khả năng bẩm sinh. Qua kinh nghiệm với Anna này mà tôi nhận ra rằng chúng ta học yêu mến qua việc được yêu thương. Tự thâm tâm tôi nhận thức rằng tôi đã may mắn xuất thân từ một môi trường tràn ngập thương yêu. Không như Anna những năm thơ ấu của tôi là một ngôi trường yêu thương mà qua những kinh nghiệm sống đó tôi học biết yêu chính mình và tha nhân.

Chúng ta thường nghe nói rằng không ai tối quan trọng, không mợ thì chợ vẫn đông. Tôi không hài lòng mỗi khi nghe vậy ! Mỗi con người trong một phạm vi nào đó đều tối quan trọng ! Mỗi người đều có một đóng góp độc đáo cho người khác, một sự đóng góp có thể là nền tảng cho việc hình thành một con người toàn diện và thánh thiện. Chúng ta nên chấm dứt nói và tin vào những ý tưởng như vậy mà nên nói về niềm tin của ta nơi nhau , tin vào tình bạn chúng ta chia sẻ và vào Thiên Chúa đấng thổi sinh khí, duy trì và hiện diện nơi tình bằng hữu. Tin vào người khác là nhận ra họ không phải bằng một cái nhìn nhưng là biết rằng họ chính là đường đi của ân sủng đến cho ta.

Tình bằng hữu là một kinh nghiệm mang tính người nhất. Qua tình bạn nhân loại, chúng ta được trở nên phong phú và làm cho đời sống người khác phong phú. Tình bạn làm phong phú chúng ta chỉ vì có một Thiên Chúa yêu thương cắm lều giữa chúng ta. Qua những người bạn chúng ta nhận ra một cách thâm sâu rằng Thiên Chúa có mặt nơi đây và vào lúc này, rằng Ngài tiếp tục yêu thương chúng ta.

Sự quan trọng của tình bạn càng trở nên rõ ràng hơn cho tôi khi tôi tham dự vào một nhóm tĩnh tâm. Người hướng dẫn tĩnh tâm xin chúng ta vẽ lại những cột mốc quan trọng trong hành trình thiêng liêng của mỗi người. Khi làm điều này tôi nhận ra rằng ở những cột mốc quan trọng đó đều có sự đóng góp của một hay nhiều người khác vào cuộc đời tôi. Mỗi người đều có một hành trình thiêng liêng riêng. Nhiều người thấy lúng túng khi chỉ ra chính xác vào lúc nào cá nhân họ nhận ra được sự có mặt đầy quyền năng của Thiên Chúa trong đời họ. Tuy nhiên thời khắc đó rất dễ nhận biết nếu có người nhân danh Chúa thúc đẩy chúng ta tiến lên và trở thành chính mình.

Những người có ảnh hưởng quan trọng đến sự trưởng thành tâm linh của chúng ta theo một nghĩa nào đó là những tiên tri. Các tiên tri trong Cựu ước là những người được Thiên Chúa mặc khải về chính Ngài theo một lối đặc biệt để họ có thể nói thay cho Chúa. Các tiên tri giải thích cho dân chúng về chính họ và nhiên hậu lôi kéo sự tập trung của dân chúng vào Thiên Chúa.

Ngày nay vẫn có các tiên tri. Không những chỉ có các tiên tri kêu gọi cải cách xã hội và cảnh báo loài người về hậu qủa của lối sống của họ, nhưng còn có những tiên tri cá nhân đi vào cuộc đời chúng ta một cách thân thương và lôi kéo chúng ta đến gần Chúa hơn.

Chúng ta cần đến những tiên tri cá nhân. Chúng ta cần đến những cá nhân mà chúng ta gặp trong riêng tư mà lòng đạo đức rõ ràng của họ dấy lên nơi ta một hi vọng rằng cũng như họ chúng ta có thể nghe được tiếng gọi của Chúa và theo chân Ngài đến cõi chưa hề được biết đến. Khi chúng ta gặp gỡ một người có đức cậy vững vàng tin vào lời hứa của Chúa dù cho nó có không rõ ràng và đưa đến đau khổ nhiễu nhương thì chúng ta được ban cho một nguồn sinh lực mới để sống theo ý Chúa nơi ta.

Là một tiên tri tức là một bí tích của Lời Chúa. Lời của những bạn bè tôi đối với tôi cũng là một phần của Lời Chúa. Như là những tiên tri của nhau, chúng ta được kêu gọi không phải nói những lời từ môi miệng đến lỗ tai nhưng từ trái tim đến trái tim. Một cách căn bản, tiên tri trong Cựu ước và các tiên tri hôm nay của cá nhân chúng ta công bố Tin mừng – không phải là chỉ là những chi tiết của cuộc đời Đức Kitô nhưng còn là Tình Yêu. Đức Kitô cứu rỗi chúng ta bằng ân sủng, bằng tình yêu cho không. Chính là sự chia sẻ liên tục ân sủng làm cho Tin mừng được tái sinh nơi trái tim con người. Các tiên tri cá nhân của chúng ta đã biến Lời Chúa thành xác phàm vì những gì họ làm và là đều làm chứng về thực tại của tình yêu sung mãn của Thiên Chúa. Họ thể hiện lời Đức Kitô : "Những gì đầy tràn trong lòng sẽ tuôn ra nơi cửa miệng" (Mt 12,34)

Tin mừng mà các tiên tri loan báo là chúng ta được yêu thương một cách không điều kiện; ơn cứu độ là một thực tại nơi cá nhân ta; Đức Kitô cứu chuộc từng người như một cá nhân độc nhất vô nhị. Chúng ta biết rằng Chúa phục sinh và Ngài sống hôm nay bởi vì chúng ta gặp gỡ Ngài nơi các tiên tri của chúng ta. Họ thông truyền điều này cho chúng ta không phải qua lời nói và việc làm mà thôi nhưng còn với cùng một sự hiện diện thiết thân đã thấm nhập vào đời ông Giakêu, Matthêu, người đàn bà Samarita và nhiều người khác. Sự hiện diện này đụng chạm đến sâu thẳm chúng ta mà chưa ai chạm tới được. Chúng ta được đụng chạm bởi nhận thức con người này, tiên tri này là lời hứa được thành sự của Đức Giêsu : "Ta hằng ở cùng các con."

Các tiên tri cá nhân của chúng ta thấy điều chúng ta không thấy và có đủ can đảm để chia sẻ nhãn giới ấy bằng mọi gía. Có những phen trong đời, ta cần một nhãn giới mới vượt lên trên cái hiện tại và cái trước mặt. Có những phen chúng ta mơ những giấc mơ mệt mỏi không bao giờ thành sự thật. Các tiên tri chia sẻ cái nhìn của họ với chúng ta và kêu gọi chúng ta đổi mới như điều được nói trong sách tiên tri Isaiah : "Từ nay ta công bố những điều mới cho các bạn, những điều bí ẩn mà các bạn đã không biết" (Isaiah 48,6)

Mỗi người chúng ta thấy được những cái mà không ai khác thấy theo một cách thức độc đáo. Chia sẻ cái nhìn với nhau dẫn người ta đến chỗ gặp gỡ tối cần và bao quát hơn về cuộc sống.

Chúng ta chờ đợi các tiên tri cách ý thức hay không, nhận thức trong đức tin rằng Thiên Chúa sẽ gởi các sứ gỉa đến củng cố tinh thần chúng ta trong hành trình đi đến Ngài. Chúng ta sẽ nhận ra họ bởi vì họ có vẻ như ‘có một cái gì đó’. Có một tính cách thánh thiện nơi sự hiện diện của họ và một tình yêu thủy chung thâm sâu với Thiên Chúa và với con người.

Thiên Chúa hành động qua các tiên tri để làm cho chúng ta nhận ra một sức mạnh đặc biệt trong chính chúng ta. Nơi tình bằng hữu chúng ta nhận được một loại sức sống và năng lượng đặc biệt, nhưng mối liên hệ đó không phải là nguồn sống. Nguồn sống còn lớn hơn thế nữa. Một tình bằng hữu riêng tư tốt lành thâm sâu có nền tảng trên Thiên Chúa được hình thành bởi chính Thiên Chúa. Bởi vì Thiên Chúa có mặt nơi tình bạn hướng về Ngài, sự sống và sức mạnh trong tình bạn phát xuất từ Ngài.

Là con một và mất cha khi lên 18 tuổi, tôi thường tự hỏi về một thực tế không thể tránh khỏi là một ngày kia tôi cũng phải mất mẹ, mối dây liên hệ cuối cùng của tôi trong một gia đình. Tôi đã thường nghĩ đến và rùng mình về kinh nghiệm không thể tránh khỏi và u ám này trong tương lai. Tôi cảm thấy mình không đủ sức mạnh và khả năng chịu đựng mất mát này. Ngày chia ly đó đã đến 2 năm trước. Giờ đây khi hồi tưởng về nó tôi vẫn thường kinh ngạc về nghị lực của mình. Tôi chắc rằng nghị lực này không phải do tôi mà có. Nó đến từ một nguồn sống vượt lên trên hữu thể của tôi . Chính là Tình Yêu đã tăng lực cho tôi. Từ ngày đó tôi biết rằng tình yêu với sức mạnh của nó để nâng đỡ, để tăng lực và khích lệ tôi thì hoàn toàn là một món qùa từ một nguồn sống vô biên : "… tình yêu Thiên Chúa đã tuôn ra chảy vào lòng chúng ta" (Roma 5,5). Tôi đi đến chỗ nhận ra rằng khi chúng ta cảm nghiệm được hơi ấm và sự dịu ngọt của tình yêu tuôn chảy nơi tình bằng hữu và sức mạnh phát xuất từ tình yêu đó thì chúng ta sẽ bàng hoàng biết rằng chính là Thiên Chúa đang hành động.

Những người yêu nhau chân thành chạy đến Nguồn Sống đó kín múc ra tất cả những gì cần thiết để bước vào một tình yêu chân thành thân thiết. Họ lưu lại trong Nguồn Sống, trở nên thân mật với Nguồn Sống và không bao giờ tách khỏi Nguồn sống. Trong tác phẩm Tình Bạn Cao Qúy, Gary Inrig giải thích rõ ràng : "Chúng ta học biết yêu mến, bởi vì chúng ta đi vào trong suối nguồn của yêu mến, thờ lạy Ngài và học hỏi từ Ngài. Nếu chúng ta không thờ lạy Ngài cho tốt chúng ta sẽ không bao giờ yêu mến tốt đẹp được." (3)

Chúng ta không chiếm hữu tình yêu được. Chúng ta không bao giờ thực sự dâng hiến một tình yêu hoàn toàn là của mình cho người khác. Tình yêu chỉ là của chúng ta theo mức độ chúng ta nhận lãnh từ Thiên Chúa. Chính là tình yêu của Ngài, tình yêu thần linh, và chúng ta chỉ là dòng kênh nó chảy qua.

Trong khi chúng ta không chiếm hữu tình yêu, chúng ta phải để cho nó chiếm hữu lấy mình. Hãy nhớ lại cuốn phim "Qủy ám". Khi một bé gái bị qủy ám, toàn thể con người của em đều thay đổi. Khuôn mặt, giọng nói, tính tình đều đổi thay. Em bị ma qủy chiếm đoạt cho nên em bắt đầu trông giống và hành động như ma qủy. Ta hãy tưởng tượng ra một người được chiếm hữu bởi Thiên Chúa và bởi tình yêu ! Được chiếm hữu bởi Thiên Chúa là nhận được tình yêu của Ngài trong thâm cung bản thể mình, được sưởi ấm trong đó, được nó thấm nhập vào toàn thể con người mình, để hành động vì nó và chia sẻ nó với người khác. Nó có nghĩa rằng ta để cho Thiên Chúa đi vào con người cốt lõi bên trong của ta và Ngài làm đầy hữu thể của ta bằng chính Ngài.

Tôi đã gặp nhiều người được Thiên Chúa chiếm hữu. Bạn cũng đã từng gặp họ. Có một sự trang trọng thanh thoát nơi mọi việc họ làm. Bạn cảm thấy sự thánh thiện của họ ngay cả khi họ trét bơ vào bánh mì. Những ai được Thiên Chúa chiếm hữu là những người yêu mến chân thành nhất. Thông thường chúng ta dùng chữ người yêu để chỉ về những người người yêu nhau trong những mối tình lãng mạn. Tuy nhiên tất cả chúng ta đều là những người yêu mến trong tất cả các mối liên hệ cá nhân. Một người yêu mến là một người có cách sống quảng đại, quan tâm và nhậy cảm với người khác. Người yêu mến hoàn toàn tham gia vào cuộc sống một cách trọn vẹn và trao ban 200% trong các mối liên hệ con người với con người. Người yêu mến là những người nhiệt thành với Thiên Chúa và dân của Ngài. Những người yêu mến nhiệt thành sống sôi nổi và hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa đấng là tình yêu.

Tôi là một người Ý. Tôi luôn luôn cảm thấy rằng là người Ý thì phải sôi nổi. Tôi lớn lên giữa những người Ý sôi nổi. Thật vậy tôi mang ơn việc được học biết yêu thương từ rất sớm trong đời giữa một bầu khí tràn đầy yêu mến chân thành và sôi nổi. Sôi nổi tức là yêu mến cuồng nhiệt. Sôi nổi là tính chất của Đức Kitô và là điều Ngài muốn nơi chúng ta. Đó là điều Gioan Tẩy giả ngụ ý khi ông nói Đức Kitô sẽ thanh tẩy chúng ta "trong Thần khí và trong lửa" (Luca 3,16). Sôi nổi cũng được Đức Kitô đề cập đến khi nói : "Ta đến để ném lửa vào thế gian. Ta hằng ao ước ngọn lửa này sẽ cháy bùng lên !" (Luca 12,49) Sôi nổi cũng là tất cả những gì mà biểu tượng về Thánh tâm Đức Giêsu nhắm đến. Ngọn lửa nơi trái tim Đức Giêsu chính là tình yêu sôi nổi bùng cháy. Ngọn lửa đó đốt lên tình yêu trong chúng ta. Một khi chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa-Người Yêu Mến này chúng ta sẽ được biến đổi. Chúng ta không thể tiếp xúc với lửa mà không bị đốt cháy. Chúng ta không thể kinh nghiệm được Thiên Chúa và rồi vẫn như cũ. Chúng ta sẽ không bao giờ lạnh lùng như xưa nữa; chúng ta sẽ bùng cháy lên với Ngài.

Cường độ biến đổi do biết Đức Giêsu và để cho Ngài tác động đến chúng ta được minh họa rõ nét trong kinh nghiệm về đàng Emmaus. Sau khi đi đàng Emmaus với Đức Giêsu mà không nhận ra Ngài, các môn đệ biết được đây là Đức Giêsu khi Ngài bẻ bánh ra cho họ. Mắt họ mở ra và các môn đệ tự nhủ, "Lòng chúng ta đã chẳng bùng cháy là gì đó : (Luca 24,32). Sự gặp gỡ Đức Giêsu là một kinh nghiệm về lửa, và khi họ nói về điều đó thì lòng họ cũng cháy bên trong họ. Chúng ta cũng có thể có được kinh nghiệm Emmaus khi chúng ta nhận ra Đức Kitô nơi một người bạn, một người quen, một đồng nghiệp, nơi người vợ, người chồng hay bất kỳ ai yêu mến chúng ta. Chúng ta biết đó chính là Đức Kitô bởi vì trái tim chúng ta bùng cháy với một ngọn lửa yêu mến và rằng một trái tim bùng cháy là một dấu hiệu chắc chắn về sự hiện diện của Đức Kitô. Chính vào lúc này chúng ta cảm nghiệm được sôi nổi có nghĩa là gì.

Đức Giêsu sống mọi giây phút trong đời Ngài một cách sôi nổi. Tất cả những gì Ngài làm để ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác trong sứ mạng trên trần gian của Ngài đều làm chứng về tình yêu bùng cháy nơi trái tim Ngài. Xem xét những cao điểm nơi đời Ngài: trầm mình vào sông Jordan để chịu phép rửa; đuổi những người buôn bán trong Đền thờ; mở mắt cho người mù; chịu chết trên thánh giá. Ngài không làm những điều này vì đơn giản đó là một bổn phận hay một yêu cầu của sứ mạng, nhưng Ngài làm với lòng nhiệt thành. Ngài làm chúng vì tình yêu nhiệt thành với Cha của Ngài và những người mà Cha đã giao phó cho Ngài.

Kinh thánh cũng cho ta thấy đôi điều về sự nhiệt thành nơi mối liên hệ giữa Gionathan và David. Xuyên suốt mối liên hệ này cả hai người tỏ ra họ là những người sôi nổi. Ta thấy rõ điều này khi mối quan hệ đó bị cắt đứt và cả hai đều khóc. Họ khóc không phải vì nỗi đau chia cắt nhưng do bản chất sôi nổi của họ. Những giọt nước mắt của họ nói về chiều sâu của tình bạn, ân sủng và gốc rễ của nó nằm ở nơi Thiên Chúa là tất cả yêu thương. Có lẽ điều chúng ta cần nhất hôm nay là loại sôi nổi thần linh này, hay ít nhất cũng là can đảm bầy tỏ sự sôi nổi đó vốn là một di sản của chúng ta như là dân của Chúa. Có vẻ như trong cái xã hội quay cuồng ít nhân tính này chúng ta đã đánh mất sự sôi nổi đó. Chính Đức Giêsu đã than khóc cho sự đánh mất lòng nhiệt thành của thời đại của Ngài : "Chúng tôi thổi sáo mà các anh không nhảy múa; chúng tôi hát bài đưa đám mà các anh không khóc than" (Luca 7,32). Những ai đánh mất sự sôi nổi của họ như là dân Thiên Chúa thì sẽ dửng dưng với niềm vui và nỗi buồn của người khác. Thiên Chúa kêu mời chúng ta phát huy lòng nhiệt thành sâu sa với cuộc đời, với điều mà chúng ta là, cũng như với Thiên Chúa đấng nhiệt thành vô cùng và với dân của Chúa. Chúng ta hoàn toàn là người không phải khi chúng ta nghĩ về yêu mến, học biết hay bầy tỏ nó ra, nhưng khi chúng ta trở nên người yêu mến sôi nổi trong các quan hệ gai góc.

Bí quyết nằm ở chỗ nhận ra Đấng Yêu Mến tối thượng, biết Ngài một cách thân thiết và yêu mến Ngài với tất cả con người chúng ta ngõ hầu chúng ta được nên giống Ngài. Nước Trời lớn lên và trổ sinh hoa trái khi nào dân của Chúa mang vào mình sự sôi nổi của Ngài với đầy lòng thương xót. Con đường Nước Trời là con đường sôi nổi. Khi ta cầu nguyện "Nước Cha trị đến" theo một nghĩa nào đó ta cầu nguyện cho chính ta để ta có thể đón nhận tình yêu của Chúa trong đời ta và như thế trở thành công cụ của tình yêu đối với người khác. Nước Trời lớn lên ở nơi người ta sống nhiệt thành với Chúa và với nhau.

Chúng ta được tạo dựng cho tình yêu; không thể có sự thành toàn bên ngoài tình yêu. Sứ mạng yêu mến là một sứ mạng chung cho mọi người. Dù cho có bao phức tạp nhiễu nhương, sự xâm chiếm của máy móc, cuộc đời vẫn sôi sục vì người ta yêu nhau. Khi Đức Giêsu nói : "Hãy yêu thương nhau" Ngài yêu cầu chúng ta chi li lo lắng cho nhau, kính trọng, quan tâm và trở nên thiết thân với nhau, xin nhau tha thứ và thứ tha cho nhau, khích lệ, tin tưởng và cưu mang lấy nhau. Ngài nói với chúng ta rằng sự thành toàn xẩy đến qua trao ban và nhận lãnh lòng yêu mến không điều kiện, rằng chỉ có mến yêu mới làm cho cuộc đời có ý nghĩa.

Tác giả dòng Tên nổi tiếng, John Powell chú thích rằng : "Không có gì khác có thể làm cho tâm hồn con người mở rộng, làm tiềm năng con người phát huy và đưa ta đến chỗ sống dồi dào hơn là một lòng mến không điều kiện." (4) Yêu mến không điều kiện không những là một sứ mạng Kitô giáo, và là một bổn phận, nó còn là một yêu cầu bắt buộc để ta sống cuộc đời này trong tất cả sự sung mãn của nó.

Hằng ngày tôi đều tạ ơn Chúa vì sự sung mãn của cuộc đời tôi, đặc biệt vì Ngài đã ban cho tôi những điều kỳ diệu : tài năng, thành công, một bản chất tốt đẹp cũng như sự khéo léo nhân loại. Ngài đã ban cho tôi khả năng suy luận, nhận biết và thưởng thức, nhưng món qùa lớn lao nhất mà Ngài dành cho tôi rõ ràng là tình yêu nồng nàn mà tôi nhận biết được qua những lòng mến dấu chỉ mà Ngài gởi đến cho tôi nơi những con người. Tình yêu của Ngài là một điều chắc chắn. Mọi cái trong đời đều có những điều kiện của nó. Đời sống thì đầy tràn những cái "nếu". Chúng ta biết rõ về chúng nơi những sản phẩm và dịch vụ mà ngành công nghiệp quảng cáo Hoa Kỳ cung cấp. Mọi thứ đều rất tuyệt vời, như là một giải pháp cho mọi nhu cầu của chúng ta, có điều mỗi cái đều có "một bảo đảm giới hạn có điều kiện." Không có gì được bảo đảm vĩnh cửu ngoại trừ tình yêu của Thiên Chúa. Có lẽ điều kiện phổ biến nhất của tình yêu nhân loại là : "Tôi sẽ yêu anh nếu anh cũng yêu tôi." Trong khi không bao giờ chúng ta có thể diễn tả chính xác tình cảm đó ra, nó chính là cái ta thường cảm thấy nhất. Tuy nhiên tình yêu Thiên Chúa dành cho ta không phụ thuộc vào tình yêu mà ta dành cho Ngài. Ngài yêu chúng ta không điều kiện, bất kể đến đáp ứng của chúng ta. Tình yêu Thiên Chúa là của chúng ta một cách tuyệt đối, cho không, không bị ràng buộc bằng bất cứ sợi dây nào. Thánh Phaolô nói : "Đúng thế tôi tin chắc rằng : cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương qủy lực, hiện tại hay tương lai, hay bất kỳ quyền lực nào, chiều cao hay vực thẳm, hay một tạo vật nào có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa tỏ bầy qua Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta." (Roma 8,38-39) Chắc chắn có một bảo đảm vô tận cho chúng ta nơi Thiên Chúa yêu thương vô cùng này.

Tình yêu nhân loại chỉ trở thành không điều kiện khi nó mặc vào chính tình yêu của Thiên Chúa và tuôn ra từ cõi lòng những người yêu mến nhau. Nơi các mối quan hệ chứa đựng tình yêu không điều kiện chúng ta cảm thấy sự bảo đảm biết được tình yêu của chính Thiên Chúa, bởi vì tình yêu nhân loại thực sự là tình yêu Thiên Chúa nhập thể. Đối với nhiều người, kinh nghiệm tiên khởi về sự bảo đảm này đến từ tình yêu của Thiên Chúa hóa thân nơi người mẹ của chúng ta. Trong sự thiết thân với lòng mẹ, thai nhi cảm thấy an toàn trọn vẹn trong gắn bó với mẹ. Sau khi sinh ra có những lúc sự an toàn này bị gián đoạn rồi đứa trẻ lại cảm thấy an toàn khi ngồi vào lòng mẹ. Những bầy tỏ yêu mến – hơi ấm nơi vòng tay mẹ, mùi vị của sữa mẹ, nhịp đập của con tim của mẹ, lời mẹ ru – tất cả mang đến cho đứa trẻ một sự an toàn sâu sa. Một người mẹ như thế nói về tình yêu bằng chính thân thể của mình là một dấu hiệu không thể nhầm lẫn về sự hiện diện của Thiên Chúa. Về sau khi vòng tay của mẹ được thay thế bằng vòng tay của một người yêu, sự cảm thông của một người bạn, của một cộng đoàn được gọi là Giáo hội, thì đó cũng là một Thiên Chúa đó có mặt dâng hiến cho ta tình yêu không điều kiện của Ngài, suối nguồn duy nhất của sự an toàn thật sự.

Tình yêu không điều kiện này là lòng mến đích thực. Nếu ta yêu nhau như vậy, tình yêu của ta không bao giờ chết đi. Bởi vì đây là tình yêu được Thiên Chúa thánh hiến, nó đưa ta tham dự vinh quang Nước Trời. Ta được bảo đảm về điều này trong sự phục sinh của Đức Giêsu, ở đó không những ta được hứa sự sống đời đời mà còn là sự toàn thắng của tình yêu. Đức Giêsu tỏ cho thấy tình yêu luôn luôn chiến thắng. Nếu chúng ta mặc lòng mến này vào trong tình yêu của chúng ta, chúng ta sẽ luôn luôn ‘chiến thắng’. Có lẽ sự chiến thắng của chúng ta không được thế gian công nhận nhưng đó thực sự là một chiến thắng xét theo bản chất của nó. Câu nói danh tiếng của Thánh Augustine, "Ama et fac quod vis," ("Yêu mến và làm điều bạn muốn.") đào sâu ý tưởng này khi ngài cho rằng ta chỉ cần lòng mến chân thật là đủ, mọi cái nhiên hậu sẽ đâu vào đấy khi lòng mến ngự trị.

Dấu ấn lòng mến của Đức Giêsu đạt đến tột đỉnh trong việc phục sinh và chiến thắng của lòng mến không phải là chiến thắng mang tính tình cảm. Nó bao gồm những thực tại của đời thường như đôi tay nhầu nát, khăn niệm vấy máu, thân xác lở loét. Lòng mến của Đức Giêsu hướng về những nhu cầu cụ thể của con người : cho người đói ăn, trấn an sự sợ sệt của họ giữa cơn bão táp nơi biển cả. Lòng mến của Đức Giêsu còn gắn chặt vào thế giới vật chất: Ngài trộn bùn đất với nước miếng để bôi lên mắt người mù và chữa anh ta khỏi, Ngài lau rửa những đôi chân bẩn thỉu của các tông đồ và Ngài chết với thân xác nát bét bê bết máu trên thánh giá. Những người yêu mến muốn thực sự trở thành bí tích của lòng mến Thiên Chúa có thể quên đi chủ nghĩa lãng mạn mà thay vào đó các anh hãy sống dấu chỉ lòng mến của Đức Giêsu: đụng chạm đến và ôm ấp lấy kẻ xấu xí cũng như người xinh đẹp, nắm lấy đôi bàn tay dơ bẩn của họ bởi vì trong yêu mến thì bùn đất, máu me, mồ hôi và nước mắt không làm cho ta ngại ngùng.

Cốt lõi trong việc sống dồi dào cuộc đời Kitô hữu và qua đó trở nên dấu chỉ sống động của Thiên Chúa cho anh em mình là yêu mến luôn luôn. Bạn hãy nhớ những câu hỏi trong sách giáo lý của giáo phận Baltimore, "Ai đã dựng nên các con?" và "Tại sao Thiên Chúa lại dựng nên các con?" Thưa : "Thiên Chúa dựng nên con – để hiểu biết, yêu mến và phụng sự Ngài…" Những điều này thực sự tóm gọn những gì chúng ta được kêu gọi thực thi trong tư cách người Kitô hữu. Lý do Thiên Chúa dựng nên chúng ta là để chúng ta được nên thiết thân với Ngài – và điều này có được qua việc ta nên thiết thân với anh em. Ta sẽ chu toàn ý định của Thiên Chúa nơi đời ta nếu ta sống hòa hợp với nhau và làm chứng một cách thuyết phục về thực tại của lòng mến Thiên Chúa nơi thế gian. Vào ngày phán xét chúng ta sẽ không bị tra vấn về những thành đạt trong cuộc sống, nhưng về cách thức mà chúng ta yêu mến. Chúng ta không thể đưa ra bằng cấp kinh viện, giấy khen hay trương mục ngân hàng vào cõi đời đời. Điều duy nhất chúng ta có thể mang theo là lòng mến. Nếu chúng ta đã không yêu mến chúng ta sẽ đi vào cõi vĩnh cửu với đôi bàn tay trắng.

Cuộc sống dạy chúng ta rằng bây giờ là lúc yêu mến: hoãn lại phút sau, giờ sau, ngày mai có thể là qúa trễ. Cuộc sống nhiều người lệ thuộc vào việc ta yêu mến họ. Họ cần chúng ta làm cho họ điều Đức Giêsu đã làm cho Lazarô : Ngài yêu mến và tái sinh. Lazarô đã chết về mặt thể chất nhưng có nhiều người giữa chúng ta dù cho bên ngoài vẫn sống đấy những bên trong đã chết và họ khẩn trương cần đến những ai yêu mến và làm tái sinh họ.

13 năm trước tôi học được một bài học về khẩn trương yêu mến. Tôi là một giáo viên trẻ dạy giáo lý cho một nhóm học sinh năm cuối tại một trường Công giáo. Đó là ngày thứ sáu của tuần thứ ba trong năm học mới. Một tuần lễ căng thẳng đã kết thúc. Các em học sinh và tôi đều mệt. Có một nhóm rất quậy phá và tôi ra tay trừng phạt chúng. Tôi tuyên bố với lớp học rằng tôi sẽ cho điểm F (kém) cho những em vô kỷ luật trong ngày hôm đó. Một em trai bị kỷ luật đứng lại nhìn tôi sau khi các em khác ra về. Tên em là Martin. Em nói rằng em chỉ ngồi chung với đám bạn phá phách mà không tham gia vào các trò đó nên em không đáng bị điểm F. Trong một lúc mà bây giờ tôi cho mình được Thần khí tác động, tôi nói với Martin rằng tôi tin em và tôi sẽ hủy bỏ điểm F của em. Em tỏ ra biết ơn và lặng lẽ ra về. Tôi là người cuối cùng gặp Martin chiều hôm đó. Đêm đó Martin lấy súng bắn vào đầu và chết. Em rất cần có ai đó yêu mến và tái sinh em trước khi qúa trễ. Tôi vẫn nghĩ về khả năng tôi có thể cứu em thoát chết. Ngay đến hôm nay tôi vẫn tạ ơn Chúa về hồng ân tôi có thể đáp ứng Martin trong điều nhỏ nhoi mà tôi đã làm. Nhưng tôi vẫn cầu xin ơn thấy được nỗi đau trong thâm sâu con người và tất cả những gì cần thiết để trở nên công cụ chữa lành của Chúa cho người đau khổ.

Cốt lõi của vấn đề luôn luôn là tình yêu. Đó là nhịp đập của cuộc sống. Chúng ta yêu mến bởi vì đó là điều tuyệt đối đúng. Chúng ta yêu mến bởi vì Thiên Chúa là lòng mến. Tác gỉa được nhiều người biết Morton Kelsey đã bén nhậy nói về nó :

Đức Giêsu giải thích rằng lý do của yêu mến không những là vì yêu mến mang đến điều tốt lành và niềm vui nhưng còn vì qua yêu mến chúng ta chia sẻ với chính bản tính của Thiên Chúa. Lòng mến chính là những sợi chỉ mà tấm màn vũ trụ được dệt lên. (5)

Nơi tình bạn chân thành do tình yêu thật sự dệt nên, chúng ta trở thành mầu nhiệm của sự hiệp thông giữa con người. Một cách nào đó tâm hồn chúng ta không còn phân cách, ta trộn lẫn vào nhau, không còn là hai mà là một. Sự hiệp thông này qủa là sự chia sẻ chính đời sống của Chúa Ba Ngôi.

Như là dân của Chúa chúng ta là những người có liên hệ với Chúa Ba Ngôi. Sự liên hệ này chính là gốc gác của đời ta. Đời sống của Ba Ngôi chảy trong ta và qua ta mà đi đến với anh em. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta nhìn ra đời mình trong ý nghĩa của mối liên hệ tối quan trọng này, đồng thời Ngài để cho mối liên hệ với Ba Ngôi của ta hình thành mối liên hệ của ta đối với nhau. Trong cuốn sách nói về đời sống tinh thần trong hôn nhân có tựa "Embodied in Love" (Hóa thân trong tình yêu) các tác giả đã cô đọng nó khi nói : "Sự thiết thân giữa con người xuất phát từ tình yêu không vị kỷ cũng là sự thân mật giữa Cha, Con, và Thánh Thần, đó là nguồn mạch của hồng ân." (6)

Chúng ta có đặc ân biết bao khi có thể tham dự vào đời sống nội tại của Thiên Chúa qua phương tiện vận chuyển tuyệt vời của các mối liên hệ con người ! Trong các mối liên hệ này chúng ta bắt đầu nhận biết và yêu mến Chúa Ba Ngôi như Ba Ngôi nhận biết và yêu mến nhau. Lòng mến của mỗi Ngôi trong Ba Ngôi hoàn hảo đến độ trong thực tế chúng ta có thể nói về một Thiên Chúa duy nhất. Nhưng lòng mến này cũng còn là sự trân trọng bản tính của mỗi Ngôi cho nên chúng ta có thể nói về Ba Ngôi riêng biệt. Qua Ba Ngôi chúng ta được nhắc nhở về mỗi cá nhân của con người cũng như sự hiệp nhất trong các mối liên hệ chân thành. Mầu nhiệm của sự thân mật tôn kính đưa chúng ta vào chính sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Như đã nói ở trên, ý nghĩa của cuộc đời đến từ tình thân với Thiên Chúa. Bằng an chúng ta hằng tìm kiếm chỉ có được qua mối thân tình này. Đây chính là sự thánh thiện. Thánh thiện là hoàn toàn trao ban chính mình trong sự kết hợp với Thiên Chúa. Chúa Ba Ngôi chỉ ra bản chất của sự thánh thiện. Qua Ba Ngôi chúng ta biết chắc chắn rằng Thiên Chúa thánh hóa mối liên hệ con người và Ngài cũng là một phần trong đó. Ơû đâu có tình yêu chân thành sâu sa được chia sẻ, ở đó hồng ân Thiên Chúa hoạt động đặc biệt. Trong tác phẩm "Đạo Công giáo" Richard McBrien xác nhận ý tưởng này :

Mầu nhiệm và giáo điều về Ba Ngôi có nghĩa rằng Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng và nuôi dưỡng ta, Đấng sẽ xét xử và ban cho ta sự sống đời đời không phải là một Thiên Chúa vô cùng tách biệt khỏi ta. Thiên Chúa của ta là một Thiên Chúa vô cùng gần gũi, một Thiên Chúa hoàn toàn hiệp thông với ta nơi xác phàm, trong lịch sử, trong gia đình nhân loại của ta, và là một Thiên Chúa có mặt trong đáy lòng con người và trong cốt lõi của lịch sử nhân loại như là một nguồn khai sáng và nguồn gốc của cộng đồng. (7)

Có một yếu tính trong Ba Ngôi phát xuất từ sự thông hiệp giữa các Ngôi Thiên Chúa. Các Ngôi luôn thưa "vâng" một cách trọn vẹn với tình yêu của nhau. Ba Ngôi chứa đầy sự sống và là nguồn sống. Vì lẽ tất cả tình yêu đều đến từ Thiên Chúa, sinh lực của Ba Ngôi tuôn chảy trong chúng ta và qua chúng ta mà đến với nhau. Nhận thức được sức mạnh này ta bị thúc bách chia sẻ tình yêu và sự sống của Thiên Chúa ra bên ngoài. Thiên Chúa kêu gọi ta khoác vào bản chất nhân loại của mình sự hiệp nhất của Cha, Con và Thánh Thần. Đây là sự hiệp nhất Đức Giêsu đã cầu nguyện cho ta trong lời cầu nguyện mục tử: "Để cho tất cả được nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha; Con cầu xin để họ được nên một trong chúng ta." (Gioan 17,21). Tình yêu hiệp nhất trong Ba Ngôi không phải chỉ là một mặc khải quan trọng của Đức Giêsu. Đây chính là cốt lõi của đời Ngài. Đức Giêsu được tình yêu trong Ba Ngôi thôi thúc và sứ vụ của Ngài trong căn bản là chia sẻ tình yêu cực thánh này và đưa toàn thể nhân loại đi vào một sự hiệp nhất cũng thánh thiện như thế.

Giống như Ba Ngôi chúng ta không hiện hữu một cách độc lập nhưng trong phụ thuộc vào nhau. Tất cả chúng ta đều có chung với nhau một nguồn sống, cùng uống từ một suối nguồn thánh thiện ban sự sống.

Khi hai người cùng có chung một mối liên hệ sâu xa và phụ thuộc vào nhau, sự hiểu biết của họ về đời sống và tình yêu sẽ được mở rộng và đào sâu. Ơû phần trước tình bạn được mô tả như một ngôi trường yêu mến mà ta học yêu mến qua yêu mến. Tình bạn chính nó không phải là một cứu cánh. Nó là một bước đi, một phần trong cuộc hành trình của ta đi đến Thiên Chúa. Qua những tình bạn chân thật mối tương quan của chúng ta với những người khác sẽ trở nên đậm đà hơn. Tình bạn được ban cho chúng ta ngõ hầu chúng ta có thể xây dựng Nước Thiên Chúa. Tình bạn là một ngôi trường yêu mến qua đó ta nhận rõ ra con người mình và làm thế nào mà cộng tác với nhau – và do vậy ta học cách tương quan với nhau cho tốt hơn. Kinh nghiệm là thầy giáo hay nhất. Các mối thân tình mang đầy kỷ niệm do vậy tạo ra một môi trường cho những nhận thức quan trọng về cuộc đời. Trong tác phẩm "Christian Life Patterns", (Các khuôn mẫu của đời sống Kitô) Whiteheads đã tóm tắt chủ đề này:

Một người có thể nhìn vào kinh nghiệm của chính mình với một người bạn để tìm ra các minh họa trong sự dung hòa đặc tính riêng, sự hòa hợp các cái tôi, sự đan kết những cuộc đời làm cho các mối thân tình được độc đáo. Qua thời gian, sự liên hệ của tôi với một người bạn thân sẽ cống hiến cơ hội và củng cố khả năng sống của tôi với người khác. Tình bạn như thế vừa hình thành vừa phát huy khả năng thân mật. (8)

Trong trường yêu mến chúng ta học qua kinh nghiệm (thường là những kinh nghiệm đau đớn) điều gì cần thiết để yêu mến chân tình theo trường phái Con Thiên Chúa. Tình bạn chắc chắn không phải là nơi chạy trốn thế gian. Trái lại là động lực thúc đẩy càng đi ra hơn và hơn nữa với con người xung quanh trong thế gian. Như những người mang bí tích, ta được Chúa xử dụng để tiếp xúc với người khác. Ngài mong chờ ta chia sẻ lòng mến ta nhận được từ Ngài. Chính Thiên Chúa cũng nằm trong sự đi ra đó. Morton Kelsey đã viết :

Thiên Chúa yêu mến này chỉ đòi hỏi ta một điều; Ngài sai ta vào thế gian để chia sẻ với nhau lòng mến ta đã nhận lãnh. Sau đó ta lại trở về với Lòng Mến để được thỏa mãn cơn khát vô cùng về lòng mến. Rồi chúng ta lại đi ra và giúp làm dịu cơn khát của người khác. (9)

Chu kỳ của lòng mến là luôn luôn cho di và nhận lại. Luôn luôn khởi sự và kết thúc với Suối Nguồn của tất cả yêu mến, Đấng là Lòng Mến. Một khi ta hoàn toàn chan hòa với nhau trong chu kỳ này ta sẽ được tình yêu của Ngài thiêu đốt và mang người khác đến chỗ cảm nghiệm được ngọn lửa của Thiên Chúa như vậy.

 

CHƯƠNG 3
HIỆN DIỆN VÀ THÂN TÌNH

Aân sủng được lan truyền qua kênh dẫn là tấm lòng của con người. Qua sự lan truyền này ta kinh nghiệm được Thiên Chúa. Chúng ta biết về Ngài qua sự thân mật, sự hiện diện, cảm thông, tôn trọng và trung tín của người khác. Chúng ta biết Ngài qua những va chạm và công nhận của những mối tương quan, qua chia sẻ những câu chuyện về cá nhân ta và qua con người thể lý của mình.

Thông thường mỗi khi nói về sứ mạng, ta liên tưởng đến những hoạt động phục vụ. Nhưng còn có một sứ mạng quan trọng là sự hiện diện của ta. Hiện diện với nhau đơn giản là trao ban con người mình một cách tự do và trọn vẹn như ta là.

Những người, trong cuộc đời mang tôi đến gần Chúa hơn và mở lòng tôi đón nhận tình yêu dồi dào của Ngài, đã làm những điều này không phải với những lời nói hay hành động cụ thể nào đó nhưng với sự hiện diện độc đáo của họ. Chính sự hiện diện này đã nói lên quan tâm và yêu mến hơn những gì mà ngôn ngữ có thể nói ra.

Hai năm trước, khi mẹ tôi nằm hấp hối trong 4 ngày bi thương tại bệnh viện tôi luôn ở bên mẹ. Một người bạn thu xếp cử người đến với tôi vào ban đêm và sáng sớm. Tôi không biết được ai sẽ đến với tôi. Đêm thứ nhất khi ngồi trên một cái ghế sát bên giường mẹ, tôi ngủ thiếp đi một lát. Lúc 2 giờ sáng tôi tỉnh dậy và thấy một người ngồi trên ghế phía bên kia giường. Thoạt đầu tôi chỉ thấy người đó lờ mờ. Sau một lát định thần lại tôi thấy đây là một người quen tên là Mary, tôi không biết rõ về cô lắm nhưng là người tôi ngưỡng mộ. Tôi rất xúc động khi cô quyết định đến canh thức với tôi trong lúc căng thẳng này. Sự hiện diện của Mary là bí tích đối với tôi. Nó nói một cách hùng hồn hơn những lời lẽ mà người ta có thể nói ra. Sự có mặt của Mary đối với tôi vừa là một dấu chỉ vừa là một đoan chắc về tình yêu vô tận của Chúa, một tình yêu không bao giờ tạm ngưng ngay cả vào lúc 2 giờ khuya, thời gian tối nhất trong đêm trường. Tôi biết chắc chắn rằng Chúa có mặt trong căn phòng của bệnh viện. Vào đêm đó qua Mary tôi có một cái nhìn mới mẻ về Thiên Chúa yêu thương và biết được Ngài bằng kinh nghiệm.

Lời nói, ý tưởng và hành động có thể mai một, nhưng một sự hiện diện luôn còn đó. Sự có mặt của một người là sự sung mãn sức sống từ Thiên Chúa. Có nhiều trường hợp ta không cần nói ra gì cả nhưng sự hiện diện của ta còn thuyết phục hơn những gì ta có thể nói. Nếu bạn đã từng đứng bên cạnh một người đang chết, bạn biết rằng nhiều phen những lời nói ra sẽ rất ngớ ngẩn. Nhưng qua hiện diện, dù đó chỉ là một hiện diện thinh lặng, ta nói : "Tôi đến đây bởi vì tôi quan tâm." Khi đi dự đám ma chúng ta thường cố an ủi người có tang. Tôi thường nói rất ít tại đám tang vì tôi tin rằng sự có mặt của tôi đã nói hơn những lời lẽ tôi có thể nói. Nó nói rằng tôi quan tâm nhiều đến mức tôi quyết định đến đây. Trong lúc này tôi có thể có mặt tại đâu đó nhưng tôi quyết định đến đây chứ không phải một nơi nào khác. Sự có mặt quan trọng đến độ chúng ta thường phải đi rất xa chỉ để dự một lễ an đám táng, một lễ cưới, lễ tốt nghiệp, tiệc sinh nhật, bởi vì đến với nhau là mang lại sự sống và sự thánh thiện.

Trong xã hội quay cuồng này có lẽ chúng ta cần phát huy nhận thức về sự hiện diện với nhau. Chúng ta cần học biết hiện diện với người khác. Nhiều khi mời bạn bè làm cái gì đó, đi xem phim, nghe hòa nhạc hay ăn tối. Chúng ta mời họ tham gia những hoạt động với chúng ta vào những lúc mà điều thực sự chúng ta muốn nói là: "Tôi muốn ở bên bạn." Có nhiều người chúng ta thích ở bên. Họ là những người mà gặp họ chúng ta cảm thấy thoải mái với chính mình. Có những người mà sự hiện diện mang tính thánh thiện đến độ chỉ cần họ cùng bước trong thinh lặng bên chúng ta cũng là một kinh nghiệm về được chữa lành và vươn lên.

Có lẽ chúng ta cũng cần làm cho việc sống với Thiên Chúa được dễ dàng hơn. Trong nhiều năm tôi cảm thấy không thoải mái khi trong Thánh lễ chúng ta nói với nhau: "Chúa ở cùng anh chị em!" như thể chúng ta phải nài xin Chúa ở cùng chúng ta. Thiên Chúa dĩ nhiên luôn luôn ở cùng chúng ta; còn chúng ta không luôn luôn hiện diện với Ngài. Có lẽ ta nên nói như thế này: "Chúa đang ở với anh chị em!" Cũng có lẽ khi chúng ta thấy thoải mái chỉ trong việc hiện diện bên nhau, chúng ta có thể bắt đầu nhận ra được đôi khi Thiên Chúa kêu gọi chúng ta chỉ cần đến với Ngài là đủ, chứ không phải đổ dồn vào cho Ngài nào là các lời xin ơn, nài nỉ, tư tưởng và suy niệm. Không, đôi khi Ngài chỉ muốn chúng ta chìm đắm trong sự hiện diện của Ngài. Nhiều lúc vào cuối một ngày căng thẳng, điều tốt nhất tôi có thể làm là cầu xin cho được ở cùng Thiên Chúa như thể tôi muốn thưa với Ngài: "Con đến với Chúa, đó là những gì con có thể làm." Vào những lúc khác tôi chỉ muốn kinh nghiệm được sự hiện diện của Ngài trong khi đã đặt mình trước sự hiện diện đó.

Cuốn phim vĩ đại "Người Ngoài Hành Tinh E.T" nói lên nhu cầu của chúng ta cần phải hiện diện bên nhau. E.T nói với cậu bé Elliot về việc có mặt bên nhau dù rất dị biệt về mặt thể lý. Chúng ta xúc động về những lời của người ngoài hành tinh vào cuối phim với Elliot: "Tôi sẽ có mặt nơi đây." Đó có vẻ như một phản ánh của lời Đức Giêsu khi Ngài sắp sửa về cùng Cha vào cuối sứ mạng trần gian : "Ta hằng ở với chúng con luôn mãi."

Kinh nghiệm về sa mạc của các Kitô hữu tiên khởi nói về sự hiện diện với nhau. Khi dân chúng đến tìm các vị chủ chăn nơi sa mạc, họ chỉ đến đó cốt để thấy các ngài mà thôi. Trong sự thân mật đó họ đã tìm thấy Thiên Chúa.

Sự hiện diện làm nên khác biệt. Chúng ta luôn luôn cần đến sự hiện diện của những ai đứng bên ta lúc vui lúc buồn trong mọi thăng trầm đắp đổi của cuộc đời. Những người đứng bên ta và hoàn toàn hiện diện bên ta là những nhắc nhở hùng hồn rằng Thiên Chúa không bao giờ để chúng ta mồ côi: "Ở giữa các con Ta sẽ là Thiên Chúa của các con và các con sẽ là dân của Ta" (Lêvi 26:12).

Trong khi sự có mặt của một số người thân giúp ta nhận ra Chúa và trở nên gắn bó hơn với Ngài thì sự thân thiết với những người khác củng cố sự nhận biết và gắn bó đó. Trong ý nghĩa này, sự thân thiết là một cuộc trao ban mở rộng và thâm thúy những cái tôi với nhau. Thân thiết hàm ý tin tưởng lẫn nhau và sẵn lòng tỏ bầy tâm hồn mình ra. Trong sự thân thiết phương tiện gặp gỡ không nhất thiết phải là tình dục. Nó có thể và thường là một sự trung tín kiên trì và chấp nhận khuyết điểm của nhau.

Có một cảnh trong tiểu thuyết "The Clowns of God" (Những Tên Hề của Thiên Chúa) của Morris West trong đó Jean Marie Barette, người mới trở thành Giáo Hoàng Gregory XVII, đến thăm một người bạn ốm nặng là Carl Mendelius tại bệnh viện. Hai người vốn rất thân với nhau, là bạn tâm giao từng san sẻ với nhau những bí ẩn cõi lòng mình. Khi Jean bước vào phòng bệnh mà bạn anh đang hấp hối, West trình bầy một cảnh cảm động siêu nhiên.

Jean Marie bắt tay Mendelius. Tay bạn mềm như vải satin và yếu ớt đến độ nếu anh bóp mạnh xuơng sẽ vỡ ra.

"Carl, đây là Jean. Anh có nghe tôi không?"

Anh cảm thấy bạn trả lời qua cái nắm nhẹ bàn tay mình và môi bạn mấp máy một cách vô vọng để nói với anh.

"Anh đừng cố gắng nói gì. Chúng ta không cần đến lời lẽ, anh và tôi. Chỉ cần nằm đó thinh lặng và nắm tay tôi…tôi sẽ cầu nguyện cho cả hai ta."

Anh không nói gì cả. Anh cũng không cử hành một nghi thức nào. Anh chỉ ngồi bên giường, hai tay nắm lấy bàn tay Mendelius như thể nói rằng chúng chỉ thuộc về một cơ thể: người lành lặn và người bệnh hoạn, người mù và người sáng mắt. Anh nhắm mắt lại và mở tâm trí mình ra, nó như một cái bình sẵn sàng đổ sang cho bạn tâm linh mình, như một ống dẫn qua đó hòa nhập chính anh vào trong một ý thức chung với Carl Mendelius. (1)

West tiếp tục nói về hai người, kết hợp với nhau trong thinh lặng bằng cách nắm tay nhau trong nhiều giờ.

Quang cảnh ấn tượng này nói về sự thân thiết. Hai người đã nghiệm thấy sự dịu ngọt của tình bạn. Ngay cả khi Carl chỉ còn ý thức lờ mờ, họ vẫn có một cảm giác mới mẻ về sự thân tình, không cần đến lời lẽ hay cử chỉ. Hơn nữa Jean trở thành một ống dẫn ân sủng cho Carl. Qua những bàn tay nắm chặt có một sự lan truyền hồng ân giữa hai người.

Sự thân tình có liên quan đến việc lan truyền ân sủng. Ơn Chúa đi từ người này sang người khác qua những ống dẫn mở rộng của trái tim. Kinh nghiệm về sự thân tình nhân loại là một kinh nghiệm về Thiên Chúa. Cái diệu kỳ đáng kinh ngạc của sự thân tình là dây liên kết giữa hai người được bám rễ trong chính Thánh thần của Thiên Chúa.

William Johnston gọi thân thiết là "một nhu cầu tâm lý của cuộc sống," (2) Không những đây là một nhu cầu tâm lý nhưng còn là một đòi hỏi của Tin Mừng nữa. Chúng ta không thể trở nên con người thật và con người Kitô mà không thân thiết với một ai, nó dấy lên một cái gì bên trong khiến ta càng là mình hơn nữa. Ta không được giới hạn nó vào trong yêu đương lãng mạn, nó còn lớn hơn thế nữa. Chúng ta mang trong mình một phần của những ai chúng ta đi vào sự thân thiết. Họ trở nên một chất liệu vững chắc đan kết nên cuộc đời ta. Trong sự thân thiết chúng ta đặt tên cho nhau bằng những tên không cần phải nói ra phát xuất từ thâm tâm và sự trân trọng. Thí dụ, đối với tôi, chữ "bố ơi" có nghĩa khác hơn chỉ là một danh từ chung trẻ em gọi cha mình. Nó là dấu chỉ thiết thân về một người mà tôi yêu mến hết lòng. Gọi cha là "bố" là một biểu tượng của mối liên quan đặc biết của chúng tôi.

Chúng ta đi vào cõi thân tình với những ai chúng ta dám hình thành một tương quan phụ thuộc lẫn nhau. Trong sự phụ thuộc lẫn nhau chúng ta công nhận giới hạn và bất toàn của cá nhân mình và nhu cầu nơi người kia. Chúng ta cũng công nhận nhu cầu của mình có một ai đó cần đến mình.

Chúng ta đi vào cõi thân tình với những ai chúng ta dám tỏ bầy ra những tư tưởng thầm kín nhất. Chỉ có một ít người trong đời được đặc ân đi vào con người bên trong của ta. Ít người biết được những bí mật thâm sâu, những khát vọng, ơn gọi, chiến đấu và đau khổ của ta. Nói chung, chúng ta sẵn sàng nói cho người quen những mục tiêu và nguyện vọng của ta trong cuộc đời nhưng ta chỉ kể cho bạn tâm giao những bí ẩn của lòng mình. Con tim nói với con tim và cả hai được cột chặt với nhau và nên một.

Chúng ta đạt được thành toàn trong sự thân thiết, không phải bởi vì một phép thuật nào đó, nhưng vì lẽ khi hai người trở thành thiết thân với nhau, Thiên Chúa sẽ hành động một cách đặc biệt. Ta tìm ra sự mặc khải của Chúa trong sự thân thiết của con người bởi vì trong mối tương quan này Thiên Chúa có mặt không phải như một nhân vật thứ ba, nhưng Ngài nên một thành phần thiết yếu.

Mối tình tối thượng của ta là đi vào sự thân thiết với Thiên Chúa. Trong lịch sử ơn cứu độ chúng ta chứng kiến câu chuyện của một Thiên Chúa có ý định cơ bản là đi vào sự thiết thân với dân của Ngài. Đây là điều cơ bản về Thiên Chúa. Sáu năm trước tôi nhận ra rằng tất cả đời ta là một sự thân thiết với Thiên Chúa. Trong nhiều buổi tư vấn với một linh hướng tôi có gắng thấy được đâu là mục tiêu chính yếu của tôi trong đời. Đạt đến một cái gì tuyệt đối là một cái gì rất quan trọng với tôi. Trong khám phá này tôi thấy rõ ràng là chỉ có một mục tiêu duy nhất thật sự là quan trọng. Tôi nhận ra mỗi người chúng ta đều có một nhu cầu bản năng được thân thiết với Thiên Chúa. Không có một khát vọng nào của tôi được thỏa mãn bên ngoài Thiên Chúa. Tôi thấm thía lời thánh Augustinô: "Lạy Chúa, Ngài dựng nên chúng con cho Ngài, và hồn chúng con khắc khoải cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa." (3)

Chúng ta kinh nghiệm được niềm vui vững bền của sự thân thiết với Chúa vì không phải do sự lựa chọn của ta nhưng chính Ngài đã khơi mào cho mối liên kiết đó qua Đức Giêsu: "Các con hãy sống trong ta, như ta ở trong các con…vì không có ta các con không làm được chi…không phải là các con đã chọn ta, nhưng chính ta đã chọn các con" (Gioan 15,4-5-6). Trong toàn chương Gioan 15, khao khát của Đức Giêsu đi vào thân thiết với chúng ta rất rõ ràng. Ngài không gọi chúng ta là tôi tớ nhưng là bạn hữu. Tiêu chuẩn trở nên bạn của nhau là chia sẻ cõi lòng với nhau: "Ta gọi ác con là bạn hữu vì ta đã nói cho các con tất cả những gì ta được nghe từ Cha" (Gioan 15,15). Đức Giêsu mở lòng mình ra không phải cho các môn đệ vào thời Ngài mà thôi nhưng còn cho chúng ta nữa – và Ngài tỏ bầy không những tư tưởng và lời nói, nhưng còn về chính con người của Ngài. Trong các mối liên hệ nhân loại cùng trao ban và tỏ bầy cõi lòng là chất liệu làm nên sự thân thiết.

Chúng ta hay nói rằng mình biết cái gì đó ‘thuộc lòng’. Trong sự thân mật với Thiên Chúa ta biết về Ngài bằng cõi lòng. Thiên Chúa trở nên xác phàm trong chúng ta, trong cõi lòng của ta và ta lưu lại nơi cõi thâm sâu của cõi lòng Thiên Chúa.

Sự thân thiết với Thiên Chúa này là cơ sở của sự sinh tồn của ta, dấy lên trong ta mỗi khi ta đào sâu tình bằng hữu với nhau. Khi tôi có những phút thân thiết với một người bạn, tôi biết rằng chính là Thánh thần nói với tôi trong thâm tâm tôi. Tôi nếm được một cái gì đó của tình yêu thần linh trong những lúc đó. Đồng thời sự thân thiết mà chúng ta có được với Thiên Chúa sẽ thúc đẩy chúng ta khao khát và nỗ lực để đến với nhau. Do đó có thể chúng ta sẽ mang người khác đến chỗ hiệp thông với Ngài. Cái đẹp của sự thân thiết với Thiên Chúa sẽ ánh lên qua chúng ta và lôi kéo người khác đến với Ngài. Nếu sự sống bên trong chúng ta hòa hợp với Thiên Chúa thì con người bên ngoài sẽ nói với người khác về bình an và niềm vui của sự thân tình đó.

Tôi đã biết những người có được mối liên hệ thân tình với Thiên Chúa và đã dám chia sẻ với tôi phần nào niềm vui và đau khổ của mối thân tình này. Sự kết hợp với Chúa của họ đã hấp dẫn tôi và dấy lên sự khao khát nơi tôi trở nên thân thiết với Ngài.

Chấp nhận yếu đuối của mình phải đi kèm với sự thân thiết. Ta chấp nhận rủi ro khi nói với người khác về cõi lòng ta. Làm như thế ta cho phép người khác đi vào cốt lõi của ta, thấy ta trần truồng trơ trọi như ta là, không có chi gỉa tạo. Tôi thực sự vũ trang cho người khác vũ khí tấn công tôi. Nơi chấp nhận yếu đuối này, ta ngụ ý về sự trung tín và trân trọng của người khác dành cho ta khi ta tỏ cho họ biết về con người mình. Qua việc chia sẻ nơi thâm tâm này, chúng ta bộc lộ về chính chúng ta, nhưng quan trọng hơn chúng ta chia sẻ chính mình với họ. Chia sẻ con người thực sự bên trong còn quan trọng hơn chia sẻ thân xác. Nó làm cho sự liên đới giữa tinh thần con người được Thánh thần Thiên Chúa kết dính lại. Bạn tôi và tôi đã kinh nghiệm sự chia sẻ về những cuộc chiến nội tâm và do đó chúng tôi gần gũi nhau hơn. Cô ấy thường nói rằng cô ấy tin tưởng có Thánh thần hiện diện giữa chúng tôi. Tôi cũng tin rằng nơi bất kỳ mối chân tình nào có một chỗ đặc biệt cho Thánh thần của Thiên Chúa cư ngụ và tiếp sức. Một lần nữa ta thấy tình bạn giữa Gionathan và David trong Cựu Ước làm chứng về điều này. Gionathan nói với David: "Thiên Chúa sẽ ở giữa bạn và tôi mãi mãi" (1 Sam 20:23). Thần khí ở giữa chúng ta không phải để chia rẽ nhưng để làm phong phú, nuôi dưỡng và thánh hóa.

Cái đẹp của sự thân thiết nhân loại được chúc mừng, củng cố và giải bầy tốt hơn nơi bí tích Thánh thể. Đón nhận Đức Kitô nơi bí tích Thánh thể là kinh nghiệm được sự thân thiết lớn lao nhất. Nơi Thánh thể chúng ta cùng chia sẻ đặc ân đón chịu Chúa theo một cách làm Ngài trở nên một phần của chúng ta. Thiên Chúa của ơn cứu độ trở nên thiết thân với tôi đến nỗi chúng ta trở nên một thân thể trong Ngài. Trong sự thân mật của bí tích Thánh thể chúng ta chạm vào Thiên Chúa và Ngài ban cho chúng ta quyền năng chạm được vào nhau. Như thế chúng ta trở nên Thánh thể. Khi ta thưa "Amen" sau khi linh mục đọc "Mình Thánh Chúa Kitô" chúng ta không những xác nhận đây là xương thịt Đức Kitô mà còn tham dự vào thân thể Đức Kitô, Đấng được chúc phúc, được bẻ ra và được chia sẻ với anh em ta.

Tại bàn tiệc Thánh thể, Thiên Chúa kêu gọi chúng ta tham gia tình bằng hữu với Ngài và với nhau. Khi chúng ta chia sẻ Thánh thể chúng ta liên kết với nhau như một cộng đoàn trước Đấng thần linh: sự thân thiết nhân loại giữa chúng ta và sự thân thiếr của chúng ta với Thiên Chúa được hòa trộn với nhau. Một cách nào đó bí tích Thánh thể càng trở nên quan trọng hơn khi tôi cùng tham gia với các bạn thân. Cùng với họ, hình như là tôi càng hiểu sâu sa hơn ý nghĩa của bí tích. Bởi vì nay tôi chia sẻ thân thể Đức Kitô với những người cùng chia bánh với tôi tại bàn cơm, cùng chia sẻ những lời yêu thương, những khát vọng của cõi lòng, những đau đớn sâu thẳm nhất và những niềm vui dạt dào nhất. Tôi nhận ra ý nghĩa của Thánh thể bởi vì tôi đã cùng đau khổ với nhau và cho nhau, và đã kinh nghiệm sự an ủi của những người đứng bên tôi trong những giờ khác đau đớn và vui mừng.

Lời phán "Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta" trong Thánh lễ không chỉ gợi nhớ những kỷ niệm về một Đức Kitô bị giới hạn trong một không gian và thời gian xa xưa. Chúng nói rằng chúng ta phải, khi nhớ về Ngài, tham dự vào sự thân mật mà bí tích Thánh thể đã tượng trưng và làm nó nên thật.

Sự thân mật thật sự còn đi xa hơn những gì chúng ta có thể bàn luận bằng lời lẽ và ngôn ngữ. Nó là một mầu nhiệm chúng ta sống, kéo ta lên cùng Thiên Chúa là Đấng chia sẻ với chúng ta sự thân tình sâu sa nhất và tối thượng nhất.

 

CHƯƠNG 4
THƯƠNG XÓT VÀ KÍNH TRỌNG

Sự thương xót của người khác chỉ là một cách qua đó chúng ta nhìn ra một cách sâu xa và kinh nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa. Khi chúng ta được lôi kéo bước ra khỏi cái tôi của mình, chấp nhận rủi ro và nên một với người khác sự thương xót sẽ phát sinh.

Đức Kitô là hiện thân của sự thương xót của Chúa Cha. Việc nhập thể có liên quan đến cá nhân tôi vì nó mang lòng thương xót của Thiên Chúa đến với con người theo một cách thức mới mẻ. Lòng thương xót của Chúa Cha đã trở thành xác phàm nơi Đức Giêsu và giờ đây nó cũng phải trở nên xác phàm trong chúng ta. Sứ mạng cơ bản của ta như là dân của Thiên Chúa là công bố bản tính và loan truyền lòng thương xót mà đã được ban cho ta một cách như không. Nếu chúng ta tiếp nhận nó với đôi tay rộng mở nó sẽ làm ta được sung mãn theo một mức độ khiến ta cũng tỏ ra lòng thương xót đó : "Ngài luôn nâng đỡ ủi an ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó với cùng sự an ủi ta đã nhận từ Ngài" (2 Cor 1,4).

Ta chỉ có thể thương xót khi đã thấy rõ nhu cầu, sự yếu đuối và lệ thuộc của mình. Chúng ta là những người bị phân mảnh và sự phân mảnh đó là căn bản của diện mạo của ta. Nó nói lên rằng chúng ta bất toàn, cần đến và lệ thuộc vào Thiên Chúa.

Thông thường lòng thương xót mang đến cho ta một kinh nghiệm chung về sự tồn tại bất toàn của mình. Cảm giác về sự phân mảnh này thấm thía và phổ biến nơi một cõi lòng biết thương xót. Nó làm chúng ta chịu lấy nỗi đau của người khác; thất bại, mất mát, mệt mỏi, sợ hãi của họ trở thành của ta. Đây là lý do tại sao lòng thương xót không phải là một ý tưởng lãng mạn; nó là một hành vi yêu thương thực sự và khó khăn. Đức Giêsu nhấn mạnh rằng lòng thương xót còn lớn hơn một tình cảm. Trong dụ ngôn người Samarita nhân lành, Ngài mô tả lòng thương xót bằng những từ cụ thể, sống động và đặc biệt: băng bó vết thương, xức dầu lên vết thương, mang lấy gánh nặng của nhau.

Trong lòng thương xót, khi chúng ta quên đi bản thân và nên một với nhau, chúng ta cũng nhận ra sự hợp nhất của những người khác. Khi đáp ứng lại lòng thương xót, chúng ta nói với nhau rằng dù cho mỗi chúng ta đều đặc thù, tự bản chất chúng ta nên một với mọi người bởi vì chúng ta cùng chia sẻ một Nguồn Sống chung và đồng nhất.

Đức Kitô có mặt tại trung tâm bất kỳ một mối liên hệ nào xuất phát từ lòng thương xót. Ơû đâu có lòng thương xót ở đó ta nghiệm được ơn cứu độ của Chúa. Sự bày tỏ của tình yêu thương xót nói rằng cuộc sống là yêu thương và cả cuộc đời là một bước đi về một Thiên Chúa yêu thương vô cùng.

Những ai ta yêu mến trở thành một thành phần của ta. Đây là lý do khi một người ta yêu mến chịu đau khổ, ta cũng thấy đau khổ như thể là qua sự thân thiết mầu nhiệm đó họ được cấy ghép vào với ta. Như vậy khi một người ta yêu chết đi, một phần của ta cũng chết theo. Đó là một trống vắng, một cõi hư không thánh thiện. Phần đó của ta không bao giờ được làm đầy trở lại nhưng không sao. Cái trống vắng đó là một dấu chỉ về nhân tính của ta và sự sẵn lòng để cho một ai đó bước vào cõi thâm sâu trong lòng ta. Đó là dấu chỉ về lòng thương xót.

Đòi hỏi của Đức Kitô rất rõ ràng: "Hãy thương xót như Cha anh em là Đấng thương xót" (Luca 6,36) Thôi thúc của cuộc đời Đức Kitô là thương xót như Cha của Ngài. Sự thật gai góc là lòng thương xót của Đức Kitô đã dẫn Ngài tới thập gía. Cái chết của Đức Kitô trên thập gía là bầy tỏ tối thượng về lòng thương xót. Đức Giêsu sẵn lòng nên đồng hình đồng dạng với sự phân mảnh của dân của Ngài qua việc chính Ngài bị phân mảnh. Như là môn đệ của Chúa với lòng thương xót vô biên, chúng ta cũng phải trở nên bị phân mảnh. Tuy nhiên lòng thương xót với nỗi đau của người khác làm cho sự phân mảnh đó có một quyền năng rất to tát. Nó nói lên rằng chúng ta không bao giờ cô đơn, rằng Chúa đã gởi những sứ gỉa đến đồng hành với ta, họ là thừa tác viên của lòng thương xót của Chúa, để chữa lành vết thương và hàn gắn sự phân mảnh của chúng ta và có cái gì đó thánh thiện nơi con người, cuộc đời và nơi các mối liên hệ.

Sự nhìn nhận song phương, lạ lùng về một nhu cầu chung thường đưa tới một đáp ứng cảm thông. Xúc cảm trở nên thương cảm khi người khác đến với ta khi ta đau khổ, biết về nỗi đau của ta và cảm giác được điều gì thực sự xẩy ra trong ta.

Trái tim con người rất nhậy bén với sự dịu dàng. Do đó Thiên Chúa cũng dùng sự dịu dàng của người khác như một phương tiện chuyên chở ân sủng đến cho ta. Khi ta kinh nghiệm được điều này, ta có một cái nhìn độc đáo về chính cõi lòng của Chúa, một cõi lòng tràn đầy dịu dàng và thương xót.

Dịu dàng yêu mến có nghĩa là kính trọng. Kính trọng là một sự tôn trọng thánh thiện pha trộn yêu mến và trân trọng. Tất cả chúng ta đều đáng được kính trọng nơi mỗi con người mà họ không phải chỉ có một thân xác thấy được bằng mắt. Còn có một thực tại vô biên không thể diễn tả được vì con người được dựng nên theo hình ảnh của Chúa. Về căn bản con người là vô gía vì con người thuộc về Thiên Chúa. Hãy xét về những gì chúng ta tôn kính vì thuộc về Chúa – những thánh tích, một cuốn Thánh kinh, một ngôi nhà thờ – chúng rất xứng đáng được cư xử như vậy. Lắm phen chúng ta quên rằng con người là của Thiên Chúa, họ thánh thiện vì được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và do Ngài mà sống. Nếu chúng ta nhìn nhận diện mạo của nhau là những người mang hình ảnh của Chúa, những người thánh thiện của Ngài thì chúng ta không thể không kính trọng nhau.

Chúng ta có thể kính yêu nhau vì tình yêu trong chúng ta là tình yêu của Ba Ngôi, Ba Ngôi đắm mình trong thân mật với nhau. Đây là hiện thân của yêu mến tôn kính. Chúng ta có thể yêu mến qua cách Thiên Chúa yêu mến: yêu mến một cách dịu dàng. Bởi vì Thiên Chúa yêu chúng ta, Ngài kéo chúng ta lại với Ngài, gần với con tim của Ngài. Thư Phêrô thứ nhất kêu gọi nơi chúng ta sự kính trọng đó : "Nhờ vâng phục sự thật, anh em đã thanh luyện tâm hồn để thực thi tình huynh đệ chân thành. Vì thế anh em hãy yêu mến nhau với tất cả tâm hồn." (1 Phêrô 1,22).

Đối với chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa trong nhau và cho nhau là gặp gỡ Thiên Chúa trong chúng ta, sự bầy tỏ lòng kính trọng thì rất thiết yếu. Tình yêu không thề tồn tại mà không có sự kính trọng; đó là đất đai mầu mỡ để yêu mến lớn lên và đơm hoa kết trái. Tôi đã nhận được ân sủng này trong đời nơi những người mà rõ ràng lòng tôn kính chân thành và mãnh liệt của họ đã ảnh hưởng sâu sắc đến tôi. Nơi một số người, con người của họ nói lên sự tôn kính. Nơi tất cả việc họ làm cũng toát lên sự tôn kính. Họ tỏ ra tôn kính ngay cả khi chào hỏi bạn và khi ẵm một đứa trẻ trên tay. Có sự tôn kính trong nụ hôn và những lời lẽ họ nói ra. Những người này đã xác nhận với tôi rằng có một cái gì đó bên trên con người hơn là chỉ có máu thịt và xương cốt mà thôi; có một trái tim và linh hồn không thể chối cãi đi liền với Thiên Chúa yêu thương. Sự dịu dàng của họ vượt lên trên những việc làm của con người; nó cắm rễ trong một Thiên Chúa là nguồn mạch mọi dịu dàng và thương xót.

Kinh nghiệm về tình yêu tôn trọng của người khác có thể tạo nên nơi ta một nội lực phát triển. Điều này tỏ ra đặc biệt đúng trong tình yêu hôn nhân, nhưng không phải chỉ giới hạn trong đó mà thôi. Tình yêu tôn trọng cho phép nhau có đủ thời gian và không gian để là tất cả những gì Chúa muốn. Những người yêu nhau trong tôn trọng mời gọi ta khám phá bản thân mình như là những người đáng qúy trọng và được Thiên Chúa yêu thương. Người ta có khuynh hướng thay đổi qua sự hiện diện liên tục của những người tôn trọng mình. Điều này đã xẩy ra cho Phêrô, Maria Mađalêna, và Giakêu. Sự dịu dàng của Đức Kitô pha lẫn nhẫn nại, cương quyết, đón nhận, yêu mến sâu xa và trung tín đã chữa lành và biến đổi họ.

Trong tôn trọng chúng ta tỏ ra nhạy cảm với cái yếu đuối bên trong của người khác, nhìn nhận rằng chính chúng ta cũng yếu đuối, mỏng dòn, và là những người mang một gía trị. Trong tôn trọng chúng ta không bao giờ chiếm đoạt nhau bởi vì tình yêu tôn trọng là tình yêu tự do. Chúng ta không bao giờ xâm phạm tính cách của người khác qua việc dò hỏi quá sâu. Đôi khi tình yêu tôn trọng tỏ bầy qua việc thinh lặng tôn trọng nhu cầu của người khác cần được yên lặng. Những người yêu nhau tôn trọng luôn luôn có thể chịu đựng được sự thinh lặng trong mối quan hệ, họ tìm thấy một sự thoải mái đặc biệt trong cái tuyệt vời phi ngôn ngữ.

Người yêu nhau tôn trọng nhìn ra cái độc đáo của mỗi cá tính, và qua sự công nhận đó tôn kính cái đẹp vô biên của dân Thiên Chúa được dựng nên theo hình ảnh của Ngài. Khi hai người yêu nhau trong tôn trọng gặp gỡ họ cùng nhận ra những kinh nghiệm chung trong cuộc đời phát xuất từ một Thiên Chúa thông ban sự sống. Khi họ chia sẻ những phút khó khăn bên nhau, họ cùng có một lòng tôn trọng với tất cả những gì làm nên cuộc đời. Tôn trọng lẫn nhau chúng ta nâng niu mọi công trình tạo dựng và mọi tạo vật một cách dịu dàng. Những người tôn trọng mở ra cho chúng ta một thế giới tràn đầy cái đẹp thanh tao. Qua con mắt của họ chúng ta thấy một sự bình an mới lạ nơi bãi biển dưới ánh trăng, hay cảm nghiệm thấy một cảm giác tôn kính mới mẻ trước thực tại về một Thiên Chúa là Đấng nuôi dưỡng chúng ta bằng thịt và máu của Ngài.

Những người yêu nhau tôn trọng làm cho chúng ta cảm thấy được yêu cách đặc biệt. Tình yêu của họ là tình yêu nuôi dưỡng. Một tình yêu tràn đầy dịu dàng và kính trọng cái chúng ta là, tình yêu đó nói rằng chúng ta đặc biệt và đáng yêu. Trước sự bầy tỏ yêu thương và trung tín đó chúng ta có thể lớn lên và trở thành con người thành toàn mà Thiên Chúa muốn chúng ta là.

 

CHƯƠNG 5
SỰ TRUNG TÍN

Trong thời buổi người ta hay thất hứa, bỏ qua các cam kết, có những quan hệ đổ vơ,õ chúng ta đi đến chỗ nhận biết Thiên Chúa qua sự trung tín của người khác. Trong thế giới của chúng ta chỉ có Thiên Chúa đứng nổi bật lên như một người luôn luôn có đó dù xẩy ra điều gì đi nữa. Ngài là một Thiên Chúa luôn luôn trung tín qua tất cả các bất tín của ta. Dấu ấn của cuộc đời Đức Kitô được ngân vang trong chữ "xin vâng" Ngài nói với tất cả con người của Ngài. Chữ xin vâng trong tư cách người con và làm tất cả những gì Cha muốn đối với chúng ta bao gồm mọi ý nghĩa. Lời đó mang lại sự sống, ơn cứu độ và chính là sự sống đời đời của ta. Thiên Chúa của ta là một Thiên Chúa vâng phục mà không bao giờ đổi ý vì sự bất phục của chúng ta. Thiên Chúa đã cột chặt Ngài với ta trong đời đời với một giao ước trung tín vĩnh cửu. Ngay cả trước khi chúng ta sinh ra, Ngài đã bắt đầu một cuộc tình với chúng ta trên gốc rễ của sự trung tín hoàn toàn này. Một người bạn luôn luôn trung thành với ta trong mọi thăng trầm chính là một lý tưởng làm cho sự trung tín tuyệt đối của Thiên Chúa trở nên hữu hình và thực tế trong đời ta.

Qua các mối liên hệ nhân loại, mối liên hệ giao ước của ta với Thiên Chúa được đào sâu và phát huy. Đây không phải là một cuộc gặp gỡ bất biến với Thiên Chúa. No liên tục được đổi mới và củng cố trong suốt đời ta. Qua sự trung tín của ta với nhau chúng ta hợp tác trong công việc cứu thế của Đức Kitô và như thế làm Thiên Chúa giáng sinh ra trong chúng ta và trong các liên hệ của chúng ta.

Dòng chảy ngầm của tất cả đời sống tinh thần là trung tín với bản thân, với Thiên Chúa và với tha nhân. Bất tín sẽ là một thảm họa. Một lời thề hứa bị vi phạm sẽ là một bi kịch. Một cuộc sống không có cam kết sẽ là một cuộc sống hư mất.

Chúng ta thường nghĩ về cam kết trong hôn nhân nhưng bỏ qua cam kết trong tình bạn. Tuy thế trong những mối thâm giao luôn có những cam kết, tuy không nói ra, nhưng không kém phần xác thực. Một tình bạn thâm sâu và chân thành được bám rễ sâu trong một giao ước giữa hai người. Có một cột mốc giao ước trong mọi mối quan hệ. Một khi cột mốc này được cam kết những người liên quan sẽ được cột chặt vĩnh viễn với nhau. Dĩ nhiên có nhiều mối quan hệ không bao giờ đạt đến cột mốc này. Giao ước tình bạn, không giống như cam kết hôn nhân, không được ký kết một cách long trọng. Thật buồn cười khi chúng ta còn bé chúng ta lại nhận ra giá trị của tình bạn được long trọng cam kết. Tôi còn nhớ khi còn là một đứa trẻ tôi có những giao kèo trở thành chị em máu mủ với nhau. Tôi ghét cái ý tưởng lấy kim đâm ngón tay cho máu chảy ra, nhưng tôi làm điều đó chỉ vì nó có nghĩa là tôi sẽ gắn bó cách đặc biệt với một người bạn. Khi trưởng thành chúng ta bỏ qua rất nhiều những nghi thức như vậy. Tuy nhiên ngụ ý gắn bó với nhau trong một cam kết vĩnh viễn vẫn còn đó.

Yù tưởng về một giao ước là một trong những khái niệm quan trọng nhất của cả Cựu ước lẫn Tân ước. Dĩ nhiên Giao ước là một cam kết long trọng và linh thiêng giữa hai bên với nhau. Qua Giao ước núi Sinai quan trọng nhất trong Cựu ước, dân Do thái trở thành dân riêng Thiên Chúa giữa muôn dân tộc trên mặt đất. "Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi và các ngươi sẽ là dân riêng của ta." Giao ước Sinai được ghi ấn với nghi thức rẩy máu nói lên rằng hai bên tham gia đã trở nên một máu huyết, một gia đình. Giao ước là dấu ấn tột đỉnh của sự trung tín của Giavê đối với dân Do thái. Tân ước được ghi ấn trong máu Đức Giêsu như một tiếp nối và một canh tân của giao ước Sinai, đối với chúng ta nó có nghĩa rằng Thiên Chúa luôn luôn trung tín. Nó không được viết trên bia đá như Cựu ước, nhưng trong lòng chúng ta. Nó là một giao ước có liên quan đến cá nhân của tôi một cách sâu sắc.

Chính quan hệ giao ước của ta với Thiên Chúa, một quan hệ thánh thiện nhất, đã nâng đỡ chúng ta qua những thăng trầm đắp đổi trong cuộc đời. Tôi rất kinh ngạc về niềm tin của những người Do thái sắp sửa bị chết trong các trại tập trung Quốc xã. Tôi nhớ mình đọc câu truyện về họ, biết rằng sắp sửa phải chết, họ hát những bài ca tụng Thiên Chúa khi bước vào phòng hơi ngạt. Họ có thể ca ngợi Thiên Chúa dù phải đối diện với cái chết bởi vì họ biết rằng chung cuộc Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi họ. Dù cho họ có sắp phải chết Thiên Chúa vẫn là đấng trung tín. Chính niềm tin thâm căn vào liên hệ giao ước với Thiên Chúa đã tăng lực cho họ. Chúng ta cũng được tăng lực bởi một liên hệ giao ước với chính Thiên Chúa đó. Khi tham dự những cam kết linh thiêng với nhau, chúng ta hiểu được liên hệ giao ước của chúng ta với Thiên Chúa một cách trọn vẹn hơn và chúng ta có thể trung tín hơn khi giữ vững sự kiên trì về phía mình. Về căn bản, những tình bằng hữu nhân loại được đâm rễ sâu trong một thỏa thuận có chiều sâu dù mô tả rõ ràng hay không nói ra, cũng mang lại cho ta một nhận thức lớn lao hơn về Thiên Chúa đấng luôn luôn trung tín. Chúng ta có thể cảm nghiệm một cách thấm thía hơn định mệnh của ta do giao ước của ta với Chúa qua việc tham dự vào những sợi dây linh thiêng ràng buộc ta với nhau, thí dụ như trong hôn nhân.

Liên hệ giao ước luôn luôn hoạt động dựa trên niềm tin. Chúng ta tin tưởng vào những người chúng ta đính ước. Tin vào một ai là trao cho người đó con tim của bạn, cái nòng cốt của hữu thể của bạn. Chúng ta trao ban cho nhau lòng tự trọng không phải qua những hành vi yêu mến đầy xúc động nhiều kịch tính nhưng qua hành vi hằng ngày tin tưởng nơi nhau không hề mỏi mệt, nhìn nhận tất cả khả năng và tiềm năng nơi nhau.

Những người trung tín tin nơi chúng ta và niềm tin của họ làm cho chúng ta được sống. Đức Giêsu tin vào Lazarô nhiều đến độ lòng mến của Ngài đã mang anh ra khỏi mồ. Thiên Chúa Cha tin nơi Đức Kitô mà Ngài đã phục sinh từ cõi chết đến một đời sống mới. Khi chúng ta trải qua cái chết thể xác, niềm tin của Thiên Chúa nơi ta cũng mang đến cho ta sự sống lại.

Chúng ta lại quay về với mối liên hệ giữa Gionathan và David để hiểu hơn về sự trung tín giữa con người với con người. Mỗi người trong họ đều thấy bạn mình như một người thuộc về Thiên Chúa. Những cam kết nhân loại thật sự có chiều sâu chỉ có thể được cử hành nơi những ai bám rễ vững chắc trong đức tin và trong một quan hệ giao ước với Thiên Chúa. Ta tìm được chứng cớ trong Thánh vịnh 27 khi David nói : "Dù cho cha tôi và mẹ tôi có bỏ rơi tôi, Thiên Chúa vẫn đón nhận tôi" (TV 27,10), David ngụ ý về sự nương tựa của ông nơi Thiên Chúa. Nơi hoang địa David đã trui rèn một liên hệ vững bền thâm sâu với đấng chăn dắt ông, ông đã học biết phó thác nơi Thiên Chúa tất cả cuộc đời. Còn đời sống của Gionathan và tinh thần hi sinh của ông làm chứng về niềm tin mãnh liệt nơi đấng che chở tối thượng cho ông. Hai người bạn này, trong tầm mức cao vời nhất của yêu mến, đã cùng có chung một niềm tin vô song nơi Thiên Chúa. Mỗi người có thể cho bạn con tim của mình bởi vì mỗi người đều nhận ra cùng một Thiên Chúa mà họ yêu mến hết tình đang ngự trị ở đó. Đối với chúng ta tin nơi nhau là trước hết thấy được cái gì bên trên nơi một con người hơn là chỉ có một sự hiện diện thuần túy của thân xác mà thôi. Tin nơi nhau là tin rằng chính là Thiên Chúa hít thở trong tất cả chúng ta và trao tặng cho chúng ta một tiềm năng không thể tưởng tượng được, ta được hoàn toàn là con người mà Ngài có ý định hình thành nơi ta.

Sự cam kết của Gionathan và David nơi nhau có liên quan đến tin tưởng mãnh liệt nơi nhau. Gionathan liều mất tất cả vì David và vì anh tin nơi lòng yêu mến của David. Anh bị giằng co giữa cha mình là Saolê và bạn mình là David. Saolê muốn giết David và Gionathan biết được ý định của cha. Anh nói cho bạn biết kế hoạch của cha, và anh đi gặp cha để ca ngợi David. Sự trung thành của anh mạnh đến độ anh bị dính líu vào những vấn đề của David và phải trả gía rất đắt. Có lúc thật sự Saolê muốn giết Gionathan vì anh bênh vực David. Sự ràng buộc của Gionathan với David rất rõ ràng trong việc mang lấy gắnh nặng của David.

Gionathan liều mất mọi sự vì anh yêu mến David và vì liên hệ giao ước của họ có nghĩa rằng họ tin nơi nhau triệt để. Gionathan biết rằng mặc dầu anh có thể mất mạng sống khi bảo vệ David không bao giờ anh mất đi sự yêu mến của David. Về phía mình David tin tưởng rằng Gionathan luôn đứng về phía mình trong mọi thử thách. Điều quan trọng còn vượt lên trên sự tin tưởng mãnh liệt nơi nhau là mỗi người đều biết phó thác bạn mình cho Thiên Chúa. Gionathan là kênh dẫn sức mạnh của Thiên Chúa đến cho David. Khi phó thác David cho Thiên Chúa, Gionathan đã dạy David dựa vào Thiên Chúa. David phụ thuộc vào sự trung thành của Gionathan và thấy nơi đó một cái gì của sự trung tín tuyệt đối của Thiên Chúa. Ngài là một thành phần to lớn trong mối quan hệ của họ đến độ khi họ trung thành với nhau nó cũng cùng lúc diễn tả niềm tin của họ nơi Thiên Chúa. Gionathan nói về sự ràng buộc do Thiên Chúa làm giữa anh và David. Chính sự ràng buộc này không những kết hợp Gionathan và David với nhau nhưng còn ràng buộc hai người với Thiên Chúa. Sự phụ thuộc của họ vừa là phụ thuộc nơi nhau vừa là phụ thuộc nơi Thiên Chúa. Nhận ra sự trung thành nơi nhau và niềm tin nơi Thiên Chúa chính là cái duy trì sự gắn bó nơi hai người khi họ chia tay. Sau khi chia tay với Gionathan, bên ngoài David bị người Ziphite phản bội nhưng bên trong chàng vẫn bám chặt lấy Thiên Chúa : "Chúa là đấng phù trợ tôi, là đấng cứu sống tôi" (Tv 54,6). Sức mạnh của Thiên Chúa đã che chở cho David, Gionathan chính là máng dẫn sức mạnh đó đến với chàng.

Một câu chuyện khác trong Cựu ước minh họa rất hay làm sao sự trung thành của nhân loại chúng ta có thể phản ánh sự trung tín bao la của Thiên Chúa. Câu chuyện về Naomi và người con dâu , Ruth, cống hiến cho chúng ta một thí dụ ý vị về ý nghĩa của trung thành trong một mối quan hệ. Câu chuyện kể rằng Naomi cùng chồng là Elimelech và hai con trai đi đến Moab thì chồng bà qua đời. Các con trai của họ kết hôn với hai phụ nữ Moab là Ruth và Orpah. Rồi 2 người con trai này cũng qua đời để lại mẹ mình Naomi nơi xứ lạ quê người với 2 cô con dâu. Naomi quyết định về quê nhà và bà cho phép 2 cô con dâu trở lại gia đình của họ để lấy chồng khác. Orpah trở về nhà nhưng Ruth do bởi lòng tận tụy và trung thành không muốn rời bỏ Naomi. Chúng ta đọc đoạn chia tay với Orpah, "Orpah hôn từ biệt mẹ chồng, nhưng Ruth ở lại với bà" (Ruth 1,14). Vào lúc thử thách Orpah quyết định đi theo đường của cô và rời bỏ Naomi, nhưng Ruth "ở lại với mẹ"ø. Một số bản dịch Kinh thánh dùng chữ "bám chặt vào" : "Ruth bám chặt vào mẹ," như người đàn ông "bám chặt vào vợ mình" trong hôn nhân (Sáng thế 2,24) hay như một linh hồn "bám chặt vào Thiên Chúa" (Tv 63,9). Đoạn trên cũng đề cập đến việc Ruth hôn mẹ chồng. Hai cô con dâu đều hôn bà Naomi, nhưng cái hôn của họ khác nhau rất xa! Một vài cái hôn chứa đựng nội dung sâu sắc của trung thành và yêu mến, ngay cả đến việc hiến dâng mạng sống. Một vài cái hôn thì rỗng tuyếch. Nụ hôn của Orpah mang một tình cảm nhưng nụ hôn của Ruth bầy tỏ sự trung thành trong trái tim cô. Trong tình bằng hữu có một số người chỉ đi cùng với ta trên một đoạn đường như là Orpah. Họ giữ lại cho mình quyền bỏ đi. Luôn luôn có một cánh cửa hậu trong các mối quan hệ. Ruth sẵn lòng ở lại. Qua việc ở lại cô phó thác đời cô cho Naomi và qua Naomi mà phó thác cho Chúa. Với hành vi trung tín này, Ruth đạt được tất cả vì nhờ thế mà cô đã trở thành bà cố của David, tiền nhân của đấng Cứu chuộc trần gian.

Thật thú vị khi ta ghi nhận là Naomi vì lòng thương xót Ruth không muốn cô ở lại với bà. Để trả lời bà Ruth đã nói lên những lời cao đẹp kinh điển : "Xin đừng bắt con phải ra đi hay bỏ rơi mẹ! Mẹ đi đâu con đi đó, mẹ ở đâu con ở đó, dân tộc của mẹ sẽ là dân tộc của con, Chúa của mẹ sẽ là Chúa của con. Mẹ nhắm mắt nơi nào con cũng sẽ nhắm mắt nơi đó và an nghỉ tại đó" (Ruth 1,16-17). Đây chắc chắn là những lời lẽ của sự trung tín hoàn toàn !

Điều hay ho nhất về Ruth là trước khi quan hệ với Naomi cô không biết gì về Thiên Chúa. Cô đã lớn lên như một cô gái ngoại đạo Moab. Chính tình yêu của Naomi và gia đình đã lôi kéo Ruth về với Thiên Chúa của Israel. Ruth đã kinh qua cuộc sống trong một gia đình tôn thờ Thiên Chúa Giavê. Kinh nghiệm này có lẽ đã có vai trò quyết định hình thành chọn lựa ở lại với Naomi. Sau khi nếm trải những cái tuyệt vời của Thiên Chúa, Ruth không thể quay lại với lối sống ngoại đạo của người Moab.

Đối với Ruth, Naomi chính là bí tích của sự hiện diện của Chúa, một dòng kênh mang đến lòng mến của Ngài. Naomi phải nhận ra điều này và cũng phải cảm được điều kỳ diệu và tốt lành của Thiên Chúa trong việc trung thành mãnh liệt và lớn lao của Ruth.

Sự trung thành nhân loại của chúng ta như thế có thể là một phản ánh dù cho lắm phen có vẻ mờ nhạt về sự đáng tin tuyệt đối của Thiên Chúa. Chúng ta cùng làm việc với Chúa để vun trồng một cam kết sâu sa. Làm như thế chúng ta vượt qua cái hiện tại và trước mắt của mối quan hệ và đi sâu vào cõi linh thiêng. Khi chúng ta nghiệm thấy một cảm giác thật sự về sự trung thành bền vững của một mối quan hệ, chúng ta nghiệm thấy Thiên Chúa. William Mc Namara nói rằng : "Đâm ra yêu ai có thể là lãng mạn, nhưng kiên trì trong tình yêu phải là huyền nhiệm" (1) Một mối quan hệ dựa trên sự trung tín của cả hai bên luôn luôn có một hứa hẹn. Đây là một lời hứa về một cái gì đó lớn hơn nữa trong cuộc đời; rằng có một Đấng còn lớn lao hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng ra.

-----------------------------
Tiếp theo...