Nói về

Tình Yêu

 

Nói về tình yêu

Yêu là gì ?

Thế nào gọi là tình yêu

Nói với tuổi trẻ về tình yêu

Sự kết tinh trong tình yêu

Tình yêu là hành động

Hai kiểu tình yêu

Tình yêu là một liều thuốc diệu kỳ

Tình yêu : một người bằng cả nhân loại

Tình yêu, điều bí ẩn dịu ngọt

 

 

 

NÓI VỀ TÌNH YÊU

SOL GORDON

“Đố ai định nghĩa được tình yêu”, giải thích tình yêu lại còn khó hơn. Tuy nhiên hầu như ai cũng đồng ý một điều là một mối quan hệ tốt, và dĩ nhiên một cuộc hôn nhân tốt, cần phải có một phần tình yêu trong đó. Là người khát khao có được mối quan hệ đó, bạn hy vọng “đối phương” sẽ yêu bạn và bạn cũng có thể yêu được “người ta”, dù bạn cảm thấy, hoặc không cảm thấy là bạn đã dần dần hiểu ra một cách đầy đủ về ý nghĩa của động từ “yêu”. Trong chúng ta, nhiều người trở nên mắc mớ, lẫn lộn khi cố tìm ra xem tình yêu là gì. Một phần bởi lý do khi đã nói đến yêu, người ta thường cảm thấy không an toàn vì họ không biết sẽ phải chờ đợi điều gì. Thông thường thì các hướng dẫn đến với bạn chỉ qua các loại phương tiện thông tin đại chúng và bạn có những hình ảnh quá ư lãng mạn về tình yêu được tưởng tượng ra khi bạn còn ở tuổi thanh niên.

Ngoài ra nhiều người cũng đã kết luận rằng : yêu thường hàm chứa một mức độ “điên điên” nào đó. Nếu bạn đang thực sự yêu, thì về lý thuyết, bạn hơi bị tê liệt về ý thức và ít nhiều không có khả năng làm đúng các chức năng đối với thế giới bên ngoài. Thực ra tình yêu có phải như vậy không ? Và nếu như vậy thì chúng ta thực sự có muốn “vướng” vào yêu không ?

Xem xét tình yêu theo cách mới

Tình yêu là gì ? Điều gì quan trọng nhất trong mối quan hệ yêu đương ? Làm sao bạn biết được bạn đang thực sự yêu ?

Mặc dầu khó định nghĩa được tình yêu, song chắc chắn nó là một phần quan trọng trong cuộc sống của mỗi con người. Tôi tin rằng nếu bạn cảm thấy đang yêu, nghĩa là bạn đang yêu. Nhưng có một điều là dù cho bạn đang yêu ai đó bạn vẫn phải đặt câu hỏi đó là loại tình yêu gì ? Câu trả lời có thể rất dài về khả năng tiềm tàng trong mối quan hệ của bạn.

Về cơ bản, có hai loại quan hệ yêu đương : chín chắn và bồng bột. Cả hai loại tình yêu đó không hề phụ thuộc vào tuổi tác. Yêu nhau thật lâu, chưa chắc đã đạt được độ chín chắn của tình yêu. Nhiều người đã cưới đến lần thứ hai, thứ ba mà cuộc hôn nhân vẫn không đủ để thuyết phục bất cứ ai rằng kinh nghiệm sống của quá khứ sẽ bảo đảm sự chín chắn.

Nhưng thế nào là tình yêu chín chắn ? Có thể dễ dàng phân biệt giữa hai loại tình yêu. Mặc nhiên là một khi bạn đang trong trạng thái “yêu như điên” thì khó mà tách lọc ra được điều gì. Đó là lý do tại sao mà việc nghĩ trước đến những vấn đề này thực sự quan trọng.

Tình yêu chín chắn mang đến cho ta thêm nghị lực, còn tình yêu bồng bột chỉ làm ta mệt mỏi. Trong quan hệ yêu đương chín chắn, bạn thấy mình như được tiếp thêm sức mạnh, sẵn sàng đương đầu với những thử thách mới và đẩy lùi giới hạn của những cái không thể. Nghị lực là yếu tố rất quan trọng trong quan hệ của lớp trẻ, và nó thậm chí còn thiết yếu hơn ở cuộc sống sau này (Một trong những điều tốt đẹp nhất của tình yêu chín chắn là, đối với những đôi đã đứng tuổi, nó có thể mang lại sự thanh thản mà vẫn tràn đầy sức sống và những niềm vui).

Khi bạn có một tình yêu chín chắn, sẽ có nhiều điều kỳ diệu xảy ra. Bạn thật sự cảm thấy vui thú khi ở bên người bạn đời của mình. Bạn có thời gian để làm mọi việc mà bạn muốn. Bạn sẽ hoàn thành mọi trách nhiệm cũng như tạo dựng được mối quan hệ tốt với gia đình và bè bạn.

Dĩ nhiên đôi khi cũng có những cuộc tranh cãi giữa hai người, nhưng không thường xuyên, vì trong thâm tâm, cả hai đều mong muốn chiều ý nhau.

Tất cả những điều trên lại trái ngược hẳn với tình yêu bồng bột. Bạn có thể tự đưa ra ví dụ, từ chính cuộc đời mình hay cuộc đời ai đó. Ở loại quan hệ này hầu như lúc nào bạn cũng cảm thấy mỏi mệt. Bạn rất hay lần lữa. Trong công việc thường gặp nhiều khó khăn. Quan hệ của bạn với anh em, bố mẹ, bạn bè dường như có những trục trặc không ra sao cả. Và có lẽ ngay cả những trách nhiệm trong gia đình bạn cũng thấy khó mà thực hiện được (“Rửa bát ư ? Tôi ấy à ? Tôi không làm được ! Tôi đang mệt !”)

Trong tình yêu bồng bột, thậm chí bạn có thể rơi vào tình trạng được gọi là quan hệ “thù ghét - phụ thuộc” - nghĩa là bạn không thể chịu được việc phải xa rời người mà bạn đang yêu tha thiết, luôn khao khát gặp lại người ấy dù chỉ xa nhau mới có ít thời gian, thế nhưng khi gặp nhau, ở bên nhau thì hầu hết thời gian chỉ để gây lộn và cãi nhau. Tâm trạng bất ổn, ghen tuông và (đôi khi) có cả những hành động hung bạo nữa thường xuyên xảy ra.

Bạn cư xử với người yêu ra sao và người ấy cư xử với bạn thế nào ?

Một sự khác biệt rõ rệt giữa tình yêu chín chắn và bồng bột thể hiện qua việc hai người đang yêu đối xử với nhau. Những người có mối quan hệ yêu đương chín chắn thường có khuynh hướng cố gắng hết sức để tìm cách cư xử tốt hơn. Còn những ai có tình yêu bồng bột thì không để ý gì đến những biểu hiện trong nhận xét hay hành động của họ mà thường là phũ phàng, hèn hạ hoặc ích kỷ bất cần.

Bảo đảm và cam kết vì sự tiến bộ của cả hai người

Một trong những điều tốt đẹp nhất của một tình yêu chín chắn là nó đưa đến ý thức về sự an toàn. Sự an toàn đó bắt nguồn từ việc bạn biết mình có thể tìm được một người có thể dựa vào khi gặp điều gì trục trặc, khi ốm đau hoặc khi bị quá nhiều ức chế. Sẽ là niềm an ửi thật sự khi phát hiện ra một người nào đó có khả năng chia sẻ với mình cả những ước mơ và thất bại trong cuộc sống. Điều này có lẻ là đặc điểm quan trọng nhất của mối quan hệ gắn bó lâu dài và ổn định.

Trong tình yêu chín chắn, người này không bị đe doạ bởi sự thành đạt hay thắng lợi của người kia. Ngược lại họ cam kết làm mọi việc cho sự phát triển chung và quan tâm thực sự đến những tiến bộ về tri thức và tình cảm của nhau.

Người yêu của bạn có thể là thành viên của một nhóm nghiên cứu thường mắc họp khi bạn bận công việc hoặc đi thăm một người bạn khác mà không có bạn, hay là quan tâm đến vấn đề gì đó mà bạn không thể hoặc không muốn tham gia. Tương tự như vậy, bạn có thể dự một khoá học để giúp cho bạn thực hiện được niềm mong ước của mình, lập ra một thời gian biểu cho công việc hoặc tham gia các hoạt động tình nguyện, mặc dầu người yêu của bạn không thích, hay đơn giản là gặp gỡ một người bạn ở quán cà phê nào đó. Những việc này không hề đe doạ điều gì, bởi những người chín chắn thường tự hào về những mối quan tâm và thành tích của nhau. Họ nhận thức rằng, về lâu dài, những yếu tố đó sẽ gián tiếp mang lại lợi ích cho cả đôi bên nhờ khuyến khích mối quan hệ hôn nhân với những thử thách và thành quả đạt được.

Tuy nhiên, mối quan hệ không chín chắn thường mang tính chất thiếu an toàn, căng thẳng, bốc đồng, không chắc chắn, hay cãi lộn, bịa chuyện, với những hành động tham lam vô độ và rồ dại. Nếu một người thành công trong một việc gì đó có ý nghĩa, người kia dễ dàng cảm thấy bị đe doạ và trở nên lo buồn.

Những người có mối quan hệ chưa chín chắn thường cảm thấy vương vấn với những câu hõi như “Em (hoặc anh) có yêu anh (hoặc em) hơn … (tên người trước) không ?”. Khi mối quan hệ giữa bạn luôn có những thắc mắc như vậy thì lời khuyên của tôi là cứ trả lời “không” rồi xem chuyện gì sẽ xảy ra. Làm như vậy hầu như sẽ đạt được một, hai hoặc ba mục đích: làm cho câu chuyện tiếp diễn thú vị hơn; làm cho người hỏi bị choáng và phải tự kiểm điểm lại mình; hoặc khích lệ một cuộc trò chuyện chân thành hơn về mối quan hệ của hai người.

 

Người dịch: LÊ Ý THU

 

 

YÊU LÀ GÌ ?

PHAN VĂN CHỨC

 

Câu hỏi khó trả lời vì có năm bảy lối yêu.

- Có lối yêu của tuổi dậy thì, tình yêu mới chớm nở, tâm hồn bắt đầu rao rực, thân xác bắt đầu rung động.

- Có lối yêu nhẹ dạ, bồng bột hời hợt, yêu nhưng chưa biết ý nghĩa sâu xa của tình yêu, chưa chuẩn bị để lãnh tất cả những trách nhiệm của tình yêu.

- Có lối yêu của những kẻ đam mê si tình chỉ tìm thoả mãn đam mê, bất chấp luân thường đạo nghĩa.

- Có lối yêu bi thảm của những nạn nhân của bọn tú bà, sở khanh, bọn yêu râu xanh, bọn buôn phấn, bán son trên đủ mọi màu da, với đủ mọi lứa tuổi …

- Có lối yêu của những cặp tình nhân say mê lý tưởng, hay lãng mạn, hễ vắng người tình là vắng tất cả, là cuộc đời hết ý nghĩa, lối yêu của Tristan và Yseult muôn thuở.

- Có tình yêu vợ chồng thắm thiết thuận hoà, giúp nhau tát cạn bể đông, cùng nhau tiến về một hướng, cùng nhau gánh vác tất cả trách nhiệm của con người, của kẻ làm cha làm mẹ, muốn sống thế trần và sống siêu trần, làm tròn bổn phận của kiếp phù du, nhưng cũng có thiên chức trường cửu.

Vậy yêu là gì ?

Tuy nhiên không phải chỉ là mơ mộng lãng mạn, không phải chỉ là thoả mãn đam mê, chỉ muốn coi người yêu như là một bạn bụi đời, một trò chơi, chơi cho đã.

Yêu trong luật chung của nhân loại là yêu nhau cả thể xác lẫn tâm hồn, để mang lại cho người yêu hạnh phúc và để người yêu mang lại hạnh phúc cho mình. Nhưng anh chị phải lưu ý: hạnh phúc đó mới bắt đầu với tình yêu. Hạnh phúc đó, tình yêu đó, sau khi đã chớm nở xuất hiện, anh chị còn phải tiếp tục xây dựng, tăng gia, bảo vệ không ngừng, ngày này sang ngày khác, năm năm tháng tháng suốt trọn trăm năm tình nghĩa vợ chồng, cha mẹ.

Yêu nhau là mỗi ngày hiến dâng tất cả cho nhau, là giúp nhau mỗi ngày xây dựng hạnh phúc, là hy sinh mỗi ngày cho nhau, suốt đời để chu toàn tất cả trách nhiệm của con người, của vợ chồng, cha mẹ, của con người phải sống kiếp phù du và sống muôn kiếp.

 

 

 

 

THẾ NÀO GỌI LÀ TÌNH YÊU

DAISAKU IKEDA

 

Tôi cho rằng tình yêu là một hình thái tự nhiên của con người. Bất cứ người nào hễ còn sống, tất nhiên ngọn sóng tình yêu chưa lắng xuống. Bởi vì có tình yêu mới có hy vọng, mới biết giận, hờn, buồn vui. Tình yêu là minh chứng của sự sống.

Silo (1759-1805, nhà văn Đức) nói : “Không có ánh sáng của tình yêu đời người không còn giá trị gì nữa cả”. Đúng như thế, người mất tình yêu thì coi là cái xác không hồn, đời người sẽ hoang vắng như bãi sa mạc, lạnh như tường đá, sẽ không nghe lời ca tiếng hát.

Cho đến nay, từ mà người ta nói nhiều nhất là “tình yêu”. Rất nhiều triết gia tìm hiểu thực chất của tình yêu, những tác phẩm văn học lấy tình yêu làm đề tài thì vô kể. Có lẽ không có từ nào cắm rễ sâu vào cuộc sống và vào sinh mệnh như từ “tình yêu”. Tình yêu là tiếng nói, là dòng chảy ngầm của đời sống tình cảm.

Có lẽ từ hấp dẫn người ta nhất, chất chứa bao âm hưởng đẹp đẽ, là từ “tình yêu”. Nhưng cuối cùng, “tình yêu” là gì ? Tôi không phải là nhà tâm lý học, cho nên không nghĩ cách quan sát và phân tích tính chất của tình yêu, mà chỉ muốn cùng các bạn xác định ý nghĩa của “tình yêu” mà thôi.

Tôi nhớ có người nói như thế này : “Tình yêu là đoá hoa của sự sống”. Quả thực, tình yêu là đoá hoa toả hương thơm trên mảnh đất của sự sống, là ngọn lửa thiêng liêng sưởi ấm lòng người, là một bài ngợi ca hay nhất trên cõi thế.

Trong đời có nhiều thứ tình yêu, tình yêu cha con, tình yêu vợ chồng, tình yêu người, tình yêu bè bạn… Bất cứ thứ tình yêu nào cũng là do sự tiếp xúc hài hoà giữa sinh mệnh và sinh mệnh. Có lúc tình yêu như hai dòng nước xiết gặp nhau, có lúc như là cảm hứng say sưa, đắm đuối, có lúc lại như ngọn gió mát lành, một dòng suối trong chảy róc rách ca ngợi cuộc sống phong phú. Cảnh nhân thế sán lạn, muôn màu muôn vẻ, chẳng phải là do tình yêu miêu tả ra hay sao ?

Mặt khác, người ta tìm tình yêu đẹp đẽ, chân chính, nhưng rất hiếm khi gặp được sự thưc là như thế. Có tình yêu mong manh như hoa tuyết tan đi trong chốc lát… Có tình yêu thì như cơn ác mộng hoặc là một cơn sốt bệnh, rên rỉ, khổ đau. Lại có thứ tình yêu, sau một lúc kích thích mạnh mẽ, rồi để lại một khoảng trống vắng và sự tan vỡ… Khi tan vỡ tình yêu có thể trở thành một trận cuồng phong thê thảm che kín trời đất. Khao khát tình yêu có thể trở nên “tê liệt”, có thể sa xuống vực sâu. Ngày nay, trong xã hội tràn đầy thứ tình yêu lệch lạc, gây giận hờn, ghen ghét.

Vì sao, tương phản với âm hưởng hay ho của tình yêu, trong thực tế lại có thứ tình yêu có tính chất huỷ diệt như thế mà không phải tình yêu đẹp đẽ, tôn quý nhất đời.

Tôi biết thứ tình yêu ấy thiếu cái gì rồi. Trước hết, thiếu lòng tin cậy sâu sắc để bảo đảm cho nó. Người ta đã vô ý thức để lòng ích kỷ chi phối nó.

Một điều nữa có liên quan đến điều nói trên, đấy là sự sáng tạo trong tình yêu làm phát huy chính mình và người mình yêu.

Tình yêu không phải là thứ quan hệ giữa người nọ với người kia theo tục lệ ước định. Tôi cho rằng nó không ngừng xây dựng, không ngừng sáng tạo, trên căn bản lòng tin cậy lẫn nhau. Tóm lại, tình yêu không là “vật” của quá khứ, không phải là chuyện trong giây lát của hiện tại, mà phải hướng về tương lai để xây dựng lâu dài. Tình yêu không có chữ “tín” là tình yêu phù du, tình yêu không sáng tạo chỉ là tình yêu đắm đuối.

Giữa hai người có mối quan hệ tin cậy lẫn nhau, trong bầu không khí khoan dung và hiểu biết, gợi mở cho nhau, cùng nhau sáng tạo, đó mới là điều trọng yếu nhất. Trong quá trình này tình yêu nảy mầm, trưởng thành và trở nên tình yêu chân thật, không thể tan vỡ suốt cuộc đời. Tình yêu ấy sẽ tô điểm cho cuộc sống thêm đẹp đẽ và làm cho có ý nghĩa thêm.

Tôi vốn muốn nói với các bạn trẻ rằng : tình yêu phải chân thực xuất phát từ nội tâm, bỏ thứ tình yêu đầu miệng cốt thỏa mãn dục vọng riêng, thứ tình yêu giả dối, chỉ lợi dụng mình mà thôi. Phụ nữ thường bị quyến rũ bởi những lời nói ngọt ngào, êm tai. Các bạn chớ để một vài câu thì thầm mê hoặc. Phải giữ vững tính chủ động, để có được thứ tình yêu chân chính, đưa lại hạnh phúc cho cuộc sống.

Chạy theo hư vinh và bề ngoài thường bỏ mất tình yêu chân chính. Tôi thật lòng chúc các bạn trẻ có được tình yêu lành mạnh.

 

Người dịch : TRƯƠNG CHÍNH

 

 

 

 

NÓI VỚI TUỔI TRẺ VỀ TÌNH YÊU

 

ĐỨC GIÁM MỤC GB BÙI TUẦN

 

Tình yêu cũ như trái đất, nhưng vẫn mới như những mùa Xuân.

Rất nhiều người nói tới. Rất nhiều người nghĩ tới. Rất nhiều người muốn tránh nó.

Nhưng tránh nó là đã gặp nó. Mà tránh nó sao được, khi nó là một yếu tố cần thiết đi liền cuộc sống.

Tình yêu đâu phải là một thứ xa xỉ phẩm. Nó làm nên đời sống, và ở trong cuộc sống. Nó là chuyện của mỗi người.

Tuy nhiên, tôi rất ngại đề cặp đến tình yêu. Tất nhiên phải có lý do để lo ngại. Hôm nay tôi muốn nói tới một số những lý do đó.

Nói về tình yêu, mà lại chỉ đưa ra những lý do ngại nói về tình yêu, thì xem ra kỳ cục. Có thể là như thế. Nhưng chưa hẳn là thế. Bởi vì ý thức được những lý do khiến mình ngại, tức là đã thấy được thái độ nên có đối với tình yêu.

Lý do ngại đầu tiên là vì tôi không chắc chúng ta có cùng hiểu tình yêu như nhau không.

Bạn nói tình yêu, họ nói tình yêu, tôi nói tình yêu. Nhưng nếu mỗi người hiểu tình yêu mỗi cách, thì chỉ là sự gặp gỡ danh từ, chứ chưa có sự gặp gỡ tư tưởng. Sẽ không có khởi điểm chung. Sẽ không có vấn đề chung. Sẽ không có căn bản chung. Sẽ chỉ là một cuộc đối thoại hình thức của những độc thoại nội dung. Sẽ có những hiểu lầm và những lạm dụng.

Ngay mấy câu tôi quả quyết trên kia: “Tình yêu không phải là một thứ xa xỉ phẩm. Nó là một yếu tố cần thiết đi liền cuộc sống” đã được bạn hiểu thế nào? Nếu bạn trích những câu đó để biện minh cho thứ tình dâm dật chẳng hạn, thì oan cho tôi rồi.

Không gì dễ hiểu cho bằng tình yêu. Nhưng không gì khó định nghĩa cho bằng tình yêu. Dễ hiểu, bởi vì ai cũng có yêu, không nhiều thì ít. Nhưng khó định nghĩa, bởi vì tình yêu rất phức tạp.

Tình yêu nói chung đã chia thành 3 phía tâm lý, siêu hình và luân lý.

Tình yêu có nhiều loại. Aristote đã chia 3, thánh Thomas chia 2, Max Scheler chia 5, C. Héris chia 8. Đó chỉ là một số tác giả tượng trưng.

Người ta có thể không đồng ý về số loại tình yêu, nhưng người ta không thể cho rằng chỉ có một thứ tình yêu duy nhất. Không thể thì làm gì có vấn đề tốt xấu đặt ra trong tình yêu.

Phân tích tình yêu trong lý thuyết đã là điều không dễ. Nhưng phân tích tình yêu trong chính cuộc sống lại càng khó hơn. Sự kiện đó đưa tới lý do thứ hai khiến tôi ngại nói tới tình yêu. Đó là vì tôi không chắc ta có thể hiểu được tình yêu người khác, nhất là tình yêu của chính ta không?

Nói lý thuyết là để hiểu thực tế. Nhưng tình yêu thực tế rất khó nhận diện. Bởi vì không có tình yêu trống vậy, không có tình yêu hiện thân, nghĩa là không có tình yêu ngoài người đang yêu. Mà tình yêu không có mùi, không sắc, không đo lường được. Nó ở trong con người nên nó cũng phức tạp như con người.

Đã hẳn theo lý thuyết thì tình yêu có thể là một trong những loại sau đây: Tình yêu siêu nhiên với đối tượng siêu nhiên, tình yêu siêu nhiên với đối tượng tự nhiên, tình yêu lý trí tự nhiên, tình yêu tình cảm, tình yêu cảm giác, tình yêu nhục dục, tình yêu tính dục, tình yêu nhân tính, tình yêu thú tính.

Tuy nhiên, trong thực tế không bao giờ có một thứ tình yêu nào được hoàn toàn thuần tuý chỉ thuộc riêng một loại. Tình yêu cao siêu nhất vẫn gây âm hưởng trong thân xác. Tình yêu nhục dục thấp nhất cũng không hoàn toàn chỉ là thú tính.

Khi yêu là yêu với tất cả con người, mặc dầu hướng đi có khác nhau. Tình yêu giống như một hòa âm, nên không dễ phân biệt cung điệu nào là chính.

Nếu tôi đứng ngoài nhìn vào tình yêu của bạn, tôi sẽ rất dễ lầm. Bởi vì tôi là người ngoài cuộc, chỉ nhìn theo bề ngoài khách quan rồi đoán ra, chứ không thấy trực tiếp tình yêu của bạn. Mà tình yêu có hình dáng gì đâu mà thấy được. Tình yêu diễn tả bằng thái độ và ngôn ngữ. Nhưng thái độ và ngôn ngữ là những thứ đa diện, đa năng. Mỗi người đều có thể cho chúng những ý nghĩa tuỳ mình. Nếu căn cứ vào những cái đó để đoán tình yêu người khác, ta thường dễ rơi vào chủ quan ở chỗ “Suy bụng ta ra bụng người”. Không khéo khoa phân tâm học lại cho những xét đoán của ta là sự xuất hiện trá hình của những thèm muốn bị dồn ép của chính ta.

Nhưng nếu bạn là người trong cuộc thì bạn cũng khó nhận ra bộ mặt thực của tình yêu bạn. Bởi vì lúc đó bạn sẽ dễ thiên vị, và dễ bị tình cảm, đam mê làm mù quáng. Tình yêu là một kết tinh, như Stendahl nói. Nhiều khi, nó là một thứ pha trộn giữa thực tại và ảo ảnh. Bao lần người ta đã yêu trong mộng ước trước khi gặp người yêu thực. Yêu người trong mộng nên mới dừng lại một người yêu thực, để rồi lại yêu người yêu thực qua hình ảnh trong mộng. Qua mộng đến thực và nhìn thực qua mộng, nhưng lại không phân biệt được thực và mộng ở chỗ nào, thì làm sao hiểu rõ được tình yêu của mình. Chỉ hiểu được rõ khi tình đã chết. Lúc đó đã đứng ngoài cuộc rồi.

Tính cách phức tạp vừa kể của tình yêu lại dẫn tới lý do thứ ba khiến tôi ngại nói về tình yêu, đó là vì tình yêu rất nặng tính cách chủ quan.

Tìm một kết luận khách quan đã là khó lắm. Phương chi lại đứng trong một số vấn đề chằng chịt những tính cách chủ quan.

Đã hẳn, theo thánh Thomas, thì ba yếu tố tâm lý cần thiết để nhóm lên lửa tình là: biết, tốt và hạp. Nhưng thế nào là biết, là tốt, là hạp, là đẹp? Cho dù ngàn sách dạy về sự tốt, sự đẹp, sự hạp, thì trong thực tế, khi bạn yêu ai, người đó có thể chỉ tốt cho bạn, đẹp cho bạn, hạp với bạn, chứ đâu có phải họ tốt đẹp và hạp cho tất cả mọi người? Họ có thể xấu và không hạp đối với người khác, nhưng tốt và hạp với bạn. Nó gọi là duyên nợ thì duyên nợ là ở chỗ đó. Nó đầy tính cách chủ quan riêng cho từng người và riêng cho từng trường hợp.

Khởi đi là những yếu tố chủ quan vừa kể tình yêu đi về đích điểm nào? Nó dừng lại người yêu, hay lại qua người yêu để trở lại chính ta? Nó cho đi mà không cần nhận lại, hay là tình yêu nào cũng mong mỏi hai chiều. Ước mong nhận lại và hai chiều có phải là vị kỷ hay không?

Bao sách đạo đức đã cho rằng yêu không mong được yêu mới là tốt. Nhưng M. Nédoncelle đã không đồng ý. Tôi nghĩ ông có lý với điều kiện. Thực ra cả hai quan niệm cùng đúng. Nhưng bên nào cũng đúng theo cái nhìn chủ quan của mình. Thế mới nguy.

Nhiều chuyện tình tôi coi như vô lý. Nhưng nó không có lý cho tôi, mà lại có lý cho người khác trong cuộc. Tôi không phải họ, họ đâu phải là tôi. Họ khác, tôi khác. Thế mới rắc rối. Mỗi tình có cái lý riêng của mình. Cái lý riêng của tình không có ai hiểu nổi ngoài người chủ của tình yêu. Nhưng bao lần chính họ cũng chẳng nắm vững được cái lý của tình mình.

Tình yêu có quá nhiều tính cách chủ quan nên lại một lý do nữa khiến tôi ngại nói về tình yêu. Đó là vì tình yêu bao la quá.

Bao la thì dễ hồ đồ. Hồ đồ thì khó xác thực.

Tình yêu nghe như vấn đề nhỏ bé, nhưng thực sự nó mênh mông khôn tả.

Bạn thử hỏi một người nghĩ gì về tình yêu? Bạn thử đọc sách nói về tình yêu. Bạn thử khảo cứu những tác giả chuyên về tình yêu. Bạn thử viết một tác phẩm đầy đủ về tình yêu... Bạn thế nào, tôi không rõ. Riêng tôi, tôi nhận là tôi không đọc xuể, không hiểu thấu, và không viết nỗi.

Tình yêu bao la vì tình yêu muôn mặt.

Người tình của Kinh Thánh trong Ca đệ nhất chỉ mới là một mặt tình yêu. Tình của Trọng Thuỷ và Mỵ Nương lại là mặt khác. Tình của Lan và Điệp là một mặt khác nữa. Tình của Roméo và Juliette không giống tình của Tristan và Isolde. Đến chuyện ly kỳ của hoàng đế Edward VIII đã cam lòng từ nhiệm ngôi vua để cưới một người đàn bà không còn trong trắng, thì tình yêu lại xuất hiện với bộ mặt vừa chân thành vừa bi đát lạ thường làm xúc động cả thế giới.

Còn bao nhiêu bộ mặt khác của tình yêu.

Ngay cơ cấu tâm lý của tình yêu cũng đã là vấn đề quá rộng, chứ chưa nói gì tới hàng trăm vấn đề nằm trong tình yêu. Phạm vi bát ngát, mà lại muốn đơn giản thì khó tránh được thiếu sót đáng ngại.

Tình yêu rất bao la và phức tạp. Tìm hiểu nó bằng lý trí và sách vở đã vậy, nhưng thiết tưởng cũng cần phải hiểu nó bằng trái tim và sự trưởng thành của kinh nghiệm. St Exupéry nói: “Chỉ với trái tim, người ta mới thấy được rõ”. Câu đó đúng trong phạm vi tình yêu.

Tình yêu được dựng nên cho con người, và con người được dựng nên cho tình yêu, để tất cả trở về tình yêu nguyên thuỷ và sau cùng là Thiên Chúa. Vì thế, khi nói về tình yêu, tôi vốn lo tôi không cung kính đủ, không nhân loại đủ và không hướng về Chúa đủ.

Nếu bạn chia sẻ với tôi về những lý do kể trên khiến tôi ngại nói về tình yêu, thì bạn sẽ dễ đoán được tình yêu là vấn đề tế nhị thế nào và cần phải dè dặt, cân nhắc, thận trọng lắm để khỏi có những nông cạn, thiếu sót và lầm lẫn.

Nếu đi được tới kết luận đó, thì cũng đã là một kết quả tốt rồi.

Tôi chỉ mong có thế.

(Nói Với Chính Mình, trang 25-32)

 

 

 

“SỰ KẾT TINH” TRONG TÌNH YÊU

Hằng Minh

Từ lâu tình yêu vẫn được coi là tình cảm phức tạp nhất trong các tình cảm của con người. Sở dĩ như vậy không chỉ vì gắn liền trực tiếp với nó là điều bí mật của cuộc sống, mà còn vì đôi khi ta không hiểu ta đang yêu ai - yêu chính con người kia hay yêu hình ảnh do ta tưởng tượng về con người kia.

Có lẽ đây là chỗ thích hợp để ta nhắc tới thuyết kết tinh của Stendhal, nhà văn Pháp, một thuyết giờ đây nhiều người đã lãng quên. Trong tập luận văn của ông nhan đề “Bàn về tình yêu”, Stendhal viết: Nếu ta để một cành cây bình thường vài ba tháng ở trong mỏ muối, nó sẽ được phủ đầy các tinh thể, và không ai còn nhận ra cái vật lấp lánh ấy chính là cành cây đó. Một chuyện y hệt như vậy cũng xảy ra trong tình yêu, ông nói, khi người mà ta yêu được ta tô điểm hàng nghìn nét hoàn hảo giống như các tinh thể vậy.

Sự kết tinh, theo cách diễn đạt của Stendhal, là “bản chất trạng thái cuồng si có tên gọi là tình yêu, một sự cuồng si dù sao cũng đem lại cho con người niềm sung sướng vô cùng lớn lao”. Ông viết: “Khi yêu, một người có lý trí nhất cũng sẽ không nhìn thấy bất cứ sự vật nào đúng như trong thực tế nữa. Một người phụ nữ hết sức bình thường cũng trở nên xinh đẹp đến mức không thể nhận ra được và biến thành một con người đặc biệt”. Stendhal còn nói rằng “trong tình yêu, chúng ta chỉ tận hưởng cái ảo ảnh do bản thân chúng ta tưởng tượng ra mà thôi”.

Nói như vậy, có lẽ cực đoan, bởi chắc gì đã nên coi bất cứ tình yêu nào cũng đều là tình cảm kiểu Don Quichotte, một người nhìn phụ nữ bẩn thỉu chăn gia súc cũng ngỡ là một bà hoàng xinh đẹp. Nhưng chẳng phải là đúng sao, nếu nói rằng tới một nửa tình cảm yêu đương được “dệt” bằng những sợi tơ của óc tưởng tượng? Đương nhiên ở những người khác nhau, mức độ hoạt động của óc tưởng tượng không như nhau, người thì nhiều hơn, người ít hơn. Rất có thể có những người hầu như không có hoặc hoàn toàn không có óc tưởng tượng trong tình yêu. Nhưng sự kết tinh mà Stendhal nói tới thường “tô vẽ thêm” cho người được yêu, “trang điểm” cho người đó và do vậy, làm cho tình yêu đối với người đó mãnh liệt hơn.

(Báo Thanh Niên ngày 4/1/1997, trang 11)

 

 

TÌNH YÊU LÀ HÀNH ĐỘNG

HẰNG MINH (Theo I. Orlov - Nga).

 

Ít có người nào lại không suy ngẫm về bản chất của tình yêu. Nhưng vì ai cũng tự coi mình là "chuyên gia" trong lĩnh vực này, nên có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu quan niệm về tình yêu.

Phổ biến nhất là ý kiến cho rằng tình yêu là tình cảm, không hơn không kém, và chỉ là một trạng thái tâm lý của con người. Mà nếu thế, thì đó là một cái gì chủ quan, bấp bênh, nhất thời. Tiếp đó đi đến kết luận: tình yêu là một thứ xa xỉ, con người thiếu nó cũng chẳng sao. Nhiều người khẳng định gia đình hiện đại hoàn toàn có thể tồn tại một cách tốt đẹp mà không cần tình yêu, tất nhiên nếu các thành viên trong gia đình hoàn thành các nghĩa vụ của mình.

Các ý kiến ấy dựa trên một quan niệm không đúng, coi tình yêu chỉ là tình cảm. Thật ra, tình yêu là hành động hướng tới một người khác, là hành động kèm theo một tình cảm nhất định. Tình yêu là niềm vui ta cảm thấy khi ta đem lại niềm vui cho người khác. Nói một cách đơn giản, tình yêu - đó là khi ta vui sướng và hạnh phúc vì người khác vui sướng và hạnh phúc. Còn nếu ta vui sướng vì người khác đau khổ, thì đó là sự căm ghét, thù địch, ngược hẳn với tình yêu.

Chỉ đến một giai đoạn phát triển nào đó của con người, mới xuất hiện sự say mê giới tính. Nhưng say mê giới tính chỉ là phương tiện của tình yêu, nói đúng hơn, là một trong nhiều phương tiện của tình yêu. Và là phương tiện mạnh mẽ nhất. Còn tình yêu có thể có nhiều phương tiện khác nữa, nếu nhờ những phương tiện này nó đem lại vui sướng cho người khác.

Nếu thế, tình yêu không chỉ là tình cảm, mà còn là hành động. Nó cũng hiện thực như chuyện học hành, công việc. Nó là một kích thích bên trong, là động lực nhiều hành động của ta, nhiều lắm chứ không như ta tưởng. Một chú bé chủ động ra vườn vun xới mấy luống hoa để được thấy nụ cười trên gương mặt mẹ, một người anh làm thêm giờ để lấy tiền mua món quà tặng em gái... - những hành động ấy về thực chất là biểu hiện những dạng thức khác nhau của tình yêu thương ở con người.

Cả tình yêu nam nữ cũng phụ thuộc vào năng lực yêu của con người nói chung. Ai đã không thể yêu thương anh trai mình, em gái mình, bố mẹ mình, thì thường cũng không thể yêu vợ. Năng lực yêu ở con người phát triển từ nhỏ, từ rất lâu trước khi con người trưởng thành và bước vào hôn nhân. Các nhà tâm lý học khẳng định ở gia đình nào có nhiều tình yêu thương thì con cái lớn lên sẽ có khả năng xây dựng được những gia đình dựa trên tình yêu. Người nào sinh ra và lớn lên bị thiếu tình yêu thương trong gia đình, thường cũng cảm thấy rất khó khăn khi xây dựng tình yêu thương trong gia đình của chính mình.

(Báo Thanh Niên trang 11, số 182, ngày 9/12/1995).

 

 

 

HAI KIỂU TÌNH YÊU

VŨ ĐÌNH BÌNH

(Dịch theo A. Maurois - Pháp).

 

Một hôm, lúc ấy có mặt Victor Hugo, mọi người nói về cuộc đời và về những gì quả thật đáng giá trong cuộc đời, Hugo nhận xét rằng đó không phải là vinh quang, không phải là tiền bạc, không phải là thiên tài, mà là khả năng yêu và được yêu. Ông có lý. Không một thứ gì đáng giá, nếu thứ đó không thể đem chia sẻ với người yêu thương ta, yêu hết lòng (nhưng bản thân tình yêu này lại đem lại cho ta rất ít, nếu ta không yêu họ). Hoàn toàn không phải có nhiều những người như thế. Tôi luôn nghĩ rằng có thể hạnh phúc ở một huyện lỵ nhỏ, thậm chí ở một ốc đảo nào đó giữa sa mạc Sahara, miễn là ở đó ta có vài ba người bạn thân. Ngược lại, tôi không nghĩ rằng một nghệ sĩ lừng danh nào đó lại được nếm mùi hạnh phúc, nếu bên cạnh anh ta không có một người nào anh ta có thể tháo bỏ mặt nạ. Do vậy, trong cuộc đời những nhân vật vĩ đại, bạn bè, vợ con hoặc người yêu đóng một vai trò thật đáng kể. "Tôi cô đơn quá", một người nổi tiếng, hình như được nhiều người yêu quý, nói với tôi như thế. Tình yêu, dù đó là lòng yêu thương của con cái đối với bố mẹ, dù đó là trong hôn nhân hay tình cảm bạn bè, bao giờ cũng có thể giúp ta đập tan ách kìm kẹp của nỗi cô đơn.

Nhưng có hai kiểu tình yêu khác nhau. Kiểu thứ nhất là tình yêu vì bản thân, tức là gắn bó với người khác vì những gì người khác đem lại cho mình. Có những phụ nữ yêu chồng, và yêu rất thật lòng; với chồng, họ được ngay nhiều thứ cùng một lúc: sự an toàn, sự dịu dàng, sự hài lòng..., nhưng họ yêu chồng vì họ không thể hình dung cuộc đời mình lại không có chồng. Người chồng cần cho họ; anh ta bảo đảm hạnh phúc cho họ và con cái họ; anh ta là trung tâm cuộc đời họ. Nhưng họ nghĩ rất ít về cuộc sống của chồng; họ không tự hỏi xem người chồng có những ý muốn và nhu cầu gì khác nữa không; họ thấy người chồng làm việc đến kiệt sức để lo toan cho hạnh phúc của họ là một điều rất tự nhiên.

Những người chồng và những người tình kiểu ấy cũng khá nhiều; họ yêu phụ nữ cũng vì những gì họ được nhận, và không bao giờ họ nghĩ đến nội tâm người phụ nữ. Con cái yêu bố mẹ gần như bao giờ cũng yêu theo kiểu ấy. Đối với chúng, bố là người mà chúng luôn có thể trông cậy; mẹ là người khoan dung vô hạn. Nhưng có mấy đứa con tìm cách giảm bớt những nỗi khó nhọc của bố mẹ? Những tình yêu kiểu ấy, tôi gọi là yêu vì bản thân.

 Yêu một người vì người đó - là không nghĩ đến chuyện nhận được gì ở người đó, mà nghĩ đến chuyện đem lại cho người đó những gì. Có nghĩa là gắn chặt cuộc đời người đó với cuộc đời mình, là chia sẻ hoàn toàn các tình cảm của người đó, đến mức hạnh phúc của người đó trở thành hạnh phúc của ta. Chớ nghĩ rằng ít có những tình yêu như thế. Nhiều bậc cha mẹ hạnh phúc trước thành công của con cái hơn là thành công của chính mình. Tôi biết không ít những cặp vợ chồng sống vì nhau. Có những tình bạn cực kỳ cao cả. Trong tình bạn thực sự có nhiều ân cần chu đáo hơn là đòi hỏi. Đó là kiểu tình yêu vì người khác.

Cần lưu ý rằng tình yêu vô tư như thế đem lại nhiều hạnh phúc hơn là tình yêu vì bản thân. Tại sao vậy? Tại vì đối với con người ta, nếu quên bản thân mình đi, thì có thể sẽ rất hạnh phúc. Con người là thế. Khi nghĩ về bản thân, khi hoài nghi và không hài lòng, ta lập luận đại khái như sau: "Trong cuộc đời, ta đã có tất cả mọi thứ chưa, ta còn có thể được nhận những gì ở cuộc đời nữa? Sai lầm gì đã làm ta trở thành người thế này? Mọi người nghĩ gì về ta? Ta có được mọi người yêu quý không?". Khi một người khác trở thành trung tâm cuộc đời ta, mọi chuyện lập tức sáng rõ. Bổn phận của ta là gì? Là làm cho những người ta yêu quý được hạnh phúc hơn. Từ lúc đó, cuộc đời ta tràn đầy ý nghĩa, và ý nghĩa ấy là chỗ dựa cho cuộc đời ta...

(Báo Thanh Niên trang 14, số 17, ngày 30/1/1996)

 

 

TÌNH YÊU LÀ MỘT LIỀU THUỐC DIỆU KỲ

NGUYÊN HƯƠNG

 

Gần như toàn thể nhân loại là kết quả của một mối tình, cụ thể hơn, của một hành động yêu đương. Điều thú vị là nhân loại lại thích thú gìn giữ những mối tuyệt tình đau khổ... Từ Đông sang Tây, từ ngàn xưa đến nay, nào ai lại không biết những mối tình thảm thiết như Juliet và Romeo, thảm tình Mayerling, Cleopâtre và Antoine, Dương Quí Phi và An Lộc Sơn, Huyền Trân và Trần Khắc Chung vv... Những mối tình “có hậu” thì dành cho... phim hoạt hình của Walt Disney. Thế nhưng, mới đây, sau một thời gian dài nghiên cứu khá “tỉ mỉ và lạnh lùng”, các nhà khoa học lại cung cấp cho chúng ta những tín hiệu lạc quan của tình yêu...

Tình yêu có là một liều thuốc hiệu nghiệm chữa lành được nhiều bệnh thông thường? Bác sĩ Reed Moskowitz, tác giả của quyền sách nổi tiếng “Tư tưởng chữa lành bệnh” xác nhận chuyện khó tin này hoàn toàn đúng. Dù bạn có nhức đầu, đau lưng hay bị trầm uất nặng, một cuộc sống tình dục tươi sáng sung mãn sẽ đẩy lùi các dạng bệnh này. Người ta nhận thấy, ngay từ các khảo sát ban đầu, hoạt động tình dục giảm bớt các dạng đau và giảm mạnh chứng đau đầu. Tác dụng tích cực đối với đời sống tâm lý cũng thể hiện rõ. Chìa khoá của bí mật nằm trong mối dây liên hệ giữa các trạng thái tâm lý và sức khỏe của cơ thể. Các xúc động không được tốt như giận dữ, lo lắng, mặc cảm có tội, buồn bã u sầu sẽ gây ra trạng thái ức chế, từ đó adrénaline liên tục được tiết ra. Theo bác sĩ Moskowitz thì hậu quả sẽ dẫn đến việc hoạt động toàn cơ thể và nhất là hệ miễn nhiễm sẽ bị suy sụp. Để hoá giải, các xúc động tươi tắn như sự phấn kích và hồi hộp trong tình dục sẽ làm giảm sự căng thẳng và giảm bớt liều lượng adrénaline được tiết ra. Hệ thần kinh sẽ tiết ra một loại thuốc “giảm đau tự nhiên”, gọi là endorphine có tác động lên khắp cơ thể, giúp cơ thể hồi phục sau các u uất tàn phá. Moskowitz không phải là chuyên gia duy nhất thừa nhận mặt tích cực của tình yêu. Các bác sĩ David Sobel và Robert Ornstein, trong tác phẩm “Những cảm xúc có lợi”, đồng ý là khoái cảm trong tình yêu đôi lúc đồng nghĩa với một sức khoẻ tốt trong nhiều lãnh vực, có lúc thật bất ngờ, như:

TIM:

Các chuyên gia ngày càng nghĩ là sự thất vọng, phát xuất từ một cuộc sống tình dục thất bại, có thể đóng vai một yếu tố nguy hiểm cho các bệnh tim mạch. Bác sĩ Alexander Lowen, giám đốc Viện phân tích năng lượng sinh học New York, tác giả công trình “Tình yêu, tình dục và quả tim của bạn” cho thấy 100 trường hợp phụ nữ bị tim mạch phải nhập viện thì đã có 65 người cho hay trước đó cuộc sống tình dục bị rối loạn. Còn trong số 121 bệnh nhân nam bị nhồi máu cơ tim thì có đến 2/3 bệnh nhân đã gặp khó khăn to lớn trong sinh hoạt tình dục. Bác sĩ Alfred Franger, chuyên gia về phụ khoa và tâm thần của Viện y khoa Wisconsin ở Milkwaukee thì cho là một đêm yêu đương với “chất lượng tốt” tự nó là một buổi tập thể dục mini vì trong lúc ái ân, một phụ nữ nặng 55 kg có thể đốt đến 8 calori mỗi phút, còn một người đàn ông nặng 80 kg có thể đốt đến 12 calori.

HỆ MIỄN NHIỄM:

Bác sĩ Dudley    man, giáo sư môn phụ khoa và sản khoa ở Viện y khoa Ohio, khi theo dõi nhiều phụ nữ mắc bệnh ung thư vú đã khám phá là ai có đời sống tình dục thoả mãn sẽ có liều lượng lymphocyte T tốt hơn. Đây là loại bạch huyết cầu đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu hoạt động của hệ miễn nhiễm cơ thể. Các bệnh nhân như vậy có hy vọng sống lâu hơn các phụ nữ mắc bệnh ung thư vú như họ. Các công trình khảo cứu khoa học đều cho thấy tất cả dạng strees đều có hại đến hoạt động của hệ miễn nhiễm và khiến cơ thể dễ bị bệnh hoạn tấn công, dù là một cơn cảm sốt nhỏ, một dạng lở loét hay nghiêm trọng hơn, huyết áp gia tăng bất thường. Khoái cảm yêu đương có tác dụng chống lại sự lo lắng và làm cơ thể nghỉ ngơi thanh thản hoàn toàn. Các “hiệu quả phụ” tốt đẹp này chỉ kéo dài có vài tiếng đồng hồ, song một đời sống tình dục đều đặn sẽ gia tăng rất nhiều trạng thái được bồi bổ của cơ thể và sự lo lắng sẽ giảm nhiều.

THỜI KỲ KINH NGUYỆT:

Sinh hoạt yêu đương còn làm giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt khó chịu (symptôme prémenstruel) ở một số phụ nữ. Năm hay bảy ngày trước khi có kinh, máu đổ dồn về với số lượng lớn tại khung xương chậu, gây sự sưng tràn và đau đớn khó chịu. Bác sĩ A. Franger cho hay: “Khi đạt đến trạng thái tột đỉnh trong tình yêu các bắp thịt co thắt mạnh sẽ đẩy máu đọng nhiều ở vùng xương háng toả các nơi khác của cơ thể, làm giảm bớt sự trương phình các tế vào và người phụ nữ thấy bớt khó chịu”.

CÁC DẠNG ĐAU NHỨC:

Bác sĩ Beverly Whipple, giáo sư Viện đại học Rutgers, bang New Jersey, cho là trạng thái cực khoái (orgasme) là một loại “thuốc tê” tự nhiên nhất. Trong lúc khảo sát các phụ nữ bị các bệnh sưng viêm như sưng khớp xương mãn tính, sưng cổ tử cung, bà nhận thấy các phụ nữ này chịu đau giỏi hơn nếu họ có đời sống dục tính phong phú, đều đặn. Bà Whipple cho giai đoạn phấn kích của yêu đương rất quan trọng vì hệ thần kinh trung ương đã tiết ra nhiều hoá chất làm giảm đau rõ ràng. Các chuyên gia đang nghiên cứu vấn đề khá mới mẻ là trạng thái tột cảm đã đẩy mạnh sự tiết ra chất endorphine đẩy nó vào các “điểm tiếp thu” ở rải rác khắp cơ thể và tạo hiệu quả gây tê giống như chất morphine. Bác sĩ D. Chapman kể lại trường hợp một nữ bệnh nhân của ông bị sưng khớp xương cấp tính. Sau khi chỉnh đốn lại cuộc sống phòng the, bà nhận thấy các cơn đau giảm thấy rõ.

Tình yêu còn là một loại thuốc ngủ khá mạnh. Nó cho phép cơ thể thư giãn ngay tức khắc, giúp chống lại chứng mất ngủ một cách hiệu nghiệm. Ông Alexander Lowen cho hay: “Yêu đương có một khả năng hoá giải cơ thể mạnh mẽ. Hành động yêu đương càng sôi nổi, nồng nàn thì sau đó người ta càng mau ngủ say sưa ngon lành...”.

TÂM LÝ:

Trạng thái tâm lý sảng khoái, trầm tĩnh sáng suốt có tuỳ thuộc vào một đời sống tình dục phong phú? Bảo là chuyện tình dục ảnh hưởng đến tâm lý quả là một lý giải khó thuyết phục. Song kết quả nghiên cứu dài hạn, một cách khoa học nghiêm túc, kỹ lưỡng cho phép kết luận là có. Ngay từ năm 1970 cho đến nay, Viện nghiên cứu sâu tình dục con người ở San Francisco đã theo dõi phân tích toàn diện 37.500 người. Kết quả cho thấy người nào có đời sống tình yêu bừng nở thì ít bị lo lắng, ít cau có gây hấn và có thái độ cởi mở khoan dung hơn người khác. Nhà tâm lý học Douglas Heath, tác giả quyển sách “Những cuộc sống viên mãn”, một công trình nghiên cứu trên 65 người đàn ông và 40 phụ nữ kéo dài 30 năm, còn thêm là một cuộc sống tình dục phong phú toàn vẹn còn giúp bạn khẳng định cá tính của mình. Ông nói: “Theo dòng thời gian, các cặp vợ chồng sẽ biết cách học hỏi phát biểu nhu cầu về tình dục. Họ sẽ không còn e dè mặc cảm, sẽ nhanh nhẹn tự tin và giúp người bạn đời được thoải mái hạnh phúc. Một thái độ tình dục như vậy bao giờ cũng có ảnh hưởng tốt trong quan hệ vợ chồng”. Đồng cảm nhận như vậy, Roger Falge một cố vấn hôn nhân, phát biểu: “Một cuộc sống tình dục tràn đầy sự dịu dàng sẽ làm nẩy sinh các phẩm chất tốt đẹp của con người. Lúc đó chữa lành các vết thương thể xác và tâm hồn “không còn là vấn đề quá nan giải”. Một chuyên gia về tình dục học còn nhìn nhận: “Số lần ân ái không quan trọng, tuổi tác không quan trọng, cốt lõi là sự xúc động hỗ tương giữa hai vợ chồng trong quan hệ”.

Một đời sống yêu đương nồng nàn đầy hương vị có thể còn là bức tường ngăn chận bệnh tật và một nguồn cảm xúc như hoa nở giữa trời xuân của cả một đời người.

(Kiến Thức Ngày Nay số 126, trang 93 tt)

 

 

 

TÌNH YÊU:

MỘT NGƯỜI BẰNG CẢ NHÂN LOẠI

HẰNG MINH

 

Chúng ta vẫn thường quan niệm theo tâm lý học cũ và quen nghĩ rằng thế giới tình cảm của con người giống như quả cam chứa các múi cam, bao gồm những tình cảm tách riêng, biệt lập với nhau. Có đúng như thế không? Ví dụ cảm giác sợ hãi, đó có phải một cảm giác đặc biệt, riêng rẽ, như mọi người vẫn tưởng? Các nhà tâm lý học nói: “Không phải thế. Sợ hãi là sự bóp méo, sự tê liệt ý chí, ý thức và tất cả các cảm giác của con người; đó không phải là một cảm giác tách riêng ra trong cả dãy những cảm giác khác, mà dường như đó là một trạng thái đặc biệt của toàn bộ cơ thể”.

Có thể tình yêu cũng như vậy. Có thể tình yêu không chỉ là một tình cảm trong cả dãy những tình cảm khác, mà là một trạng thái đặc biệt của tất cả các tình cảm ở con người, là một trạng thái đặc biệt của toàn bộ con người. Có thể đó là sự sắp đặt lại toàn bộ tâm lý con người, là một sự đảo lộn lớn trong tất cả các ý nghĩ, cảm giác, trong tất cả cuộc sống của con người.

... Lêvin yêu Kiti (trong tác phẩm Anna Karenina của L. Tolstoi) và anh bỗng thấy mình trở thành con người khác hẳn, xa lạ với ngay cả chính bản thân anh. “Đối với anh, tất cả các cô gái trên thế giới chia ra làm hai” một bên là tất cả các cô gái trên thế giới, trừ nàng, những cô gái ấy có tất cả các điểm yếu của con người, những cô gái ấy rất bình thường; còn bên kia là một mình nàng, không có một điểm yếu nào và cao hơn tất thảy mọi người”.

Đó cũng chính là cảm giác của Andrei Bolkonski (trong Chiến tranh và Hoà bình, cũng của Tolstoi) khi yêu Natasha. “Đối với tôi, cả thế giới này chia làm hai nửa: một nửa là nàng, và ở đó tất cả là hạnh phúc, hy vọng, ánh sáng; nửa kia là tất cả những gì không có nàng, ở đó chỉ có buồn rầu và trống rỗng”.

Đó là một thái độ hoàn toàn mới mẻ và khó hiểu đối với thế giới, là một cái cân dị thường trong nội tâm mà theo đó một người nặng bằng cả trái đất, một người nặng bằng cả nhân loại. Tình yêu có tác động như một chiếc kính phóng đại cỡ lớn làm thay đổi hẳn thị giác con người. Từ cả khối người đông đảo, ta chọn ra một người, đưa người đó lại gần và phóng đại ý nghĩa quan trọng của người đó lên những kích thước khổng lồ. Giờ đây, một mình người đó tương đương với hàng triệu người, trong tâm hồn người đang yêu, một mình người đó chiếm một chỗ bằng chỗ của hàng triệu người còn lại.

Nhưng tại sao lại có hiện tượng như vậy, do đâu lại xuất hiện những cảm giác như thế? Câu hỏi này có lẽ chỉ có thể trả lời gần đúng, bằng một sự so sánh. Tất cả chúng ta đều biết rằng khi con người đói cồn cào, những cảm giác khác của anh ta mờ nhạt đi và cảm giác đói mạnh lên ghê gớm, lấn át cả thế giới. Tình yêu cũng là cơn đói, “đói một con người”, là cảm giác rất cần - rất cần con người đó. Có lẽ đây là nhu cầu cảm xúc mãnh liệt nhất trong số tất cả các nhu cầu cảm xúc, và nhu cầu ấy càng nóng bỏng, người đó chiếm một vị trí càng lớn trong lòng người đang yêu.

(Báo Thanh Niên số 195, trang 11, ngày 7/12/1996)

 

 

 

 

TÌNH YÊU

ĐIỀU BÍ ẨN DỊU NGỌT

HẰNG MINH

 

Mỗi người trong chúng ta đều luôn luôn cảm thấy mình chịu sức hút của trái đất; nhưng không ai biết gì nhiều về cái sức hút ấy! Nhiều người trong chúng ta đang yêu hoặc đã từng yêu, nhiều người cảm thấy cái sức hút đặc biệt đó giữa hai con người với nhau, nhưng cho tới nay, chúng ta còn chưa biết nhiều điều bí ẩn của nó. Tại sao bỗng dưng ta lại bắt đầu cảm thấy bị cuốn hút mạnh mẽ về phía một người khác? Tại sao thế giới dường như bị tách ra làm hai phần: nàng - và tất những gì không phải là nàng? Tại sao đó chính là con người mà ta không muốn trông thấy, ta phải trông thấy, ta không thể không trông thấy?

Hai nghìn năm trước đây, nhà thơ Lamã Tibull nói rằng tình yêu là một “điều bí mật cực kỳ ngọt ngào”. Thế kỷ XIV, nhà thơ Ba Tư Khaphiz viết về tình yêu: “Trong tất cả những thứ Tạo Hoá làm ra từ hư vô, có một khoảnh khắc mà cho tới nay vẫn không ai hiểu thực chất là gì”.

Năm thế kỷ sau, nhà thơ Đức Heine gọi tình yêu là con nhân sư - điều bí ẩn muôn đời. Cả đối với nhà thơ Nga Blôc, tình yêu cũng là một bí ẩn, và cảm giác đó ở ông mạnh hơn tất cả mọi người. Đối với ông, tất cả trong tình yêu đều khó hiểu và thần bí, tất cả đều được bao bọc một làn sương lấp lánh, dường như che trước mặt ông là một tấm màn cảm xúc, một lớp mỏng tang khiến ông thấy mọi tạo vật đều loá nhoá chẳng khác gì một vầng hào quang trùm lên tất cả.

Cảm giác về tình yêu như về một điều bí mật ấy đặc biệt rõ vào hồi đầu thế kỷ này. Bấy giờ, trong ý thức con người bắt đầu có một sự nhảy vọt, nghệ thuật đi vào những chiều sâu mới của tâm lý con người, và tâm lý ấy hiện lên như một cái gì vô cùng phức tạp, đầy những rối rắm và bí ẩn cực kỳ tinh tế.

Nhân vật chính trong truyện “Tình yêu của Michia” của nhà văn Nga Bunin nếm trải những cảm giác nặng nề và phức tạp. “Anh không biết vì sao anh yêu, anh không thể nói chính xác anh muốn gì... Mà nói chung, tình yêu là cái gì nhỉ? Câu hỏi ấy, anh lại càng không thể trả lời vì trong tất cả những điều anh nghe thấy về tình yêu và trong tất cả những cuốn sách anh đọc về tình yêu đều không có một từ nào định nghĩa nó một cách chính xác”.

Tình yêu thay đổi hẳn toàn bộ quan hệ của anh đối với mọi người, đối với các sự vật, đối với thế giới, và mọi thứ trước mắt anh bỗng như đều được rọi chiếu một ánh sáng mới. Cảm giác kỳ lạ ngày càng tràn ngập trong anh. Anh có cảm giác toàn bộ thế giới bồng bềnh trôi trong một ảo ảnh chơi vơi, mọi thứ trong đó đều lay động và được bao phủ một màn khói oi bức nào đó. Mọi vật mất đi đường nét rõ ràng, trong mỗi vật giờ đây còn có một tâm hồn, còn có một cái gì đó nữa sống ở bên trên bản thân sự vật. Cái gì đó ấy, cái tâm hồn ấy có trong mọi vật và làm cho chúng trở nên cao quý, chính là tình yêu của anh đối với Cachia. Nàng hiện diện trong từng cái lá cây, trong từng tiếng chim hót, trong từng hòn đất... Anh thấy Cachia có mặt ở khắp mọi nơi, anh có cảm giác tình yêu của anh không chỉ là tình cảm đối với Cachia, và không chỉ là tình yêu, mà còn là những gì gì đó nữa, nhiều lắm và không thể hiểu nổi.

Cái “hiệu ứng hiện diện” ấy là gì? Tại sao nó lại có ở trong tất cả các mối tình mãnh liệt? Tại sao tình yêu lại “đượm” vào các cảm giác và tình cảm khác của con người. Tại sao nhà thơ Ý Dante lại có thể cảm thấy: “Tôi nhìn đâu cũng bắt gặp ánh mắt nàng?”.

Đối với Blôc, nàng không chỉ là nữ tính, không chỉ là tình yêu. Ở nàng hội tụ cả hạnh phúc, cả lòng tốt, cả sự công bằng, cả tổ quốc, cả tính người... Cả thế giới kết hợp lại trong tình yêu, tình yêu thể hiện và thay thế mọi thứ trên trái đất!

Có lẽ ông cảm thấy như vậy vì tình yêu không chỉ là tình yêu, mà còn là tự do, chân lý, điều thiện, cái đẹp, công lý. Và khi yêu, con người không chỉ yêu, anh ta còn có được một sự tự do nào đó, còn tiếp nhận một cái đẹp nào đó, còn tạo ra một điều tốt lành nào đó, còn thấu hiểu một chân lý nào đó. Có lẽ, bằng những sợi dây vô hình, tình yêu gắn liền với tất cả những cái tốt đẹp ấy, chứa đựng chúng trong bản thân và tự mình thấm vào chúng.

Bản chất tình yêu luôn là một dấu hỏi lớn đối với con người từ xưa tới nay. Rất có thể chính vì nó bí ẩn nên nó có sức hấp dẫn lớn lao. Bất luận thế nào, tình yêu bao giờ cũng là một tình cảm đẹp đẽ và thiêng liêng.

 

(Báo Thanh Niên số 171, trang 11, ngày 26/10/1996)