Đường Dâng Hiến

 

Nhân Ái

 

(Viết cho các bạn trẻ đã và đang phân vân, ngập ngừng hay bối rối trong quyết định dấn thân phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Đặc biệt riêng tặng nhóm "Tìm Hiểu Ơn Gọi" tại Brisbane như một chia sẻ đơn sơ, chân thành)

 

Dẫn nhập

 

Thời xưa ơn gọi thường được hiểu một cách hạn hẹp là đi tu làm linh mục hay, bà sơ dì phước; nhưng ngày nay, đặc biệt sau công đồng Vatican II, ơn gọi được hiểu cách rộng rãi hơn, bao gồm nhiều hoàn cảnh, nếp sống và dấn thân trong cương vị, vai trò của mình. Người thì ở độc thân làm nhà truyền giáo phương xa, kẻ thì lập gia đình sinh con đẻ cái. Người làm giáo chức, kẻ làm thương gia. Có ngưòi vui đời quân ngũ, có kẻ vui thú điền viên. Nhưng cũng có người dấn thân phụng sự Thiên Chúa và tha nhân trong đời sống tu trì. Tất cả đều là ơn gọi và đều sống ơn gọi của riêng mình. Điều làm cho ơn gọi của mình sáng lên và thêm ý nghĩa là sống ơn gọi của mình cánh trọn vẹn.

Trong giới hạn nhỏ bé của bài chia sẻ này, người viết muốn bàn riêng về ơn gọi tu trì, và đề cập đến một vài khiá cạnh nhỏ trong tiến trình tìm hiểu về cuộc đời dâng hiến dưới những tiểu mục như "Ai được mời gọi", "Chọn lựa nào cũng có hy sinh", "Aỏ tưởng trong đời tu" và "Vui buồn đời dâng hiến". Hy vọng những chia sẻ mộc mạc nhưng chân thành này giúp giải đáp được phần nào những thao thức, suy tư của các bạn trẻ trong việc tìm kiếm và lựa chọn một hướng đi thật ý nghiã cho đời mình.

 

Ai được mời gọi ?

 

Mọi người bất luận ở lưá tuổi nào hoặc giai cấp gì đều được mời gọi để rao giảng Tin Mừng và xây dựng nước Chúa. Nhưng mỗi người tùy theo cá tính, tài năng, sở thích và ơn Chúa ban cho, được kêu mời để phục vụ Chúa và tha nhân trong nhiều sứ mệnh và môi trường khác nhau. Vì thế đời tận hiến cũng có nhiều cách. Có người bản tính trầm lặng, sống nhiều về nội tâm, thích yên tĩnh lại thích hợp với nếp sống chiêm niệm của các dòng nữ như Ca mê lô (Camelite), Chúa Cứu Thế (Redemptoristine) hay dòng nam như Biển Đức (Benedictine), Xitô (Cistercian). Người khác lại ưa thích lối sống triều phóng khoáng, năng động, ồn ào, sôi nổi. Họ thích chăm sóc các xứ đạo để được cận kề, giúp đỡ và chia sẻ buồn vui với giáo dân mỗi ngày.

Để phục vụ Chúa và giáo hội, cần nhiều sứ mệnh và hình thái khác nhau như chúng ta thấy trong Thánh Kinh. Thiên Chúa đã gọi rất nhiều người, từ Abraham để làm tổ phụ dân Israel; Môi sen để giải thoát dân Ngài khỏi kiếp lưu đày bên Ai cập; Giê rê mi a làm tiên tri cho các chi tộc Israel, rồi Gia cóp, Sa mu en, vân vân. Trong Tân Ước, Chúa đã gọi Phê Rô, Gia cô bê, Phi líp phê, Gio an từ những ngư phủ tầm thường, đơn sơ và đặt làm tông đồ rao giảng về nước Chúa. Phao lô, kẻ vô thần bắt đạo gay gắt nhất được ơn gọi trở lại làm tông đồ nhiệt thành và là tác gỉa của những bức thư mục vụ hàm chứa những tư tưởng thần học và luân lý cao siêu như thư gởi cho gíao đoàn Rô ma, Cô rin tô, Ga la ta, Ê phê sô, Phi líp phê, Thes sa lô ni ca, vân vân. Một Phê rô bất tài vô tướng, nóng nảy, bất trung, dốt nát, thế mà Đức Giê Su đặt Phê rô làm đầu hội thánh. Những điều ấy chẳng phải là huyền nhiệm về ơn gọi làm tông đồ sao?

Tóm lại, Chúa kêu mời tất cả mọi người. Điều quan trọng là chúng ta có nhận ra tiếng Ngài và có sẵn sàng đáp trả hay không. Ơn gọi là một giao kết hỗ tương bất thành văn giữa ta và Thiên Chúa, một quyết định và chọn lựa song phương - Chúa chọn ta và ta chọn Chúa. Nói cách thực tế hơn, Chúa mời gọi, ta đáp trả. Thiếu một trong hai vế, ơn gọi sẽ không vững bền.

Đức giáo hoàng Gio an Phao lô II trong lần nói chuyện với giới trẻ tại Colorado Hoa kỳ năm 1993, ngài kêu mời giới trẻ hãy lắng nghe tiếng Chúa. Ngài tâm tình như sau: "Cha mời gọi các bạn hãy lắng nghe tiếng Chúa nói trong tâm hồn, bởi vì mỗi người đều được kêu gọi để hiệp thông với Chúa; đó chính là lý do ngài dựng nên chúng ta, để tìm biết Ngài, Yêu mến và phục vụ Người. Và khi làm như vậy là bạn đã tìm được bí quyết vui vẻ, lạc quan muôn đời". Thật giản dị thay bí quyết lạc quan - nhiệm mầu thay con đường dâng hiến!

 

Chọn lựa nào cũng có hy sinh

 

"Tôi phải làm gì cho quãng đời còn lại?" Ai mà không tự hỏi một câu tương tự khi đứng trước ngả rẽ cuộc đời! Đến một lúc nào đó rồi chúng ta cũng phải quyết định cho mình một hướng đi trong đời. Trước khi quyết định, ta phải chọn lựa lý tưởng thích hợp. Đây chính là lúc bối rối, phân vân, ngập ngừng. Ai lớn lên mà chẳng trải qua kinh nghiệm này. Khi đứng trước ngả rẽ cuộc đời mới thấy việc chọn lựa một hướng đi cho tương lai mình là điều thiên nan vạn nan. Sở dĩ khó chọn là vì xã hội ngày nay mở ra rất nhiều lối cho tương lai chúng ta. Bạn có thể là diễn viên điện ảnh, cô hay thầy giáo, nhà thiết kế thời trang, y tá, nha sĩ, luật sư, nhân viên ngân hàng, bưu điện, thư ký, công chức, vân vân. Vì chúng ta được tự do chọn lựa hướng đi cho mình, nên càng bối rối và sợ hãi hơn khi nhận ra rằng chúng ta phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định của chính mình. Điều làm cho sự chọn lựa hướng đi trở nên khó khăn là: nếu ta chọn điều này thì thường phải hy sinh điều kia. Thí dụ muốn học luật sư thì không thể học y tá cùng một lúc; hoặc chọn đời sống gia đình thì không thể đi tu hay ngược lại. Nói chung, lựa chọn nào cũng mất mát và hạnh phúc nào cũng phải trả gía bằng đắng cay. Âu cũng là định luật của cuộc đời. Tuy nhiên, sự mất mát ít hay nhiều còn tùy thuộc vào sự chọn lựa khôn ngoan, thận trọng của chúng ta.

Làm gì chẳng có những chàng hay nàng ngậm ngùi rơi lệ, âm thầm đau khổ khi nghe tin bạn đi tu! Làm gì mà bạn chẳng nhận được những lá thư "tuyệt mạng" than vắn thở dài, than thân trách phận, giằng co níu kéo, năn nỉ ỉ ôi!? Nào là "Kiếp này chúng ta vô duyên, thì thôi đành hẹn lại kiếp sau", hay trách móc, ai oán hơn "Em/ anh đi qua đời anh / em không nhớ gì sao em/ anh"? Là con người, rơi vào những hoàn cảnh "bỏ thì thương vương thì tội" tương tự, ai mà không mủi lòng, thương cảm, xót xa!? Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ để cho nội tâm xâu xé , giằng co, giày vò... thì biết đến bao gìơ ta mới thoát khỏi "mê hồn trận" của tình trường? Chẳng lẽ ta cứ để tình trạng này kéo dài mãi, chỉ làm đau lòng nhau thôi. Đã thế khi nhìn lại mình thì "đời đã xanh rêu"!

Chắc chắn bạn và tôi, chúng ta không thể để mặc cho dòng đời cuốn trôi, phó thác cho vận số. Rồi cũng đến lúc chúng ta phải vùng dậy, hùng dũng, tự tin để quyết định, để chọn lựa lý tưởng cho đời mình. Tuy nhiên, điều làm cho sự chọn lựa thêm phần khó khăn là ta không thể tiên đoán được kết qủa chắc chắn điều đã chọn lựa. Liệu ta có thể trở thành cô y tá sau ba, bốn năm học không? Hay học xong bằng luật rồi, có xin được việc làm chăng? Có chắc là ta đi tu sẽ "đắc đạo" không? Hay "nửa đường đứt ... gánh"? Không ai biết chắc chắn được việc tương lai. Vì thế, nói theo một nghĩa nào đó thì tất cả mọi chọn lựa hay quyết định của chúng ta đều mang ít nhiều yếu tố "rủi may". Là thân phận con người, tất nhiên phải chấp nhận thực tế này. Nếu ta cứ sợ "rủi" mà không quyết định gì cả, cứ mãi do dự, ngập ngừng, phân vân, thì chúng ta cũng giống như chiếc xe đang ở trên xa lộ, cứ chạy hoài mà không muốn rẽ ra. Nhưng ngay cả xa lộ rồi cũng đến chỗ phải rẽ, cuối đường. Không có xa lộ nào hun hút, vô định. Cuối cùng rồi ta cũng phải chấp nhận rẽ vào lối nào đó trong đời mình. Chúng ta không thể chạy mãi được, trừ khi ta muốn buông trôi đời mình.

Chọn lựa của ta phải được tự do và độc lập, không bị bạn bè lung lạc, không bị áp lực gia đình, không bị xã hội ảnh hưởng. Dĩ nhiên để đi đến một chọn lựa độc lập như thế cần có nghị lực, can đảm và nhiều thời giờ suy tư, cân nhắc, cầu nguyện, linh hướng.

Hết thảy chúng ta được mời gọi để trở nên hoàn thiện, để yêu thương, để hy sinh, hiến thân, để xem Giê Su là tâm điểm của đời sống, và đặt những gía trị của Ngài trước hết và trên hết mọi sự. Điều cần là chúng ta phải quyết định sau khi đã cân nhắc kỹ càng. Cho dù chọn lựa ấy sau này ta mới biết là sai lầm. Chả hề chi, Chúa không sửa phạt chúng ta đâu, miễn là ta tin tưởng, phó thác và chân thành trong điều đã chọn.

 

Ảo tưởng trong đời tu

 

Tu hành ngày nay không còn được hiểu như phải chôn mình trong bốn bức tường, hay như một nữ tu nào đó tuyên bố cách tiêu cực là "người tù chung thân của Đức Kitô". Bên trời Tây này chủng viện cũng như dòng tu dành rất nhiều sự dễ dãi, tự do cho các tu sinh. Bề trên hay giám đốc đối xử với tu sinh rất thân mật, cởi mở, chân thành. Tu sinh được xem như một người trưởng thành và bình đẳng trên phương diện nhân bản và nhân vị. Phần đông sinh hoạt, ăn uống và làm việc chung với nhau.

Tu sĩ ngày nay không còn được xem là thành phần trí thức duy nhất, hiểu biết "thông thiên đạt địa" nữa. Trình độ dân trí thời nay rất cao. Họ cũng học thần học, triết học, mục vụ, giáo luật, tu đức, luân lý như một tu sĩ. Không những chỉ học mà thôi, mà còn rất nhiều vị là thần học gia hay học gỉa Thánh Kinh lẫy lừng.

Nếu có người xem đời tu sĩ, linh mục là một vinh dự, hào quang, đi đâu cũng được người đời tôn kính, sùng bái, thán phục, trọng vọng, nể vì ... thì hãy coi chừng! Ở Tây phương, linh mục, tu sĩ chả là cái gì cả, cũng chẳng hề được ân huệ gì, mà không chừng còn là đối tượng cho người khác dè bỉu, đố kỵ, chà đạp; thậm chí còn mang cả lên truyền hình, báo chí mà công kích, thóa mạ. Tu sĩ ngày nay chỉ còn biết tìm nguồn an ủi qua lời Chúa: "Vì danh ta các con sẽ bị khinh chê" (Mk 13:13), hoặc "Vì môn đệ không trọng hơn chủ. Nếu thế gian chối bỏ thầy, họ cũng sẽ chối bỏ các con" (Jn 15:20). Nếu bạn giới thiệu với người bản xứ rằng: người này là linh mục, kẻ nọ là dì phước với vẻ mặt trịnh trọng, thán phục, phần lớn họ sẽ nhún vai bình thản buông hai chữ gọn l"n "So what? ra điều bất cần hay xem thường.

Có nhiều người mang ảo tưởng cứ đi tu là sẽ nhập "c"i phúc" ngay; còn tình là "giây oan" nên trốn đời, trốn người, thất nghiệp, thất tình đều chạy đến tìm an ủi hay giải đáp nơi chốn "thiền môn". Đường dâng hiến không phải vậy. Tận hiến là tự do và thực lòng yêu mến và thiết tha phục vụ Thiên Chúa qua con người chứ không phải chạy trốn những thực tại bi đát, não lòng ... Có niềm vui và an bình thực sự mới mong phục vụ tích cực và đắc lực cho giáo hội và xã hội. Mượn bình phong tu hành để giết thời gian hay mưu cầu ích lợi riêng tư là tự dối lòng mình và lừa gạt cả Thiên Chúa. Làm sao đem tin tưởng vào chốn nghi nan khi lòng ta còn tràn ngập hoài nghi, ngờ vực. Đem trông cậy vào nơi thất vọng thế nào được lúc lòng ta còn chất chứa đầy tuyệt vọng, não nề. Đem ủi an đến chốn u sầu sao được khi chính lòng ta muộn phiền dâng chất ngất. Nói một cách cụ thể là chỉ khi nào trí ta tĩnh, tâm ta định thì mới mong trở nên "khí cụ bình an" của Chúa.

Lại có nhiều cha mẹ dâng con cho Chúa vì nghĩ rằng nó khó dạy, rắn mắt nên nhờ "nhà Chúa" cảm hóa dùm. Biết đâu mai này "ông trời đi vắng" sẽ thành linh mục hay dì phước, làm vẻ vang dòng tộc, như thể "một người làm quan cả họ được nhờ" (sic!). Anh em trai được gọi là "quan bác, quan chú" , nữ thì "quan cô" cơ mà! Tha hồ vênh váo, nghênh ngang. Thời ấy đã qua rồi. Hơn nữa, làm dì làm cha là để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (Mt 20:28). Mà làm người phục dịch, tôi tớ thì có gì để vêng vang, tự đắc?

Nếu ta nghĩ rằng linh mục tu sĩ ngày nay có thế lực, điạ vị, quyền uy; được hầu hạ hết mình, được "tiền hô hậu ủng", ho ra lửa mửa ra khói, thì nên xét lại. Ở xứ tự do này, chính mình phải tự tạo nên gía trị và danh dự cho riêng mình bằng chính nỗ lực và nhân cách của bản thân. Không ai có quyền hưởng nhờ danh dự mà người khác nhọc công tạo nên. Liêm sĩ của người tận hiến không cho phép làm như vậy.

Trong cái "rủi" thường có cái "may". Chính trong sự dửng dưng, bất cần tu sĩ của xã hội hôm nay đã làm cho họ trưởng thành và nhìn lại bản sắc và thái độ sống của chính mình. Xã hội càng dửng dưng đối với tu sĩ thì giá trị phục vụ dấn thân của họ càng sáng ngời; vì điều ấy phản ảnh lòng vị tha và xả thân phục vụ vô vị lợi của người dấn thân mà mã lợi danh không thể khuất phục hay làm cho họ chùn bước.

Ngày nay tuy ơn gọi tận hiến đang gặp khủng hoảng trầm trọng, nhưng không vì thế mà lý tưởng tận hiến phục vụ bị lu mờ. Vai trò và sứ mạng người tu sĩ trong xã hội hôm nay được đức giám mục John Quinn của giáo phận San Francisco nhấn mạnh như sau: "Không có một thời đại nào quan trọng cho tu sĩ như thời đại này, bởi vì họ phải đứng hiên ngang giữa xã hội đen tối, vô vọng; một thế giới vô trung tâm, và những người tu sĩ này sẽ phải xác quyết rằng mình có một trung tâm tinh thần thực sự".

 

Vui buồn đời dâng hiến

 

Cũng như muôn vàn ơn gọi khác, đường dâng hiến bao gồm hân hoan và thánh giá. May mắn thành công cũng lắm, nhưng gieo neo thất bại cũng nhiều. Lúc thì được an ủi vỗ về, khi thì cô đơn trống vắng. Michael Quoist đã có lần chân thành thốt lên: "Chỉ một mình con đây lủi thủi cô đơn giữa rừng người xôn xao nhộn nhịp; giữa sa mạc mênh mông, giữa quê người xứ lạ, giữa đêm đen gía lạnh cuộc đời". Bằng chỉ một câu ngắn gọn Bernados diễn tả thật sâu sắc thâm trầm nỗi cô đơn trống vắng ấy: "Con chết từng đêm để sống lại từng ngày". Tâm tình lạc lõng, cô đơn ấy không phải chỉ tìm thấy nơi những kẻ dấn thân phục vụ hôm nay, nhưng chính thầy Giê su đã tâm sự và tiên báo những thử thách, lạc l"ng trong đời tận hiến qua lời thở than: "Con chim có tổ, con chồn có hang, còn con người không có chỗ gối đầu" (Lk 9:58). Ngoài những cô đơn, xa lạ, lẻ loi, lạc lõng giữa dòng đời, người tu sinh còn phải đối đầu với những thách đố, hiểu lầm, ngộ nhận, cám dỗ, hy sinh. Nào là chương trình đào tạo kéo dài như bất tận; thiếu thốn phương tiện đi lại, làm việc, xa gia đình, trở ngại ngôn ngữ, văn hóa dị biệt. Nào là gánh nặng học hành, hội họp, mục vụ, tĩnh tâm, phụng vụ, công tác, kinh kệ. Mỗi việc là một cái "chết" nho nhỏ cộng vào cái "chết" lớn là lạc l"ng cô đơn. Ấy là chưa kể đến đời sống chung. Ở đời cái gì "chung" thì dễ "đụng". Nếu chúng ta sống theo kiểu Á Đông, cứ nhẫn nhục, chịu khó "né" hoài để khỏi "đụng", thì rồi một ngày nào đó khi "chịu khó" hết nổi, sẽ sinh ra "khó chịu". Thật là tiến thối lưỡng nan!

Tuy nhiên, ở đời luôn có luật bù trừ. Có buồn thì cũng có vui. Có lúc cô đơn tủi phận, thì cũng có lúc được an ủi vỗ về. Phận số ta nằm trong sự an bài của Thiên Chúa. Ngài đã chọn ai thì ban thêm ơn cho người ấy. Ngài nâng đỡ, tăng sức, bù đắp để họ xứng đáng và có đủ can đảm để đi trọn con đường dâng hiến. Chúa phán cùng Phao Lô rằng: "Ơn của ta đủ cho ngươi và sức mạnh ta được bày tỏ trong sự yếu đưối của ngươi" (2Cor 12: 9) Lẽ nào ta hoài nghi lời Ngài. Có những lúc tinh thần ta xuống thật thấp, nhưng cũng có khi lên thật cao. Lúc thì thăng trầm trôi nổi, khi thì an nhiên tự tại, hạnh phúc an bình.

Lời trăn trối cuối cùng của dì Euthymia với các chị em cùng dòng thực là thắm thiết chí tình, diễn đạt được toàn thể triết lý và lý tưởng của đời hiến dâng, dì thều thào: "Tôi phụng sự Thiên Chúa và mọi người, lương bổng tôi chỉ là sự bình an". Những ai hiến thân phục vụ tha nhân trong ơn gọi tru trì sẽ cảm thấy thấm thía khi đọc lời trăn trối ấy. Phải chăng chị Euthymia đã cảm nhận và thấm nhuần tinh thần phục vụ siêu phàm của thánh Phan Xi Cô khó khăn: là xin cho được ơn an bình.

Cho dù tu sinh phải đương đầu với nhiều cái "chết", nhưng khuất phục được chúng rồi mới thấy quý. Khi ấy trí ta tĩnh, tâm ta định. Ta tìm thấy bình an. Thứ bình an thật sự mà Đức Giê Su sau khi sống lại đã yêu thương cầu chúc cho môn đệ Ngài (Jn 20:19). Tìm thấy và chiếm hữu thứ bình an này chẳng phải là hành trang, là chất liệu thiết yếu và là phần thưởng cao quý nhất cho cuộc đời dâng hiến sao?

 

Kết luận

 

Tất cả chúng ta đều được mời gọi để phục vụ và mở rộng nước Chúa nơi trần thế. Đừng sợ thiếu khả năng, kém tài đức. Điều cần là thái độ chân thành đáp trả tiếng gọi của Ngài với tất cả thiện chí và thiện ý. Vì khi thực sự dấn thân theo Chúa, chúng ta chỉ còn như cái xác không để Ngài thổi đầy sức sống thần linh của Ngài vào. Thánh Phao Lô đã cảm nhận được điều này sau khi được Chúa kêu gọi, nên đã thốt lên: "Từ nay tôi không còn sống nữa nhưng chính Chúa Ki tô sống trong tôi" (Gal 2:20)

Theo quan điểm thần học thì phục vụ thực sự là chết đi cho ý riêng, tâm tư, ước vọng của mình để qua đó quyền năng và thánh ý Thiên chúa được thể hiện. Nhìn theo nhãn giới tu đức học thì tận hiến phục vụ là tập "chết đi từng đêm để được sống lại từng ngày".

Người tận hiến phục vụ tìm thấy kim chỉ nam cho đời mình qua tinh thần của Kinh Hòa Bình. Và đường tu đức cao siêu nhất của thánh Phan Xi Cô khó khăn được biểu lộ qua triết lý sống của ngài: đó là khi dâng hiến chính là lúc được lãnh nhận; lúc quên mình là khi được sở hữu chính mình, và khi chết chính là khi được sống viên mãn. trước thánh Phan Xi Cô, Đức Giê Su đã xác quyết điều ấy: "Ai hy sinh mạng sống vì ta và vì phúc âm sẽ cứu được thân mình" (Mk 8:35).

Cầu xin Thiên Chúa soi sáng, hướng dẫn để chúng ta biết chọn lựa ơn gọi cho mình cách khôn ngoan và thích hợp. Cùng xin Ngài ban cho ơn can đảm và dứt khoát để ta không còn phân vân, ngập ngừng trong quyết định bây giờ và tương lai.

 

 

Brisbane. Mùa Chay 1998

Nhân Ái