Những sắc thái

TÌNH YÊU

HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH

I

 

MỐI TÌNH ĐẦU

Bích Vân

Trong cuộc đời con người, tình yêu luôn để lại những kỷ niệm đáng nhớ, đáng yêu. Và trong tình yêu thì mối tình đầu có lẽ chẳng mấy ai quên. Lần yêu đầu tiên bao giờ cũng để lại ấn tượng đẹp. Bởi vậy, Thế Lữ đã có câu thơ bất tử, ca tụng phút giây đẹp đẽ đó:

“Cái thuở ban đầy lưu luyến ấy

Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”.

Không dễ quên bởi đây là lần đầu tiên trái tim em chợt đập rộn rã thổn thức nhớ một con người không phải là thân bằng quyến thuộc của ta, thậm chí có khi là một người mới giáp mặt lần đầu. Vậy mà họ cứ ngày nhớ đêm mong. Tình yêu của mối tình đầu đời có thể nói là một thứ tình cảm mãnh liệt, trái tim thật sự rung động không vướng phải toan tính, so sánh. Người ta nhớ mãi lần yêu này vì đó là lần đầu tiên họ bước vào một địa phận tình cảm đặc biệt, mà nơi đó luôn có sẵn sự ngọt ngào hạnh phúc và cả những dư vị đắng cay. Họ sung sướng khi được gặp nhau, được hẹn hò và cả khi được giận hờn, ghen tuông.

Mối tình đầu thường đến khi chúng ta đang ở lứa tuổi đôi mươi. Vì vậy tình cảm có chen lẫn sự ngây ngô dại khờ đến dễ thương. Vụng về lúng túng khi biểu lộ tình cảm của mình:

“Mối tình đầu của tôi

Là cơn mưa giăng, giăng ngoài cửa lớp

Là áo ai bay trắng cả giấc mơ

Là bài thơ còn hoài trong vở

Giữa giờ chơi mang đến lại mang về”.

Lần đầu tiên yêu và được yêu đã làm cho bao con người cảm thấy cuộc sống xung quanh mình đẹp hơn, cảnh vật tươi tắn hơn. Nhất là ở vào lứa tuổi đôi mươi, khi yêu lần đầu, họ nhìn tình yêu toàn màu hồng. Họ bay bổng giống như thần ái tình luôn xuất hiện giữa đám mây ngũ sắc. Lúc đó yêu và được yêu là vấn đề quan trọng hơn hết. Lúc đó, mọi cử chỉ khiếm khuyết của người yêu cũng trở nên đáng yêu. Cái tóc cháy hoe vàng hay những nốt tàn nhang vô tình xuất hiện trên gương mặt cô bạn nhỏ cũng trở nên dễ thương làm chàng trai cứ mãi nhìn ngắm. Bởi vậy mới có câu: “Tình yêu có lý lẽ riêng mà lý trí không hiểu được”.

Không dễ quên được mối tình đầu vì đây là lần đầu tiên trong trăm ngàn con người ta gặp chuyện trò ta chỉ yêu chỉ rung động bởi một người duy nhất. Người đó đã khiến ta quên cả thời gian, quên cả những ưu tư trong cuộc sống. Nếu tình yêu tăng thêm sức mạnh cho con người thì tình yêu đầu đời lại là nguồn lực to lớn để hoàn thiện từng người. Nó giúp cho con người có thêm quyết tâm vươn tới cái đẹp và vươn tới những yêu cầu mà người yêu mong muốn (yêu cầu tốt và đôi khi cả yêu cầu xấu).

Mối tình đầu đẹp, rất lãng mạn nên cũng dễ tan vỡ và để lại trong lòng con người nỗi đau tưởng chứng không dứt. Nói như vậy, không có nghĩa là tình yêu đầu tiên nào cũng đổ vỡ. Có nhiều đôi tình nhân hưởng hạnh phúc trọn vẹn từ tình yêu đầu tiên đến suốt cuộc đời. Tuy nhiên như đã nói, mối tình đầu thường đến khi đôi lứa còn rất trẻ nên yêu theo cảm tính, bồng bột, chưa có suy nghĩ để lựa chọn được một người phù hợp về tâm lý về nhân sinh quan... Hơn nữa khi còn trẻ, con người chưa có một nền tảng cơ sở vật chất cần thiết để tiến tới hôn nhân. Điều kiện và môi trường giao tiếp ngày một rộng rãi cũng mở ra nhiều mối quan hệ khác... Bên cạnh đó, do còn vụng dại nên tình đầu tan vỡ đôi lúc vì chuyện giận hờn vặt vãnh:

“Chỉ có một lần thôi

Em hỏi anh im lặng

Thế mà em hờn giận

Để chúng mình xa nhau”.

Khi mối tình đầu tan vỡ, cái cảm giác hạnh phúc biến mất đã làm bao người phải nuối tiếc và thậm chí đau khổ. Vết thương nào rồi cũng lành. Thời gian làm cho chúng ta nguôi ngoai, để suy gẫm về mình và tình yêu đầu đã qua. Trong tương lai điều đó giúp chúng ta đứng vững trước phong ba bão táp của lĩnh vực “tình cảm đặc biệt” này để tìm một nửa đích thực của mình. Song, trong sâu thẳm của tâm hồn, mối tình đầu theo ta đến suốt cuộc đời.

An Giang số 1166, ngày 4/10/1995, trang 7.

 

VẺ ĐẸP CỦA CUỘC SỐNG GIA ĐÌNH

Bích Vân

Trải qua giai đoạn yêu đương để rồi bước vào cuộc sống gia đình, ai nấy cũng đều bỡ ngỡ. Bởi cuộc sống của hai người chung một mái nhà không chỉ có chuyện yêu thương mà nảy sinh hàng loạt vấn đề. Nó cũng như cuộc đời, cũng bao gồm hàng ngàn vấn đề khác nhau. Gồm cả những chuyện lớn lao và các chuyện đời thường nhỏ nhặt như “tương cà mắm muối” đòi hỏi hai người phải chung vai giải quyết. Tuy nhiên, qua đó mới thấy rằng đời sống gia đình thật đa dạng, phong phú mà hai người cần khai thác để tìm hạnh phúc chung.

Để tìm được hạnh phúc trong trăm ngàn cái đời thường của cuộc đời dưới mái nhà nhỏ, hai người cần phải có sự hoà hợp. Riêng trong lĩnh vực tình yêu thôi cũng phải có sự hài hoà. Hài hoà của hai mặt tinh thần và vật chất, hài hoà của hai mặt tâm lý và sinh lý. Khi chung một mái nhà, người đàn ông và người đàn bà còn phải biết hài hoà giữa hai cá tính khác biệt, của những nỗi buồn và của những niềm vui. Hài hoà nhưng luôn giữ được cá tính, cái riêng của bản thân để cuộc đời không sa vào chỗ nhàm chán và buồn tẻ. Đúng như khái quát sâu sắc của người dân Việt Nam ta:

“Mình với ta tuy hai mà một

Ta với mình tuy một mà hai”.

Sự hoà nhập, đó là nét đẹp của đời sống gia đình. Một người đã biết quên hẳn bản thân mình đi trong một cái “tôi” khác, nhưng đồng thời cũng tìm thấy mình và làm chủ bản thân mình trong chính sự tan biến và quên mình ấy.

Cuộc sống vốn đa dạng phong phú và không kém phần phức tạp nên trong gia đình, hai người cần phải có cách xử sự hài hoà để giữa được thăng bằng trong cuộc sống. Những xử sự thái quá không hợp tình hợp lý sẽ phá vỡ sự hài hoà trong tình yêu. Hai người yêu nhau tha thiết đó là nền tảng trong cuộc sống gia đình. Nhưng tình yêu chỉ bền chặt khi nó tồn tại hài hoà bên cạnh mối quan hệ tốt đẹp với cha mẹ, họ hàng thân thích và bạn bè... Một người vợ ngày càng đáng yêu đối với chồng nếu như người vợ ấy xây dựng được tình cảm tốt đẹp đối với gia đình nhà chồng. Trong thực tế, đã có nhiều cặp vợ chồng tan vỡ hoặc xung đột với nhau vì sự mâu thuẫn với người thân. Vì vậy, mới có câu: “Yêu là sống cuộc sống người mình yêu” (Lep-Tônxtôi) hoặc bạn của người yêu cũng là bạn của mình.

Bên cạnh nét đẹp của tính hài hoà, thì trong đời sống gia đình còn cấn đến tính trung thực, đơn giản và tự nhiên. Quan sát cuộc sống xung quanh mình, bao giờ chúng ta cũng thấy cái đẹp luôn mang màu sắc tự nhiên và vẻ đơn giản thanh lịch. Do vậy, trong đời sống gia đình với muôn vàn vấn đề khác nhau cần xử trí thì sự chân thật, tự nhiên lại càng cần thiết hơn. Không thể sống chung dưới một mái nhà nếu một trong hai người mang mầm mống giả dối hoặc cầu kỳ giả tạo. Hoặc nếu hai người cùng cầu kỳ giả tạo thì có lẽ lại càng dễ tan vỡ hơn. Con đường đi đến hạnh phúc cần có những trái tim chân thật, yêu gia đình, bằng chính bản chất thực của mình một cách tự nhiên.

Nét đẹp trong cuộc sống gia đình còn là sự đấu tranh “không mệt mỏi” với những thói quen xấu của nhau. Cuộc hôn nhân chỉ thật sự tốt đẹp và có ý nghĩa khi từng ngày từ giờ tính cách của mỗi con người ngày càng được sửa đổi để hoàn thiện và vươn tới cái tốt, cái đẹp. Nói như vậy không có nghĩa là khi yêu và đi đến hôn nhân con người sẽ đánh mất cá tính và đánh mất ý thích. Cần phải giữ thói quen riêng, nguyện vọng bản sắc nhưng đó phải là thói quen tốt, nguyện vọng phù hợp với cuộc sống riêng của gia đình mình.

Khi yêu khi đi đến hôn nhân là một quá trình chuyển hoá lẫn nhau. Để làm được điều đó quan trọng nhất là ý thức tự giác của mỗi người. Chỉ có sự tự giác với mong muốn hoà hợp thật sự mới làm cho con người tìm được hạnh phúc.

An Giang số 1168, ngày 11/10/1995, trang 7.

 

 

 

 

CHIẾC ÁO KHOÁC CỦA TÌNH YÊU

Dạ Thảo

... Có rất nhiều bạn gái chúng ta có quan niệm: đã là vợ chồng rồi thì cần gì phải giữ ý tứ và làm đẹp với nhau nữa. Thật là sai lầm đấy các bạn. Chẳng những ta cần làm đẹp cho người mình yêu khi đang yêu mà ta càng cần phải làm đẹp cho chồng mình trong cuộc sống lứa đôi. Cả hai vợ chồng cùng phải cần tạo ra những sự mới lạ và hấp dẫn đối với đối tượng. Có như thế tình yêu mới ngày một thêm nồng thắm không rơi vào sự nhàm chán, đơn điệu. Nhất là các bà vợ phải luôn luôn xuất hiện trước mặt chồng trong tư thế xinh xắn, đáng yêu nhất. Đừng viện ra lý do công việc, sự lo toan gia đình mà trở nên luộm thuộm. Đó là cái tiền đề để chồng mình so sánh vợ mình bây giờ với trước kia và cả so sánh... với người khác.

Chiếc áo khoát của tình yêu không chỉ cần trong giai đoạn yêu đương mà cả trong cuộc sống vợ chồng. Hãy luôn luôn là người vợ xinh xắn, gợi cảm, đáng yêu bên chồng. Đó là bí quyết để bạn nữ chúng ta ràng buộc hai nửa trái tim còn lại.

An Giang số 1172, ngày 25/10/1995, trang 7.

 

 

LÃNG MẠN

CÁI ĐẸP TOÁT RA TRONG CUỘC SỐNG ĐỜI THƯỜNG

B.V.

Bản tính của tình yêu là lãng mạn. Ngay cả hai chữ tình yêu cũng nói lên bao điều đẹp đẽ, bao sự mơ mộng của hai tâm hồn đồng điệu. Nếu không có lãng mạn, cuộc sống của con người chúng ta sẽ đơn điệu nghèo nàn biết bao. Và, trong tình yêu nếu không có đôi cánh kỳ ảo của mộng mơ có lẽ tình yêu sẽ tàn lụi nhanh chóng.

Từ xa xưa, khi con người bị ràng buộc bởi trăm điều phong kiến: “Nam nữ thọ thọ bất tương thân” hay “phòng khuê” khép kín đối với người con gái, thì con người cũng vượt qua mọi trở ngại. Họ cũng vẫn cứ mộng mơ, cứ ao ước và cứ khẳng định:

“Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo

Thất bát sông cũng lội, ngũ lục đèo cũng qua”.

Điều đó cho thấy, ở bất cứ thời đại nào, sự lãng mạn bao giờ cũng tồn tại và cần thiết như hơi thở của chúng ta. Song, cứ lãng mạn viễn vông không cần thiết đến thực tại cuộc sống xung quanh chúng ta là không được. Cứ tưởng mọi cái đều là màu hồng không cần biết đến các khó khăn, trở ngại chung quanh thì con người rất dễ bị vỡ mộng. Mọi sự thái quáù đều không tốt.

Khi bắt đầu yêu nhau, sự lãng mạn luôn luôn có mặt. Họ quên đi thời gian và khắc phục cả những khó khăn đời thường để đến với nhau. Tình yêu đẹp và lãng mạn ở chỗ đó. Còn trong cuộc sống gia đình khi bắt đầu vào cuộc hôn nhân, sự lãng mạn có cần không? Thực tế cho thấy, có nhiều người khi yêu nhau không suy nghĩ, không dự đoán, lường trước những diễn biến cuộc sống chung lâu dài. Nên đến giai đoạn kết hôn, chất chồng bao nỗi lo toan từ tương cà mắm muối đến chuyện cá tính khác nhau đã dẫn đến sự xung đột. Nhiều người yêu nhau đẹp là vậy mà khi bước vào cuộc sống chung đã tan vỡ trái tim vàng. Bởi vậy đã có nhiều lời khuyên: phải thực dụng khi kết hôn và bước vào cuộc sống gia đình là chấm dứt những ngày mơ mộng. Nếu như bước vào cuộc sống gia đình là bước vào “con đường đau khổ” thì chắc chắn chẳng mấy ai dám. Trong thực tế cuộc sống cũng đã cho thấy, gia đình có nhiều đôi vợ chồng vẫn cứ vang lên tiếng cười. Họ vẫn hạnh phúc trong trăm ngàn cái lo toan đời thường. Họ đã tránh được những cơn bão tố tạo được cơ hội để tâm tình dung hoà lẫn nhau làm cho tình cảm được củng cố vững bền hơn.

Thật đáng buồn nếu đôi vợ chồng suốt ngày chỉ nói chuyện tiền bạc, cơm áo, dưa hành.

Nhớ đến ngày sinh nhật của nhau, nhớ đến ngày cưới và nhắc đến kỷ niệm để vượt qua xung đột, thiết nghĩ đó cũng là một sự lãng mạn trong cuộc sống gia đình. Đem lại niềm vui cho người bạn đời tức là cũng đem lại niềm vui cho chính mình. Bước vào cuộc sống hôn nhân cần thực tế suy nghĩ chín chắn (chứ không thực dụng). Tìm được nguồn vui trong những cái đời thường cũng làm cho cuộc sống chung thêm ý nghĩa. Sắp xếp lại thời gian để gia đình được thoải mái vui chơi, đó cũng là sự lãng mạn cần thiết. Vì lãng mạn là một yếu tố để con người sống cho đẹp, cho tốt. Do đó, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người bạn đời, cho con cái cũng là một yếu tố lãng mạn trong gia đình. Giữ được thế cân bằng giữa lãng mạn và cuộc sống hiện tại là điều cần thiết. Những niềm vui mà bạn đem lại cho gia đình sẽ là kỷ niệm đẹp khi tuổi đã xế chiều, như mầm cây xanh làm tươi mát tuổi già.

Lãng mạn không phải là cái gì to tát, lớn lao. Nó chính là cái đẹp toát ra từ sự chăm sóc về phía người vợ và sự hỗ trợ giúp đỡ của người chồng. Nó hiện diện thường ngày trong cuộc sống của đôi vợ chồng.

An Giang số 1177, ngày 11/11/1995, trang 7.

 

 

 

CÁI DUYÊN CON GÁI

Đ.P. (St)

Khuôn mặt của bạn

Khuôn mặt bạn xinh đẹp, hài hoà nhưng sẽ mất đi vẻ hấp dẫn nếu không linh động. Những cảm xúc thường xuất hiện ở những đường nét. Do đó, chính toàn bộ khuôn mặt của bạn với vai trò của những cơ mặt đã thể hiện sự dịu dàng, sự thích thú, niềm say mê. Với một vẻ sống sôi động. Bạn chớ bao giờ bỏ qua điều này: giữ kín mình bằng một bộ mặt lạnh lùng, không cởi mở, đó là một sai lầm rất đáng trách.

Tiếng nói của bạn

Trong những yếu tố tạo thành sức hấp dẫn, sự duyên dáng của bạn thì tiếng nói thường bị các bạn bỏ qua không chú ý tới. Các bạn có biết rằng:

- Giọng nói quá cao, mạnh the thé thường biểu hiện tính cách ác độc, cáu kỉnh.

- Giọng hơi cao từ tốn chậm rãi biểu hiện sự dịu dàng trìu mến.

- Giọng trung bình biểu hiện sự bình thản của tâm hồn và tình cảm.

- Giọng trầm ấm biểu hiện sự dịu dàng đáng yêu.

- Giọng trầm với tiếng nói mạnh mẽ, biểu hiện một tính cách mạnh mẽ, tình cảm và tinh thần vững bền, một tính khí chủ động.

- Giọng thầm thì biểu hiện một tinh thần ngờ vực xảo trá, lừa lọc.

Nếu bạn không đổi được chất giọng của bạn thì tót hơn hết là bạn hãy nói năng từ tốn, có mức độ, nói rõ ràng đủ nghe. Như vậy thì giọng của bạn nhiều khi lại trở thành đáng yêu, có một sức hấp dẫn nhất định.

Tiếng cười của bạn

Tiếng cười là đặc tính tự nhiên của con người. Nó chính là bản chất tốt đẹp của sự tự nhiên, nhất là đối với các bạn gái. Bạn đừng rặn ra tiếng cười, cười quá cỡ, nhấn mạnh cái cười. Hãy cười với một vẻ kín đáo hoặc mỉm cười.

Mỉm cười biểu lộ niềm tươi vui của bạn. Hãy thường xuyên mỉm cười nhưng tránh đừng “cười mỉm” một cách thường trực vì nụ cười xuất phát không phải từ cái đầu mà là từ trái tim của bạn.

Tiếng cười không những thể hiện vẻ duyên dáng hóm hỉnh hồn nhiên mà còn mang lại vẻ hấp dẫn, sức quyến rũ đặc biệt của bạn.

Vậy các bạn hãy làm thế nào để có nụ cười (cũng như tiếng cười) của bạn như một đoá hoa tươi đẹp đầy hương sắc không những gây được thiện cảm mà đôi khi còn đem lại một ấn tượng đẹp đẽ êm ái, rất khó quên đối với những ai đã từng một lần tiếp xúc với mình.

An Giang số 1179, ngày 18/11/1995, trang 9.

 

 

 

“SỞ KHANH” HIỆN ĐẠI

Bích Vân

Khi lớn lên và trưởng thành, con người luôn dệt bao mộng đẹp về tình yêu. Song, một số người đã vấp phải những bài học tình yêu đáng nhớ. Họ đã sập bẫy của những tên sở khanh già dặn kinh nghiệm, của những người đàn ông đã có vợ nhưng không quên thói bay bướm trăng hoa.

Các cô gái mới lớn rất thích những lời ngon ngọt. Những bức thư với lời lẽ hoa mỹ lãng mạn dễ làm xiêu lòng các cô gái tuổi đôi mươi. Khi đọc những dòng chữ đó, rất nhiều người con gái chưa có kinh nghiệm dễ bâng khuâng mơ mộng. Tim họ xao xuyến lạ thường. Nắm bắt điểm này, những kẻ gạt tình thường viết thư ca ngợi cô gái: “Nào là ở em có những điểm mà người con gái khác không có được; nào là mắt em hút hồn anh...”, rồi cuối cùng là kết luận hết sức mạnh bạo dễ làm các cô gái rung động: “Anh yêu em từ cái nhìn đầu tiên. Chắc có lẽ là duyên số” được nghe, được đọc những lời lẽ như vậy mà từ nhỏ chưa ai thố lộ, chắc hẳn các cô gái thơ ngây cảm thấy vô cùng sung sướng, hãnh diện (về những điều mình có hoặc không có).

Những lời lẽ này, nếu suy xét kỹ người con gái sẽ dễ phát hiện đây là lời sáo rỗng trên đầu môi chót lưỡi. Tuy nhiên do còn non nớt, một số cô bé đã “sập bẫy” để rồi sau đó hối hận không kịp.

Bên cạnh việc dùng lời hoa mỹ để dụ dỗ phụ nữ, một số người đàn ông có vợ thường đánh vào lòng nhân ái của người phụ nữ để lừa tình và đôi khi kèm theo là lừa tiền. Đôi lúc tưởng như vô tình anh ta cho biết cuộc sống gia đình anh ta không mấy ấm êm. Anh ta có bà vợ “chằn tinh gấu ngựa”. Vợ của anh ta tầm thường thô lỗ không biết thông cảm. Phụ nữ vốn dễ thương người. Nghe những lời “sầu thảm” đó cô ta ái ngại cho hoàn cảnh của tên sở khanh. Từ ái ngại đi đến thông cảm và thương cảm là một đoạn đường rất ngắn. Nhất là khi anh ta bộc lộ sẽ ly dị vợ và tìm một người con gái khác để san sẻ hạnh phúc. Chẳng bao lâu, anh ta sẽ bộc lộ: Bạn chính là người mà anh ta cần. Từ khi gặp bạn, anh ta mới biết thế nào là tình yêu, thế nào là cuộc sống có ý nghĩa. Lúc đó, người con gái sẽ không nỡ bỏ rơi một một người đàn ông “đang trên đà tuyệt vọng”. Với bản tính nhân ái, họ tình nguyện làm chỗ dựa tinh thần cho anh ta, san sẻ những vui buồn mà trước kia anh ta chưa từng hưởng... Khi rơi vào vòng tay của tên sở khanh, bạn sẽ từ từ phát hiện hắn chẳng phải bị ngược đãi gì cả mà chính vợ hắn và bạn đang là người đau khổ không tìm thấy tình yêu.

Một số người đàn ông có vợ, có tiền khác lại thường dùng vật chất xa xỉ để mồi chài phụ nữ, nhất là những cô gái ham mê tiền bạc vật chất. Đầu tiên là những món quà kỷ niệm đơn thuần, sau đó là phấn son, nước hoa, quần áo, rồi tiến tới là cho tiền. Các cô gái cứ “vô tư” nhận của anh ta từ vật này sang vật khác thì chẳng mấy chốc sẽ trở thành con nợ vô hình. Những món đồ không biết nói đó từ từ buộc cô gái phải nghe lời điều khiển của anh ta. Chẳng mấy chốc tấm thân trong trắng của người con gái sẽ chẳng còn. Lúc đó, cô gái mới thấy rằng cái giá phải trả là quá đắt, nhất là khi bị “sa thải”.

Còn rất nhiều các mánh khoé khác mà một số tên sở khanh sử dụng. Vì vậy, các cô gái trẻ nên thận trọng. Khi quyết định yêu ai, cũng nên tìm hiểu cặn kẽ, đừng để con tim bạn bị lừa dối phũ phàng.

An Giang số 1180, ngày 22/11/1995, trang 7

 

 

 

 

GHEN VỚI QUÁ KHỨ

Bích Vân

Bạn về làm vợ của anh ấy trong một ngôi nhà còn đầy dấu tích của một tình yêu cũ. Trong một quyển Album đã cũ kỹ vàng ố, bạn bắt gặp tấm ảnh có chụp một cô gái xinh xắn, duyên dáng. Trong một quyển sách đã nhầu cũ vì lật, xem nhiều có một nét chữ nho nhỏ nằm lẻ loi ở ngay trang bìa. Đôi khi qua lời bè bạn, bạn lại nghe nhắc loáng thoáng đến một cô gái có tài nấu ăn. Còn ở nhà lại có một cuốn “nghệ thuật nấu ăn” nằm ngay trên giá sách. Đây đó trong ngôi nhà mà bạn đang sống vẫn còn để lại những hình ảnh kỷ niệm của người xưa. Bạn có cảm thấy mình đang ghen với quá khứ hay không?

Có lẽ rất nhiều phụ nữ (có cả những người đàn ông) đôi khi cảm thấy ghen tuông với quá khứ của chồng mình vào thời gian đầu chung sống, nhất là khi chồng có một quá khứ đầy ắp kỷ niệm thơ mộng và lãng mạn. Những người phụ nữ nhạy cảm rất dễ bị buồn phiền với những gì nhắc nhở gắn bó với người yêu xưa của chồng mình. Phụ nữ hay mặc cảm, tự ti lại hay có thái độ buồn phiền về vấn đề này hơn vì suy nghĩ chồng cô sẽ lại bị người đàn bà xưa quyến rũ, và thế là cô sẽ bị bỏ rơi.

Nhìn chung, phụ nữ thường hay dò hỏi về quá khứ của chồng mình, về người yêu đã từng gắn bó với anh ta. Một số người dò hỏi qua bạn bè để biết cô ấy đẹp, xấu thế nào, nhà ở đâu... Nói chung là hỏi để biết “người xưa của chồng” mình hơn hay thua mình về mặt nào? Nếu được biết cô ta xinh đẹp, giỏi giang thì lòng ghen lại càng đau hơn. Một số người vợ lại dò hỏi chồng về “người ấy” nào là vì sao mà “anh và cô ấy không tiến tới”, “hai người đã thân mật đến mức nào”... Và cuối cùng, qua một hồi vòng vo tam quốc bao giờ cũng tới câu: “Anh thương ai hơn?”.

Nếu anh chồng nào thật thà trả lời, anh vẫn thương vợ nhưng đôi khi vẫn còn nuối tiếc mối tình xưa thì chắc hẳn sẽ nhận được một trận bu lô bu loa đầy nước mắt của vợ. Thậm chí có khi chén bay, dĩa bay tá lả trong nhà. Để cho chồng quên người xưa, theo một số bà vợ cần thủ tiêu mọi hình ảnh liên quan làm gợi nhớ chuyện xưa cho chồng mình. Cấm không cho chồng được đọc quyển sách mà cô ấy tặng, không đi trên con đường mà hai người đã từng hò hẹn rồi tấn công vào những tấm ảnh: cắt bỏ hết các tấm ảnh có người con gái mà chồng mình yêu thương thuở trước.

Về phía người đàn ông, lúc ban đầu được nghe những lời chất vấn, được ghen như vậy đa số rất thích thú (vì lòng tự ái đã được vuốt ve cảm thấy mình có “giá"). Tuy nhiên sau một thời gian sẽ cảm thấy mệt mỏi căng thẳng bởi cứ phải giải thích đi giải thích lại đó là chuyện đã qua. Có những cô vợ hiểu và thông cảm những chuyện đã qua, song cũng có cô vợ cương quyết không bỏ qua. Cô vợ cứ tiếp tục hành xác ông chồng bằng thái độ ghen tuông nghi ngờ. Có gia đình tan vỡ vì thái độ ghen tuông đến bệnh hoạn như vậy.

Khi chúng ta ghen tuông với quá khứ trước tiên bản thân ta đã không còn cảm giác yên ổn. Chúng ta tự hạ thấp giá trị của bản thân chúng ta. Hãy xác định đó là chuyện xưa, là những cái đã qua. Cuộc sống hiện tại của chúng ta mới là cái thật, mới là tương lai. Đừng nên so sánh mình với người xưa bởi những nét khác biệt của bản thân mình đã tạo thành cái “riêng” của từng con người làm cho mình đặc biệt hơn. Để giúp người vợ thoát khỏi ám ảnh về chuyện quá khứ (nhất là đối với người vợ dễ mặc cảm tự ti) vai trò của người đàn ông rất quan trọng. Sự thật tình rõ ràng giúp vợ hiểu được cái vô lý trong ám ảnh.

Ghen với quá khứ cũng giống như liều thuốc đắng trong mối quan hệ gia đình.

An Giang số 1186, ngày 13/12/1995, trang 7

 

 

 

 

 

 

 

VIỆC NHÀ MỘT YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HẠNH PHÚC

Bích Vân

Bước vào cuộc sống gia đình, đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị nhiều điều từ chuyện cưới xin đến chuyện mua sắm vật dụng, trang bị cho các tổ ấm nho nhỏ. Họ đến với nhau vì tình yêu nên cũng rất háo hức khi bước vào cuộc hôn nhân với nhiều suy nghĩ đẹp. Khi yêu, nhất là mối tình đầu của lứa tuổi đôi mươi, chẳng mấy ai nghĩ đến những vấn đề nho nhỏ của cuộc sống chung. Tuy nhiên, khi bắt đầu đời sống vợ chồng, mỗi người mới bắt đầu khám phá ra người kia trong trăm ngàn chi tiết và sự kiện của đời sống. Nhiều sự phát hiện mà họ không ngờ tới. Chỉ nội vấn đề phân công việc nhà giữa hai người cũng là cả một vấn đề.

Ngày xưa, việc tề gia nội trợ là việc của người phụ nữ. Lo việc nhà từ săn sóc con cái đến cơm nước bao giờ cũng là nữ giới. Nam giới đã có chuyện đại sự. Chế độ phong kiến đã qui định ràng buộc nên với thân phận nhỏ bé, phụ nữ đành chấp nhận. Bên cạnh việc lo chu đáo nhà cửa trong ngoài, có bà vợ lại còn đảm đang hơn lo tất mọi việc cho chồng ăn học mong có ngày “võng anh đi trước võng nàng theo sau”. Họ tần tảo sớm khuya đứng sau lưng người chồng âm thầm khép nép lo mọi sự:

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng

                        Eo sèo mặt nước buổi đò đông” (Trần Tế Xương).

Đảm đang - đó là nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay người phụ nữ không thể quán xuyến tất cả mọi việc khi mà họ còn phải trực tiếp bước ra xã hội làm việc tương đương nam giới. Họ cần phải được tôn trọng và thông cảm từ phía người chồng. Có người đàn ông rất gương mẫu. Khi công việc ở cơ quan kết thúc, về nhà họ đã chia sẻ cùng vợ những công việc “không tên” không nề hà bất cứ việc gì từ giặt đồ, nấu cơm. Cò ông còn đỡ đần hầu hết việc nhà để tạo điều kiện cho vợ tham gia vào công tác trong xã hội và có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp.

Nhưng thực tế của cuộc sống của thế kỷ XX và sắp bước sang thế kỷ XXI này, vẫn có những tư tưởng phong kiến hẹp hòi còn tồn tại trong vô khối người đàn ông. Họ luôn quan niệm việc nhà là việc của đàn bà. Có ông chồng cũng chẳng làm nên “vương tướng” gì vậy mà cũng chẳng chịu động tay chân giúp vợ. Với những trường hợp như vậy, gánh nặng và áp lực công việc trên vai người phụ nữ thật nặng nề. Vừa xong công việc cơ quan về nhà lại túi bụi với chuyện bếp núc con cái. Chẳng mấy khi họ có được thời gian dành riêng (không vướng bận) cho bản thân mình. Nhiều người phụ nữ xấu đi, già đi cũng vì như vậy. Nhiều buổi cãi cọ giữa đôi vợ chồng cũng chỉ vì anh chàng làm biếng.

Ở một số người phụ nữ lớn tuổi, tư tưởng nữ làm việc nhà vẫn còn tồn tại ở họ rất dai dẳng, nhất là các bà mẹ chồng. Có bà mẹ thấy con trai giặt đồ cho vợ, đã bực mình mắng con: “Làm như vậy, nó (vợ) sẽ leo lên đầu mày ngồi đó”. Làm dâu trong một gia đình mà mẹ chồng không thông cảm với con dâu thì cũng ảnh hưởng đến hạnh phúc của đôi vợ chồng. Có cô con dâu phải gánh hết mọi việc trong nhà quá nặng nề đành phải bỏ về nhà mẹ đẻ, hạnh phúc rất bấp bênh...

Thông cảm và chia sẻ - đó là điều đôi vợ chồng hạnh phúc cần có. Để giải phóng người phụ nữ khỏi áp lực việc nhà, trước tiên giới nữ cần phải thông cảm cho nhau trước. Mỗi thời đại phải có suy nghĩ và hành động phù hợp.

Riêng đối với nam giới đừng để mình mang tiếng ngược đãi phụ nữ. Người đàn ông để người phụ nữ ra xã hội làm việc hỗ trợ kinh tế cho chồng lại chất lên vai họ gánh nặng việc nhà thì đó cũng là một hình thức ngược đãi phụ nữ. Cần pải có sự phân công việc nhà hợp lý giữa vợ và chồng.

An Giang số 1188, ngày 20/12/1995, trang 7.

 

 

 

CƯ XỬ VỚI BẠN CỦA CHỒNG

Dạ Thảo

Ở giai đoạn đang yêu hai đối tượng thường ít để ý đến mối quan hệ và cách cư xử của đối tượng với những người xung quanh. Lúc này cả hai trái tim yêu chỉ chú trọng vào tình cảm và cách cư xử của đối tượng với riêng mình. Ai cũng cố tỏ ra hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn. Các chàng trai thì luôn tỏ ra lịch thiệp, phóng khoáng, rộng lượng. Còn các cô gái thì lúc nào cũng xuất hiện trước mặt người yêu một cách xinh xắn nhất, đỏm dáng nhất và luôn luôn tỏ ra dịu dàng, vén khéo. Tình yêu được bao phủ bởi vầng hào quang lấp lánh. Cả hai đều cảm thấy hài lòng về nhau.

Khi bước vào giai đoạn hôn nhân vầng hào quang trên sẽ phần nào bớt đi sự óng ánh đó. Hai cá thể riêng biệt sau khi hoà nhập làm một đã phải chung lưng đấu cật đối đầu với cuộc sống. Trước đây họ có thể bên nhau vài giờ mỗi ngày nên các cô gái luôn luôn tô điểm cho mình đẹp nhất, đỏm dáng nhất khi ở cạnh người yêu. Còn giờ luôn giáp mặt nhau 24/24 thật khó... mà như trước. Các ông chồng cũng không thể lúc nào cũng bặt thiệp cười đùa khi đang căng thẳng mệt mỏi. Một số vấn đề trước khi họ không hề nghĩ tới, không cần đặt ra nay bỗng trở nên quan trọng trong cuộc sống vợ chồng.  Cư xử với bạn chồng (hoặc vợ) như thế nào? Chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng chẳng dễ đâu.

Khi bạn của chồng (hoặc vợ) đến nhà ta không nên tỏ ra lãnh đạm, thờ ơ vì người khách ấy là bạn của anh ấy (hoặc cô ấy) rồi tự miễn cho mình cái trách nhiệm tiếp khách. Mặc dù đã có vợ (hoặc chồng) là người tiếp khách chính rồi nhưng người còn lại cũng phải xã giao với khách vài câu (nếu người khách đó bản thân mình không quen hay chỉ quen sơ) trước khi rút lui cho người còn lại tự do tiếp bạn. Còn nếu người khách tuy là bạn của chồng (hoặc vợ) nhưng cũng lại rất thân tình với cả hai vợ chồng thì có thể cùng tiếp khách trong không khí hết sức thân mật. Người viết bài này đã từng chứng kiến một cách khiếm nhã, chẳng đẹp tí nào, xin phép được nêu ra đây: đôi vợ chồng trẻ nọ, người chồng có những người bạn thỉnh thoảng ghé vào rủ anh đi nhậu. Cô vợ lập tức ghi lấy những gương mặt nọ vào bộ nhớ và hễ mỗi khi họ ghé lại là cô ngoe nguẩy, bực dọc gọi chồng “có độ” sau khi đóng sầm cửa lại ngay trước mũi họ. “Xấu thiếp hổ chồng”, ở đây khoan vội bàn đến việc đúng sai mỗi khi đi nhậu của người chồng cũng như phân tích xem những người bạn kia tốt hay xấu. Hành động người vợ ở trên rõ ràng là vô cùng khiếm nhã. Cách làm đó chẳng những làm mất mặt chồng mà còn nói lên sự thiếu tôn trọng chồng. Dầu có giận “chín xe, mười vàng” đi nữa thì cách tế nhị nhất vẫn là đợi khi nào bạn của chồng về rồi “đóng cửa bảo nhau”. Những người vợ tốt, yêu chồng, tôn trọng chồng thì không thể xử sự như vậy.

Ta không nên quá lãnh đạm thờ ơ với các bạn của vợ (hoặc chồng) nhưng ngược lại ta cũng không nên thân mật, vui vẻ quá trớn khi bạn của vợ (hoặc chồng) đến nhà, dù là ta không hề quen biết nhưng chẳng những chào hỏi xã giao ta lại còn hào hứng tham gia mọi câu chuyện của hai người thậm chí có ý kiến xen vào cả công việc cơ quan của họ. Sự có mặt của ta lúc này quả thật là vô duyên làm sao. Đành rằng bạn của vợ (chồng) được ta xem như là bạn của mình, của gia đình. Nhưng thiết nghĩ tình thân này cũng có giới hạn của nó. Sự tự nhiên thái quá của ta đôi khi lại trở thành vụng về, mất lịch sự. Cần phải biết rút lui đúng lúc cho đôi bạn chuyện trò hoặc bàn bạc với nhau những chuyện cần thiết. Sự có mặt của ta lúc này có thể làm cho họ mất tự nhiên, ngại ngùng đôi khi còn khó chịu.

Cư xử với bạn của vợ (hoặc chồng) sao cho đúng mực, điều đó góp phần làm cho người bạn đời của mình hãnh diện với xung quanh bạn bè.

An Giang số 1193, ngày 6/11/1996, trang 6

 

 

 

HÔN NHÂN KHÔNG TÌNH YÊU

Dạ Thảo

... Hôn nhân phải bắt đầu bằng tình yêu mới có thể bền vững và hạnh phúc. Nền tảng vững chắc cho một cuộc hôn nhân phải là một tình yêu nồng nàn say đắm đến nỗi:

“Tương tư ăn phải miếng mồi

Đứng đi trong lửa, nằm ngồi trong sương” (Hỏi - Xuân Diệu).

Ca dao cũng có câu:

“Nhớ ai cơm chẳng buồn ăn

Đã bưng lấy bát, lại dằn xuống mâm”.

Trong tình cảm lứa đôi, không chỉ mến nhau là đủ, mà còn có đủ các cung bậc: tương tư, luyến ái, say mê... mới tạo nên tình yêu. Tình yêu ví như sóng thác đầu ghềnh có những lúc lại trào tung lên mãnh liệt đúng như nhà thơ Xuân Diệu đã thể hiện:

“Yêu tha thiết, thế vẫn còn chưa đủ

Phải nói yêu, trăm bận đến nghìn lần

Phải mặn nồng cho mãi mãi đem xuân

Đem chim bướm thả trong vườn tình ái”.

Tình yêu phải say đắm, phải lãng mạn như thế đó. Đó cũng chính là đặc điểm là bản chất của tình yêu. Chứ tình yêu không thể bắt đầu từ sự hàm ơn hay lòng thương hại. Con đường để hai trái tim yêu đến với nhau cũng thật là kỳ diệu và khó lý giải:

“Con đường nối từ em đến anh

Đâu phải tự nhiên mà đến” (Ngô Quân Miên).

Trong trăm ngàn đối tượng, mỗi cá thể chỉ đạt được hạnh phúc và một tình yêu đích thực khi tìm được cho mình một nửa còn lại. Và một nửa này là duy nhất mà thôi. Đó là con đường của trái tim đến với trái tim, chỉ trái tim mới có quyền chọn lựa và lên tiếng mà thôi. Một tình yêu chân chính, nồng thắm sẽ làm cho cả hai hoà quyện làm một.

“Anh yêu em mình bỗng hoá làm hai

Những vui buồn đều nhân lên tất cả” (Ngô Quân Miên).

Rõ ràng một cuộc hôn nhân bắt đầu từ sự trả ơn sẽ khó mà tìm được hạnh phúc bởi nó đi ngược lại với bản chất của tình yêu. Tình yêu phải được trao gởi cho người mình yêu và chỉ người ấy mà thôi.

“Cho thơ tôi được nói tới

Tình yêu tôi gởi đến người tôi yêu” (Nguyễn Trọng Tạo).

An Giang số 1195, ngày 13/1/1996, trang 6

 

Tình yêu là bát bún riêu,

Bún bao nhiêu sợi, bấy nhiêu lòng thòng.

 

 

 

ĂN MẶC VỚI VIỆC GIỮ GÌN HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

Dạ Thảo

Trong cuộc sống lứa đôi, khi cả hai đã đạt được ước nguyện lớn nhất của tình yêu là được sống bên nhau thế chưa phải là đã kết thúc giai đoạn phấn đấu mà đây thực sự mới là lúc bắt đầu. Lúc này cả hai đối tượng cần phải có sự hiểu biết và cả nghệ thuật nữa trong việc giữ gìn và bảo vệ tình yêu.

Vấn đề ăn mặc là chuyện không thể xem thường trong cuộc sống vợ chồng. Có nhiều bạn trẻ đã quan niệm một cách sai lầm rằng: chỉ cần giữ lễ đối với người ngoài, còn đối với trong nhà, nhất là giữa vợ chồng thì cần gì trang sức, phục sức màu mè. Hình ảnh những ông chồng với độc cái quần đùi, râu ria không cạo trong nhà hay một người vợ đầu cổ rối bù, ăn mặc xốc xếch, mặt mũi xấu xí chẳng chút điểm trang quả là chẳng đẹp tí nào. Chúng ta không thể hiểu rằng sự thân mật giữa vợ chồng có nghĩa là tự do, tha hồ “phô bày” cho nhau bất cứ mọi cái. Bạn há quên rồi cân ngạn ngữ: chỉ có người yêu đẹp nhất trong mắt của người yêu.

Để hai đối tượng hướng về nhau và đến với nhau, đầu tiên phải chăng chính những hình ảnh đẹp và ấn tượng đẹp của đối tượng đã thu hút bạn và cái ấn tượng này là cái mà các đôi bạn trẻ cần phải luôn củng cố và giữ gìn nếu muốn luôn nuôi dưỡng được tình yêu trong hôn nhân.

Tại sao mỗi chúng ta, đứng trước mặt người lạ, người ngoài không bao giờ dám ăn mặc lôi thôi hay cẩu thả? Phải chăng tất cả chúng ta đều ý thức được rằng đó là sự vô lễ, thiếu lịch sự? Đối với bạn bè (dù là bạn bè mới biết, mới quen) ta cũng tỏ ra vô cùng cung kính (thể hiện ở cách ăn mặc, lời nói) không dám sỗ sàng trong ăn mặc để tạo ấn tượng tốt và tình cảm đẹp với họ. Có thế ta mới tạo được mối giao tiếp tốt với bạn bè và rộng ra là với cộng đồng. Vậy tại sao với người bạn đời của ta, ta lại có thể “xem thường” họ đến thế? Đành rằng, không phải đối với người chí thân của mình, mình lại phải giữ nghi thức quá về bề ngoài như đối với khách, nhưng không nên thái quá mà thành ra vô lễ, thiếu tôn trọng.

Một người chồng không thể nào “cảm” được người vợ ăn mặc luộm thuộm, lôi thôi (dù là trong nhà riêng, phòng riêng), ngược lại người đàn bà cũng thế (khi chồng mình ăn mặc không gọn gàng, lịch sự). Sự săn sóc đến dung nhan cùng sự ăn mặc không những là một sự làm vui lòng nhau mà còn là một sự nhã nhặn, lễ độ, tỏ lòng thương yêu và tôn trọng đối tượng.

Tình yêu không dung chứa sự màu mè, giả dối nhưng nó luôn cần sự trau chuốt, ý nhị. Hãy quan tâm đến cách ăn mặc trong gia đình. Đó cũng là một yếu tố quan trọng để làm sinh động và bảo vệ được cuộc sống lứa đôi.

An Giang số 1128, ngày 18/5/1996, trang 6.

 

 

 

TIỀN BẠC VÀ VAI TRÒ QUYẾT ĐỊNH TRONG GIA ĐÌNH

Bích Vân

Khi bắt đầu quyết định gắn bó cuộc đời với nhau, dường như con người thường nghĩ đến cuộc sống hạnh phúc trong thời gian sắp tới hơn là nghĩ đến khó khăn sắp đương đầu. Nhiều vấn đề nảy sinh trong cuộc sống chung như cá tính, thói quen, quan niệm sống... trong đó vấn đề tiền bạc của đôi vợ chồng cũng đòi hỏi sự dàn xếp hợp lý.

Ngày xưa, việc kiếm tiền nuôi gia đình là trách nhiệm của người chồng. Người con gái khi lên xe hoa về nhà chồng tức là lúc họ phải đảm đương lo toan công việc nội trợ. Lúc đó mọi quyền quyết định trong gia đình đều thuộc về người chồng. Người vợ dù là người nắm giữ, quyết định đồng tiền chồng giao cũng chỉ là sự quyết định giả tạo. Bởi phần lớn việc người vợ quyết định cũng chỉ là chuyện tương cà mắm muối. Những chuyện lớn hơn, quan trọng hơn đã có đức lang quân “lo giùm”.

Còn ngày nay thì sao? Chuyện “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” đã không còn phù hợp với thời đại tiêu thụ như hiện nay, khi mà mọi thứ tiện nghi đều cần có tiền mới mua được. Ngày nay, nữ giới phần lớn không còn quẩn quanh bên bếp núc. Họ đã được tạo điều kiện để bước ra xã hội làm việc khẳng định mình. Hơn nữa, với đồng lương hiện tại thì nếu chỉ có một người đàn ông đi làm việc Nhà nước rõ ràng không đủ sức nuôi thêm một vợ hai con. Do vậy, đòi hỏi người phụ nữ cũng phải làm việc ngoài xã hội, cũng phải biết kiếm tiền chăm lo cuộc sống gia đình cùng với người chồng. Song, cũng từ đó cho thấy trách nhiệm trên vai người vợ quá nặng nề. Họ cũng phải làm việc như nam giới nhưng còn phải gánh thêm trách nhiệm làm vợ, làm mẹ. Buông công việc ở cơ quan ra (công việc mà nhiều khi cũng khá nặng nề) họ còn hàng lô hàng lốc công việc khác đang chờ đợi ở nhà. Người vợ còn phải biết quản lý tiền hợp lý để có thể chi tiêu đủ trong gia đình, bảo đảm cuộc sống lâu dài.

Đáng buồn là có một số người đàn ông lại lơi là trách nhiệm của mình, khi thấy đã có vợ tiếp tay trong công việc kiếm sống. Nhiều ông chồng hàng tháng đưa một ít tiền cho vợ rồi coi như hết trách nhiệm, không hề quan tâm đến việc chia sẻ với vợ. Một số người còn cho mình cái quyền được tiêu phí tiền bạc không hề tính toán vợ mình, con mình chưa bao giờ dám tiêu xài như thế. Mặt khác, trong thực tế hiện nay, còn có trường hợp chỉ có người vợ làm ra tiền. Người chồng vì lý do nào đó thất nghiệp, bị thương tật... phải ở nhà làm công việc nội trợ thay vợ. Trong hoàn cảnh đó, không ít ông cũng bị vợ “ngược đãi” tước đi rất nhiều cái quyền. Một số người đàn ông cảm thấy mình bị xúc phạm dẫn đến xung đột rồi đổ vỡ.

Ai là người quyết định trong gia đình? Người chồng hay người vợ. Tất nhiên là chúng ta phải khẳng định cả hai vợ chồng sẽ chung sức chung lòng quyết định. Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn mà. Tiền bạc rất quan trọng nhưng nó chưa là tất cả. Đối với một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Không thể vì chuyện người này kiếm ra tiền mà chi phối người kia. Ông bà ta xưa có dạy: “Của chồng công vợ”, ngày nay cũng có thể “của vợ công chồng”.

An Giang số 1129, ngày 22/5/1996, trang 6.

 

 

TÌNH TRẠNG LY HÔN

Bích Vân

Khi ký tên vào giấy kết hôn, có lẽ chẳng mấy ai nghĩ đến chuyện phải ly hôn sau này. Lúc đó, trước mắt của hầu hết các đôi vợ chồng toàn là những viễn cảnh tốt đẹp, không ai nghĩ đến khó khăn, phức tạp... của đời sống gia đình mà họ sắp trải qua. Và họ lại càng không nghĩ, sẽ có lúc cả hai đứng trước toà chỉ trích nhau hòng biện minh cho sự thất bại của mình trong cuộc hôn nhân.

Nhìn lại công tác giải quyết án xin ly hôn, có thể đúc kết những nguyên nhân chủ yếu nhất dẫn đến hôn nhân tan vỡ. Đó là việc kết hôn của các đương sự qua sớm và quá vội vã bước vào cuộc sống gia đình. Trong khi đó, họ chưa chuẩn bị đầy đủ những điều kiện, kinh nghiệm và vật chất cần có cho cuộc hôn nhân, thậm chí không ít trường hợp kết hôn khi kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào người khác. Do đó, khi gặp những khó khăn, phức tạp khá đa dạng của cuộc sống chung, họ đã không giải quyết được dẫn tới tình trạng khủng hoảng, mâu thuẫn tâm lý tình cảm đưa đến ly hôn.

Hôn nhân tan vỡ ngày nay còn do sự tác động của kinh tế thị trường, các quan niệm, tâm lý thực dụng nảy sinh trường hợp hôn nhân vì tiền hơn là vì tình yêu. Vì vậy kinh tế sa sút thì tất yếu tình cảm sẽ sứt mẻ, xung đột.

Các trường hợp ly hôn còn do thiếu tôn trọng nhau trong quan hệ vợ chồng. Tư tưởng gia trưởng, đánh đập ngược đãi hoặc sống buông thả, bê tha rượu chè vô trách nhiệm đã dẫn đến nhiều trường hợp phải ly hôn.

Trong các trường hợp này, phần lớn là do phía người chồng. Vì vậy, trong thời gian qua, các đơn xin ly hôn do vợ đứng nguyên đơn thường nhiều gấp đôi so với đơn chồng. Đơn cử trong những tháng đầu năm 1996, đơn vợ là 181, đơn chồng chỉ có 94. 

Hiện nay, trong cả nước nói chung và An Giang nói riêng thì cuộc sống gia đình còn có nhiều thế hệ chung sống. Do đó, mâu thuẫn giữa vợ chồng và những thành viên khác của phía gia đình chồng hoặc vợ, nhất là mâu thuẫn giữa nàng dâu với nhà chồng cũng dẫn tới không ít trường hợp “tan đàn xẻ nghé”. Ngoài ra, ly hôn còn do ảnh hưởng của lòng mê tín dị đoan, các quan niệm lạc hậu như: tuổi không hạp, xung khắc, hôn nhân hiện tại không bền vững bằng hôn nhân lần 2 hoặc lần 3...

Đặc biệt, qua các đơn về hôn nhân gia đình ở tỉnh ta cho thấy độ tuổi xin ly hôn từ 18 đến 30 tuổi chiếm đến 50,28%, và trên 50 tuổi xin ly hôn chiếm khoảng 5% (từ 1987 đến nay). Điều này cho thấy, người ta có thể ly hôn ở bất cứ độ tuổi nào. Vì vậy, việc xây dựng hạnh phúc gia đình là cả một quá trình dài từ trẻ cho đến già, và sự cố gắng của một người thì chưa đủ đòi hỏi nỗ lực xây dựng hợp tác của cả hai vợ chồng. Đồng thời, hôn nhân muốn hạnh phúc và vững bền, đòi hỏi mỗi người phải biết quên cái “tôi” của bản thân đừng để những chuyện đau lòng xảy ra.

An Giang số 1237, ngày 19/6/1996, trang 5.

 

 

 

NGHĨ VỀ BỐN CHỮ “CÔNG, DUNG, NGÔN, HẠNH”

B.V.

Mỗi một thời đại đều đề ra một chuẩn mực về vẻ đẹp lý tưởng của người phụ nữ. Ngày xưa, từ thuở còn chế độ phong kiến, người phụ nữ được xem là đẹp phải đạt tiêu chuẩn mà nó được đúc kết ngắn gọn trong bốn chữ “công, dung, ngôn, hạnh”. Ngày nay, khi xã hội đã phát triển, con người trở nên hiện đại hơn thì cái chuẩn mực “công, dung, ngôn, hạnh” của người phụ nữ có lỗi thời không?

Đi vào phân tích, chúng ta thấy “công” theo quan niệm ngày xưa tức là tài khéo léo, đảm đang, biết quán xuyến công việc nội trợ trong gia đình. Cụ thể được thể hiện ở công việc may vá thêu thùa, nấu nướng, chăm lo nhà cửa tươm tất. Các yếu tố nữ công gia chánh này rất được xem trọng vì nó là yếu tố làm nên hạnh phúc gia đình, tạo điều kiện để gia đình êm ấm cho chồng tiến thân lập nghiệp.

Còn về chữ “dung” - tức là nói đến nhan sắc của người phụ nữ. Đó là sự hài hoà của một chính thể.

“Cổ tay em trắng như ngà

Con mắt em liếc như là dao cau

Miệng cười như thể hoa ngâu

Cái khăn đọi đầu như thể hoa sen”.

Nhan sắc không thể hiện diện trên gương mặt mà còn thể hiện trên thân hình. Và, qua cái đẹp đường nét người xưa còn đánh giá được cái đẹp của sự đức hạnh:

“Những người thắt đáy lưng ong

Vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con”.

Nhan sắc của người phụ nữ bên cạnh cái yếu tố trời cho lại còn phải biết kết hợp với việc ăn mặc, trang phục phù hợp với từng thời kỳ:

..."Năm thương cổ yếm đeo bùa

Sáu thương nón thượng quai thao dịu dàng”...

Người con gái được xem là đẹp không chỉ giỏi nữ công gia chánh, có sắc đẹp mà còn phải có giáo dục được thể hiện qua lời ăn tiếng nói. Đó là biểu hiện cho chữ “ngôn”. Lời nói phải dịu dàng lễ độ, nó biểu hiện cho khí chất, nhân cách của người phụ nữ:

“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang

Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”.

Bên cạnh các tiêu chuẩn “công, dung, ngôn” thì cái đẹp của người phụ nữ ngày xưa không thể thiếu yếu tố “hạnh”. Đó chính là đạo đức của người phụ nữ. Muốn được xem là đẹp thì bản thân họ phải là con ngoan, dâu hiền, phải biết trung thực, nhân hậu, kính trên nhường dưới... Song song đó, cái đẹp của người con gái còn là sự trong trắng, bởi vậy cổ nhân mới có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Nếu phải chọn giữa nhan sắc và đức hạnh thì người phương Đông sẽ chọn đức hạnh vì đó là nhân tố cốt lõi của người phụ nữ.

Rõ ràng, bốn chữ “công, dung, ngôn, hạnh” biểu thị sự tổng hoà giữa cái đẹp bên ngoài và cái đẹp của phẩm chất bên trong. Người phụ nữ được xem là đẹp không chỉ có nhan sắc mà phải giỏi việc nhà, có phẩm hạnh tốt. Cho nên mới nói, đến nay, cái chuẩn mực về vẻ đẹp “công, dung, ngôn, hạnh” vẫn chưa lỗi thời, cần phải gạn lọc để kế thừa những tinh hoa văn hoá tốt đẹp.

An Giang số 1238, ngày 22/6/1996, trang 6.

 

 

 

CỬA ẢI ĐẦU TIÊN

Bích Vân

Tỏ tình là một câu nói cần thiết trong tình yêu. Nó đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ nam nữ. Bất cứ cô gái nào cũng đều thích được nghe lời tỏ tình chính từ người mình yêu. Tuy nhiên, lời tỏ tình đôi khi lại khó thốt ra. Có một số người vì không vượt qua được ngưỡng cửa “khó nói” này nên...

Trong cuộc đời con người, mối tình đầu là mối tình đẹp nhất, khó quên nhất. Cũng như thế, lời tỏ tình đầu đời cũng không dễ dàng chút nào. Lúc đó, họ chưa có kinh nghiệm. Hơn nữa, theo họ lời tỏ tình này mang một ý nghĩa khá thiêng liêng: lần đầu tiên họ lên tiếng yêu thương một người “dưng khác họ” nào đó và mong muốn được đáp lại tình yêu. Do đó lời tỏ tình lần đầu bao giờ cũng khó khăn. Trong khi đó, những tình yêu không nghiêm túc thì lời tỏ tình được thốt ra dễ dàng. Nó đã làm cho nhiều cô gái tưởng đâu mình được yêu, được thương nhưng rồi sau đó dằn vặt đau khổ vì biết rằng anh ta đã nhiều lần thoải mái nói lời tỏ tình. Như thế mới thấy rằng lời tỏ tình vô cùng quan trọng, nó làm cho người ta sung sướng, có khi đau khổ và tham gia quyết định vào hạnh phúc của con người.

Để có được một kinh nghiệm, một sự từng trải trong cuộc đời, con người nhiều khi phải trả bằng một giá rất đắt. Thế nhưng, khi có được kinh nghiệm về bài học tỏ tình sau đó ta cũng chẳng biết để làm gì nữa. Bởi vì cơ hội “ngàn năm có một” đã bị ta bỏ lỡ và vô tình đánh mất một nửa của chính mình. Trên thực tế, không ít đôi lứa yêu nhau nhưng lại không dám mở lời. Người đàn ông không mạnh dạn nói, còn người phụ nữ lại ngần ngại vì sợ mang tiếng chủ động. Nhiều lần họ đã quyết tâm sẽ nói với người ấy, nhưng khi gặp mặt cái quyết tâm ấy lại biến mất. Họ chọn khung cảnh hữu tình trăng thanh gió mát để dễ bề mở lời nhưng không hiểu sao lúc đó họ toàn nói những câu vu vơ vụng về. Để rồi sau đó ngậm ngùi xót xa. Điều này đã được nhà thơ Lecmantôp (Nga) miêu tả rõ nét:

Họ yêu nhau nhưng không một kẻ.

Dám công khai nhận lấy điều này

Họ yêu nhau say đắm tự lâu rồi

Từng khát khao, từng nhớ nhung khắc khoải.

Nhưng như kẻ thù, họ cứ xa nhau mãi

Lời đổi trao cứ nhạt nhẽo vu vơ

Rồi họ cha tay nhau, kiêu hãnh thẩn thơ...

Yêu nhau tha thiết nhưng lại không dám thổ lộ. Phải chăng họ là người nhút nhát, yếu mềm. Xin thưa, trong số đó có người là người rất tự tin trong cuộc sống, có người đã thành đạt, am hiểu kiến thức... Nhưng tình yêu lại là một lĩnh vực tình cảm khác lạ, nó có thể làm người ta thay đổi tâm tình.

Nói như thế không có nghĩa là ai cũng gặp khó khăn, ngại ngùng khi nói lên lời tỏ tình. Có một số người vẫn tự tin đến với tình yêu của mình và đã được đáp lại chân thành. Song lời tỏ tình luôn là cửa ải đầu tiên mà mỗi người khi bắt đầu yêu đều tìm cách... leo qua.

An Giang số 1252, ngày 10/8/1996, trang 6.

 

 

Khi đối mặt, người phụ nữ nói to với người đàn ông mà nàng dửng dưng, nói khẽ khàng với người đàn ông mà nàng bắt đầu yêu và giữ im lặng với người mà nàng yêu. ( Rochebrume)

Người đàn bà được tạo ra từ một cái xương sườn của Adam, nơi gần cánh tay để được che chở và gần trái tim để được yêu thương. (M. Henry)

-----------------------------------------------

Tiếp theo…